Anh nông dân khuyết tật trồng cây, chăn nuôi trên đất đỏ bazan thành tỷ phú
Anh Nguyễn Trọng Duy (xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, Đăk Nông) mới đây đã nhận danh hiệu Nông dân xuất sắc Việt Nam, được tổ chức tại Hà Nội. Anh Duy cho biết, bản thân bị khuyết tật chân từ nhỏ, hay gầy gò và ôm yếu. Năm 1988, 3 mẹ con anh Duy khăn gói rời quê Hải Dương vào Đồng Nai làm ăn, đến năm 1990 lại lên Đăk Nông lập nghiệp. Mặc dù đôi chân bị khuyết tật, đi lại khó khăn nhưng anh Duy luôn cần mẫn, chịu thương chịu khó tăng gia sản xuất.
Lễ vinh danh "Nông dân xuất sắc năm 2021" (Ảnh: Dân Việt)
Tại đây, cứ tích cóp được đồng nào, anh Duy đều dành dụm để mua đất. Năm 2002, anh xây dựng gia đình, hai vợ chồng bảo nhau tu chí làm ăn. Bước đầu trông khoai lang, nhưng kết quả mang lại không như mong muốn, do thời điểm thu hoạch giá cả xuống thấp nên bị thua lỗ. Không chịu thua trước thất bại ban đầu, anh vay vốn ngân hàng chăn nuôi bò.
Chăn nuôi bò cũng chỉ thuận lợi được một thời gian ngắn thì dịch bệnh lở mồm long móng bùng phát tại địa phương, khiến đàn bò của anh mắc bệnh. Cùng thời điểm đó, vườn tiêu của anh bị chết, giá cả các loại nông sản xuống thấp, nên cuộc sống gia đình anh gặp muôn vàn khó khăn. Hụt vốn sản xuất, kinh tế gia đình tụt dốc, khiến anh Duy thất vọng đến cùng cực.
Anh Duy và vườn cây vú sữa của gia đình (Ảnh: Dân Việt)
Thông qua Hội Nông dân, anh Duy và các hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Đăk Nông tổ chức cho đi Đà Lạt và một số tỉnh khác nữa để học hỏi kinh nghiệm. Với những gì học được từ các chuyến đi và đúc kết sau những thất bại, anh Duy quyết định thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng mô hình kinh tế đa cây, đa con: chăn bò lai Sind, ngan, gà,… trồng hoa lay ơn lấy củ giống xuất bán cho Đà Lạt; trồng khoai, tiêu, cà phê…
Anh Duy chia sẻ: Mô hình sản xuất, đa cây, đa con đã tạo ra nhiều nguồn thu nhập khác nhau, giúp gia đình anh đứng vững được trong tình hình dịch bệnh Covid hay khi giá cả cà phê, tiêu xuống thấp. Tổng thu nhập bình quân của gia đình anh đạt khoảng 1 tỷ đồng/năm, trừ chi phí. Ngoài ra, gia đình anh còn giải quyết việc làm cho từ 10-15 lao động thời vụ và thường xuyên, với mức lương trung bình là 5 triệu đồng/người/tháng.
Từ những kiến thức, kinh nghiệm có được, anh Duy chia sẻ với hướng dẫn, giúp đỡ bà con, hội viên nông dân trên địa bàn về kiến thức trồng trọt, chăn nuôi. Anh còn hỗ trợ hàng trăm triệu đồng tiền vốn cho một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn vay để mua vật tư, phân bón phát triển kinh tế gia đình.
Năm 2019, gia đình anh Duy hiến 900m2 đất ngay trung tâm đầu cầu Suối Sập để xây dựng hội trường thôn 2, góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Với những thành quả đạt được thời gian qua, anh Duy đã nhận được nhiều Bằng khen của Hội Nông dân tỉnh, huyện. Năm 2021, anh Nguyễn Trọng Duy được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn trao Bằng khen Nông dân Việt Nam xuất sắc. Bên cạnh đó, mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh cũng đang được nhiều người dân địa phương học tập, áp dụng theo.
Hiện Nông dân Việt Nam xuất sắc Nguyễn Trọng Duy có trên 10ha đất và được quy hoạch khá bài bản thành từng khu vực sản xuất riêng biệt để phát triển cây trồng. Theo đó, khu vực 3.000m2 được anh Duy xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò, gà. Một khu khác rộng 1,5ha anh trồng cà phê. Anh cũng trồng 4ha trồng cây ăn quả như bơ, ha sầu riêng, vú sữa; 4,2ha luân canh trồng hoa lay ơn lấy củ, khoai lang, chanh leo… Việc kết hợp chăn nuôi thêm bò, gia cầm để vừa kinh doanh, vừa tận dụng nguồn phân bón cho cây trồng.
Đáng ngưỡng mộ không kém là ông Nguyễn Quốc Hùng (68 tuổi), tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. . Ông Nguyễn Quốc Hùng là một trong số ít nông dân của cả nước từng 2 lần được bình chọn và nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Năm 2021, ông Hùng được bình chọn và nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” với mô hình trồng bưởi da xanh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.