Bộ Tài chính: Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí ước tính đạt 118 nghìn tỷ đồng
Ngày 8/12, Bộ Tài chính phối hợp với phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2021.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu tại Hội nghị
Trong thời gian qua, ngành Thuế cũng như ngành Hải quan đã liên tục cải cách thủ tục hành chính, đổi mới tư duy và phong cách làm việc theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta đã chuyển sang chiến lược thích ứng với điều kiện dịch Covid-19 đang tiếp tục có diễn biến phức tạp, hội nghị đối thoại cũng thể hiện quyết tâm của Bộ Tài chính và VCCI giúp DN sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính đã luôn chủ động nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn trước tác động của dịch Covid-19, trong đó các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng, đánh giá rất tích cực.
Ngay từ đầu năm 2021, nhận định hoạt động của doanh nghiệp, người dân vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó có diễn biến còn rất phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền ban hành và tiếp tục thực hiện một số giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ ước tính khoảng 118 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền thuế (gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân) và tiền thuê đất được gia hạn là khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế (gồm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu), phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 3 nghìn tỷ đồng.
Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã và đang tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách về miễn, giảm thuế, phí... Tính chung các giải pháp thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được ban hành, thực hiện năm 2021 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với số tiền gần 140 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp cùng các bộ, ngành, cơ quan thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội bố trí kinh phí từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020 với số tiền 14,62 nghìn tỷ đồng và đến hết tháng 10/2021 tổng số trung ương đã chi 35,47 nghìn tỷ đồng để tập trung cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Chi từ các quỹ để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.
"Đặt trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng lớn, trong khi đó ngân sách nhà nước vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển và đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội, chi cho công tác phòng chống dịch bệnh...tạo ra thách thức với cân đối ngân sách nhà nước thì việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ nêu trên càng thể hiện sự quyết tâm của Nhà nước, Chính phủ và Bộ Tài chính luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp", Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định.
Tiếp tục cải cách, đơn giản thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan
Chia sẻ thêm về những nỗ lực của ngành Tài chính trong thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia các năm qua và giai đoạn 2016-2020 cũng như giai đoạn tới 2021-2025, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết Bộ Tài chính đã và đang triển khai trên nhiều mặt công tác, tập trung là hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. “Từ năm 2014 đến nay (07 năm liên tiếp), Bộ Tài chính luôn xếp trong nhóm 03 Bộ đứng đầu về Chỉ số CCHC (Par Index) do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh.
Trong lĩnh vực thuế, tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống thuế điện tử với các dịch vụ: khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử với hơn 99,6% tổng số doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử; 98,9% nộp thuế điện tử; 97,6% hoàn thuế điện tử. Đặc biệt với việc chính thức đưa vào hoạt động Hệ thống hóa đơn điện tử tại 6 địa phương (gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Quảng Ninh, Hải Phòng và Phú Thọ) và sẽ thực hiện tại 57 địa phương còn lại trong năm 2022 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội.
Bên cạnh đó, ngành Thuế đã hoàn thành việc tích hợp 150 thủ tục hành chính thuế cấp độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công Quốc gia và triển khai kê khai thuế điện tử. Đồng thời, công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế của ngành Thuế cũng có nhiều đổi mới, đa dạng trong thực hiện, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và phục vụ đa dạng các đối tượng người nộp thuế. Việc tuyên truyền được thực hiện đồng bộ từ Tổng cục Thuế đến các cục, chi cục thuế thông qua việc vận hành 489 kênh hỗ trợ người nộp thuế.
Trong lĩnh vực hải quan, tiếp tục đẩy mạnh triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung, an toàn bảo mật với đường truyền thông suốt đã góp phần làm cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng ngày càng hiện đại hóa, đơn giản, thuận lợi, giúp tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã thực hiện nhiều biện pháp triển khai thông quan nhanh hàng hóa; xử lý hàng hóa bị ùn ứ tại các cửa khẩu; đảm bảo an toàn lực lượng, hoạt động thông quan được thông suốt.
Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan - những lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới DN nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh", Thứ trưởng phát biểu.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ lắng nghe và giải đáp trả lời các vướng mắc của DN và mong muốn tiếp tục nhận được nhiều sự đóng góp thẳng thắn, xây dựng của cộng đồng DN về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan của Việt Nam nhằm tiếp tục cải cách, hoàn thiện theo hướng ngày càng minh bạch, cụ thể hơn, giúp người nộp thuế thực hiện chính sách thuế được đầy đủ, nhanh chóng và thuận tiện, góp phần khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu, và phù hợp với thông lệ quốc tế, cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới của Việt Nam.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.