Bản tin Hòa Nhập ngày 24/7/2021: Hà Nội mở các chuyến xe chở hàng thiết yếu 0 đồng hỗ trợ người lao động

2021-07-24 08:00:00 0 Bình luận
Hà Nội “Xe buýt siêu thị 0 đồng” hỗ trợ người lao động; Hà Nội phân bổ 3 loại vaccine phòng COVID-19; Các tỉnh phía bắc 'gửi’ thí sinh thi đợt 2 tại hội đồng thi Hà Nội; Đại uý biên phòng chịu tang cha tại chốt chống dịch; Sinh hai con đầu lòng ở tuổi 50...

Hà Nội “Xe buýt siêu thị 0 đồng” hỗ trợ người lao động

Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Hà Nội đề nghị các Ban LĐLĐ Thành phố, Công đoàn Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, Báo Lao động Thủ đô khẩn trương triển khai, thực hiện thí điểm mô hình “Xe buýt siêu thị 0 đồng” để hỗ trợ kịp thời đoàn viên, người lao động trên địa bàn Thành phố bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19.

Theo LĐLĐ Thành phố, việc triển khai "Xe buýt siêu thị 0 đồng" nhằm thực hiện Kế hoạch số 39/KH-LĐLĐ ngày 21/7/2021 của Ban Thường vụ LĐLĐ TP. Hà Nội về việc “Ứng phó khẩn cấp hỗ trợ đoàn viên, người lao bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19”.

Căn cứ tình hình thực tế và nhu cầu hỗ trợ các hàng hóa thiết yếu phục vụ công nhân lao động ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu nhà trọ công nhân trên địa bàn Thành phố bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động truyền thông công tác chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động của tổ chức Công đoàn Thủ đô, LĐLĐ Thành phố tổ chức triển khai từ 1 đến 2 “Xe buýt siêu thị 0 đồng”.

Căn cứ theo diễn biến thực tế của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố, trước mắt tổ chức triển khai thí điểm thực hiện trong 10 ngày (triển khai trước ngày 28/7/2021).

Đối tượng hỗ trợ là các đoàn viên, người lao động theo Kế hoạch số 39/KH-LĐLĐ; người lao động bị ngừng việc, mất việc do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 ở các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nhà trọ công nhân. Ưu tiên hỗ trợ nữ công nhân lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi.

Hà Nội “Xe buýt siêu thị 0 đồng” hỗ trợ người lao động (ảnh laodong.vn)

Hà Nội phân bổ 3 loại vaccine phòng COVID-19

Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn khẩn  về việc tiếp tục triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 trên địa bàn Thành phố gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội; bệnh viện trong và ngoài công lập; trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã.

Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội phân bổ 60.480 liều vaccine Moderna và 563.500 liều AstraZeneca cho 30 quận, huyện, thị xã và CDC Hà Nội. Ngoài ra, phân bổ 2.340 liều Pfizer cho Trung tâm Y tế quận Ba Đình và CDC Hà Nội.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã khẩn trương xây dựng kế hoạch tiêm chủng vaccine COVID-19 các đợt tiếp theo căn cứ đối tượng cần tiêm, đã tiêm, số lượng vaccine được phân bổ, bảo đảm minh bạch, đúng đối tượng theo Nghị quyết số 21 của Chính phủ.

Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị nêu trên huy động tối đa nguồn nhân lực tổ chức triển khai tiêm chủng ngay số vaccine được phân bổ, hoàn thành trong thời gian sớm nhất, đảm bảo an toàn nhất.

Sở Y tế Hà Nội lưu ý, đối với vaccine Pfizer có thể sử dụng để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm đồng ý và tiêm mũi 1 cho những người chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19. Vaccine đã được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C thì phải sử dụng hết trong vòng 31 ngày.

Đối với vaccine Moderna, thực hiện tiêm mũi 1 cho các đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19, vaccine đã được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C thì phải sử dụng hết trong vòng 30 ngày.

Đối với vaccine AstraZeneca, thực hiện tiêm mũi 1 và trả mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm mũi 1 với vaccine AstraZeneca, bảo đảm khoảng cách ít nhất 8 tuần. Trong một số trường hợp đặc biệt cần hoàn thành đủ 2 mũi vaccine sớm, có thể thực hiện tiêm trả mũi 2 với khoảng cách ít nhất là 4 tuần.

Theo Sở Y tế Hà Nội, các đơn vị triển khai tiêm hết loại vaccine Moderna và Pfizer (nếu được phân bổ) mới chuyển sang vaccine AstraZeneca, bảo đảm sử dụng vaccine hiệu quả, xây dựng kế hoạch tiêm chủng hợp lý, tránh hao phí vaccine và sử dụng hết vaccine trước hạn sử dụng.

Sở Y tế cũng yêu cầu, tại mỗi điểm tiêm chủng chỉ tiêm 1 loại vaccine ở cùng 1 thời điểm để tránh thắc mắc, bảo đảm công bằng, minh bạch cho đối tượng được tiêm.

Hà Nội phân bổ 3 loại vaccine phòng COVID-19 (Ảnh minh họa).

Các tỉnh phía bắc 'gửi’ thí sinh thi đợt 2 tại hội đồng thi Hà Nội

Ngày 23/7, Bộ GD&ĐT đã nhận báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội về phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2 năm 2021 và danh sách các thí sinh dự thi.

Cụ thể, Hà Nội sẽ thành lập một hội đồng thi cho các thí sinh có nguyện vọng đăng ký dự thi đợt 2 của kỳ thi.

Trong số 237 thí sinh đã đăng ký dự thi, có 195 thí sinh Hà Nội, còn lại là các thí sinh của các địa phương khác gửi về hội đồng thi của Hà Nội để cùng dự thi.

Cụ thể, Hòa Bình có 17 thí sinh, Hà Tĩnh có 13 thí sinh, Nghệ An có 10 thí sinh và Vĩnh Phúc có 2 thí sinh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 sẽ diễn ra trong các ngày 6-7/8/2021. Ngày 5/8, các thí sinh sẽ làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi. Trong 2 ngày 6-7/8, thí sinh làm bài thi các môn Ngữ văn, Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Ngoại ngữ.

Để bảo đảm tính thống nhất, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT thực hiện đúng Lịch công tác đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn quy chế thi, nghiệp vụ tổ chức thi cho tất cả cán bộ tham gia làm thi; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức, thanh tra, kiểm tra các công tác tổ chức thi đợt 2.

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các đối tượng được dự thi đợt 2, gồm: Thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên chưa dự thi hoặc không thể hoàn thành thi đợt 1 trong các ngày 7-8/7/2021; thí sinh chưa dự thi hoặc đã dự thi nhưng không thể hoàn thành thi đợt 1 vì các lý do khác với lý do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trường hợp thí sinh chưa dự thi hoặc đã dự thi nhưng không thể hoàn thành thi đợt 1 vì các lý do khác với lý do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì phải có đơn xin dự thi đợt 2, trong đó ghi rõ lý do liên quan.

Tùy theo điều kiện thực tế và để tạo thuận lợi cho việc dự thi của thí sinh cũng như công tác tổ chức, Bộ GD&ĐT cho phép các Sở GD&ĐT thành lập hội đồng thi để tổ chức thi tại địa phương hoặc trao đổi, thống nhất để chuyển thí sinh đến dự thi ở hội đồng thi của địa phương khác.

Trường hợp chuyển thí sinh đến dự thi ở hội đồng thi của địa phương khác, Sở GD&ĐT nơi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi chịu trách nhiệm chuyển các thông tin cần thiết cho hội đồng thi nơi thí sinh chuyển đến dự thi để phục vụ công tác tổ chức thi.

Đơn vị này đồng thời phải bảo đảm việc đi lại, ăn nghỉ đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh COVID-19 và an toàn sức khỏe, ổn định tâm lý cho thí sinh trong quá trình dự thi; phối hợp chặt chẽ với hội đồng thi nơi thí sinh chuyển đến dự thi thực hiện các khâu tổ chức thi đợt 2.

Các tỉnh phía bắc 'gửi’ thí sinh thi đợt 2 tại hội đồng thi Hà Nội (Ảnh minh họa).

Phạt 3 triệu đồng người đàn ông đạp đổ bàn lấy mẫu xét nghiệm COVID-19

Ngày 23/7, Công an huyện Nhà Bè, TP.HCM đã có báo cáo về vụ việc người đàn ông quát tháo và đạp đổ bàn làm việc của nhân viên y tế xảy ra trên địa bàn xã Phước Kiển.

Theo đó, lúc 15h40, ngày 21/7 tổ y tế xã Phước Kiển có mặt tại khu vực cuối đường số 9, khu dân cư Lavila ấp 4, xã Phước Kiển để thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 theo kế hoạch phòng, chống dịch của Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè.

Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết vào thời điểm đó không bảo đảm tốt cho công tác bảo quản mẫu và gây khó khăn cho quá trình thực hiện việc lấy mẫu (bầu trời có dấu hiệu chuyển mưa to kèm theo gió lớn) nên bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh, tổ trưởng tổ công tác đã hướng dẫn các thành viên di dời trang thiết bị, vật tư y tế, hồ sơ... vào khuôn viên căn hộ không có người ở trên đường số 9. Đồng thời đặt một bàn tiếp nhận mẫu và một cây dù to dưới lòng đường, trước căn nhà của ông N.T.Q. (SN 1982) nhằm tránh các yếu tố thời tiết nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện công tác lấy mẫu.

Gần 16h, ông N.T.Q. (tạm trú tại căn hộ số 75) điều khiển ô tô về đỗ gần đó và lớn tiếng quát nạt các nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ, yêu cầu tổ công tác phải dời đi nơi khác.

Ông Q. còn dùng chân đạp ngã bàn tiếp nhận mẫu đang được đặt dưới lòng đường, làm cho hồ sơ, vật tư y tế trên bàn (chưa có mẫu bệnh phẩm bên trong) rơi đổ xuống mặt đường.

Tổ công tác can ngăn ông Q. và thu nhặt vật dụng, hồ sơ, di dời bàn tiếp nhận mẫu đến khu vực cuối đường số 9 để thực hiện nhiệm vụ.

Ông Q. tiếp tục chửi bới rồi sau đó điều khiển xe ô tô bỏ đi khỏi hiện trường. Toàn bộ vụ việc được một nhân viên tổ y tế xã Phước Kiển quay lại và đưa lên trang Facebook cá nhân. Từ đó, các tài khoản Facebook khác chia sẻ lại, gây bức xúc trên mạng xã hội.

Phó Trưởng Công an huyện Nhà Bè, Trương Quang Vinh cho biết, đơn vị đã củng cố hồ sơ, tài liệu và làm việc với ông N. T. Q. Công an huyện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “cản trở người thi hành công vụ” được quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 20 Nghị định 167/NĐ-CP với mức phạt tiền cao nhất 3 triệu đồng.

Phạt 3 triệu đồng người đàn ông đạp đổ bàn lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 (Ảnh cắt từ video).

Cơ sở cách ly ở quận huyện chăm sóc F0 thế nào?

Mỗi cơ sở cách ly F0 ở quận, huyện có tổ phản ứng nhanh, chăm sóc bệnh nhân bằng thuốc, vitamin, bình oxy, và có trách nhiệm điều phối đưa F0 đi viện nếu trở nặng.

Theo bản hướng dẫn cách ly tập trung cho F0 tại các quận, huyện, TP Thủ Đức, do Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng ký, ngày 23/7, các cơ sở cách ly thành lập tổ phản ứng nhanh với thành phần bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, công an... để kịp thời hỗ trợ xử lý các tình huống khẩn cấp. Dự kiến một bác sĩ, hai điều dưỡng chăm sóc, theo dõi 50 -100 F0.

Trước mắt, TP HCM huy động nguồn nhân lực y tế hiện đang công tác tại các đơn vị y tế tuyến quận, huyện và các cơ sở y tế tư nhân, nhân viên y tế đã nghỉ hưu hiện đang cư ngụ trên địa bàn. Khi cần, Sở Y tế TP HCM sẽ điều động các bác sĩ, điều dưỡng từ các bệnh viện thành phố và nhân lực tăng cường của Bộ Y tế.

Cơ sở cách ly sẽ theo dõi chăm sóc sức khoẻ các F0 không có triệu chứng và xử lý ban đầu các trường hợp cần chuyển tới các bệnh viện điều trị Covid-19. Ngoài các loại thuốc cơ bản như hạ sốt, polyvitamin, các cơ sở được trang bị thuốc kháng viêm, kháng đông dự phòng để dùng cho người bệnh trong thời gian chờ chuyển viện đối với các trường hợp nặng hoặc có nguy cơ chuyển nặng.

Mỗi cơ sở trang bị ít nhất 5-10 bình oxy để có thể cho nhiều người bệnh cùng thở một lúc trong khi chờ chuyển người bệnh đến bệnh viện. Khi phát hiện người bệnh có dấu hiệu trở nặng như khó thở, SpO2 dưới 93%, nhân viên y tế gọi Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM điều phối xe vận chuyển.

Cơ sở cách ly trang bị thêm các vật dụng cần thiết cho người cách ly như nước nóng, giường, mùng, mền, gối, wifi... để tạo sự yên tâm và thoải mái cho người cách ly.

Với các F0 không có triệu chứng lâm sàng, thời gian cách ly tập trung là 7 ngày nếu kết quả xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 7 là âm tính hoặc dương tính với giá trị CT > 30. Trường hợp dương tính với giá trị CT < 30, xét nghiệm nhanh kháng nguyên nCoV mỗi 2 ngày sau đó cho đến khi kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính thì cho phép người bệnh tiếp tục cách ly theo dõi tại nhà theo quy định.

Với các F0 mới phát hiện và không có triệu chứng lâm sàng, xem xét cách ly tại nhà nếu kết quả xét nghiệm RT-PCR có giá trị CT> 30 và hội đủ các điều kiện theo quy định.

Chính quyền thành phố ngày 21/7 yêu cầu UBND các địa phương thành lập cơ sở cách ly tập trung các F0 các F0 (có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm PCR dương tính) và không có triệu chứng lâm sàng; không bệnh lý nền hoặc có bệnh lý nền nhưng đã được điều trị ổn định, không béo phì.

Các cơ sở này trở thành một tầng mới, thuộc tầng một trong hệ thống tháp 5 tầng điều trị Covid-19, dự kiến thu dung khoảng 50% trong tổng số F0, sử dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có tại địa phương như khu ký túc xá của trường học, khu chung cư mới chưa đưa vào sử dụng, khách sạn, nhà nghỉ, trường học...

Cơ sở cách ly ở quận huyện chăm sóc F0 thế nào?

Đại uý biên phòng chịu tang cha tại chốt chống dịch

Được tăng cường từ Phú Yên vào biên giới An Giang phòng chống Covid-19, khi hay tin cha mất, đại uý Diệp Sơn Đông không thể về chịu tang.

Đại uý Đông là cán bộ Đồn Biên phòng Xuân Đài, đóng tại thị xã Sông Cầu, thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên.

Hồi tháng 3, anh được tăng cường vào đồn biên phòng Phú Hữu ở huyện An Phú, tỉnh An Giang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, phòng chống Covid-19.

Ngày 22/7, đại uý Đông hay tin cha qua đời ở tuổi 65 tại quê nhà vì bệnh nặng. Do tình hình Covid-19 trên biên giới An Giang và trong khu vực Tây Nam Bộ đang phức tạp, nên anh quyết định ở lại cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ.

Đơn vị đã lập bàn thờ cha đại uý Đông tại chốt phòng chống dịch để anh cùng đồng đội thắp hương. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng An Giang, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 huyện An Phú đã gửi thư động viên, chia sẻ với đại uý Đông.

Năm 2020, thiếu tá Trần Hải Dương (Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa), trung úy Lê Văn Nguyên (Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa) được tăng cường vào An Giang làm nhiệm vụ, cũng không thể về quê chịu tang cha.

Tỉnh An Giang có gần 100 km đường biên giới tiếp giáp Campuchia, với 4 cửa khẩu quốc gia và quốc tế cùng nhiều đường mòn lối mở. Tình trạng vượt biên ở An Giang diễn biến phức tạp khi Covid-19 bùng phát. Tỉnh này đã ghi nhận 147 ca nhiễm cộng đồng.

Đại uý biên phòng chịu tang cha tại chốt chống dịch (Ảnh thanhnien.vn).

Sinh hai con đầu lòng ở tuổi 50

Vợ chồng chị Hoàng Thị Lan, ngoài 50 tuổi, đón cặp song sinh chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng sau nhiều năm chữa vô sinh.

Các bác sĩ ngày 22/7 đánh giá đây là trường hợp đặc biệt khi cả hai vợ chồng chị Lan đều tuổi đã cao.

Chị Lan xây dựng gia đình năm 20 tuổi, sau nhiều năm không có thai tự nhiên, anh chị đã khám và điều trị ở một số bệnh viện trên Hà Nội, làm thụ tinh ống nghiệm (IVF) một lần nhưng không thành công. Phần vì bận công việc, phần do kinh tế chưa thể tiếp tục làm, anh chị quyết định nhận trẻ sơ sinh về làm con nuôi.

Khi con lớn, kinh tế cũng ổn định, anh chị càng khao khát có con. Dù đã lớn tuổi, anh chị vẫn quyết định thử vận may, làm thụ tinh ống nghiệm lần nữa. Không ngờ, ngay lần chuyển phôi đầu tiên thành công, chị Lan mang song thai, một trai một gái.

Hai mẹ con sau sinh (Ảnh Bệnh viện cung cấp).

Tuy nhiên, trong quá trình mang thai, chị có khối u xơ tử cung kích thước lớn hơn 5 cm. Bác sĩ Vũ Văn Tâm - Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, khám, quản lý thai trong suốt thai kỳ. Khi thai tuần thứ 35, khối u kích thước lên đến 13 cm chiều dài. Chị được chỉ định mổ lấy thai. Bé trai cân nặng 2 kg và bé gái cân nặng 1,9 kg, sức khỏe bình thường nhưng còn non tháng nên chuyển khoa Nhi điều trị.

Các bác sĩ nhận định trường hợp của sản phụ này rất đặc biệt vì với phụ nữ ngoài 50 tuổi, khả năng có con tự nhiên là rất khó và rất ít trường hợp còn trứng, nên thụ tinh ống nghiệm cũng rất khó khăn.

 

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quận Đống Đa phát động thi viết báo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đảng ủy Khối doanh nghiệp quận Đống Đa hưởng ứng Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Tư, năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2024-03-29 10:26:56

KUN Happy Run Cần Thơ 2024 - Sân chơi thể thao đỉnh cao, căng trào cảm xúc

Trước thềm giải chạy VPBank Can Tho Music Night Run 2024, sáng ngày 13/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), thương hiệu KUN thuộc CTCP Sữa Quốc tế (IDP) và Nexus Sport Events sẽ phối hợp tổ chức giải KUN Happy Run Cần Thơ 2024. Giải chạy nhằm lan tỏa tình yêu thể thao, truyền cảm hứng về lối sống nhân văn, tích cực đến các mầm non tương lai của đất nước.
2024-03-29 10:04:15

Du khách được ăn hơn 400 món tại Lễ hội văn hóa ẩm thực TP.HCM

Lễ hội Văn hóa ẩm thực Món ngon Saigontourist Group 2024 hấp dẫn với hơn 400 món ăn, thức uống đặc trưng ba miền tại 40 gian hàng ẩm thực.
2024-03-28 22:55:00

Thành lập Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật TP Thái Nguyên

Ngày 28/3, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Hội Người khuyết tật TP Thái Nguyên tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật.
2024-03-28 17:48:00

Về thăm chùa cổ Kiên Lao - Sùng Phúc tự

Chùa Kiên Lao (Sùng Phúc tự) ở làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định) là một trong những danh lam cổ tự của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây Hòa thượng Thích Thiện Tri trụ trì là bậc hoằng pháp chân tu cùng Hội phật tử dốc lòng tâm huyết, luôn mang lại phúc lành cho mọi người dân và tín đồ phật tử muôn phương.
2024-03-28 16:04:55

Khám phá những đường chạy cực chất tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chính thức khởi tranh vào chiều tối 13/4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ đưa runner băng qua cung đường ấn tượng gắn kết với những địa danh đã đi vào huyền thoại của thủ phủ miền Tây Nam Bộ.
2024-03-28 13:59:17
Đang tải...