Bài dự thi “Về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh năm 2023”: Văn hóa, văn minh nhìn từ góc độ nhà vệ sinh công cộng (tiếp..)
3. Thực trạng và giải pháp
Sau khi phần đầu bài “Văn hóa, văn minh nhìn từ góc độ nhà vệ sinh công cộng” được đăng trên trang hoanhap.vn, tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, cả động viên lẫn trách cứ. Người trách cứ gay gắt nhất phải kể đến là ông bạn đồng môn, thương binh 4/4 Đ.M.T (Quận Tây Hồ). Ông T. đã gọi điện trách cứ tôi tới gần 1 tiếng đồng hồ. Ông nói, chủ đề cần nêu là “phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, vậy mà ông lại mang cái nhà VSCC ra để luận bàn. Phải chăng ông đã quên mất câu thành ngữ mà ông cha ta đã đúc kết “Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại”, hay sao…? Ngay như tôi dù đã sống ở Hà Nội nhiều năm, nhưng chưa một lần dám sử dụng nhà VSCC, bởi nhìn đã thấy bẩn, đi qua đã ngửi thấy mùi hôi khai nồng nặc, nên nói tới cụm từ “nhà VSCC” là tôi đã thấy dị ứng – Ông T. phân trần.
Để giữ hòa khí cho cuộc trò chuyện, tôi chỉ biết cầm máy và lắng tai nghe, còn ông T. thì cứ thao thao bất tuyệt. Thấy giọng ông yếu dần, lúc này tôi mới “bật” lại. Tôi nói: bây giờ là thời đại 4.0, mà ông vẫn thích câu “Mẹ hát, con khen hay” à! Ông đã từng là sinh viên trường Đại học Kinh tế kế hoạch (nay là Kinh tế quốc dân), đã từng kinh qua công tác lãnh đạo ở Bộ quản lý chuyên ngành, chắc ông còn nhớ Hội nghị Xúc tiến du lịch Việt Nam tổ chức tại Tokyo năm 2014 chứ. Ngay tại hội nghị này, đại diện một hãng du lịch của Nhật Bản đã phàn nàn: “Khó thúc đẩy lượng du khách Nhật Bản tới Việt Nam nếu chất lượng các nhà VSCC ở Việt Nam không được cải thiện”. Có nhiều lý do để người ta phàn nàn: Mùi hôi nồng nặc, thiếu nước, bồn cầu dơ bẩn, hoen ố, thiết bị vệ sinh cũ kỹ, thiếu giấy vệ sinh, thiếu vòi xịt, thiếu nơi vệ sinh cho người khuyết tật… Hay như, trong khi Việt Nam vẫn còn mù mờ về thực trạng nhà VSCC của mình, thì cuối tháng 1/2023, công ty QS Supplies có trụ sở tại Anh đã hoàn tất báo cáo khảo sát tiến hành tại 69 thành phố du lịch trên toàn thế giới. Kết quả cho thấy chỉ thành phố Johannesburg của Nam Phi và Cairo của Ai Cập có "Bảng xếp hạng điều kiện nhà VSCC " thấp hơn so với Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Bảng xếp hạng được tính trên số lượng nhà VSCC trên trung bình mỗi km2.
Nhà VSCC trước sân vận động Bách Khoa – Hà Nội, trên đường Lê Thanh Nghị. Ảnh Đ.H
Tôi hỏi lại ông T. vậy câu thành ngữ “Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại” có còn đúng trong 2 trường hợp này..? Nghe tới đây, ông T. đành đánh bài cười chừ! Song, trước khi tắt máy, ông vẫn còn cố dặn tôi, đã bàn thì bàn cho ngọn ngành, quan trọng là tìm ra hướng giải quyết để góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp, tạo môi trường hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước nhé… Để giữ lời hứa với ông T. tôi đã dành khá nhiều thời gian để đi, đọc thu lượm tài liệu liên quan tới nhà VSCC cả ở trong nước lẫn nước ngoài.
Theo một con số thống kê, năm 1990 Hà Nội có 18 nhà VSCC ở 4 quận nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) và đến năm 1996 xây thêm được 8 cái nữa. Theo đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), hiện nay, trên địa bàn 12 quận và thị xã Sơn Tây đã có hơn 400 nhà VSCC được phân thành 3 loại, gồm nhà VSCC bằng gạch, nhà vệ sinh bằng thép và nhà vệ sinh do các đơn vị xã hội hóa đầu tư. Trong đó, tập trung chủ yếu ở 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa, số lượng ít ỏi còn lại rải rác ở các quận khác.
Đánh giá về chất lượng, đại diện Urenco cho biết: đến nay, một số nhà bằng gạch xây dựng lâu năm (trước năm 1990) đã xuống cấp, hư hỏng như phần tường gạch cũ kèm ẩm mốc. Còn các nhà vệ sinh thép mặt ngoài bị bong tróc, hoen gỉ; hệ thống thiết bị hỏng; đèn chiếu sáng đa số không hoạt động... Công tác duy tu còn gặp nhiều khó khăn và chỉ dừng lại ở việc sửa chữa nhỏ lẻ. Lý do là theo hợp đồng duy trì các nhà VSCC chỉ chi trả cho công tác duy trì làm sạch, không có chi phí dành cho công tác bảo dưỡng, sửa chữa.
Theo ghi nhận của chúng tôi, các nhà VSCC gần vườn hoa, công viên Thống Nhất, khu vực Nhà hát Lớn, ... bị xuống cấp, xập xệ, nhiều thiết bị cần thiết như đèn, vòi xịt hư hỏng hoặc đã mất. Nhiều du khách tới Thủ đô khi qua đây bước vào trong đều kinh sợ vì mùi hôi khai nồng nặc. Hơn thế, sau khi đi vệ sinh, việc xả nước cũng rất khó khăn, thậm chí người sử dụng phải dội từ các xô, các lu nhựa tích trữ do vòi và van nước đã hỏng.
Khác với hình ảnh nhếch nhác, xuống cấp của một số VSCC ở Hà Nội hiện nay, nhà VSCC tại phố đi bộ Hồ Gươm lại nhận được nhiều đánh giá tích cực từ du khách trong và ngoài nước về sự sạch sẽ, chất lượng phục vụ. Để có được “quả ngọt” đó, thời gian qua UBND quận Hoàn Kiếm luôn quan tâm chỉ đạo tới vấn đề cải tạo, nâng cao chất lượng nhà VSCC phục vụ du khách.
Hiện ở khu vực này có 6 nhà VSCC đang hoạt động. Ngoài ra, hưởng ứng đề nghị của quận, 9 đơn vị (nhà hàng Long Vân, tòa nhà Hàm Cá Mập, nhà hàng Lục Thủy, Trung tâm văn hóa hồ Gươm số 2 Lê Thái Tổ…) đã đăng ký mở cửa phục vụ nhu cầu đi vệ sinh miễn phí cho nhân dân và du khách.
Số nhà VSCC hiện hữu trên địa bàn Thủ đô đều đã được chính quyền thành phố áp dụng cả hai phương thức đầu tư, đó là đầu tư bằng vốn ngân sách và vốn xã hội hóa. Ví dụ như, ngày 31/10/2013, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi ký ban hành Quyết định số 6611/QĐ-UBND về việc cho phép chuẩn bị đầu tư 14 nhà VSCC bằng thép với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 15 tỉ đồng, nguồn vốn từ ngân sách thành phố. Và từ năm 2016-2017, thành phố đã đồng ý cho hai doanh nghiệp tư nhân lắp đặt, quản lý và khai thác hàng trăm nhà VSCC theo hình thức xã hội hóa. Đổi lại, doanh nghiệp được khai thác quảng cáo trên một số cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trên địa bàn thành phố trong thời gian 10 năm và những quyền lợi khác theo thỏa thuận.
Ví dụ như, đầu tháng 8/2016, UBND thành phố Hà Nội đồng ý để Công ty cổ phần thương mại truyền thông Vinasing triển khai dự án xây dựng 1.000 nhà VSCC, nhằm phục vụ nhu cầu của cư dân và đảm bảo mỹ quan đô thị. Được biết, số vốn để đầu tư cho 1.000 nhà VSCC này khoảng trên 100 tỷ đồng, thời gian triển khai dự án dự kiến trong 10 năm. Nhà đầu tư cam kết các nhà VSCC sẽ được lắp đặt đồng bộ về trang thiết bị, đảm bảo thẩm mỹ, phù hợp với cảnh quan của từng địa điểm; sử dụng các vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường; thiết kế thoáng gió, sử dụng vòi nước tự động. Và nhà đầu tư chịu trách nhiệm thực hiện công tác duy tu, duy trì, vận hành trong suốt quá trình hoạt động của các nhà VSCC này. Song đến hết tháng 11/2022, nhà đầu tư mới bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội được gần 100 nhà VSCC để đưa vào sử dụng. Và sau gần 5 năm khai thác, nhiều nhà VSCC đã xuất hiện dấu hiệu xập xệ, xuống cấp, nhiều nơi chỉ tồn tại cho có.
Theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, nguyên nhân của thực trạng nhà VSCC ở Hà Nội vừa thiếu về số lượng và kém về chất lượng là do mô hình quản trị nghiệp dư, nửa vời công tư. Thậm chí còn có tư tưởng không coi trọng đầu tư vào nhà VSCC. Ngay cả những nơi mật độ dân cư thấp, những điểm du lịch hấp dẫn với khách du lịch quốc tế cũng luôn trong tình trạng thiếu nhà VSCC.
Chính vì hệ thống nhà VSCC chưa đáp ứng được đủ nhu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng, dẫn đến nhiều lúc người dân buộc phải “phóng uế” bừa bãi vì không có lựa chọn, mặc dù từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã 3 lần ban hành Nghị định (số: 155/2016/NĐ-CP; số: 55/2021/NĐ-CP; số: 45/2022/NĐ-CP) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
4. Những khuyến nghị
Chúng ta có thể đi sau về kinh tế so với các quốc gia phát triển 50 năm hay 100 năm, nhưng hạ tầng về nhà VSCC nên bằng họ hoặc sau họ 10 năm. Vì đây là công trình dân sinh có quy mô nhỏ, chúng ta có thể làm được.
Để giải quyết những tồn tại, có được sự phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân, trước hết Hà Nội cần cải tạo, nâng cấp các nhà VSCC hiện có. Đồng thời thực hiện đầu tư xây dựng thêm các nhà VSCC trên những đường phố chính, các điểm du lịch, thương mại và các nơi công cộng khác chưa có nhà VSCC, nâng cao chất lượng phục vụ. Nhưng đã xây thì xây cho đẹp, cho đàng hoàng và đảm bảo sạch sẽ và nên có bảng chỉ dẫn từ xa để nhân dân và du khách dễ tìm.
Nhà VSCC dù có xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách hay nguồn xã hội hóa, nhưng trước khi tiến hành các đơn vị có chức năng quản lý đô thị của thành phố cũng nên tìm hiểu về quá trình bài tiết của con người từ lúc sinh ra đến khi qua đời, căn cứ vào số nhà VSCC hiện có để xác định số lượng nhà VSCC cần xây thêm, trước khi tiến hành chọn địa điểm xây mới cho phù hợp.
Theo một nghiên cứu khoa học đã được công bố trên báo chí, về “đầu vào” cả một đời người đàn ông tiêu thụ khoảng 22 tấn lương thực và 33 nghìn lít nước; và “đầu ra” là 3,9 tấn phân và 39 nghìn lít nước tiểu. Ở người đàn bà còn hơn thế: “đầu vào” 27 tấn lương thực và 37 nghìn lít nước, “đầu ra” 4,3 tấn phân và 43 nghìn lít nước tiểu. Từ đây, mới thấy khoản “đầu ra” rất xứng đáng để các nhà quản lý và hoạch định chính sách suy nghĩ và… đầu tư.
Nhà vệ sinh công cộng do Sacombank xây dựng được đánh giá cao về sự sạch sẽ và thẩm mỹ - Ảnh: Trung Hiếu
Trong khi nguồn vốn ngân sách còn hạn chế thì thành phố nên áp dụng hình thức xã hội hóa. Để thực hiện theo mô hình này, thành phố cũng nên nghiên cứu mô hình đầu tư tài trợ nhà VSCC tiêu chuẩn 4 - 5 sao, phục vụ miễn phí của Sacombank để áp dụng. Cụ thể, từ năm 2010 – 2014, Sacombank đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 14 nhà vệ sinh công cộng miễn phí tại TP.HCM, TP.Đà Lạt, TP.Vũng Tàu, TP.Vĩnh Long, TP.Cao Lãnh, Phú Quốc... Mỗi nhà vệ sinh có diện tích từ 60m2 và chi phí đầu tư từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng. Ngân hàng cũng bố trí nhân sự chuyên trách trực theo ca để quản lý, giữ gìn vệ sinh và đến nay Sacombank vẫn đang duy trì và vận hành các nhà vệ sinh này.
Ngày 17/11/2022, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam có Văn bản số 359/HHNVS-VP về tiếp tục thực hiện Đề án xây dựng nhà VSCC bằng nguồn vốn xã hội hóa. Được biết năm 2018, Lê Văn Hiệp Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam đã cho ra đời mẫu nhà vệ sinh “không chạm”. Nhà vệ sinh “không chạm”, có hệ thống cảm biến hoạt động từ việc tự động mở và đóng cửa, tự động dội nước làm sạch và làm khô mặt bồn cầu, nhả giấy vệ sinh trong ngăn kín, mở nắp thùng rác cho đến công đoạn vệ sinh tay như lấy xà bông, xối nước, làm khô. Hệ thống lập trình tự động sẽ hút mùi liên tục cho bồn cầu và mỗi 5 lần có người sử dụng, nhà vệ sinh sẽ được tự động dọn rác và làm sạch nền. Qua bảng điện tử, người dùng có thể đánh giá chất lượng của nhà vệ sinh và trung tâm điều khiển sẽ lập tức xử lý ngay. Một hệ thống điều khiển hoạt động bằng nguồn điện mặt trời được đặt trên mái nhà vệ sinh.
Thiết kế nhà vệ sinh thông minh "không chạm" do Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam thực hiện.
Theo ông Hiệp, chủ trương xây dựng nhà vệ sinh “không chạm” là không lấy ngân sách địa phương và không phu phí người dân để khuyến khích người dân sử dụng nhà vệ sinh, để họ tiếp cận với mô hình một nhà vệ sinh văn minh. Giải pháp về vốn của tôi là xã hội hóa đầu tư từ nhiều nguồn như vận động doanh nghiệp tài trợ, quảng cáo…
Cùng với việc cải tạo, nâng cấp các nhà VSCC hiện có và thực hiện đầu tư xây dựng thêm các nhà VSCC, thành phố cũng nên kêu gọi các nhà hàng tư nhân mở cửa phục vụ nhu cầu đi vệ sinh miễn phí cho nhân dân và du khách. Về việc này, UBND quận 1 thành phố Hồ Chí Minh có cách làm bài bản và đạt hiệu quả cao. Chỉ trong hơn một tháng triển khai, quận đã vận động được 100 vị trí từ các cơ sở kinh doanh nhà hàng, quán cà phê, có gắn biển báo để người dân và du khách sử dụng nhà vệ sinh miễn phí.
Biển báo để người dân và du khách sử dụng nhà vệ sinh miễn phí ở các nhà hàng đã đăng ký với UBND quận 1.
Cuối cùng, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, các ngành cần có sự giúp sức của những người dân tại khu vực có nhà VSCC. Người dân cần chủ động gìn giữ, bảo vệ, đồng thời báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý những trường hợp phát sinh liên quan đến kỹ thuật hoặc chiếm giữ trái phép nhà VSCC. Mặt khác, người dân cũng cần được hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao ý thức trong sử dụng và bảo vệ tài sản chung./.
*Tài liệu tham khảo:
- Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”
- Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
- Quyết định số 2067/QĐ-BNV ngày 06/9/2018 Bộ Nội vụ V/v: Thành lập Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam.
- Nghị định số: 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016; số: 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021; số: 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.