Bệnh vô cảm thuộc tứ chứng nan y?
Điều
quan trọng trước hết là phải làm rõ: Bệnh vô cảm là bệnh gì? Nó thuộc loại “ Tứ
chứng nan ý” hay không? Mất khá nhiều thời gian tra cứu trong tài liệu “ Những
căn bệnh ở người” do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát hành năm 2006 cũng không
thể tìm thấy một dòng nào nói về bệnh vô cảm. Đành phải tìm hiểu gián tiếp từ định
nghĩa về vô cảm. Tra trong Từ điển Tiếng Việt phổ thông cũng không thấy giải
thích gì về cụm từ “vô cảm”. Nếu theo cách “ chiết tự ” thì “vô” là một từ gốc Hán có nghĩa là “ Không ”. “Cảm “ trong trường hợp
này là tình cảm, là sự rung động và rộng hơn nữa lương tâm. Như vậy có thể nói vô
cảm là không hề có tình cảm, không có sự rung cảm nào hay không có lương tâm.
Tìm hiểu qua những bài viết
trên các báo, tạp chí, các tham luận cũng thấy có một vài ý kiến về bệnh vô cảm.
Một ý kiến trực diện hơn cho rằng, vô cảm là căn bệnh của người có trách nhiệm
phải giải quyết một việc gì đó nhưng lại tìm cách né tránh không giải quyết. Ý
kiến này đã đồng nhất giữa vô cảm và vô trách nhiệm. Có thể cho rằng, giải
thích như trên đúng nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, khi thực hiện một nhiệm vụ nào đó,
người thực hiện phải thực hiện đúng quy định về trách nhiệm của mình. Song, nếu
chỉ làm việc vì trách nhiệm thôi thì người máy sẽ làm việc tốt hơn con người
khi con người lập trình cho nó một cách đầy đủ. Con người khi thực hiện nhiệm vụ,
ngoài việc vì trách nhiệm còn có một lý do khác nữa là vì lương tâm, tình người
là sự rung cảm nhất định của con tim. Điều ấy ở những người máy dù hiện đại nhất
cũng không có được.
Từ phân tích trên có thể kết
luận rằng, bệnh vô cảm là căn bệnh hiểm nghèo, là bệnh tổng hợp ở mức cao của bệnh
vô trách nhiệm và bệnh vô lương tâm khi thực hiện nhiệm vụ.
Căn
bệnh này ở những mức độ khác nhau có ở mọi con người. Hậu quả của nó cũng khác
nhau tùy theo vị thế trong xã hội của người mắc bệnh. Chẳng hạn, khi có một người bị
tai nạn giao thông, người dân đi đường vô cảm là đáng trách, đáng phê phán.
Nhưng anh cảnh sát giao thông, ông cán bộ phường sở tại, người bác sỹ cấp cứu…
vô cảm thì phải lên án gay gắt hơn, thậm chí phải xử lý kỷ luật hành chính hoặc
hình sự, vì sự vô cảm của những người đó có thể dấn đến cái chết của người bị nạn.
Cho nên, điều trị bệnh vô cảm ở các công chức, quan chức có vai trò đặc biệt quan
trọng trong quản lý kinh tế xã hội của mỗi quốc gia.
Bệnh vô cảm - triệu chứng “ lâm sàng”?
Vô cảm
không có tên trong danh mục những căn bệnh của con người cho nên y học hiện đại
chưa nghiên cứu, tổng kết để nêu ta những triệu chứng “ lâm sàng” của căn bệnh
này. Song, nếu không chỉ ra những triệu chứng của nó sẽ không thể có được “
phác đồ điều trị” cần thiết. Từ kết luận ở phần trên, bệnh vô cảm là sự kết hợp
cao độ của bệnh vô trách nhiệm và bênh vô lương tâm. Vì vậy, có thể nêu những
triệu chứng “ lâm sàng” theo thứ tự tăng dần của sự nguy kịch ở căn bệnh này
như sau:
1.
Khi tiếp cận vấn đề cần giải quyết, trước hết người thực thi nhiệm vụ nghiên cứu
ngay xem vấn đề phát sinh ấy có thuộc trách nhiệm của mình hay không? Nếu có bất
kỳ một chi tiết nào có thể chứng minh rằng, vấn đề đó không thuộc hoặc không
hoàn toàn thuộc trách nhiệm của mình thì tìm mọi cách để “đá quả bóng” sang sân
khác;
2.
Khi không thể “đá quả bóng” sang sân khác, họ sẽ tìm mọi cách, vận dụng mọi lý
lẽ để giải quyết theo nguyên tắc có lợi nhất, an toàn nhất cho chính mình. Lợi
ích, sự an toàn của người khác – công dân và doanh nghiệp không phải là vấn đề được họ quan tâm.
3.
Trong một số trường hợp, bệnh vô cảm lại không gắn liền với việc thoái thác
trách nhiệm mà ngược lại, người có chức có quyền lại nhắm mắt làm liều để thu lợi
bất chính về cho mình bất chấp lợi ích của đất nước và nhân dân.
4. Hậu
quả tất yếu sẽ xẩy ra đối tượng có liên quan khi quyết định giải quyết vấn đề
không bao giờ được người có trách nhiệm đặt ra xem xét. Sau khi đã giải quyết
theo nguyên tắc có lợi nhất cho mình, đối tượng có liên quan có bị tù đày đến hết
cuộc đời trong oan trái hoặc khuynh gia, bại sản, thân bại, danh liệt… người có
trách nhiệm giải quyết cũng không kề động lòng trắc ẩn.
Có
thể nêu ra nhiều, rất nhiều sự kiện đã và đang xẩy ra ở đất nước ta hội tụ đẩy
đủ ba triệu chứng “ lâm sàng” nêu trên của căn bệnh vô cảm. Không ít doanh nhân
đã bị tù oan tới hàng chục năm; không ít công nhân đã dành phần lớn cuộc đời
mình đội đơn đi khiếu kiện, kêu oan ở khắp các cửa công đường, chỉ vì bỗng nhiên bị mất đất, mất nhà; không ít cán
bộ, công chức nhẫn tâm xà xẻo tiền cứu trợ cho người dân bị bão lụt, tai nạn bất
ngờ… Gần đây, một chủ doanh nghiệp ở Hải Phòng xin được chết, một doanh nhân ở Tây Ninh viết đơn xin được
đi tù vì không thể chịu nổi nhưng hậu quả quá lớn về vật chất do bệnh vô cảm của
một số công chức liên quan đến việc truy thu thuế và hoàn thuế gây ra... là những
ví dụ thực tiến vô cùng sinh động chứng minh cho đỉnh cao của bệnh vô cảm. Có
thể còn nêu ra hàng loạt ví dụ khác ở khắp các lĩnh vực trong đời sống kinh tế,
xã hội.Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh vô cảm như kẽ hở
trong cơ chế, chính sách; sự quan liêu trong chỉ đạo, điều hành; sự chi phối
ngoài vòng pháp luật của những nhóm quyền lực... Song, bao trùm lên tất cả là sự
tha hóa về đạo đức, lối sống, sự sùng bái đồng tiền trong xã hội.
Phác đồ điều trị nào?
Thực tiễn cuộc sống đang cho thấy ở những mức độ khác nhau, bệnh vô cảm đã
trở thành “đại dịch” trong việc giải quyết yêu cầu của nhân dân và các doanh
nghiệp ở các cơ quan hành chính nước ta. Bệnh vô cảm cũng xuất hiện khá nhiều
trong ứng xử giữa con người với con người trước những vấn đề chung của xã hội.
Những công chức, quan chức mắc bệnh vô cảm đã gây ra những hậu quả vô cùng lớn
đối với sự phát triển của đất nước và gieo vào tâm cảm của mỗi người dân và những
lỗi đau xé lòng. Nó đã và đang làm xói mòn lòng tin của nhân
dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà Nước. Người dân mắc bệnh vô cảm đã và tạo
ra một xã hội lạnh lùng, sùng bái ma lực của đồng tiền. Vì vậy, nghiên cứu, đưa ra một “ phác đồ điều trị” trong trường hợp “
cấp cứu” đối với những trường hợp đã mắc, đã lây nhiệm bệnh vô cảm là đòi hỏi
khách quan, cấp bách. Nhằm mục đích ấy, Nhà nước đã đưa ra khá nhiều
“đơn thuốc” như: cải cách thủ tục hành chính; tăng cường kỷ luật của công chức;
ban hành Luật phòng, chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
quy trách nhiệm cao hơn cho người đứng đầu các cơ quan công quyền; nghiên cứu,
xây dựng Luật bồi thường nhà nước; tăng cường việc chất vấn tại các kỳ họp Quốc
hội và Hội đồng nhân dân các cấp v.v...Những “đơn thuốc” ấy là cần thiết và
trong chừng mực nhất định đã phát huy tác dụng. Song, cũng phải thừa nhận rằng,
việc “điều trị” bệnh vô cảm bằng những “đơn thuốc” nêu trên chưa phát huy hiệu
quả như mong muốn. Có lẽ do bệnh vô cảm thuộc loại “ nan y” cho nên, những “đơn
thuốc” đã sử dụng chưa “đủ liều”. Và khi thuốc chưa “đủ liều”, con bệnh lại dường
như được “ tiêm vacxin phòng dịch” cho nên lại “ nhờn thuốc”.
Bệnh vô cảm là một trong những biểu hiện của sự xuống cấp đạo đức xã hội. Có ý kiến cho rằng cần phải phẫu thuật đề cắt bỏ những bộ phận nhiễm bệnh hoặc mầm gây bệnh, tức là mạnh dạn sử dụng công cụ của công tác tổ chức, loại bỏ ngay ra khỏi hàng ngũ những công bộc của dân những cán bộ, công chức, quan chức đã mắc bệnh này. Thế nhưng muỗn phẫu thuật thì phải có bác sỹ giỏi, chứ mấy ai tự mình phẫu thuật cho mình đâu.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc.