Bản án phán quyết sai thực tế, liệu có vi phạm thủ tục tố tụng?
Ảnh minh họa
Sau khi Bản án 215/2020/KDTM-PT được tuyên, từ cuối 2020 đến tháng 9/2021, TAND Hà Nội đã phải ban hành tới 5 văn bản đều do thẩm phán xét xử vụ án này ký để lý giải một số nội dung trong bản án được cho là không rõ ràng, gây hiểu lầm, ảnh hưởng quyền lợi ích hợp pháp các đương sự, gồm: Văn bản số 33/2020/QĐ-SCBSBA ngày 26/12/2020; Công văn 196/CV-TKT ngày 30/12/2020 giải thích bản án gửi Chi cục THADS quận Bắc Từ Liêm; Công văn 130/CV-TKT ngày 12/7/2021 (không có tiêu đề) gửi Trường THCS-THPT Newton; Công văn 2101/CV-TA ngày 13/9/2021 (không có tiêu đề) gửi Chi cục THADS quận Bắc Từ Liêm; Công văn 2102/CV-TA ngày 13/9/2021 (không có tiêu đề) gửi Cty CP Đầu tư & Phát triển Giáo dục TDS Việt Nam và Cty TNHH Khai Phát.
Dù một số văn bản nói trên không ghi tiêu đề, nhưng nội dung hàm ý định hướng nhận thức một số nội dung mà Bản án 215/2020/KDTM-PT đã tuyên. Đáng chú ý, tại Công văn 130/CV-TKT gửi bị đơn là Trường Newton, thẩm phán xét xử vụ án cho rằng “các trang thiết bị trường học đã đầu tư” ở hai phần trong mục 4.3 của bản án là “một tài sản”, nằm trong 1/2 tòa nhà 6 tầng trên 2.896,3m2 đất tại lô TH1 được phân định trong các mốc giới ghi trong bản án.
Liên quan 2.896,3m2 và 1/2 tòa nhà 6 tầng xây dựng tại lô TH1, bản án tuyên “do Trường Tiểu học & THCS Pascal đang quản lý” (dẫn đến Chi Cục THADS quận Bắc Từ Liêm ban hành quyết định cưỡng chế THA, thông báo THA với Trường Pascal) là sai đối tượng, vì hiện tại Trường Pascal đang quản lý lô TH2 theo Quyết định số 3372/QĐ-UBND ngày 24/6/2013. Nhưng trong văn bản gửi bị đơn, TAND TP Hà Nội vẫn cho rằng, Trường Pascal là người có nghĩa vụ liên quan, đang quản lý các tài sản là diện tích 2.896m2 đất, 1/2 tòa nhà 6 tầng xây trên phần diện tích được phân định và các trang thiết bị đã đầu tư tại diện tích nhà này. Nhưng hiện tại Công ty TNHH Khai Phát đang là chủ đầu tư xây dựng và quản lý toàn bộ lô TH1.
Trước đó, tại văn bản số 37/KL-CTHADS ngày 5/5/2021 của Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, nêu rõ Quyết định thi hành án số 528/QĐ-CCTHADS ngày 28/12/2020 của ông Nguyễn Quốc Hùng – Chi cục trưởng Chi cục THADS quận Bắc Từ Liêm trái pháp luật. Đồng thời yêu cầu thu hồi Quyết định thi hành án số 528/QĐ-CCTHADS và làm rõ các nội dung liên quan chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Vi phạm tố tụng dân sự?
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Công ty Luật TNHH Trường Lộc) cho biết, theo các tài liệu hồ sơ vụ án được sao chụp trong quá trình giải quyết vụ án, tòa sơ phúc thẩm không thực hiện việc xem xét thẩm định tại chỗ, lập bảng liệt kê các tài sản liên quan đến tranh chấp. Do đó, không có tài liệu nào có đủ giá trị pháp lý để xác định sự tồn tại trên thực tế của “các trang thiết bị...”.
Theo Bộ luật TTDS, thẩm phán đã ra quyết định khi giải thích bản án, quyết định của tòa án phải căn cứ vào biên bản phiên tòa, biên bản phiên họp, biên bản nghị án. Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai.
Các thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ án, HĐXX không thu thập, yêu cầu các bên tham gia tố tụng cung cấp chứng cứ về số lượng, chủng loại “các trang thiết bị...”, và xác định kỷ phần về số tiền 14,237 tỷ đồng. Trong nội dung bản án sơ và phúc thẩm không có nội dung nào trình bày về “các trang thiết bị” hay phân chia kỷ phần số tiền nói trên. Nhưng thẩm phán xét xử vụ án vẫn ban hành Văn bản 130/CV–TKT ngày 12/7/2021 có nội dung giải thích các nội dung trong phần quyết định của bản án.
“Sau khi ban hành bản án, thẩm phán xét xử vụ án đã ra các văn bản giải thích bản án trái với Điều 486 Bộ luật TTDS, ký văn bản xác định nhận định của Chi cục THADS quận Bắc Từ Liêm khi không có thẩm quyền, vi phạm nguyên tắc “Tuân thủ pháp luật trong tố tụng dân sự” quy định tại Điều 3 Bộ luật TTDS” – Luật sư Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.
Trước hàng loạt những vấn đề bất hợp lý nêu trên, đại diện phía Công ty Khai Phát là bà Trần Kim Phương đã đồng loạt gửi đơn kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền đề nghị tiếp tục Giám đốc thẩm vụ việc. Theo nội dung đơn thư, hiện nay toàn bộ hệ thống phòng cháy chữa cháy có giá trị nhiều tỷ đồng của công trình xây dựng trên tòa nhà TH1 khu đô thị mới Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là tài sản thuộc quyền sở hữu của Công ty đã được các bên liên quan xác nhận. Nhưng ngày 7/10/2021, Chi cục Thi hành án dân sự quận Bắc Từ Liêm ban hành văn bản số 11/CV-CCTHADS từ chối bảo vệ quyền sở hữu phần tài sản trên.
“Đến ngày 14/10/2021, Chi cục Thi hành án dân sự quận Bắc Từ Liêm ban hành Thông báo cưỡng chế số 22/TB-CCTHADS phần tài sản hệ thống phòng cháy chữa cháy nằm trong tài sản ở công trình xây dựng trên tòa nhàTH1 khu đô thị mới Cổ Nhuế, từ chối bảo vệ quyền sở hữu là trái với quy định tại Điều 5 của Luật Thi hành án dân sự. Việc thực hiện cưỡng chế sẽ làm mất quyền sở hữu hệ thống phòng cháy chữa cháy của Công ty chúng tôi” – đại diện Công ty Khai Phát cho hay.
Qua tìm hiểu được biết, sau khi nhận được đơn thư của Công ty Khai Phát, TANDTC xác nhận đã thụ lý đơn thư, đề nghị xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm với Bản án 215/2020/KDTM-PT của TAND TP Hà Nội; VKSNDTC cũng có văn bản số 4636/PC-VKSTC-V6 ngày 8/10/2021 chuyển Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, xét thấy cần phải kiểm tra xác minh những nội dung tố cáo đã chuyển toàn bộ đơn và tài liệu của bà Phương tố cáo thẩm phán xét xử vụ án có hành vi vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong quá trình thụ lý, xét xử và ra bản án trái pháp luật gây thiệt hại cho cá nhân và doanh nghiệp của bà Phương để xác minh theo thẩm quyền.
Mới đây nhất, vào ngày 12/10/2021, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã có văn bản số 184/UBTP15 gửi Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị xem xét, chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định pháp luật để trả lời bà Trần Kim Phương và thông báo kết quả giải quyết đến Ủy ban Tư pháp Quốc hội.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.