Bình Phước: Xây dựng và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý Điều
Tại hội nghị Ông Nguyễn Văn Trăm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Bình Phước luôn coi hợp tác đầu tư là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển. UBND tỉnh đã tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính theo tinh thần nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 và Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính Phủ gắn với nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đổi mới, hành động theo phương châm hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp, đảm bảo quyền cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Trăm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước |
Cùng với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững… cùng với đó là rất nhiều chính sách cụ thể của ngành nông nghiệp và khoa học công nghệ. Tất cả các chính sách đó nhằm xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh nông nghiệp minh bạch, hiệu quả và bền vững, là sự minh chứng về chất lượng tốt nhất và khác biệt của sản phẩm hạt điều có xuất xứ từ Bình Phước, cơ hội thể hiện tiềm năng phát triển và và khả năng cung ứng nguyên liệu hạt điều thô chất lượng cao.
Theo Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Bình Phước cho biết: Vấn đề sở hữu trí tuệ không chỉ là công cụ để bảo vệ giá trị của sản phẩm và còn là động lực cho quá trình phát triển thương mại bền vững. Chính vì vậy, chỉ dẫn địa lý đã trở thành một hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ quan trọng mang lại nhiều giá trị thiết thực, nhiều lợi ích mang lại rất rõ ràng, tăng giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu về quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc của thị trường xuất khẩu, góp phần phát triển cộng đồng và phát triển nông thôn.
Nhà máy chế biến nhân điều Phúc An |
Bình Phước rất nổi tiếng với cây điều, được coi là thủ phủ ngành điều Việt Nam, góp phần củng cố vị thế đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân 10 năm liền của Việt Nam. Diện tích điều của Bình Phước là khoảng 134.000ha, chiếm 43% về diện tích và 54% sản lượng điều cả nước (gần 200.000 tấn/năm), 95% lượng điều chế biến xuất khẩu, chủ yếu là mặt hàng điều nhân trắng. Sản phẩm từ điều của Bình Phước khá đa dạng như điều rang muối, chế biến nhân điều thành thực phẩm ăn liền, dầu điều, nước ép và rượu, cồn từ quả điều… Trồng điều và chế biến điều đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là sinh kế của hàng ngàn hộ nông dân và người lao động. Cũng theo ông Quang thì xét về giá trị dinh dưỡng của điều Bình Phước là rất cao và được thị trường trong nước cũng như quốc tế ưa chuộng. Hạt điều Bình Phước cung cấp năng lượng 594 kcal, chất đạm 19,58%, chất béo 45,25% và chất bột đường là 27,18%, chất đạm và chất béo trong điều Bình Phước có xu hướng thấp hơn so với giá trị trung bình của hạt điều trên thế giới. Mặc dù danh tiếng về chất lượng hạt điều Bình Phước được biết đến rộng rãi ở thị trường trong nước và trên thế giới nhưng ngành điều Bình phước vẫn chưa có một thương hiệu theo đúng nghĩa, chưa chính thức công nhận và chưa phát huy danh tiếng vốn có để nâng cao giá trị cao thương mại. Trong bối cảnh đó, xây dựng và nâng cao giá trị thương hiệu cho ngành điều Bình Phước và phát triển chỉ dẫn địa lý là một đòi hỏi cấp thiết và bước đi phù hợp với chính sách phát triển và đề án phát triển bền vững ngành điều Bình Phước đến năm 2020 và đề án đổi mới công nghệ nói riêng.
Hạt điều chưa chế biến |
Phát triển chỉ dẫn địa lý cũng là công cụ giúp các doanh nghiệp gia tăng giá trị, mở rộng thị trường, tăng khả năng tiếp cận thị trường khó tính, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới đồng thời đảm bảo phát triển bền vững. Với dự án do chính phủ Pháp hỗ trợ “Dự án hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam”, trên cơ sở bài học kinh nghiệm của Châu Âu, đặc biệt là nước Pháp, đồng thời cũng tiến gần đến sự hội nhập trong đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đăng ký chỉ dẫn địa lý cho hạt điều Bình Phước, xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng hạt điều, thiết lập và vận hành hệ thống quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý, củng cố hoạt động của hội điều Bình Phước, hỗ trợ thúc đẩy liên kết nông dân, tổ chức của nông dân với doanh nghiệp, quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm hạt điều Bình Phước trên thị trường trong và ngoài nước.
Theo Ông Nguyễn Anh Hoàng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Phước thì Tỉnh đang tập trung xây dựng Bộ tiêu chí phát triển điều bền vững theo vùng và địa phương, hình thành vùng trồng điều tập trung, trọng điểm để đầu tư thâm canh, xây dựng cánh đồng lớn. nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chú trọng đến khâu tuyển chọn giống đầu dòng tìm kiếm các giống điều có năng suất cao, chất lượng tốt. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong quy trình trồng và chế biến nhằm giảm chi phí, tăng chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Với sự cầu thị và niềm tự hào” thủ phủ của cây điều tại Việt Nam”, chúng tôi khẳng định rằng: Ngành điều Bình Phước đang phát triển đúng hướng, góp phần rất lớn cho việc xây dựng thương hiệu hạt điều Bình Phước nói riêng và hạt điều Việt Nam riêng. Chúng tôi đã có những bước tiến mạnh mẽ về chất lượng sản phẩm ở tất cả các khâu: như trồng, chế biến sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cũng chính vì thế, Ông Vũ Thái Sơn, Tổng Giám đốc tập đoàn Long Sơn cho rằng: Để phát triển bền vững thì vẫn là cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm, cần song hành xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý điều Bình Phước để ra một sản phẩm chất lượng. Do phân khúc khách hàng tiêu dùng hạt điều là trung bình khá trở lên nên xu hướng tiêu dùng của họ là tìm tới sản phẩm ORGANIC, chính vì vậy chủ trương xây dựng Bộ tiêu chuẩn đánh giá hạt điều Bình phước là điều hết sức cấp thiết.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.