An Giang: Nỗ lực cải thiện chỉ số PCI
Vì vậy, trong năm 2023, An Giang quyết tâm cải thiện chỉ số PCI theo hướng toàn hệ thống chính trị nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ; tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh, triển khai dự án, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước phát biểu tại hội nghị. Ảnh Trọng Triết
Kết quả chưa như kỳ vọng
Năm 2022, PCI tỉnh An Giang đạt 62,37 điểm, giảm 4,11 điểm, xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố cả nước. So với các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, An Giang đứng thứ 10/13, xếp trên Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu. So 63 tỉnh, thành phố cả nước, trong 10 chỉ số thành phần PCI An Giang năm 2022 có 4 chỉ số vừa tăng điểm, vừa tăng hạng, gồm: Chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng; còn lại 6 chỉ số giảm điểm, giảm hạng.
Phân tích, đánh giá chuyên sâu kết quả các chỉ số, để đề xuất, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Hiện tượng thay đổi điểm tăng/giảm và xếp hạng xảy ra ở hầu như tất cả các tỉnh/thành phố, việc tăng/giảm điểm có nhiều nguyên nhân do khách quan hay chủ quan. Một trong những nguyên nhân là do tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến các trung tâm kinh tế lớn. Nhưng mặt khác cũng phản ánh An Giang vẫn chưa tương xứng với vị trí là địa phương trung tâm của vùng ÐBSCL về dịch vụ thương mại, lúa gạo và thủy sản… Do vậy, việc đưa ra các giải pháp khả thi, biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả nhằm cải thiện điểm số PCI trong năm 2023 và các năm tiếp theo là rất cần thiết, cấp bách. Ðặc biệt trong đó chú trọng giải pháp nhằm cải thiện điểm số của các chỉ số thành phần có điểm giảm như tiếp cận đất đai, tính minh bạch, tính năng động, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp…
Cấp bách tìm giải pháp
Thời gian qua, An Giang đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện chỉ số PCI, tuy nhiên để giữ vững điểm số và thứ hạng một cách bền vững thì cần có những giải pháp lâu dài với những nhiệm vụ, những mô hình thiết thực gắn liền với quá trình thực thi nhiệm vụ, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị, các sở, ban, ngành và địa phương của tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đồng thời, tổng rà soát, phân tích kỹ những chỉ số thành phần bị giảm điểm, giảm hạng liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị để có kế hoạch, giải pháp phù hợp cải thiện vững chắc, nâng cao chất lượng các chỉ số thành phần.
Cần tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp và các nhà đầu tư trên địa bàn để tìm hiểu những vướng mắc, khó khăn; tích cực nghiên cứu giải pháp hoặc tham mưu cấp thẩm quyền giải quyết nhanh nhóng, có hiệu quả các vấn đề phát sinh của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cơ sở; người thực thi công vụ phải chuyển từ tư duy “quản lý” sang “phục vụ, chăm sóc nhà đầu tư”.
Chế biến cá tra xuất khẩu ở nhà máy Nam Việt. Ảnh Trọng Triết
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai và tăng cường tính minh bạch trong cung cấp thông tin liên quan đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thông qua việc cải thiện chất lượng Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố…
Đáng chú ý, nhóm giải pháp trước mắt gồm: rà soát chỉ số thành phần giảm điểm, có thứ hạng thấp để có biện pháp cải thiện; giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, địa phương, nhất là cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chính trong việc thực hiện các chỉ số thành phần, thứ hạng thấp hoặc giảm điểm… Về giải pháp căn cơ, cần hoàn thiện các chính sách trên từng lĩnh vực thuộc thẩm quyền của tỉnh, nhất là lĩnh vực liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư; nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ công chức, người đứng đầu các cấp trong tham mưu, giải quyết công việc; năng động, tiên phong trong thực hiện vai trò đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp; xây dựng chính quyền điện tử; đổi mới chất lượng đối thoại chính quyền và doanh nghiệp./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.