Bảo lãnh tín dụng “liều thuốc” giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn mới
Chật vật tiếp cận
Còn nhớ năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nâng quy mô gói hỗ trợ tín dụng lên 300.000 tỷ đồng. Đó quả là một tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp vốn đang phải vật lộn với nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Có 20 tổ chức tín dụng đã tham gia gói hỗ trợ tín dụng này (chiếm khoảng 75% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế) đều cam kết giảm tối thiểu 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước khi có dịch; thậm chí có ngân hàng còn công bố giảm lãi suất cho vay tới 4,5%/năm.
Thế nhưng, dù triển khai đã được một thời gian, song nhiều doanh nghiệp vẫn phản ánh khó tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng do không có tài sản đảm bảo, khó chứng minh thiệt hại cũng như dòng tiền trả nợ trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.
Điển hình trong số này là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ăn uống (F&B) hay các doanh nghiệp lữ hành, bởi đa phần mặt bằng đều là đi thuê nên không thể đưa ra làm tài sản thế chấp; còn dòng tiền trả nợ cũng rất khó chứng minh do nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì dịch bệnh.
Khách hàng đến giao dịch tại BIDV An Giang. Ảnh Trọng Triết.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) diễn ra mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Tập đoàn Nafoods cho biết, khó khăn nhất của doanh nghiệp là vốn, vì khách hàng muốn trả chậm; nông dân, nhà cung cấp muốn lấy tiền ngay. Bởi vậy khi Chính phủ công bố gói hỗ trợ tín dụng, doanh nghiệp rất phấn khởi. “Nhưng đến làm việc tại các ngân hàng thì mọi việc không đơn giản. Nhân viên ngân hàng lo ngại nợ xấu nên làm khắt khe hơn, thậm chí không dám cho vay”, ông Hùng cho biết và thông tin thêm, nhiều chủ doanh nghiệp là bạn bè của ông phải vay nóng bên ngoài bởi chưa tiếp cận được vốn ngân hàng, trong khi lãi suất cho vay ngoài rất cao, 1 triệu đồng mà lãi lên tới 3.000 đến 5.000 đồng/ngày.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch VIDA, Chủ tịch tập đoàn FPT cũng chỉ ra thực trạng hiện nay các ngân hàng đang trong tình trạng “không biết cấp vốn cho ai vì đều là nguy hiểm”, nhất là khi dịch bệnh vẫn đang phức tạp.
Theo các chuyên gia, cũng khó trách được các ngân hàng, bởi gói tín dụng 300.000 tỷ đồng không phải là gói hỗ trợ từ nguồn ngân sách, mà từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng. Bởi vậy, việc cho vay ra sao, cho vay bao nhiêu, điều kiện thế nào đều tùy thuộc vào năng lực tài chính và “khẩu vị” rủi ro của mỗi ngân hàng.
Bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng không khuyến khích các ngân hàng nới lỏng điều kiện tín dụng do lo ngại nợ xấu tăng. Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước cũng đang bơm tiền với lãi suất thấp qua thị trường mở, song các ngân hàng hấp thụ rất ít, cho thấy các ngân hàng chưa có nhu cầu. Ngay cả tái cấp vốn với lãi suất thấp cũng chỉ giúp các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, song các ngân hàng chỉ được vay tái cấp vốn tối đa 60% tổng dư nợ gốc của các khoản cho vay trong bảng kê hồ sơ tín dụng để tái cấp vốn. Hơn nữa, khi cho vay từ nguồn tái cấp vốn, các ngân hàng lại cẩn trọng hơn vì nếu các doanh nghiệp không trả được nợ, thì ngân hàng rất có thể sẽ bị kiểm soát đặc biệt.
Theo TS.Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, để giải ngân cho các doanh nghiệp vay theo gói tín dụng 300.000 tỷ đồng, các tổ chức tín dụng phải xem xét rất kỹ về năng lực trả nợ của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hiện nay nhiều doanh nghiệp đã suy kiệt vì dịch Covid-19. Những doanh nghiệp có “sức khỏe” yếu hoặc không chứng minh được dòng tiền trả nợ, thì chắc chắn không thể tiếp cận được gói tín dụng này.
Trong bối cảnh hiện nay, nếu cứ để các ngân hàng và doanh nghiệp tự xử lý, rất dễ dẫn tới tình trạng “tiền treo cột mỡ” khi mà doanh nghiệp không thể tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng vì điều kiện quá khó khăn. Để giải quyết được tình trạng này, rất cần có những “nhịp cầu nối” để đưa doanh nghiệp lại gần với ngân hàng, lại gần với gói hỗ trợ tín dụng, đó chính là các Hiệp hội ngành hàng, đặc biệt là các quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ hỗ trợ phát triển…
Theo ông Trương Gia Bình cho biết, Hiệp hội VIDA sẽ tích cực làm việc với các ngân hàng để thúc đẩy việc cấp vốn cho các doanh nghiệp hội viên trong thời gian tới, thông qua vai trò hiệp hội để tháo gỡ khó khăn cho các bên.
Còn với các ngân hàng cũng nên linh hoạt hơn với điều kiện cho vay vốn, đặc biệt có thể cho doanh nghiệp sử dụng hàng tồn kho hoặc các khoản phải thu để đảm bảo cho các khoản vay.
Theo TS.Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhiều ngân hàng tại Việt Nam hoạt động chẳng khác nào “tiệm cầm đồ”, cho vay dựa trên tài sản thế chấp. “Các ngân hàng nên tăng cường cho vay tín chấp dựa trên phương án sản xuất kinh doanh, dòng tiền, khoản phải thu, hàng tồn kho của doanh nghiệp. Điều này đã được thực hiện khá phổ biến ở nhiều nước, đặc biệt ở Mỹ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.
Đẩy mạnh bảo lãnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp
Quỹ bảo lãnh tín dụng cần nhanh chóng vào cuộc để bảo lãnh cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn này…
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến nay, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,87 triệu tỷ đồng, tăng 7,42% so với cuối năm 2020. Theo đó, tín dụng đối với các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm 2020. Riêng tín dụng lĩnh vực ưu tiên gồm: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức tăng tín dụng chung.
Dự báo về tín dụng trong thời gian tới, ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho rằng nền kinh tế của Việt Nam đang chậm lại, muốn lấy lại đà tăng trưởng nhanh thì cần phải đẩy thêm tiền, cụ thể là tín dụng. Nhưng Chính phủ Việt Nam nên có sự điều phối hài hòa nếu không muốn để lại những hậu quả nghiêm trọng.
Ông Andrew Jeffries cho biết thêm, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện biện pháp hỗ trợ đầu nguồn và các ngân hàng thương mại cũng đã đưa ra loạt chương trình giãn, hoãn nợ, giảm lãi suất, giảm phí…
“Chúng ta có thể thấy hệ thống ngân hàng đã làm gần như hết sức mình. Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần hạ lãi suất điều hành, giá vốn đã giảm và dự kiến lợi nhuận các ngân hàng thương mại sẽ giảm khoảng 1 tỷ USD trong năm 2021. Nhìn chung, chính sách tiền tệ và hệ thống ngân hàng đã “gồng” lên rất nhiều, dù bên cạnh đó vẫn còn chính sách tài khóa”, ông Andrew Jeffries nhấn mạnh.
Hiện, các ngân hàng thương mại cũng bắt đầu cho doanh nghiệp vay mới. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, tín dụng đang tăng trưởng chậm lại, các ngân hàng vẫn còn thận trọng khi cho vay. Bởi lẽ, do dịch bệnh Covid-19, khả năng trả nợ của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ngân hàng sẽ khó khăn hơn khi đưa ra quyết định.
Để giải quyết bài toán này, ông Andrew Jeffries gợi ý, muốn đẩy tiền ra nền kinh tế, muốn cho doanh nghiệp vay nhưng doanh nghiệp không đáp ứng chuẩn vay trong bối cảnh hiện nay, một chương trình có thể áp dụng ở đây là bảo lãnh tín dụng. Cụ thể, Chính phủ bảo lãnh một số hoạt động cho vay hay chương trình tín dụng nào đó để cho phép ngân hàng cho một số doanh nghiệp đạt yêu cầu vay. Hiểu đơn giản, Chính phủ có thể thực hiện đảm bảo rủi ro cho những đối tượng này.
Theo ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB, với bối cảnh chưa từng có tiền lệ, các giải pháp đang thực hiện chưa nhắm trúng vấn đề.
Doanh nghiệp có khả năng sản xuất lại không thể tiếp cận vốn ngân hàng. Đồng thời, cũng không thể ép ngân hàng hạ chuẩn tín dụng. Do đó, doanh nghiệp rất cần một cơ chế để được vay, ngân hàng thì cần củng cố niềm tin khi cho vay.
“Về bản chất, cơ chế bảo lãnh tín dụng đáp ứng các điều kiện. Chính phủ cần phát huy hiệu quả cơ chế bảo lãnh này hơn, điều này rất quan trọng trong thời điểm hiện tại”, ông Cường nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Cường cũng đặt vấn đề, Việt Nam đang dồn gánh nặng lên vai ngân hàng với 60% tín dụng của nền kinh tế đến từ ngân hàng. Câu hỏi đặt ra là ngoài ngân hàng còn có nguồn vốn nào khác? Và đã được huy động hết chưa?
“Có nhiều nguồn vốn bên ngoài sẵn sàng vào Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng xanh nhưng cơ chế của Việt Nam hiện giờ lại đóng. Đây là một điều rất đáng tiếc. Trong khi, nếu vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng, đến một thời điểm nào đó hệ thống này sẽ bị quá tải. Vậy, tại sao những cơ chế mới lại không có, cần làm gì để có những cơ chế mới trong bối cảnh đặc thù hiện nay”, vị chuyên gia của ADB trăn trở.
Theo ADB, nhu cầu tín dụng cho đến nay vẫn giảm trong năm 2021 do đại dịch làm gián đoạn sản xuất và kinh doanh. Báo cáo của cơ quan này dự báo, tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ chậm lại ở mức 10% - 11% trong năm nay, thấp hơn chỉ tiêu 12%. Cầu tín dụng sẽ được cải thiện trong năm 2022, khi các hoạt động kinh tế bắt đầu trở lại bình thường.
“Đồng thời, điều quan trọng nhất của hệ thống ngân hàng không phải trong ngắn hạn mà là dài hạn. Đó là năm sau và những năm sau nữa với câu chuyện nợ xấu”, các chuyên gia của ADB chia sẻ./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.