Bài học Đồng Tâm và vụ 8B Lê Trực

2020-01-16 13:35:19 0 Bình luận
Với vụ việc tại 8B Lê Trực, chỉ xin các nhà chức trách lưu ý tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng trong văn bản mới đây: “Yêu cầu UBND TP. Hà Nội tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm việc này, bảo đảm kỷ cương, pháp luật, an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan”.

Bài học Đồng Tâm và vụ 8B Lê Trực

Chưa bao giờ tôi phải ngồi giữa một đám đông đầy uất ức như thế. Những khuôn mặt căng thẳng, ánh đỏ hiện trong khóe mắt, từng câu nói gằn giọng với ngôn từ cực đoan xuất hiện…

Đó là những nét phác họa sơ lược nhất của cuộc đối thoại giữa những cư dân của Tòa nhà 8B Lê Trực và đại diện chủ đầu tư là Công ty cổ phần May Lê Trực.

Hội trường rộng mênh mông mà ai cũng cảm giác tức thở. Không thấy có đại diện của chính quyền địa phương, trừ một anh công an đứng ở cửa ra vào nhã nhặn mời mọi người tham dự.

Theo dõi vụ việc này từ nhiều năm, trước bầu không khí như vậy, tôi cũng không ngạc nhiên lắm vì biết rằng, sức chịu đựng của con người không phải là vô hạn. Suốt 5 năm trời đấu tranh với mong muốn được về ở căn nhà của mình mà không thành, mỗi tháng cứ phải bỏ ra 8 - 10 triệu đồng để đi thuê nhà đều như vắt chanh, đến đá cũng phải mòn chứ nói gì đến tâm cảm con người.

May mà cuộc đối thoại lần này có sự tham gia của các chuyên gia, luật sư và các nhà báo, cũng khoảng ngót chục người. Tôi cho rằng đây là biện pháp khôn ngoan của những người chủ trì cuộc đối thoại này bởi lẽ tại đây, những phân tích điều hay lẽ phải, những lời khuyên đến tự đáy lòng, những ghi nhận sự nhẫn nại và chịu đựng của những bên thiệt hại liên quan… đã được chia sẻ. Vì thế, sự ngột ngạt ban đầu đã vợi đi và kết thúc bằng chữ ký của hầu hết các cư dân tham dự vào lá đơn “xin được về nhà của mình nhân dịp Tết Canh Tý 2020” vào hồi 13 giờ 30 ngày 21 tháng Chạp.

Tôi nhớ rằng cách đây khoảng một tháng, những cư dân tại Tòa nhà 8B Lê Trực đã một lần gửi lá đơn như thế lên nhiều cấp lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương, nhưng nguyện vọng chính đáng tưởng như đương nhiên đến như vậy vẫn chưa được giải quyết.

Sau khi chia sẻ với bà con trong cuộc đối thoại, KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kiến trúc - quy hoạch đô thị, nói với tôi: “Bà con ở đây quá tốt, phần đông là người có học thức và hiểu biết nên không có hành động cực đoan. Nhưng chúng ta cũng không nên lạm dụng”.

Tôi hiểu cụm từ “chúng ta” ở đây là ông đang nói đến ai và chợt liên tưởng đến vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm (cũng của TP. Hà Nội) từ nhiều năm qua. Tại đấy, “chúng ta” đã buông lỏng quản lý đất đai từ nhiều năm mà không xử lý kịp thời, rồi như các cụ xưa nói “để lâu cứt trâu hóa bùn”, tài sản công tư lẫn lộn, thế là xảy ra tranh chấp.

Nay với Tòa nhà 8B Lê Trực cũng vậy, do “chúng ta” cả một thời gian dài buông lỏng quản lý trật tự xây dựng đô thị khiến cho “quy hoạch Thủ đô bị băm nát”, nhà xây không phép, trái phép mọc lên như nấm. Rồi “chúng ta” lại tiền hậu bất nhất trong các văn bản pháp quy, lúc cho xây 20 tầng, vài năm sau lại ngẫu hứng yêu cầu tụt xuống 18 tầng; lúc cho xây cao 69,1m; vài năm sau lại nhăm nhăm đè ra cắt ngọn chỉ còn 53m… Vậy ai là người gây sóng gió ở Tòa nhà 8B Lê Trực nếu không phải là “chúng ta”?

Rồi nghe nói, UBND quận Ba Đình sẽ tiếp tục phá dỡ giai đoạn 2 đối với tòa nhà này. Quan điểm của cá nhân tôi cũng rất rõ ràng với tất cả các bên, đã sai thì phải sửa lại cho đúng, kể cả các văn bản pháp lý của các cấp chính quyền địa phương. Chỉ xin các nhà chức trách trong chuyện này lưu ý tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng trong văn bản mới đây, “yêu cầu UBND TP. Hà Nội tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm việc này, bảo đảm kỷ cương, pháp luật, an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan”.

Xung quan vấn đề này, Reatimes đã đăng tải nhiều bài viết, đặc biệt có lời chia sẻ qua bài viết Sở Xây dựng Hà Nội cần báo cáo trung thực với Chính phủ về vụ 8B Lê Trực.

Còn để các nhà chức trách của Hà Nội cảm nhận được sự bức bối, phẫn uất của các cư dân tại Tòa 8B Lê Trực, tôi xin lược trích tường thuật của các đồng nghiệp Báo Xây dựng về các căn cứ pháp lý, giúp cho việc cân nhắc trước khi ra các quyết định tiếp theo: 

 

Các khách hàng yêu cầu đối thoại với chủ đầu tư

Ông Phạm Quang Lung - chủ căn hộ 1604 bày tỏ bức xúc: "Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu UBND TP. Hà Nội giải quyết dứt điểm, đảm bảo an toàn cho tòa nhà cũng như cư dân và đảm bảo quyền lợi các bên liên quan. 

Thế nhưng, thời điểm hiện tại đã hơn 4 năm trôi qua nhưng dự án vẫn chỉ là đống bê tông, sắt thép và những người mua nhà chúng tôi vẫn chưa đươc nhận nhà. Đến nay đã chuẩn bị xuân Canh Tý 2020, chúng tôi đề nghị chủ đầu tư cho biết phương án giải quyết, xử lý để đảm bảo quyền lợi cho những người đã mua nhà tại đây?"

 

Ông Phạm Quang Lung bày tỏ bức xúc khi 5 năm chưa được về nhà ở

Lý giải việc này, ông Lê Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty CP May Lê Trực khẳng định: "Dự án 8B Lê Trực đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt Quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 với quy mô 20 tầng chiều cao chiều cao tối đa là 70m và đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội chấp thuận phương án quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc là 20 tầng và 69,1m.

Văn bản thẩm định thiết kế cơ sở của Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã thẩm định với quy mô công trình là 20 tầng và chiều cao là 69,1m và dự án thuộc diện không phải cấp phép xây dựng. Sau đó, chúng tôi đã thi công công trình đến cos 00 và đúng theo quy định của Nhà nước.

Nhưng bỗng nhiên Sở Xây dựng Hà Nội và các cấp có thẩm quyền lại yêu cầu cấp phép xây dựng và cấp phép cho chúng tôi với quy mô không đúng với quy hoạch không đúng với tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam. Chính điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp".

 

Ông Lê Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty CP May Lê Trực cho rằng có việc cấp phép sai

Anh Phong - chủ căn hộ 1506 hỏi: “Chúng tôi muốn biết là chính quyền TP. Hà Nội sai hay là chủ đầu tư sai và sai ở góc độ nào?”.

Ông Lê Văn Chương - chủ căn hộ 1088 bức xúc đặt câu hỏi: "Gần 5 năm qua chúng tôi đã đồng hành với chủ đầu tư để đấu tranh cho quyền lợi của chúng tôi. 5 năm qua không thể giải quyết một việc, để Thủ tướng Chính phủ phải có văn bản chỉ đạo trực tiếp xuống UBND TP. Hà Nội. Cần có một câu trả lời rõ ràng để chúng tôi không phải chờ đợi. Nhiều người cũng đã qua đời và sẽ không có cơ hội về đây ở và nếu cứ kéo dài thì chúng tôi cũng có chờ được đến ngày về ở không?".

Ông Lê Văn Chương đề nghị chính quyền cho về nhà ở trước Tết

Lý giải cụ thể vấn đề này, ông Trần Đức Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Lê Trực cho biết: “Giấy phép cấp 18 tầng mà chỉ có 53m, tôi xin được phân tích một số số liệu cụ thể: Chiều cao của tầng thương mại, theo quy định và quy hoạch là 4,5m nhưng mà cấp phép chỉ có 2,6m, sau khi trừ đi 25cm phần bê tông rồi trừ đi 0,6m dầm, thiết bị cơ điện phòng cháy chữa cháy rồi các cái cốt hoàn thiện như vậy là mất 0,85m, 2,6m trừ đi 0,85m chỉ còn 1,75m. Đối với tầng văn phòng, theo quy định và quy hoạch là 3,9m cấp phép có 3m thiếu 0,9m, tầng căn hộ quy định 3,3m nhưng cấp thiếu 0,3m. Như vậy so với quy hoạch thì cấp thiếu là 2 tầng. Ở đây là cấp thiếu 16,1m chứ không phải thừa 16,1m”.

“Vấn đề này đã được Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định tại Văn bản số 280 ngày 21/6/2016. Việc công trình miễn phép mà vẫn cấp phép là cái sai thứ nhất, thứ hai là sai về tiêu chuẩn thiết kế, cái sai thứ ba là sai so với quy hoạch”, ông Minh cho biết thêm.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Doanh nhân Việt Nam 'bắt kịp thế giới, đi cùng thời đại'

Các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã "dám chơi và biết chơi" hơn trong một sân chơi không chỉ trong lòng đất nước mà cả khu vực và thế giới. Chúng ta không chỉ bắt kịp mà có những bước quan trọng để đi cùng với thế giới, với thời đại.
2024-10-13 10:45:13

Tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu năm 2024 giảm còn 3,25% hộ nghèo

Hiện nay, tỉnh Quảng Bình có 3.647 hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở cần hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tỉnh này sẽ huy động các nguồn lực hơn 292 tỷ đồng.
2024-10-13 08:00:00

Phá khối đá 300 tấn nguy cơ lăn xuống nhà dân ở Khu du lịch Phong Nha

Chiều 12/10, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền huyện Bố Trạch phá khối đá hơn 300 tấn tại tổ dân phố Xuân Tiến, thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch.
2024-10-13 07:10:00

Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh tại tỉnh Quảng Bình trở thành điểm du lịch

Tỉnh Quảng Bình vừa có quyết định công nhận điểm du lịch đối với đền Thánh mẫu Liễu Hạnh tại thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch
2024-10-13 07:00:00

Thương binh Tạ Quang Uẩn - giỏi làm kinh tế, giàu lòng nhân ái

Vinh dự được gặp người thương binh Tạ Quang Uẩn - Giám đốc Công ty TNHH Vật liệu Xây dựng Phong Cảnh, tại Thành cổ Quảng Trị - nơi mà cách đây 52 năm đã diễn ra cuộc chiến biểu tượng cho khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Đứng trên mảnh đất đầy bi tráng ấy, những hình ảnh trong cuộc đời dường như lần nữa vụt qua ký ức ông...
2024-10-13 06:35:00

Doanh nhân thương binh Tạ Quang Uẩn: Hành trình vượt khó

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vết thương ngày nào vẫn luôn hằn sâu trên thân thể thương binh Tạ Quang Uẩn. Vượt qua mọi nỗi đau đó, thương binh Tạ Quang Uẩn đã nỗ lực xây dựng một doanh nghiệp mang thương hiệu Phong Cảnh để tạo việc làm, thu nhập cho đồng đội và con em gia đình chính sách.
2024-10-12 13:45:00
Đang tải...