Bản tin kinh tế, tài chính ngày 7/9/2021: 30% sàn giao dịch bất động sản nguy cơ phá sản

2021-09-07 09:17:35 0 Bình luận
Nhiều cổ phiếu giá cao nhất thị trường nhưng rất ít giao dịch. Ngược lại, nhiều mã chứng khoán giá chưa bằng... 1 cây kẹo mút nhưng lại giao dịch tới hàng triệu cổ phiếu mỗi ngày. Vì sao có những cổ phiếu "lạ" như thế trên sàn chứng khoán?

Giá vàng hôm nay 7/9, Giá được hỗ trợ, tiệm cận mốc 1.900 USD/ounce?

Trong nước, chốt phiên giao dịch ngày đầu tuần, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào ở mức 56,75 - 57,45 triệu đồng/lượng, giữ nguyên so với phiên giao dịch sáng cùng ngày. Chênh lệch giá bán đang cao hơn giá mua 700.000 đồng/lượng.

Cùng thời điểm, nhiều hệ thống khác không điều chỉnh giá so với mức giá tuần trước. Giá vàng tại nhiều thương hiệu khác vẫn tiếp tục trong giai đoạn giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19. Dưới đây là mức giá niêm yết cập nhật tại các thương hiệu vàng lớn trong cả nước, tại phiên đóng cửa cuối tuần trước.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 56,50 - 57,50 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 56,70 - 57,70 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 56,50 - 57,50 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội, bảng giao dịch điện tử của Bảo tín Minh Châu vẫn tiếp tục đứng giá từ nhiều ngày nay. Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu vẫn được niêm yết tại: 56,90 - 57,52. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ít biến động, giao dịch tại 51,51 - 52,21 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,75 - 51,85 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới mở cửa phiên giao dịch tuần này vẫn giữ trên mức 1.800 USD/ounce và giao dịch ổn định sau khi tăng vọt gần 20 USD/ounce vào cuối tuần trước.

Đến 21h ngày 6/9, giá vàng tại sàn giao dịch Kitco đang ở mức 1.822,5 - 1.823,5 USD/ounce, giảm nhẹ 5 USD so với phiên giao dịch liền kề.

Ông Kyle Rodda, chuyên gia phân tích của công ty cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến IG Market, cho biết vàng đang được hỗ trợ bởi một đồng USD yếu và dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ lùi kế hoạch giảm chương trình mua tài sản. Chỉ số đồng USD, thước đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt đang dao động gần mức thấp nhất trong một tháng.

Số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của nước này đã tăng 235.000 việc làm trong tháng trước, ít hơn mức tăng dự đoán 728.000 việc làm của giới đầu tư.

Số liệu việc làm tháng 8 của Mỹ sụt giảm mạnh cho thấy, biến thể Delta đã và đang tác động rất lớn đến kinh tế Mỹ nói chung và thị trường lao động Mỹ nói riêng. Điều này buộc các doanh nghiệp Mỹ phải thu hẹp hoạt động, ngừng tuyển dụng, trong khi người lao động cũng ngại quay trở lại làm việc do sợ lây nhiễm.

Chủ tịch Fed Jerome Powell hồi tháng trước đã phát đi tín hiệu, sự phục hồi việc làm mạnh mẽ là điều kiện tiên quyết để Fed bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản.

Cổ phiếu "lạ" trên sàn chứng khoán

Thị trường chứng khoán gần đây thu hút rất đông nhà đầu tư, giá trị giao dịch hiện cao gấp nhiều lần so với những năm trước, thậm chí có phiên lên đến 48.000 tỉ đồng, tức hơn 2 tỉ USD. Tuy vậy, giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức chỉ tập trung ở một vài nhóm cổ phiếu nhất định như VN30, HNX30, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép, dầu khí, thủy sản, bán lẻ... Phần lớn những cổ phiếu còn lại trên sàn lại có giao dịch rất lạ.

 

Việc tồn tại hàng trăm cổ phiếu “lạ” trên sàn có thể khiến nhà đầu tư gặp rủi ro khi giao dịch những mã chứng khoán này. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Dạo các sàn HoSE, HNX và UPCoM, nhà đầu tư sẽ ngỡ ngàng với những cổ phiếu có giá cao ngất ngưởng như VCF (HoSE) giá 245.000 đồng/cổ phiếu, PDN (HoSE) 93.000 đồng/cổ phiếu, WCS (HNX) 181.000 đồng/cổ phiếu, DP3 (HNX) 116.200 đồng/cổ phiếu, CMF (UPCoM) 185.000 đồng/cổ phiếu, HLB (UPCoM) 169.500 đồng/cổ phiếu, CAB (UPCoM) 140.900 đồng/cổ phiếu… Thế nhưng, giao dịch mỗi phiên chỉ vài trăm cổ phiếu, thậm chí có mã suốt 1 năm không phát sinh giao dịch nào. Điều này khiến nhà đầu tư muốn mua hay bán với những cổ phiếu này đều rất khó thực hiện dù thực chất hoạt động doanh nghiệp rất tốt.

Điểm chung của những doanh nghiệp niêm yết có giá cao ngất ngưởng này là lượng cổ phần do cổ đông lớn nắm giữ rất "cô đặc" nên lượng cổ phiếu tự do giao dịch trên sàn rất ít. Chẳng hạn, mã VCF của Công ty CP VinaCafe Biên Hòa do Tập đoàn Masan nắm giữ tới gần 99% vốn cổ phần nên lượng giao dịch trên sàn mỗi phiên chỉ khoảng 100-200 cổ phiếu.

Tương tự, Công ty CP Cảng Đồng Nai với mã PDN, vốn điều lệ hơn 185 tỉ đồng nhưng cổ đông tổ chức nắm tới hơn 85% vốn nên lượng giao dịch trên sàn cũng rất ít, chỉ vài trăm cổ phiếu/phiên, ngày nhiều nhất chỉ hơn 5.000 cổ phiếu/phiên. Nguyên nhân giá cổ phiếu PDN duy trì ở mức cao là do kết quả kinh doanh của công ty liên tục tăng những năm qua và cổ tức hằng năm đều khá cao.

Công ty CP Bến xe Miền Tây với mã WSC có vốn điều lệ chỉ 25 tỉ đồng nhưng lợi nhuận hằng năm đều đạt gấp đôi hoặc gấp 3 nên giá cổ phiếu của doanh nghiệp này cũng liên tục duy trì mức cao trong nhiều năm. Trong khi đó, cổ đông tổ chức trong nước và nước ngoài nắm tới hơn 99% cổ phần nên lượng giao dịch bên ngoài rất thấp, nhà đầu tư trên sàn muốn mua bán cổ phiếu này cũng rất khó.

Gần 30% sàn giao dịch bất động sản có nguy cơ giải thể, phá sản

Mới đây, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) kiến nghị Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan quan tâm xem xét, trình Chính phủ điều chỉnh chính sách vĩ mô để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản, nhà môi giới bất động sản gặp khó khăn bởi dịch COVID-19.

Theo đó, VARS đã đưa ra 5 đề xuất. Đầu tiên, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đề nghị bổ sung nhóm ngành bất động sản; trong đó có ngành dịch vụ môi giới bất động sản vào nhóm ngành được hưởng đầy đủ các chính sách của nhà nước; đồng thời, được hoãn, giãn thời hạn nộp các khoản thuế phải nộp, bảo hiểm xã hội và một số nghĩa vụ khác đối với nhà nước để doanh nghiệp có nguồn tiền hỗ trợ lao động cũng như đồng hành cùng với chính quyền trong chống dịch.

Cụ thể, VARS đề nghị bổ sung ngành kinh doanh bất động sản vào "Điều 2. Đối tượng áp dụng" trong Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 của Chính phủ.

VARS mong muốn giảm 50% thuế thu nhập cho doanh nghiệp sàn giao dịch bất động sản có phát sinh từ tháng 5 đến hết năm 2021 để có điều kiện sớm phục hồi sản xuất kinh doanh; có chính sách để các ngân hàng giảm tiến độ trả nợ, điều chỉnh lãi suất hợp lý, giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực cho phí và chống đỡ khó khăn trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Hiệp hội cũng đề nghị chủ dự án hỗ trợ, tạo điều kiện, không phạt hợp đồng nếu các sàn chưa thực hiện đúng cam kết tiến độ bán hàng do phải thực hiện giãn cách xã hội.

Đồng thời, VARS đề nghị chủ dự án không nợ phí môi giới của các sàn giao dịch; sớm thanh toán hoặc ít nhất là thanh toán một phần đề các sàn giao dịch có nguồn kinh phí duy trì hoạt động.

Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành trên cả nước liên tục phải thực hiện giãn cách xã hội, đặc biệt là tại các đô thị lớn, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Hải Phòng, Quảng Ninh...

Nhiều công trình xây dựng phải dừng hoặc giãn tiến độ xây dựng. Người dân giảm thu nhập hoặc có tâm lý chờ đợi đã ảnh hưởng mạnh tới thị trường bất động sản nói chung và lĩnh vực môi giới bất động sản nói riêng.

Dịch COVID-19 đang đẩy thị trường bất động sản rơi vào tình cảnh khó khăn. 

Theo khảo sát của VARS, có tới 28% sàn giao dịch có nguy cơ giải thể, phá sản; 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, rất cần sự hỗ trợ của chính sách vĩ mô, cộng đồng và 40% doanh nghiệp còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao. Nếu phải duy trì thêm một, hai tháng nữa để chống dịch thì tỷ lệ có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao.

Hiện nay, hơn 80% sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp. Quỹ lương cạn kiệt khiến nhiều đơn vị phải cắt giảm nhân sự.

Các sàn giao dịch phản ánh, mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến hoạt động khiến doanh thu sụt giảm, thậm chí không có nguồn thu, nhưng có tới hơn 70% sàn giao dịch không được giảm chi phí thuê mặt bằng. Ngay cả các sàn giao dịch phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động để chống dịch cũng không được giảm...

Dù các sàn giao dịch đã chủ động, linh hoạt, thay đổi phương án kinh doanh về thích ứng, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong bán hàng nhưng cũng không đủ để vượt khó.

Ngân hàng đua giảm phí dịch vụ thanh toán để hút tiền gửi không kỳ hạn

Từ chỗ chạy đua tăng phí, các ngân hàng đã chuyển dần sang cuộc đua miễn, giảm phí dịch vụ và điều này đang trở thành xu hướng mạnh mẽ gần đây. 

Mới đây, ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa áp dụng miễn 100% phí dịch vụ thanh toán (bao gồm cả phí dịch vụ liên quan hoạt động cho vay) đối với tất cả khách hàng khi giao dịch tại quầy và trên các kênh ngân hàng điện tử. Chính sách miễn phí dịch vụ này được áp dụng tại các tỉnh, thành đang thực hiện theo Chỉ thị 16 và kéo dài đến hết thời gian thực hiện cách ly xã hội.

Trước đó, Agribank cũng chủ động triển khai đồng loạt miễn, giảm các loại phí dịch vụ và lãi suất cho vay như: miễn 100% phí dịch vụ chuyển tiền trong nước; miễn 100% phí chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip nội địa; giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng; giảm lãi suất cho vay thẻ tín dụng; giảm phí cho chủ thẻ khi rút tiền tại ATM của ngân hàng khác.

Với BIDV, từ đầu tháng 8 đến cuối năm 2021, khách hàng cá nhân được miễn 100% phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống cho khách hàng đăng ký sử dụng ứng dụng BIDV SmartBanking qua kênh trực tuyến; miễn phí trọn đời 10 loại phí khi đăng ký sử dụng gói dịch vụ B-Free, trong đó miễn phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống; miễn phí chuyển tiền 24/7 trên ATM; giảm phí rút tiền mặt tại ATM ngoài hệ thống. 

Tương tự, đối với khách hàng cá nhân, Vietcombank giảm đến 80% phí chuyển tiền trong cùng hệ thống và 25% phí chuyển tiền ngoài hệ thống Vietcombank; giảm đến 33% phí các gói tài khoản, áp dụng cho các gói tài khoản VCB Eco và VCB Plus; giảm 17% phí rút tiền mặt tại ATM ngoài hệ thống Vietcombank. Đối với khách hàng tổ chức, Vietcombank giảm đến 50% phí chuyển tiền ngoài hệ thống Vietcombank.

Trong khi, tại VietinBank, nhiều loại phí dịch vụ cũng được miễn giảm cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cụ thể, ngân hàng miễn, giảm phí thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại đối với khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, trang thiết bị, vật tư y tế...

Như vậy, cho tới thời điểm này, cả 4 ngân hàng thương mại nhà nước đều tham gia giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại tư nhân khác cũng giảm mạnh phí thanh toán có thể kể đến như MSB, HDBank, SeABank, Techcombank, SHB, VPBank…

Để hỗ trợ hoạt động thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tiếp tục triển khai chính sách giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử năm 2021 nhằm hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Và NAPAS đã giảm từ 50-75% phí dịch vụ chuyển mạch và bù trừ so với mức phí hiện hành, áp dụng từ 1/8 đến cuối năm 2021.

Thực ra, chính sách giảm phí đã được các ngân hàng áp dụng từ giữa những năm 2016. Khi đó, Techcombank tiên phong với chính sách “Zero Free” miễn phí cho tất cả các giao dịch trực tuyến qua dịch vụ F@st I-bank và F@st mobile. Sau đó, TPBank, MSB hay MBB… cũng đã đưa ra chính sách giảm phí tương tự.

Tuy nhiên, trào lưu miễn, giảm phí giao dịch ở các ngân hàng bắt đầu rộ lên từ năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam. Theo đó, các ngân hàng hy vọng với việc đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt và thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán sẽ giúp các ngân hàng bù đắp được khoản lợi nhuận đã phải hy sinh cho việc giảm phí.

Một lãnh đạo ngân hàng thương mại chia sẻ, nhờ số hoá nên chi phí cho hoạt động giao dịch của ngân hàng đã giảm đi rất nhiều. Do đó, khi giảm phí ngân hàng cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều đến lợi nhuận.

“Ngoài ra, việc miễn phí dịch vụ cũng giúp cho ngân hàng có lượng khách trung thành và tăng thêm tệp khách hàng mới. Chính nhờ tệp khách hàng mới này, ngân hàng có nhiều cơ hội gia tăng lợi nhuận từ khu vực khác chứ không nhất thiết chú trọng vào phí thanh toán”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nhấn mạnh.

Cụm công nghiệp Hà Nội: Chỉ còn gần 1/3 doanh nghiệp duy trì sản xuất

Thủ đô Hà Nội đang hiện thực hiện giãn cách xã hội nên chỉ các nhà máy, xí nghiệp sản xuất tại các cụm công nghiệp có phương án sản xuất an toàn “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” được duyệt mới được phép hoạt động. Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, đến giữa tháng 8/2021, chỉ có 1.077 trong 3.600 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các cụm công nghiệp Hà Nội duy trì hoạt động.

Theo phản ảnh từ các doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ” thì phần lớn đều đang gặp khó khăn do phát sinh chi phí sản xuất, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh đều giảm. Mặt khác, từ trước khi Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16, một số doanh nghiệp đã dừng hoạt động, phải thu hẹp quy mô sản xuất, bình quân chỉ còn khoảng 80% so với trước đây. Vì thế đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, cung ứng hàng hóa, bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, thu nhập cho người lao động.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, giải pháp “3 tại chỗ” trước đây được áp dụng thành công ở tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, song khi triển khai ở địa bàn khác lại phát sinh nhiều bất cập. Bộ Công Thương đã có Văn bản gửi Bộ Y tế đề xuất bổ sung các hình thức sản xuất khác để doanh nghiệp lựa chọn, như người lao động được về nhà và cam kết bảo đảm “1 cung đường, 2 điểm đến” với chính quyền địa phương và doanh nghiệp (bảo đảm các biện pháp an toàn tương tự trường hợp F1 tự cách ly tại nhà và di chuyển theo tuyến cố định, không dừng dọc đường); sửa đổi một số quy định liên quan đến hoạt động sản xuất trong các trung tâm công nghiệp, cũng như có thể không yêu cầu người lao động phải ở trong nhà máy.

Đối với các doanh nghiệp được phép hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”, do nhiều nguyên nhân cũng đã bộc lộ những bất cập, như làm phát sinh chi phí sản xuất, năng suất lao động giảm, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh không được bảo đảm...

Các doanh nghiệp kiến nghị ưu tiên hoàn thành tiêm chủng vaccine cho công nhân trong các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố trong thời gian sớm nhất.

Trước tình hình dịch Covid-19 dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp và kéo dài, để bảo đảm mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì thúc đẩy các hoạt động sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, Sở Công thương Hà Nội kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, ưu tiên hoàn thành tiêm chủng vaccine cho công nhân lao động trong các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố trong thời gian sớm nhất.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cũng cho rằng đẩy nhanh tiêm vaccine là giải pháp tốt nhất để phòng chống dịch lúc này. Nếu chúng ta chậm tiêm vaccine, sẽ chậm “cuộc chơi” so với thế giới. Ngoài nguồn vaccine của Chính phủ, cũng nên có cơ chế để doanh nghiệp tự tìm kiếm và chi trả để tiêm cho người lao động.

Hiện tại, các doanh nghiệp cũng kiến nghị bổ sung điều kiện cụ thể cho phép doanh nghiệp được hoạt động trở lại, từ 30% đến 100% như trước thời điểm dịch bệnh diễn ra tùy theo điều kiện bảo đảm an toàn của doanh nghiệp và kết quả phòng, chống dịch Covid-19.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em

Mặc dù mới được kiện toàn, nhưng Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần quan trọng để trẻ em và những người có hoàn cảnh đặc biệt ổn định cuộc sống vật chất, tinh thần, có điều kiện học tập, hòa nhập cộng đồng.
2024-12-28 10:13:42

Tỉnh Quảng Bình tổ chức bắn pháo hoa chào năm mới 2025 tại 2 điểm

Ngày 28/12, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết, chương trình Chào đón năm mới 2025 sẽ được tổ chức với nhiều hoạt động hấp dẫn tại nhiều địa điểm, nhằm thu hút du khách và quảng bá du lịch tỉnh Quảng Bình.
2024-12-28 10:05:00

Cựu chiến binh thành phố Hạ Long - Những người lính tích cực trong thời bình

Hội Cựu chiến binh (CCB) thành phố Hạ Long vừa tổng kết công tác Hội năm 2024, bàn phương hướng nhiệm vụ năm 2025 với quyết tâm: Phát huy truyền thống đoàn kết, gương mẫu, khắc phục mọi khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ của người lính trong thời binh, tích cực phát triển kinh tế, xây dựng quê hương Hạ Long ngày càng giàu đẹp
2024-12-28 08:23:00

Herbalife khảo sát khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Chế độ ăn uống lành mạnh hỗ trợ tốt sức khỏe tinh thần và thể chất

Herbalife công bố: cuộc khảo sát "New Year, New Me" (Năm mới, Tôi mới) thực hiện tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, cho thấy 93% người tiêu dùng tại Việt Nam cho biết chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò rất quan trọng để hỗ trợ sức khỏe tinh thần và thể chất của họ.
2024-12-28 08:00:00

Hải Phòng đề cử Vận động viên Thể thao người khuyết tật xuất sắc lần thứ 31

Sáng 27/12, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng tổ chức bầu chọn danh hiệu “Vận động viên tiêu biểu và đề cử Vận động viên Thể thao người khuyết tật xuất sắc thành phố Hải Phòng lần thứ 31”.
2024-12-27 21:08:51

Hải Phòng công bố Quyết định thành lập Đảng bộ TP. Thủy Nguyên và quận An Dương

Ngày 27/12, Thành ủy Hải Phòng tổ chức công bố Quyết định thành lập Đảng bộ thành phố Thuỷ Nguyên và Đảng bộ quận An Dương
2024-12-27 20:13:21
Đang tải...