Thủ tướng Chính phủ: Bằng mọi giá có vaccine nhiều nhất, nhanh nhất để tiêm cho nhân dân
Hàng Nghìn người từ các vùng dịch được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo liên tục, sâu sát, quyết liệt, yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe nhân dân, sức khỏe cộng đồng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, cùng cộng đồng trách nhiệm, thống nhất thực hiện các giải pháp để có vaccine sớm nhất.
Mặc dù đã tiếp cận, đàm phán với các nhà sản xuất vaccine phòng COVID-19 trên thế giới từ tháng 5/2020 nhưng những vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình rườm rà, thậm chí cả tâm lý sợ trách nhiệm khiến Việt Nam có biểu hiện chậm chân trong “cuộc đua” tiếp cận vaccine.
Liên tiếp trong các cuộc họp về phòng, chống dịch gần 1 tháng qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải thần tốc hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trên “mặt trận vaccine”. Đây là một hướng tấn công có ý nghĩa then chốt trong cuộc chiến chống dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và phát triển kinh tế của đất nước. Trong tất cả các cuộc điện đàm, trong các cuộc làm việc với các đối tác nước ngoài, Thủ tướng cũng luôn nhất quán mục tiêu kêu gọi bằng mọi giá có vaccine nhanh nhất, nhiều nhất để tiêm cho nhân dân.
Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, diễn biến phức tạp với số ca nhiễm lớn từng ngày, Thủ tướng triệu tập cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc mua vaccine phòng COVID-19 (chiều 17/5). Ngay tối 17/5, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp, nhấn mạnh, đây là tình huống cấp bách, vì thế việc mua vaccine phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay. Việc lấy ý kiến các thành viên Chính phủ ngay lập tức được triển khai, đa số thống nhất chủ trương này. Hôm sau (18/5), chưa đầy 24h, Nghị quyết của Chính phủ về việc mua vaccine COVID-19 được ban hành.
Những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, tinh thần tấn công thần tốc, mạnh mẽ, nhất quán đã gỡ bỏ hàng loạt khó khăn về cơ chế, thể chế, cũng như tư duy máy móc, cứng nhắc khi tiếp cận các nguồn vaccine của ngành y tế.
Mọi thủ tục, quy trình về cấp phép lưu hành, kiểm định vaccine phòng COVID-19 được rút gọn tối đa. Mọi vướng mắc được tháo gỡ ngay. Mọi điều chưa rõ được hướng dẫn ngay. Mục tiêu lớn nhất là không để bất kỳ DN nào, tổ chức nào thực sự có nguồn mua được vaccine ngay mà lại không mua về được.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế, nhiều doanh nghiệp tích cực hỗ trợ, tham gia vào quá trình nghiên cứu, phát triển, sản xuất đảm bảo nguồn vaccine phòng COVID-19 trong nước. Việt Nam hiện có 3 đơn vị nghiên cứu, phát triển vaccine phòng COVID-19, trong đó có đơn vị đã chuẩn bị thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 giai đoạn 3. Mặt khác, Việt Nam có kế hoạch mua bản quyền, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng COVID-19 cũng như liên doanh, liên kết đối với những đơn vị sản xuất vaccine phòng COVID-19 trên thế giới để sớm tự chủ được nguồn vaccine.
Trong điều kiện nguồn tài chính rất hạn hẹp, việc bảo đảm nguồn lực xã hội để tất cả người dân Việt Nam được tiếp cận vaccine miễn phí là thách thức rất lớn.
Thủ tướng đã chỉ đạo tiết kiệm chi thường xuyên để dồn khoản tiết kiệm đó cho mua vaccine phòng COVID-19, đồng thời huy động sự ủng hộ, hỗ trợ của những tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 mở đường cho việc đảm bảo nguồn tài chính bền vững, công bằng trong tiếp cận vaccine đối với tất cả người dân Việt Nam.
Tìm mua vaccine đã khó, nhưng sử dụng sao cho đạt hiệu quả phòng chống dịch bệnh cao nhất cũng đòi hỏi quyết tâm, bản lĩnh và trên hết là trách nhiệm đối với sức khoẻ nhân dân. “Vũ khí” vaccine là “quả đấm thép” để tung ra những đòn đánh quyết định.
Hơn 1 triệu liều vaccine đầu tiên về đến Việt Nam đã được tiêm cho những lực lượng tuyến đầu. Và trong đợt dịch lần thứ tư, hàng trăm nghìn liều vaccine đã được chuyển đến tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp để giữ vững “động cơ tăng trưởng” của cả nền kinh tế. Những lô vaccine mới sẽ về Việt Nam trong quý III/2021, một phần trong đó được dành cho hàng triệu công nhân, người lao động làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, những ngành nghề “xương sống” của nền kinh tế. Có như vậy, chúng ta mới bảo vệ được sản xuất, duy trì được các chuỗi cung ứng. Kinh tế tăng trưởng mới có thêm nguồn lực để thực hiện phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, triệt để hơn, bảo đảm an sinh xã hội,đời sống cho nhân dân.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống COVID-19, ngày 29/5, một lần nữa Thủ tướng Phạm Minh Chính lại yêu cầu bằng mọi cách mua được vaccine sớm nhất có thể, nhiều nhất có thể, phải tiếp cận mọi khả năng để mua vaccine, trong lúc cả thế giới đều trong cuộc đua tiếp cận vaccine, nguồn cung có hạn. Việc càng khó khăn càng phải quyết tâm, cố gắng, không thể chậm trễ từng giờ, từng phút.
Nhất định chúng ta sẽ vượt qua đợt bùng phát dịch lần thứ tư bằng sự đoàn kết, chung tay, đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân, bằng 5K, bằng hệ thống an toàn COVID và bằng “vũ khí” vaccine lợi hại.
Nhất định Việt Nam sẽ chiến thắng cả cuộc chiến. Sức khoẻ, tính mạng của nhân dân là quan trọng nhất. Đất nước an toàn trước dịch bệnh. Các doanh nghiệp tận dụng được thời cơ phục hồi, phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ. Các chỉ tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2021 sẽ đạt được.Vị thế đất nước trên trường quốc tế ngày càng cao.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.