Báo chí đi đầu trong áp dụng công nghệ mới để đạt mục tiêu cạnh tranh thông tin
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Thuận Hữu; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Toàn cảnh hội nghị |
Tham dự còn có đại diện các bộ, ban, ngành trung ương và lãnh đạo các cơ quan báo chí lớn của đất nước.
Tại buổi gặp mặt, đồng chí Thuận Hữu cho biết, hiện nay, Hội Nhà báo Việt Nam có hơn 24.000 hội viên. Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo, Hội đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, động viên, cổ vũ người làm báo hoàn thành tốt trọng trách của mình.
Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ Hội Nhà báo Việt Nam và các cấp hội còn hạn chế. Đồng chí Thuận Hữu đề nghị, thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ và các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho Hội Nhà báo Việt Nam hoạt động hiệu quả, không sáp nhập Hội Nhà báo với các hội khác để tránh gây xáo trộn đến tính thống nhất của tổ chức Hội Nhà báo từ trung ương đến địa phương.
Về nhân sự, Hội Nhà báo Việt Nam hiện có khoảng 180 người làm việc nhưng biên chế chỉ có 17 người, do đó đồng chí Thuận Hữu đề nghị bổ sung biên chế cho Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam và các đơn vị đông hội viên như Hội Nhà báo thành phố Hà Nội và Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh; bổ sung kinh phí để thực hiện Dự án sưu tầm hiện vật của Bảo tàng Báo chí Việt Nam năm 2019; điều chỉnh cơ cấu giải, mức chi Giải Báo chí quốc gia cho phù hợp với quy mô của giải...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các cơ quan báo chí đề nghị, Chính phủ có chính sách phù hợp để hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện cơ chế tự chủ; quản lý chặt chẽ mạng xã hội; có giải pháp nâng cao hơn nữa đời sống người làm báo...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu |
Cũng tại buổi làm việc, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long phản ánh, so với nhiệm vụ được giao, biên chế cơ quan báo Đảng còn thấp; cơ chế tự chủ thu chi thường xuyên vận dụng khó khăn, cần nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực và sự đóng góp quan trọng của báo chí, của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước trong suốt quá trình xây dựng và phát triển.
Với đội ngũ hơn 24.000 hội viên sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, Thủ tướng Chính phủ khẳng định đây thực sự là lực lượng hùng hậu trên mặt trận thông tin, truyền thông, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng và Nhà nước; luôn đi đầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, phản bác luận điệu sai trái, tiêu cực.
Bên cạnh đánh giá cao những thành tựu mà báo chí đã đạt được trong thời gian qua, người đứng đầu Chính phủ cũng chia sẻ trước những khó khăn của người làm báo đang phải đối mặt. Đó là quảng cáo sụt giảm mạnh về doanh thu. Số lượng báo chí quá nhiều, phải cạnh tranh quyết liệt với mạng xã hội. Chính sách tài chính về hoạt động báo chí còn nhiều bất cập.
Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế như một số cơ quan báo chí còn chưa chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ. Thậm chí có trường hợp còn chạy theo mạng xã hội; yếu tố thương mại, giật gân, câu khách; lợi dụng danh nghĩa nhà báo để tống tiền người dân, doanh nghiệp…
Theo Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí cần chú trọng công tác chăm lo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ người làm báo có phẩm chất chính trị vững vàng và năng lực chuyên môn nghiệp vụ giỏi để sáng tạo nên những tác phẩm báo chí mang tính chuyên nghiệp, tính nhân văn, tính chiến đấu. Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị báo chí phải đi đầu trong áp dụng công nghệ mới để đạt mục tiêu cạnh tranh thông tin.
Hội Nhà báo Việt Nam phải không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, động viên, cổ vũ, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người làm báo hoàn thành tốt trọng trách của mình.
Các cơ quan báo chí cần tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên từng loại hình báo chí; thông tin nhanh nhạy, kịp thời trên tinh thần trọng dân, hiểu dân, giúp nhân dân hiểu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo nên khát vọng của toàn dân tộc ta về một Việt Nam hùng cường, phát triển thịnh vượng.
Liên quan đến một số kiến nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí về việc điều chỉnh chính sách thuế để chia sẻ với khó khăn của báo chí hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ cùng các cơ quan liên quan xem xét trên tinh thần chung tay chia sẻ khó khăn của các cấp hội, cơ quan báo chí, cộng đồng nhà báo, người làm báo.
Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu dành kinh phí để đặt hàng các tác phẩm báo chí chất lượng cao, có giá trị thật sự; đầu tư công nghệ thông tin để báo chí thông tin nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Về quy hoạch báo chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin, Chính phủ đã nghiên cứu nghiêm túc, hoàn thiện hệ thống pháp luật và triển khai thực hiện quy hoạch báo chí theo đề án đã được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng thông qua, vừa bảo đảm quản lý tốt, vừa tạo điều kiện cho báo chí phát triển, sẽ triển khai trong cuối năm nay.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.