Bộ đội biên phòng dạy chữ nơi xóm trọ
Lớp học rất đặc biệt, là một căn phòng rộng hơn chục m2 nằm ngay đầu dãy phòng trọ. Dành phòng ở vị trí đẹp làm lớp học, xem như mỗi tháng ông “thiện tâm” mất 500.000 đồng tiền thuê phòng.
Bộ đội làm thầy
Bên trong căn phòng, 2 chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức đang dạy chữ cho 10 đứa trẻ. Thấy tôi bước vào lớp, đám trẻ với đồng phục áo thun đứng dậy răm rắp chào. Tuy nhỏ, nhưng lớp học khá tươm tất, sạch đẹp. Màu tường xanh lam và những họa tiết là hoa hướng dương khiến căn phòng trông khá đẹp mắt. Những chiếc bàn, ghế được một công ty cho ông Lới mang về gia cố thêm giờ đã thành bàn học khá xinh xắn của đám trẻ.
Thầy giáo -Trung úy Trần Văn Cảnh đang dạy học sinh giải toán. Ảnh: T.Đ |
Trung úy Trần Văn Cảnh
Trung úy Trần Văn Cảnh - 1 trong 2 giáo viên, cho biết, do tính đặc thù nên đây là lớp ghép với học sinh đủ trình độ và đủ lứa tuổi. “Ở đây, trẻ nhỏ thì 5, 6 tuổi, lớn thì 11, 12; trình độ từ lớp 1 đến lớp 4. Chính vì hỗn tạp như thế nên việc dạy các em rất cực” - thầy Cảnh cho biết.
Trong lớp học, thầy giáo - binh nhất Nguyễn Hồng Thái xuôi ngược như con thoi, hết cầm tay gò chữ cho em này, thầy lại quay sang chỉ em khác đọc. Theo thầy Thái, mỗi học sinh ở đây đều mang một hoàn cảnh đặc biệt. Ví như cậu bé Phong Toàn đã 9 tuổi nhưng học chưa xong lớp 1. Toàn cho biết, quê em Tiền Giang, theo ba mẹ lên Long An hơn 2 năm nay. Hiện ba em làm thợ hồ, mẹ đi làm công nhân. Để đỡ đần ba mẹ, sáng Toàn cuốc bộ khắp thị trấn Bến Lức bán vé số. Chiều đến, em tranh thủ về khu trọ của ông Lới góp nhặt từng con chữ. “Phòng trọ thằng bé cách lớp học 4km, nhưng em chưa bỏ học buổi nào” - thầy Thái kể.
Ngồi ở đầu lớp, cô bé Mỹ Tiên đang cắm cúi làm bài toán cộng thầy Cảnh vừa giao. Năm nay 12 tuổi nhưng Tiên mới chỉ học đến lớp 4. Suốt 4 năm học, em toàn “tìm chữ” tại lớp học tình thương này. Theo Mỹ Tiên, em chỉ biết quê quán ở An Giang, còn sinh ra ở đâu thì hoàn toàn không biết. Mỗi ngày, khi cha mẹ đến xí nghiệp, em ở nhà trông em và đến lớp học.
Cho cây đời xanh tươi
Năm 2013, lớp học tình thương ở xóm nhà trọ Duy Quý được thành lập. Theo ông Lới, hàng ngày nhìn thấy những đứa trẻ ở trọ đến độ tuổi đến trường nhưng không có điều kiện đi học, ông thương lắm nên bàn với gia đình, báo cáo khu phố phối hợp cơ quan chức năng mở lớp học tình thương. Ban đầu, lớp học chỉ có 5 - 7 trẻ, do một giáo viên nghỉ hưu tự nguyện giảng dạy. Sau khi Đồn biên phòng cửa khẩu Cảng Bến Lức được thành lập, lớp học tiếp tục được duy trì và mở rộng.
Thượng tá Chung Văn Hai-Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu Cảng Bến Lức cho biết, lớp học được giao cho chi đoàn đơn vị phụ trách. “Cán bộ, chiến sĩ tham gia đứng lớp tại lớp học tình thương là những người rất có lòng và nhiệt tâm, yêu thương học sinh. Anh em tự nguyện làm việc này nên bất kể nắng, mưa vẫn quyết tâm bám lớp” - ông chia sẻ.
Trung úy Cảnh cho biết, không phải đến giờ anh mới đứng lớp ở lớp học tình thương. Từ năm 2006, khi đang công tác tại Đồn biên phòng Sông Trăng (huyện Tân Hưng, Long An) anh đã tình nguyện nhận dạy tại một lớp học tình thương trên tuyến biên giới này. “Tôi không có chuyên môn về sư phạm, nhưng tôi rất yêu trẻ và nhiệt tâm muốn giúp các em con chữ, phép tính” - Cảnh nói.
Cũng may, thầy Cảnh có vợ đang là giáo viên cấp 2. “Chương trình sách giáo khoa luôn thay đổi. Nói thật có những bài toán tôi không thể giải được theo đúng các bước, thế là đành phải hỏi vợ cách giải” - anh cười vui.
Khác với thầy Cảnh, thầy Thái là “dân trong nghề”. Trước khi nhập ngũ, anh tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Đồng Tháp và có thời gian đứng lớp: “Trước đây tôi dạy cấp 2. Những ngày đầu dạy cấp 1 tại lớp học tình thương này, tôi rất bỡ ngỡ, rồi quen dần. Thấy các em khó khăn, tôi thương lắm, sẽ hết lòng giúp các em biết con chữ”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.