Bộ VHTTDL hướng dẫn treo biển tên Phủ Dầy theo đúng quy định của pháp luật
Vừa qua, Tạp chí điện tử Hòa Nhập nhận được rất nhiều đơn thư của hơn 1000 người dân thuộc dòng họ Trần Lê và người dân đang sinh sống trên địa bàn thôn Tiên Hương, Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản về việc có một số cá nhân đã dùng các tài khoản xã hội ảo và một số trang mạng nói bà Trần Thị Huệ treo biển “Phủ Chính” là không đúng với quy định… Về vấn đề nêu trên, Phóng viên Tạp chí điện tử Hòa Nhập đã có buổi làm việc và thu thập các văn bản qua từng thời kì lịch sử. Ngày 25 tháng 12 năm 2023, Bộ VHTTDL đã có công văn số 5712 /BVHTTDL-DSVH báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).
Đơn thư phản ánh của người dân đang sinh sống trên địa bàn thôn Tiên Hương, thôn Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản.
Bộ VHTTDL hướng dẫn treo biển di tích
Ngày 26/8/2021, bà Trần Thị Huệ - thủ nhang Phủ Tiên Hương đại diện trực tiếp quản lý di tích cùng các hộ dân đang sinh sống tại hai thôn Tiên Hương và Vân Cát có Đơn đề nghị được treo biển tên di tích “Phủ Tiên Hương” là “Phủ Chính”. Căn cứ hồ sơ khoa học di tích và Quyết định số 488/QĐ-BVHTTDL, ngày 11/10/2021, cơ quan chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 812/DSVH-DT gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định về việc treo biển tên di tích tại Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Đồng thời, hướng dẫn Sở chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp chính quyền địa phương hướng dẫn, giám sát việc treo biển tại vị trí phù hợp (tại Phủ Tiên Hương, tại biển chỉ dẫn đường đến di tích), đảm bảo trang trọng và đúng theo quy định. Trong trường hợp cần thiết, có ghi chú rõ ràng đối với tên gọi di tích (có Công văn số 812/DSVH-DT ngày 11/10/2021 kèm theo).
Ngay sau đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đã có Công văn số 1287/SVHTTDL-BT ngày 09/11/2021 đề nghị hướng dẫn việc treo biển tên tại di tích Phủ Dầy thống nhất với Quyết định xếp hạng di tích của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Do đó, ngày 17/01/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Công văn số 170/BVHTTDL-DSVH gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định khẳng định theo nội dung hồ sơ khoa học của di tích, “Phủ Tiên Hương” còn có tên gọi khác là “Phủ Chính” và “Phủ Chính Tiên Hương” (mục I. Tên gọi di tích tại Lý lịch di tích lập năm 2020) và Công văn số 812/DSVH- DT ngày 11/10/2021 của Cục Di sản văn hóa hướng dẫn là đảm bảo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa và Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (khoản 1 Điều 6 Thông tư 09/2011/TT-BVHTTDL), phù hợp với lịch sử và tính chất của di tích. Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Vụ Bản và tình hình thực tiễn quản lý di tích tại địa phương, làm việc với bà Trần Thị Huệ để hướng dẫn, tạo sự đồng thuận khi thực hiện việc treo biển di tích phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa (Công văn số 1287/SVHTTDL-BT ngày 09/11/2021 và Công văn số 170/BVHTTDL-DSVH ngày 17/01/2022 kèm theo).
Tại Hội nghị ngày 29/3/2022 của Ủy ban nhân dân xã Kim Thái về tổ chức Hội nghị bàn, thống nhất việc treo biển tên di tích tại Phủ Tiên Hương, trong đó 100% đại biểu dự họp thống nhất với đề nghị của Thủ nhang Phủ Tiên Hương được lựa chọn và treo biển tên di tích là “Phủ Chính”, yêu cầu di tích cam kết thực hiện việc treo biển tên như đã lựa chọn tại vị trí phù hợp, đảm bảo trang trọng, đúng quy định.
Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Phủ Dầy ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận thấy, tên di tích theo Quyết định số 488/QĐ-BVHTTDL ngày 28/01/2021 đã được sửa đổi thành: Di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy (Gồm: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Mẫu Liễu Hạnh), xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Tên gọi này đã thể hiện được loại hình, giá trị tiêu biểu của di tích là kiến trúc nghệ thuật, các di tích thành phần chỉ còn 03 di tích được xác định: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Mẫu Liễu Hạnh đã được trình bày chi tiết trong hồ sơ, không còn “các di tích có liên quan”, khắc phục được các bất cập của tên di tích và các di tích cụ thể theo Quyết định số 09-VH/QĐ ngày 21/02/1975, thể hiện đúng nội hàm các di tích tạo nên giá trị kiến trúc nghệ thuật của Khu di tích và thực tế của khu di tích này. Ba điểm di tích đều có tên gọi chính thức và tên gọi khác (Phủ Tiên Hương còn có tên gọi khác là Phủ Chính, Phủ Vân Cát gọi là Phủ Vân, Lăng Liễu Hạnh còn gọi là Lăng Mẫu, Lăng Mẫu Liễu Hạnh, Lăng Thánh Mẫu Liễu Hạnh).
Việc Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định hoàn thiện hồ sơ khoa học và đề xuất đổi tên Khu di tích là tuân thủ Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành, thể hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản văn hóa của địa phương, phù hợp với thực tiễn. Hồ sơ đã đáp ứng quy định đối với hồ sơ khoa học xếp hạng di tích quy định tại Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL, trong đó có tên gọi di tích (gồm tên di tích và tên 3 điểm di tích), khoanh vùng bảo vệ các điểm di tích cũng như các thành phần hồ sơ khác. Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch căn cứ đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định và hồ sơ khoa học di tích để ban hành Quyết định đổi tên Khu di tích và cơ quan chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành công văn hướng dẫn cơ quan chức năng của tỉnh Nam Định về việc treo biển di tích là đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa, đúng thẩm quyền ban hành văn bản theo quy định của pháp luật.
Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy (Thôn Tiên Hương, Xã Kim Thái, Huyện Vụ Bản, Tỉnh Nam Định) treo biển “Phủ Chính” theo đúng quy định của Pháp luật.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở địa phương, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Công văn gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định để chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nơi có di tích theo phân cấp để thực hiện tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL ngày 23/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và văn bản hướng dẫn của Bộ trong công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh nói chung, đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị Khu di tích Phủ Dầy nói riêng theo đúng quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chỉ đạo Thanh tra Bộ phối hợp Cục Di sản văn hóa kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc bảo vệ quản lý di tích quần thể kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy, tập trung vào các nội dung: Kiểm tra công tác quản lý di tích (kiện toàn Ban quản lý di tích, quản lý tài liệu, hiện vật, thu chi tiền công đức,…); Kiểm tra công tác tu bổ di tích; Kiểm tra công tác treo biển tên di tích theo nội dung hồ sơ khoa học di tích; Kiểm tra công tác thực hành tín ngưỡng tại di tích.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ:
“Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới. Hiện nay, cả nước ta có tới 166 bảo tàng, trong đó có 4 bảo tàng quốc gia với hơn 3 triệu hiện vật; 3.486 tổng di tích được xếp hạng quốc gia, trong đó có 1.626 di tích lịch sử; 105 di tích quốc gia đặc biệt; 288 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (riêng Hà Nội có 21 lễ hội); 27 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là "di sản văn hóa thế giới"… Đó là một tài sản vô cùng quý báu do Tổ tiên, Cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được; chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với Tổ tiên, Cha ông chúng ta. Bác Hồ trước lúc đi xa vẫn còn dặn lại rằng: "Muốn yêu Tổ quốc mình thì phải yêu những khúc hát Dân ca!"
Do đó, việc hoàn thiện hồ sơ khoa học và đề nghị đổi tên di tích của UBND tỉnh Nam Định và việc giải quyết của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với đề nghị của tỉnh là đúng thẩm quyền, đảm bảo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Hành động treo biển “Phủ Chính” là chính đáng, hợp với toàn lòng dân, tôn trọng lịch sử di tích và giữ gìn nét đẹp văn hóa từ xa xưa để lại.
Đổi tên di tích đảm bảo quy định pháp luật
Khu di tích Phủ Giầy (từ ngày 28/01/2021 đổi tên là Phủ Dầy) có niên đại khởi dựng từ thời Hậu Lê, niên hiệu Dương Hòa (1642) và Cảnh Trị (1663 - 1671) với 3 di tích chính (Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Liễu Hạnh) thờ bà chúa Liễu Hạnh (một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam). Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, mở rộng quy mô nhưng các di tích vẫn mang đậm dấu ấn nghệ thuật thời Lê – Nguyễn cùng với hệ thống di vật, cổ vật, đồ thờ tự có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ. Ngoài ra, Khu di tích còn hàm chứa nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như Lễ hội, Nghi lễ Chầu văn, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Với những giá trị tiêu biểu đó, ngày 21/02/1975, Bộ trưởng Bộ Văn hóa đã ban hành Quyết định số 09-VH/QĐ xếp hạng Khu di tích kiến trúc nghệ thuật với tên gọi: “Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Giầy gồm Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Liễu Hạnh và các di tích có liên quan”, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Hà. Căn cứ hồ sơ di tích tại thời điểm xếp hạng năm 1975, các di tích được xác định thuộc Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Giầy gồm: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Liễu Hạnh. Còn đối với “các di tích có liên quan” thì cụ thể là những di tích nào lại không được nêu trong hồ sơ di tích.
Theo báo cáo của Bộ VHTTDL, đại diện trực tiếp quản lý di tích và tỉnh Nam Định đã 4 lần đề nghị với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan chức năng về đề nghị đổi tên di tích.
Lần 1, năm 2019: bà Trần Thị Huệ - thủ nhang Phủ Chính - Phủ Tiên Hương đại diện trực tiếp quản lý di tích có Đơn ngày 24/3/2019 đề nghị nghiên cứu trả lại đúng tên gọi cho di tích theo cổ truyền là “Phủ Chính”. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, căn cứ hồ sơ xếp hạng di tích (năm 1975), Cơ quan chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét thấy chưa đủ cơ sở khoa học và pháp lý để tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành quyết định đổi tên di tích nên đã ban hành Công văn số 204/DSVH-DT ngày 02/4/2019 của Cục Di sản văn hóa về việc trả lời Đơn thư nhân dân gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, đề nghị Sở báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các thành phần hồ sơ của Khu di tích theo quy định tại Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL để thống nhất quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Tài liệu lịch sử thời xa xưa về “Hội Phủ-Giầy Sự Tích Đức Liễu-Hạnh Công-Chúa”
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý di tích và hoàn chỉnh hồ sơ khoa học của di tích theo quy định của Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL, trong năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã liên tục có 03 Công văn đề nghị bổ sung hồ sơ khoa học và sửa đổi tên gọi Khu di tích Phủ Giầy (cụ thể tại các: Công văn số 324/UBND-VP7 ngày 29/7/2020; Công văn số 577/UBND-VP7 ngày 16/12/2020 và Công văn số 596/UBND-VP7 ngày 31/12/2020). Căn cứ đề nghị này của UBND tỉnh Nam Định và hồ sơ di tích kèm theo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Nam Định. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 488/QĐ-BVHTTDL ngày 28/01/2021 sửa đổi tên gọi di tích thành: “Di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy (Gồm: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Mẫu Liễu Hạnh), xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định”. Theo đó, việc sửa đổi tên gọi cụ thể của di tích là: đổi tên “Phủ Giầy” thành “Phủ Dầy”, “Lăng Liễu Hạnh” thành “Lăng Mẫu Liễu Hạnh” và bỏ “các di tích có liên quan”.
Về việc đổi tên Khu di tích, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo đã căn cứ đề nghị của UBND tỉnh Nam Định trên cơ sở quy định của Luật Di sản văn hóa, gồm: Công văn số 577/UBND-VP7 ngày 16/12/2020 và Công văn số 569/UBND-VP7 ngày 31/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, trong đó quy định: Tên gọi di tích được thống nhất sử dụng trong hồ sơ khoa học di tích; Các tên gọi khác của di tích (nếu có) và nguồn gốc tên gọi đó.
Theo Lý lịch di tích được lập năm 1975, tên di tích theo Quyết định số 09-VH/QĐ ngày 21/02/1975, là: “Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Giầy gồm Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Liễu Hạnh và các di tích có liên quan”, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Hà. Tên gọi này sử dụng chữ “Giầy” là chưa chính xác với tên gọi được đặt theo tên Nôm làng Kẻ Dầy; Lăng Liễu Hạnh không có chữ “Mẫu”, thiếu tôn trọng với bà Chúa Liễu Hạnh; hồ sơ không có nội dung, thành phần về “các di tích có liên quan” nên không xác định được đầy đủ các di tích này. Cũng theo Lý lịch di tích, di tích Phủ Tiên Hương còn có các tên gọi khác là Phủ Chính, Phủ Chính Tiên Hương.
Tại Lý lịch di tích lập năm 2020 theo quy định của Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL kèm theo Công văn số 596/UBND-VP7 đề nghị bổ sung hồ sơ khoa học và sửa đổi tên gọi Khu di tích, tên gọi của Khu di tích đã được thể hiện rõ: “Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy, gồm: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Liễu Hạnh”, tên gọi khác của các điểm di tích (“Phủ Tiên Hương còn có tên gọi khác là Phủ Chính và Phủ Chính Tiên Hương, Phủ Vân Cát gọi là Phủ Vân, Lăng Liễu Hạnh còn gọi là Lăng Mẫu, Lăng Mẫu Liễu Hạnh, Lăng Thánh Mẫu Liễu Hạnh”) đều được chú thích, làm rõ nguồn gốc.
Các tên gọi khác của “Phủ Tiên Hương” là “Phủ Chính” và “Phủ Chính Tiên Hương” được khẳng định căn cứ vào: Các sắc phong, bia đá, hiện vật, có niên đại trải dài từ thời Lê đến thời Nguyễn hiện vẫn lưu giữ tại Phủ Tiên Hương; Sách “Hội Phủ Giầy – Sự tích đức Liễu Hạnh công chúa” của tác giả Phạm Quang Phúc – Tri huyện Vụ Bản in năm 1942; Biên bản quy định khu vực Phủ Chính lập các năm 1962 và 1964; Bản lược kê Lý lịch di tích lịch sử Phủ Giầy lập năm 1964; Công văn số 156/VH-BT ngày 03/6/1994 của Sở Văn hóa, Thông tin và Thể thao tỉnh Nam Hà (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định).
Trong quá trình xây dựng hồ sơ khoa học di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đã mời các chuyên gia về di sản văn hóa khảo sát thực địa, khảo sát các hiện vật, sắc phong, bia đá, đồ thờ được lưu giữ tại Phủ Tiên Hương để xác định tính xác thực và nội dung hồ sơ khoa học cũng như tên gọi khác của Phủ Tiên Hương.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.