Bản tin kinh tế, tài chính ngày 3/9/2021: Nợ xấu đang dồn vào vai các ngân hàng

2021-09-03 10:45:17 0 Bình luận
Hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính, khả năng trả nợ của cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19 khiến tỉ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng từ mức 1,69% thời điểm cuối năm 2020 lên mức 1,78% vào cuối tháng 4.2021. Đến hết quý II/2021, các số liệu trong báo cáo tài chính được gần 30 NHTM công bố cho thấy tổng nợ xấu nội bảng có mức tăng 4,5% trong 6 tháng đầu năm 2021.

Giá vàng hôm nay 3/9: Giảm khi dòng tiền dồn vào chứng khoán

Giá vàng trong nước trong kỳ nghỉ lễ 2/9 không có giao dịch, vẫn cách xa giá vàng thế giới khoảng 7,5 triệu đồng/lượng. Vẫn trong "kỳ nghỉ bất đắc dĩ" phòng chống dịch Covd-19, giá vàng SJC vẫn gần như đứng yên tại các hệ thống kinh doanh. Các mức giá niêm yết cụ thể tại các thương hiệu vàng lớn trong phiên đóng cửa được ghi nhận như dưới đây:

Công ty VBĐQ Sài Gòn cùng tăng thêm 100.000 đồng/lượng theo cả chiều mua - bán tại cả hai chi nhánh Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hiện niêm yết giá vàng SJC lần lượt tại 56,70 - 57,42 và 57,40.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 56,50 - 57,50 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 56,70 - 57,70 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 56,50 - 57,50 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội, bảng giao dịch điện tử của Bảo tín Minh Châu vẫn tiếp tục đứng giá từ nhiều ngày nay. Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu vẫn được niêm yết tại: 56,90 - 57,52. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ít biến động, giao dịch tại 51,51 - 52,21 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,75 - 51,85 triệu đồng/lượng.

Đêm qua, giá vàng thế giới biến động không nhiều khi phần lớn nhà đầu tư lo ngại rủi ro trước khi Bộ Lao Động Mỹ công bố báo cáo số lượng việc làm mới vào cuối ngày 3-9

Theo giới phân tích, thị trường đang kỳ vọng báo cáo của Bộ Lao Động Mỹ có 750.000 việc làm được tạo ra trong tháng 8-2021. Điều này sẽ chứng tỏ tỉ lệ thất nghiệp giảm, đồng nghĩa kinh tế Mỹ đang trên đà khởi sắc. Yếu tố này có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm dần nguồn cung mỗi tháng 120 tỉ USD trong vài tháng tới. Khi đó, USD có thể tăng giá, bất lợi cho giá vàng hôm nay.

Ngược lại, nếu số lượng việc làm mới của Mỹ không như kỳ vọng, nghĩa là kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại thì Fed có thể duy trì nguồn cung USD đến hết năm 2021 để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn do Covid-19. Từ đó, USD có thể suy yếu so với ngoại tệ khác, có lợi cho giá vàng thế giới.

Do chính sách tiền tệ của Fed khó đoán định, giá trị USD có thể biến động khó lường, tác động nhất định đến giá vàng nên tại thời điểm này giới đầu tư tài chính chưa mạnh tay đưa vốn vào kim loại quý. Giá vàng hôm nay không có cơ hội để tăng.

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư khác tập trung vốn vào cổ phiếu giúp thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… đồng loạt "xanh" sàn. Đặc biệt tại Phố Wall, các chỉ số Dowjones tăng 131 điểm, Nasdaq tăng 21 điểm, S&P 500 tăng 12 điểm. Điều này cho thấy dòng tiền chảy vào thị trường vàng bị hạn chế. Giá vàng hôm nay đi xuống là tất yếu.

Chứng khoán: Hé lộ “cơ hội vàng” cho nhà đầu tư có kinh nghiệm thực chiến

Thị trường chứng khoán với VN-Index đã có 4 phiên giao dịch tăng điểm liên tiếp từ ngày 27.8-1.9. Tuy nhiên, 2 phiên về sau đà tăng ngày càng yếu đi do lực xả hàng chốt lời trước ngưỡng kháng cự 1.335-1.340 điểm.

Nhịp hồi phục được dự báo là sẽ trở lại trong tháng 9 này, với biên độ  dao động trong khoảng từ 1.280-1.380 điểm, trong đó từ 1.280-1.300 điểm là vùng khuyến nghị mua vào.

Tuy nhiên, với diễn biến thị trường các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa (midcaps) và vốn hóa nhỏ (smallcaps) đang thu hút dòng tiền, chuyên viên tư vấn Lê Thành Đạt của Công ty chứng khoán SSI cho rằng, nhà đầu tư nên tiếp tục đặt ưu tiên, hoặc nếu chưa tham gia thì có thể tham gia mới vào 2 nhóm này.

Và cũng theo chuyên viên tư vấn này, nhà đầu tư nên có sự gạn lọc, loại bỏ bớt đi quá nhiều sự lựa chọn trên thị trường hiện nay.

Trong khi đó, theo khuyến nghị của Công ty chứng khoán MB (MBS), mặc dù lúc này hai nhóm midcaps và smallcaps đang thu hút dòng tiền nhưng nhà đầu tư nên cơ cấu một phần danh mục sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn bluechips.

Cơ cấu danh mục cổ phiếu nắm giữ là việc cần làm thường xuyên, đặc biệt là sau mỗi giai đoạn, thời điểm. Theo ông Lê Thành Đạt, danh mục tái cơ cấu cần những cổ phiếu tốt, có tiềm năng tăng giá lớn. Tương đồng với quan điểm này, khuyến nghị từ Công ty chứng khoán Rồng Việt đối với nhà đầu tư là nên quan tâm đến các cổ phiếu có diễn biến giá tích cực, có khả năng bứt tốc về giá khi thị trường bắt đầu tăng trở lại.

Một danh mục yêu thích được gợi ý cho tháng 9 là bất động sản (bao gồm cả các công ty bất động sản nhà ở và khu công nghiệp), vật liệu xây dựng, vận chuyển, cảng biển. Tuy nhiên, một số công ty chứng khoán đề cử thêm nhóm ngành chứng khoán.

Mục tiêu của cơ cấu danh mục là dám thẳng tay loại bỏ những cổ phiếu yếu, ít có tiềm năng tăng giá sẽ trở thành sức ì cản trở, từ đó chuyển dòng tiền sang những cổ phiếu có tiềm năng tăng giá nhiều hơn, hoặc những nhóm ngành hưởng lợi từ đầu tư công, hay việc mở cửa lại nền kinh tế được kỳ vọng vào quý 4, hoặc các nhóm ngành xuất khẩu tốt.

Thế nhưng, ông Đạt cảnh tỉnh, trong giai đoạn tới nhà đầu tư nên đặt mục tiêu lợi nhuận ở mức vừa phải, có thể ở các mức 5%, 10% hoặc 15% thay vì từ 20%-25% hoặc hơn như trước đây. Cùng với đó, nhà đầu tư cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc cắt lỗ.

Trong bối cảnh thị trường có thể hồi phục theo hướng nhích chậm và tích lũy, cơ hội đến với những nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm thực chiến là trading ngay trong những phiên có biên độ dao động giá lớn.

Theo đó, Công ty chứng khoán KB Việt Nam khuyên nhà đầu tư nên dành một phần danh mục ngắn hạn linh hoạt để trading xoay vòng, nhưng qua đó cũng giúp một phần cho việc bình quân giá thấp xuống đối với những cổ phiếu nằm trong danh mục trung hạn.

Những ngày nghỉ, đối với nhà đầu tư kinh nghiệm đây cũng chính là “thời gian vàng” để cân chỉnh lại danh mục, dòng tiền, chiến thuật và chiến lược đầu tư.

Nợ xấu đang dồn vào vai các ngân hàng

Theo các dữ liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố, tỉ lệ nợ xấu nội bảng tại các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục có xu hướng tăng lên tính từ thời điểm cuối năm 2020 đến nay.

Hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính, khả năng trả nợ của cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19 khiến tỉ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng từ mức 1,69% thời điểm cuối năm 2020 lên mức 1,78% vào cuối tháng 4.2021. Đến hết quý II/2021, các số liệu trong báo cáo tài chính được gần 30 NHTM công bố cho thấy tổng nợ xấu nội bảng có mức tăng 4,5% trong 6 tháng đầu năm 2021.

Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam kỳ tháng 8.2021 vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng khuyến cáo Việt Nam cần cảnh giác với rủi ro khu vực tài chính đang tăng lên do khủng hoảng. Ở thời điểm hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế, cho phép các ngân hàng gia hạn nợ, tái cơ cấu nợ.

Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN - ông Đào Minh Tú - nếu chỉ tính riêng khoản nợ đã được các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay khoảng gần 800.000 khách hàng, kể cả doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh tế gia đình với dư nợ gần 2 triệu tỉ đồng, ở mức độ phù hợp với điều kiện thực tế mỗi loại hình doanh nghiệp, mỗi ngành nghề.

Dù các chính sách tái cơ cấu, gia hạn nợ và miễn giảm lãi suất đang phát huy tác dụng và giúp cộng đồng doanh nghiệp có thêm nguồn lực duy trì và hồi phục sản xuất kinh doanh, tuy nhiên World Bank khuyến cáo rằng ảnh hưởng của đại dịch sẽ có thêm những doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động không có khả năng trả nợ. Chính vì vậy nợ xấu sẽ tăng lên, những rủi ro từ nền kinh tế thực sẽ chuyển sang ngân hàng. World Bank theo đó lưu ý vấn đề quan trọng hiện nay là cơ quan thực hiện chính sách tiền tệ sẽ cần thận trọng với rủi ro nợ xấu đang gia tăng, đặc biệt ở các ngân hàng có mức vốn hóa chưa đảm bảo trước đại dịch.

Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm cần thông qua một kế hoạch giải quyết nợ xấu và xây dựng cơ chế rõ ràng để xử lý những ngân hàng yếu kém và gặp khó khăn, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu vốn ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu theo chuẩn Basel II.

Liên quan đến giải pháp xử lý nợ xấu, đại diện Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho hay, ảnh hưởng của dịch COVID-19 từ tháng 2.2020 tới nay đã khiến ngân hàng phải thay đổi nhiều chính sách để phù hợp.

Cụ thể về khách hàng, Techcombank có hai chính sách: (1) Với các khách hàng bị ảnh hưởng thu nhập do COVID-19, ngân hàng hỗ trợ tối đa qua các giải pháp miễn giảm lãi, tái cơ cấu nợ, giãn nợ. (2) Với các khách hàng thực sự không có khả năng trả nợ, trây ỳ tồn đọng đã lâu năm, ngân hàng tiếp tục áp dụng Nghị quyết 42 của Quốc hội năm 2017 để xử lý tài sản thu hồi nợ. Quá trình xử lý nợ tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn của địa phương và chính phủ về phòng chống dịch. Việc có thể xử lý được tài sản để thu hồi nợ theo Nghị quyết 42 không chỉ giúp ngân hàng thu hồi nợ xấu, mà còn có tác động rất tích cực tới các khách hàng vay vốn của ngân hàng. Tỉ lệ nợ xấu tại các ngân hàng cao nhất đến 1-3%. Như vậy 97- 99% các khách hàng vay vốn là khách hàng tốt. 

Song để quá trình xử lý nợ xấu và thực hiện Nghị quyết 42 mang lại hiệu quả cao hơn, nhất là trong giai đoạn 2021-2025, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - cho rằng Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan, địa phương khẩn trương, xử lý dứt điểm những vướng mắc chính trong quá trình triển khai; đẩy nhanh, thực chất tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực tài chính - quản trị, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng (TCTD) xử lý nợ xấu. Cùng với đó, Chính phủ cũng cần chỉ đạo sớm hoàn thiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục hỗ trợ các tổ chức này trong việc xử lý hiệu quả nợ xấu.

TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng cần luật hoá Nghị quyết 42 để thúc đẩy tiến trình xử lý nợ xấu nhất là trong bối cảnh tiềm ẩn nợ xấu cao như hiện nay. Tuy nhiên, đối tượng tập trung vào các khoản nợ được hình thành trước khi Nghị quyết có hiệu lực (ngày 15.8.2017) trong khi đó, nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành Ngân hàng.

Sơn La: Duyệt nhiệm vụ quy hoạch Khu công nghiệp Vân Hồ 240 ha

Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La vừa có Quyết định số 2071/QĐ-UBND ngày 27/8/2021 về việc phê duyệt nhiệm vụ và dự toán lập Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Theo quy hoạch, Khu công nghiệp Vân Hồ nằm tại bản Thuông Cuông, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La với phía bắc giáp địa giới hành chính 2  huyện Mộc Châu và Vân Hồ. Phía nam, đông, tây giáp đất lâm nghiệp của bản Thuông Cuông.

Tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 300 ha. Diện tích lập quy hoạch phân khu khoảng 240 ha. Trong đó, diện tích đất dành cho khu công nghiệp là 216,6 ha; diện tích đất dành cho sắp xếp ổn định dân cư, tái định cư và hạ tầng xã hội khu dân cư bản Thuông Cuông là 23,4 ha. Quy mô lao động 2.300 - 4.000 người, dân số hiện trạng 145 hộ với 692 nhân khẩu. 

Theo Quyết định, việc lập quy hoạch phải đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh và kết nối được với các khu vực xung quanh. Qua đó tận dụng những lợi thế sẵn có về giao thông, cảnh quan và quỹ đất xây dựng. Khu vực lập quy hoạch được kỳ vọng sẽ tạo sự đột phá trong ngành công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản, thực phẩm của tỉnh và huyện Vân Hồ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Dự kiến, tỉnh Sơn La sẽ xây dựng Khu công nghiệp Vân Hồ với đa dạng ngành nghề có quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước như: sản xuất, chế tạo thiết bị điện tử chế biến dược liệu, nông-lâm sản xuất khẩu bằng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Đồng thời cũng phát triển với đầy đủ chức năng bao gồm: các khu xây dựng nhà máy, hạ tầng kỹ thuật hành chính, dịch vụ, khu dân cư và hạ tầng xã hội, cây xanh, bãi đỗ xe...

Hiện nay, các ngành chức năng của tỉnh và huyện Vân Hồ đang tập trung thực hiện các thủ tục liên quan dự án. Qua đó đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng  theo đúng quy định của pháp luật.

Theo thông tin cho biết, Khu công nghiệp Vân Hồ thuộc Đề án quy hoạch phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030 được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 190/NQ-HĐND ngày 18/4/2020. Đến ngày 4/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam.

Đây được xác định là một trong những khu công nghiệp quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Khi đã đi vào hoạt động sẽ kết hợp với Khu công nghiệp Mai Sơn, Cụm công nghiệp Bó Bun (Mộc Châu) để tạo thành các khu công nghiệp kết nối với tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Giải mã sức hút của VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chỉ còn chưa đầy một tháng lễ hội thể thao âm nhạc đẳng cấp VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ chính thức diễn ra. Với mức giá siêu hấp dẫn, làn sóng săn lùng BIB của giải đã nhanh chóng lan rộng.
2024-03-18 15:23:48

TH School Happiness Day - “Rất nhiều nụ cười, cái bắt tay, cái ôm chia sẻ ấm áp… ở ngôi trường hạnh phúc”

Hơn 1.600 học sinh, phụ huynh và người dân Hà Nội trải nghiệm Lễ hội Hạnh phúc - TH School Happiness Day 2024 tại không gian xanh mát, hiện đại chuẩn quốc tế của ngôi trường hạnh phúc TH school cơ sở Hòa Lạc.
2024-03-18 15:15:00

Hoa Kỳ và Việt Nam khởi động dự án mới đối phó với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL

Ngày 15-3, tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức lễ khởi động Dự án Bảo vệ Hệ sinh thái ven biển ĐBSCL.
2024-03-18 11:15:41

Quốc hội dành 1 ngày chất vấn các vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, ngoại giao

Sáng 18/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
2024-03-18 10:40:59

Hoa Kỳ mở rộng chương trình hỗ trợ người khuyết tật tới tỉnh Bạc Liêu

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết, ngày 14/3/2024, tại tỉnh Bạc Liêu, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ khởi động một dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-03-18 08:28:00

Phóng viên Trần Anh Đức vật lộn với căn bệnh hiểm nghèo

Nhà báo Trần Anh Đức vừa mới mổ u não, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, 2 con nhỏ cũng bị bệnh, vợ anh thu nhập hạn hẹp.
2024-03-17 14:00:00
Đang tải...