Ba câu chuyện không thể nào quên

2019-05-01 12:45:31 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Sự nghiệp trồng người là một nhiệm vụ thiêng liêng cao cả của các thầy, cô giáo”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc cho bom đạn và gian khó, hàng ngàn các thầy cô giáo ở miền Bắc đã vượt Trường Sơn để trực tiếp tham gia vào sự nghiệp giáo dục cách mạng ở miền Nam.
Chuyện “xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu” đúng vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cứ nối dài..., song trong số đó có 3 câu chuyện mà các học trò (chiến sĩ năm xưa) không thể nào quên.


Thiếu tướng Phạm Tiến Luật gặp mặt, tặng hoa cô Tạ Thị Vuông, vợ thầy giáo, liệt sĩ Bùi Văn Hùng trong ngày gặp mặt cựu học sinh Trường cấp 3 Bắc Kiến Xương, tại Hà Nội (9-3-2019). Ảnh: LUẬT PHẠM


Chuyện thứ nhất: Chuyện “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” của thầy trò Bảng - Thưởng

Theo như lời ông Đặng Đức Thưởng kể lại thì ông và thầy Lê Đăng Bảng tuy không cùng tuổi, cùng quê nhưng duyên nợ đã gắn bó với nhau ngay từ lúc ông còn là một cậu bé học Trường Lưu học xá Nam Ninh (Trung Quốc). Một lần nhà trường tổ chức hội Tom-bo-la (giống như hình thức hái hoa dân chủ vào dịp lễ tết) chàng lưu học sinh Đặng Đức Thưởng nhận được một gói quà có ghi tên người gửi là Lê Đăng Bảng. Dù chỉ là ngẫu nhiên nhưng cái tên đó cứ theo suốt tâm trí Thưởng cho đến khi xong khóa học ông trở về nước. Rồi một lần khi đang học trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Thưởng thật sự bất ngờ khi nghe thầy giáo mới về nước dạy môn Lý luận văn học tự giới thiệu tên mình là Lê Đăng Bảng. Lúc đó Thưởng mới biết mặt chủ nhân của món quà năm xưa là một thầy giáo dáng cao lớn, thư sinh quê ở tận Quảng Ngãi.

Sau đó, Thưởng kể lại câu chuyện món quà cho thầy nghe, từ đó tình cảm giữa trò và thầy càng gắn bó hơn. Là cán bộ đi học Thưởng chỉ kém thầy 2 tuổi nên ngồi gần nhau có người cứ lầm tưởng là đôi bạn thân, không biết ai là thầy ai là trò. Nói là giáo viên trẻ nhưng kiến thức của thầy Bảng không hề “trẻ” chút nào. Vốn con nhà nho, cha là một ông giáo làng nên thầy làm quen với chữ nghĩa thánh hiền từ hồi còn bé. Lớn lên cùng với số ít bạn bè khác, Bảng được gia đình cho vào học văn hóa tại trường Lê Khiết ngay tại quê. Năm 1954 Bảng theo các anh, các chú tập kết ra Bắc lúc vừa tròn 20 tuổi. Từng là giáo viên dạy giỏi môn tiếng Trung sau đó được cử học tiếp ở trường Đại học Thanh Hoa nổi tiếng ở Trung Quốc. Thầy Bảng có một “kho chữ” về đông tây kim cổ trong đầu. Học xong sư phạm, tôi về quê dạy học rồi từ đó thầy trò biệt tin nhau.


Di ảnh nhà giáo Lê Đăng Bảng 


Ông Thưởng kể tiếp: “Tháng 9-1965 tôi được lệnh điều động đi B cùng với nhiều anh em khác là giáo viên tại các trường cấp 3 và Trung cấp Sư phạm ở Hải Phòng. Theo dự kiến của tổ chức, lực lượng chúng tôi vào Nam để mở rộng mạng lưới giáo dục đại học tại vùng giải phóng. Mang ba lô lên đường tôi cũng chuẩn bị tinh thần để trở thành một người dạy chữ vùng chiến khu miền Đông hoặc miền Tây Nam bộ gì đó. Thế nhưng khi về đến Củ Chi tôi lại được tổ chức phân công về làm báo chứ không phải đi dạy học”.

Đến tòa soạn báo Ngọn cờ Gia Định để trình diện, tôi thật bất ngờ khi gặp người cán bộ phụ trách tòa soạn không phải ai khác mà chính là … thầy Lê Đăng Bảng. Trước đó tôi có biết tin chủ bút tờ báo là ông Hai Lý, cứ ngỡ là một nhà báo dân Nam bộ rặt, ai ngờ lại là thầy cũ của mình.

Sau khi thầy trò hàn huyên, tôi mới biết thầy được lệnh vào Nam trong đợt đi đầu tiên sau khi đế quốc Mỹ ra bắn phá miền Bắc năm 1964.

Được làm báo với thầy Bảng, tôi càng khâm phục ngòi bút viết xã luận của thầy với bút danh Hải Lý (mà anh em cứ gọi Hai Lý thành quen). Có lẽ từng dạy môn lý luận văn học nên văn của chủ bút Hải Lý rất sắc bén, logic, lập luận chặt chẽ, giàu chất chính luận. Thế nhưng sau Tết Mậu Thân chiến tranh càng thêm ác liệt, tờ báo Ngọn cờ Gia Định phải đình bản, cả hai thầy trò mỗi người đi một ngả từ đó bặt tin nhau. “Năm 1969 thầy Lê Đăng Bảng cùng với 4 đồng chí khác được lệnh trở về phụ trách Ban Văn nghệ tại Trung ương cục (còn gọi tắt là R) thế nhưng trên đường đi tất cả đã hy sinh vì pháo của giặc”. “Thầy Bảng ra đi không chỉ là nỗi xót xa, đau khổ của vợ con gia đình thầy mà còn là niềm tiếc thương vô hạn của anh em đồng chí từng gian khổ có nhau giữa chiến trường” - ông Thưởng nghẹn ngào nói.

Chuyện thứ hai: Chuyện về “Liệt sỹ - Nhà giáo Bùi Văn Hùng”

Theo lời kể của Thiếu tướng, PGS – TS Phạm Tiến Luật thì Thầy giáo Bùi Văn Hùng sinh năm 1946, tháng 11-1971 về quê cưới vợ là cô Tạ Thị Vuông, nhân viên Cửa hàng dược Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, người xã Khánh Thủy cùng quê. Tháng 5-1972, thầy nhập ngũ vào Sư đoàn 304, khi đó vợ thầy đang mang thai cháu Bùi Văn Dũng. Trên đường đi B, đơn vị dừng ở Quảng Bình. Thầy nhắn tin và cô Vuông đã vượt đường đất xa xôi, bom đạn vào thăm thầy. Ở chiến trường Quảng Trị, tháng 3-1975, thầy được đơn vị cho nghỉ phép về thăm nhà. Khi đó bé Dũng đã được 3 tuổi. Cuối tháng 3, thầy trả phép về đơn vị, trong ba lô ngoài gia tài người chiến sĩ, thầy còn mang theo tấm áo của con trai vào đến Quảng Đà, thầy viết thư về cho biết đã đuổi kịp đơn vị và báo tin đang tiến quân vào sâu hơn nữa.


Tình thầy trò: Thầy giáo, liệt sĩ Bùi Văn Hùng và Thiếu tướng, PGS – TS Phạm Tiến Luật 


Tôi đã gọi điện hỏi Anh hùng Phạm Xuân Thệ và Anh hùng Lê Mã Lương. Sau Chiến dịch Quảng Trị, Sư đoàn 304 đánh Thượng Đức. Trung đoàn 24 đánh quân dù chốt giữ điểm cao 1.062. Đầu tháng 3-1975, đồng chí Lê Mã Lương, Chủ nhiệm Chính trị trung đoàn ký giấy phép cho một số chiến sĩ theo xe của đơn vị ra Bắc. Thầy Hùng được về thăm gia đình trong đợt nghỉ phép đặc biệt này. Đầu tháng 4 thầy trả phép, cùng đơn vị tiến quân từ Đà Nẵng vào giải phóng Sài Gòn. Ngày 28/4/1975, Sư đoàn 304 đánh chiếm căn cứ Nước Trong, cửa ngõ vào Sài Gòn. Trận đánh diễn ra rất quyết liệt vì địch ngoan cố chống cự nên bộ đội ta hy sinh nhiều. Sau trận đánh, đơn vị cho xe chở tử sĩ về Quảng Nam là hậu cứ của Sư đoàn 304 mai táng. Như vậy là thầy Bùi Văn Hùng của chúng tôi đã anh dũng chiến đấu và hy sinh ở căn cứ Nước Trong trước khi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng hai ngày, chỉ cách Sài Gòn có 20km.

Thầy và đồng đội đã hy sinh năm đó hiện yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Tấm áo của con trai thầy mang theo vào chiến trận được người đồng đội tên Tải, quê ở Thanh Hóa mang về cho gia đình thấm mồ hôi và máu của thầy, có cả mùi khét thuốc súng...

Chuyện thứ ba: Chuyện về “Ba anh em nhà giáo liệt sĩ”

Bà Trần Thị Việt vợ của liệt sĩ Hà Minh Xuyên - Người trông giữ ngôi từ đường thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Nhưỡng và 3 nhà giáo liệt sĩ: Hà Minh Xuyên, Hà Thành Dương và Hà Ứng Khâm ở thôn Dũng Thúy Hạ, xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình kể lại:

Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Nhưỡng sinh được 5 người con (3 trai, 2 gái). Cuối năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ bắt đầu bước vào thời kỳ cam go. Nghe theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, lớp lớp thanh niên miền Bắc hăng hái lên đường ra mặt trận. Năm ấy, thầy giáo Hà Ứng Khâm - con trai út của mẹ Nhưỡng tuổi mới tròn đôi mươi đã tạm xếp giáo án, chia tay mái trường, chia tay học sinh thân yêu để cầm súng đánh đuổi giặc ngoại xâm. Với khí thế phơi phới của tuổi trẻ, thầy giáo Khâm cùng với đồng đội “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Trong một trận giao tranh ác liệt ngày 10/3/1966, thầy giáo Khâm đã anh dũng hy sinh, mang theo ước mơ kết thúc chiến tranh sẽ trở về tiếp tục sự nghiệp dạy học.

Nỗi đau mất đi người con yêu quý chưa nguôi, trung tuần tháng 6 năm 1968, mẹ Nhưỡng một lần nữa nhận được tin sét đánh: thầy giáo Hà Thành Dương đã hy sinh ngày 9/5/1968 tại chiến trường Đà Nẵng khi vừa tròn 30 tuổi. Thầy giáo Dương hy sinh để lại nỗi đau khôn cùng với mẹ Nhưỡng và một cuộc sống chông chênh đối với người vợ trẻ cùng 2 đứa con thơ dại. Ngôi trường làng đã vĩnh viễn mất đi hai thầy giáo giỏi và giàu lòng yêu nước, mến trẻ.

Mất đi 2 người con trai đã làm mẹ Nhưỡng héo hon, tiều tụy. Nhưng không vì thế mà mẹ ngăn cản thầy giáo Hà Minh Xuyên tòng quân. Bà Việt, vợ liệt sĩ Hà Minh Xuyên chia sẻ: “Khi ấy tôi đang mang bầu được 6 tháng. Xét về tiêu chuẩn thì chồng tôi được miễn không phải vào quân đội vì gia đình đã có 2 người là liệt sĩ. Nhưng mẹ tôi cứ động viên anh ấy nhập ngũ, làm tròn trách nhiệm của công dân. Bà Việt cho biết, trước mặt anh Xuyên thì mẹ mạnh mẽ, động viên con nhưng khi đêm về mẹ lại trằn trọc, khóc thầm một mình.

Và rồi lần thứ ba mẹ Nhưỡng ngất đi, tỉnh lại khi nhận giấy báo tử của con mình. Thầy giáo Xuyên đã hy sinh ngày 13/5/1969 tại mặt trận Quảng Nam. Vì quá thương nhớ các con, năm 1972 mẹ cũng theo các anh về với tiên tổ…


Bà Trần Thị Việt chăm sóc ngôi từ đường thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Nhưỡng và 3 nhà giáo liệt sĩ


Tấm gương hy sinh anh dũng của các nhà giáo liệt sĩ luôn được Trường THCS Dũng Nghĩa và Đoàn Thanh niên mang ra giáo dục cho các thế hệ học sinh thông qua các tiết học ngoại khóa, các cuộc thi rung chuông vàng, thi tìm hiểu truyền thống quê hương... Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức cho cán bộ, giáo viên và học sinh tới thăm, tặng quà và chăm sóc nhà cửa gọn gàng, sạch đẹp giúp gia đình các liệt sỹ.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Ra mắt Tour kết nối Phố cổ với không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân

Quận Hoàn Kiếm vừa ra mắt Tour du lịch hấp dẫn kết nối Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm với không gian cầu đi bộ Trần Nhật Duật và Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân.
2024-05-04 11:35:45

Hải Phòng xây dựng nhà cho gia đình người bại liệt nghèo khó

Sáng 3/5, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Lê Chân phối hợp với phường Vĩnh Niệm tổ chức khởi công xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho gia đình ông Nguyễn Văn Nam, bị bại liệt nửa người, phải ngồi xe lăn.
2024-05-04 08:41:24

Hải Phòng: Bắn pháo hoa nổ tầm thấp các ngày cuối tuần tại đảo Vũ Yên

TP.Hải Phòng vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đồng ý việc tổ chức một điểm bắn pháo hoa nổ tầm thấp vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần tại Khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên (Thủy Nguyên)
2024-05-04 08:03:06

Không khí Điện Biên Phủ trước Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng

Từ hơn 1 tuần nay, dòng người từ khắp mọi miền tổ quốc đã kéo về Điện Biên Phủ để chào đón Lễ kỷ niệm 70 năm (7-5-1954) quân và dân Việt Nam lập nên kỳ tích lừng lẫy năm châu. Một số hình ảnh tại Điện Biên Phủ lúc này.
2024-05-04 06:10:00

Giới trẻ Hà Thành săn lùng 'Sứa đỏ': Trào lưu ẩm thực 2024?

Trong kho tàng ẩm thực Việt Nam, có vô vàn món ăn độc lạ và hấp dẫn gây “thương nhớ”. Nếu như trong năm 2023 món “gỏi măng cụt” nổi lên rầm rộ khắp các trang mạng xã hội thì trong đầu năm nay, món “Sứa đỏ” soán ngôi vị làm dân mạng đua nhau đi thưởng thức.
2024-05-04 06:10:00

Sơ duyệt lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Lực lượng Quân đội, Công an cùng các khối khác đã tiến hành sơ duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại sân vận động tỉnh Điện Biên.
2024-05-03 14:57:17
Đang tải...