Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới
Đây là lần thứ 2, Ban tổ chức lựa chọn hoa hậu H'hen Niê làm đại sứ truyền thông của Lễ hội.
Sáng 3/2, tại TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng các đơn vị tổ chức họp báo Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. Đại diện tỉnh Đắk Lắk tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh; đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và truyền thông, Sở Văn hóa - Thể thao; Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, hoa hậu H’hen Niê. Phía TP Hồ Chí Minh có Phó Giám đốc Sở Du lịch Lê Trương Hiền Hòa; đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Báo chí Thành phố cùng các cơ quan thông tấn Trung ương và địa phương.
Lễ hội là dịp để tôn vinh văn hóa cà phê, người trồng cà phê và ngành cà phê; quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành "Điểm đến của cà phê thế giới". Lễ hội cũng là cơ hội để tỉnh Đắk Lắk giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh, xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp khác của tỉnh.
Các loại hạt cà phê nổi tiếng của tỉnh Đắk Lắk cũng được các đơn vị trưng bày, triển lãm tại họp báo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh cho biết, Cà phê là loại nông sản đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, đem lại nguồn sinh kế cho nhiều người dân, nhất là người dân vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Buôn Ma Thuột được mệnh danh là “Thủ phủ cà phê của Việt Nam”, đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đắk Lắk là tỉnh thành có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 210.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt hơn 520.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc.
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 sẽ được tổ chức với hình thức thể hiện theo xu hướng hội nhập quốc tế, với phong cách hiện đại làm nổi bật chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới". Qua 7 lần tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành sự kiện nổi bật của ngành cà phê Việt Nam, có ảnh hưởng lớn và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân, du khách trong nước và quốc tế.
Vào ngày 10/3, trên toàn tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức ngày hội cà phê miễn phí, đây là 1 trong 18 hoạt động chính của lễ hội cà phê năm nay.
Lễ hội lần này sẽ có 18 hoạt động chính thức và một số hoạt động hưởng ứng Lễ hội của các địa phương như: Lễ khai mạc, Hội nghị kết nối giao thương quốc tế, Lễ hội đường phố, Hội thi Nhà nông đua tài, Lễ hội ánh sáng, Triển lãm trưng bày và hội thi sinh vật cảnh, Hội voi Buôn Đôn, Hội đua thuyền độc mộc huyện Lắk.
Ngoài ra, lễ hội còn nhiều hoạt động tôn vinh ngành hàng cà phê như: Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê, Hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, Triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề "Văn hóa cà phê Việt Nam" và "Lịch sử cà phê thế giới", Cuộc thi pha chế cà phê đặc sản, Ngày hội cà phê miễn phí, Hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê, Cuộc thi video clip giới thiệu về cà phê Buôn Ma Thuột. Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk còn tổ chức các tour du lịch trải nghiệm và khám phá sản phẩm du lịch mới, biểu diễn vở ca kịch "Khát vọng Đam San" phục vụ du khách.
Tại họp báo, Ban tổ chức trưng bày 12 tác phẩm ảnh của nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng của Việt Nam giới thiệu về thiên nhiên, con người, phong tục tập quán, văn hóa đặc sắc của tỉnh. Nhiều khách tham quan vừa có cơ hội thưởng thức các dòng cà phê, vừa chiêm ngưỡng các tác phẩm.
So với Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 có thêm hoạt động mới, quy mô tổ chức hoành tráng hơn. Hứa hẹn đây sẽ là một điểm đến, sự kiện văn hóa đặc sắc của ngành cà phê Đắk Lắk nói riêng, Việt Nam nói chúng trước du khách và bạn bè quốc tế.
Dự kiến Ban tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 sẽ tổ chức họp báo về Lễ hội tại Hà Nội vào ngày 10/2/2023 và TP. Buôn Ma Thuột vào ngày 17/2/2023.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.