Kinh nghiệm phân biệt quân xanh quân đỏ để trúng nhiều gói thầu
Hàng loạt lãnh đạo ngành giáo dục bị khởi tố
Liên quan tới đấu thầu giáo dục tại các địa phương, thời gian gần đây, đã có hàng loạt lãnh đạo tại Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh bị khởi tố. Cụ thể, ngày 22/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 53/QĐ-CSKT-P9 về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên và các công ty, đơn vị có liên quan.
Ngày 23/9, Bộ Công an cho biết, căn cứ kết quả điều tra, xác minh và hồ sơ tài liệu thu thập được, xác định: Ông Nguyễn Văn Kiên - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã chỉ đạo một số cán bộ dưới quyền thông đồng cùng với Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Điện Biên (nhà thầu) và Công ty Cổ phần Thẩm định giá BTC Value, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn xây dựng T&C, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn thiết kế và xây dựng Tây Đô thực hiện các hành vi vi phạm Luật Đấu thầu để cho Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Điện Biên trúng 02 gói thầu cung cấp thiết bị dạy học tối thiểu, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Ngày 16/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Phạm Thị Hằng, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, do thông đồng với Công ty Cổ phần thẩm định giá BTC Value và nhà thầu là Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị trường học Thanh Hóa để thực hiện nhiều hành vi vi phạm quy định của Luật Đấu thầu, 2 gói thầu cung cấp đồ dùng học tập giảng dạy lớp 1 năm học 2020-2021, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước.
Ngày 25/6/2021, C03 - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh và các đơn vị liên quan, theo Khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự…
Công ty Hải Hà và những gói thầu
Theo đăng tải trên Tạp chí Tài chính doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Thiết bị Giáo dục Hải Hà (Công ty Hải Hà) thành lập vào ngày 5/10/2000 tại Hà Nội với số vốn điều lệ 10 tỷ đồng, do ông Phạm Anh Vỹ làm Giám đốc.
Được biết, ngành nghề kinh doanh chính là cung ứng các sản phẩm công nghệ thông tin, thiết bị dạy học ngoại ngữ, tích hợp hệ thống tư vấn và cung cấp giải pháp mạng Multimedia, mạng LAN, mạng diện rộng, mạng internet… Sản xuất và buôn bán thiết bị giáo dục, thiết bị thí nghiệm chuyên dùng trong phòng thí nghiệm cho các trường THCS, THPT, Cao đẳng, Trung tâm dạy nghề và Đại học.
Những năm gần đây, Công ty Hải Hà lại bất ngờ trở thành nhà thầu "quen mặt", trúng thầu 61 gói thầu tại khắp các địa phương như Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Phú Thọ ... với điệp khúc trúng thầu sát giá và đấu đâu trúng đó.
Tuy nhiên, điều “lạ” là hàng loạt gói thầu “khủng” do Công ty Hải Hà trúng thầu ở các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương trúng rất sát giá, tỷ lệ tiết kiệm giảm giá rất “nhỏ giọt” thậm chí có gói thầu “bạc tỷ” nhưng lại không tiết kiệm được cho ngân sách đồng nào.
Đơn cử, tại Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, từ tháng 11/2014 đến nay, Công ty Hải Hà được công bố tham gia 11 gói thầu do Sở này mời thầu, trong đó trúng tới 10 gói thầu với tổng trị giá khoảng 130 tỷ đồng.
Theo đó, ngày 10/11/2020, ông Phạm Khương Duy, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã ký lựa chọn liên danh nhà thầu Công ty Hải Hà và Công ty CP điện tự động hóa Bình Dương trúng gói thầu: Mua sắm, lắp đặt phòng bộ môn tin học cho các trường tiểu học trong tỉnh với tổng giá trị 30 tỷ 945 triệu (gói Tiểu học).
Cùng ngày 10/11/2020, ông Phạm Khương Duy đã ký ban hành Quyết định 1308/QĐ-SGDĐT lựa chọn Công ty Hải Hà trúng thầu gói thầu: Mua sắm, lắp đặt phòng bộ môn tin học cho các trường THCS trên địa bàn tỉnh với giá 41 tỷ 694 triệu đồng (gói THCS).
Đây là gói thầu có giá trị lớn từ nguồn ngân sách nhà nước cho giáo dục và được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước. Tuy nhiên đến thời điểm mở thầu, chỉ có duy nhất Công ty CP Thiết bị giáo dục Hải Hà tham gia nộp hồ sơ dự thầu và trúng thầu.
Như vậy, chỉ trong ngày 10/11/2020, Công ty Hải Hà đã “ôm” hai gói thầu tổng giá trị hơn 72 tỷ do Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư. Đáng lưu ý, cả hai gói thầu trên đều do Công ty CP Tư vấn & Đầu tư TMT làm công tác tư vấn đấu thầu, thẩm định việc lựa chọn nhà thầu.
Điều khác thường, dù cùng thời điểm mở thầu, cùng cấu hình điều hành, cùng đặc điểm kỹ thuật, xuất xứ theo như mô tả tại Bảng giá của Hợp đồng kinh tế số 0211 (gói Tiểu học) và Hợp đồng số 0311 (gói THCS) cùng ngày 16/11/2020 của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc; nhưng giá thiết bị tại hai gói thầu lại khác nhau hoàn toàn.
Quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, gói thầu mua sắm, lắp đặt phòng bộ môn tin cho các trường trung học cơ sở.
Công ty Hải Hà cũng tham gia 8 gói thầu do Sở GD&ĐT Cao Bằng mời thầu, trong đó đã trúng thầu 7 gói với tổng giá trị lên tới khoảng 70 tỷ đồng.
Cụ thể, tại dự án "Mua sắm bổ sung thiết bị phòng tin học các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường THPT năm 2018-2019", Công ty Hải Hà trúng với giá 6 tỷ 296 triệu - đúng bằng giá mời thầu, không tiết kiệm được cho ngân sách đồng nào.
Tại gói "Mua sắm bổ sung thiết bị đồ dùng nhà ăn, nhà bếp khu nội trú học sinh cho các trường TH, THCS năm 2019" kí ngày 31/1/2020 với giá hơn 10 tỷ 440 triệu đồng, Công ty Hải Hà trúng cũng có tỉ lệ tiết kiệm là 0 đồng.
Hay tại gói "Mua sắm thiết bị phòng học bộ môn cho các trường THPT năm 2019" do ông vũ Văn Dương - Giám đốc Sở GD&ĐT Cao Bằng kí ngày 6/6/2019, Công ty Hải Hà trúng với giá hơn 2 tỷ 132 triệu đồng - đúng bằng giá mời thầu.
Đặc biệt, Công ty Hải Hà được thông báo trúng 4 gói thầu tại Sở GD&ĐT Hà Giang với tổng trị giá khoảng 80 tỷ đồng nhưng có gói thầu có tỷ lệ tiết kiệm “siêu thấp”, thậm chí tiết kiệm 0 đồng.
Điển hình, tại gói thầu “Mua sắm trang thiết bị, đồ dùng cho các trường học…” do Sở GD&ĐT Hà Giang mời thầu với giá 5 tỷ 727.678.000 đồng, thì Công ty Hải Hà trúng thầu đúng với giá gói thầu, tỷ lệ tiết kiệm, giảm giá là 0 đồng.
Hay như tại gói thầu “mua sắm thiết bị phục vụ học tập năm 2020” tại tỉnh Cao Bằng có giá 4 tỷ 622 triệu đồng, Công ty Hải Hà trúng thầu với giá 4 tỷ 621 triệu đồng, tiết kiệm được vẻn vẹn 190 nghìn đồng so với giá gói thầu.
Trường hợp khác, gói thầu “mua sắm thiết bị dạy học, sách cho các trường phổ thông” do Sở GD&ĐT Phú Thọ mời thầu có giá 17 tỷ 927 triệu đồng, Công ty Hải Hà (cùng 2 doanh nghiệp liên danh) trúng thầu với giá 17 tỷ 882 triệu đồng, chỉ giảm giá được 45 triệu đồng cho ngân sách...
Ngoài ra, Công ty Hải Hà cũng liên tục trúng các gói thầu tại Sở GD&ĐT Hải Phòng, Yên Bái, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ…
Mục đích của việc mua sắm tập trung tài sản nhà nước thông qua đấu thầu là để tiết kiệm tiền cho ngân sách nhà nước, nhưng các Sở GD&ĐT tại các địa phương nêu trên tổ chức đấu thầu và lựa chọn Công ty Hải Hà trúng những gói thầu với điệp khúc trúng thầu sát giá khiến dư luận không khỏi hoài nghi về tính minh bạch và hiệu quả trong công tác đấu thầu.
Kinh nghiệm nhận định "quân xanh, quân đỏ" khi tham gia đấu thầu
Hiện tượng “quân xanh, quân đỏ” đang là tác nhân làm hư hại, méo mó công tác đấu thầu, gây ra nhiều cuộc thầu “nội bộ” thiếu tính cạnh tranh. Những hành vi này diễn ra vô cùng tinh vi, biểu hiện là hai hay nhiều nhà thầu luôn đi kèm với nhau, bám sát nhau trong nhiều gói thầu, lúc thắng, lúc thua nhưng luôn có chủ đích và luôn nằm trong kế hoạch.
“Quân xanh, quân đỏ” là gì?
Quân xanh là quân giả, làm nhiệm vụ lót đường. Nhà thầu quân xanh là nhà thầu "tham gia để trượt". Quân đỏ là là nhà thầu được sắp xếp để trúng thầu. Ví dụ: các nhà thầu quân xanh bỏ giá cao cho trượt thầu, để nhà thầu quân đỏ trúng thầu.
Vấn nạn “quân đỏ - quân xanh” còn dai dẳng
Tình trạng nhà thầu bị loại bởi Hồ sơ dự thầu (HSDT) không đủ tư cách hợp lệ cũng chẳng còn là xa lạ gì, số lượng nhà thầu dự thầu “cho vui” hay “dự cho đủ" điều kiện mở thầu cũng ngày càng nhiều. Lý do mà nhiều nhà thầu bị loại thường nằm ở những điều kiện sơ đẳng, tối thiểu nhất như HSDT không hợp lệ hoặc không có bảo lãnh dự thầu, hồ sơ không niêm phong, đơn dự thầu cũng không hợp lệ…
Nhưng, nhà thầu không phải là người nông dân, lại càng không phải là anh học trò. Việc bị loại bởi lý do HSDT không đáp ứng về tư cách hợp lệ thì liệu có phải nhà thầu hoàn toàn ngây ngô đến mức “vô can” chăng? Bởi không một nhà thầu đàng hoàng nào đi dự thầu lại để bị loại vì những lý do “lông gà vỏ tỏi” này cả.
Vậy thì chỉ có chuyện nhà thầu này tham dự với mục đích làm quân xanh cho nhà thầu khác, đôi khi còn có sự tiếp tay của bên mời thầu để “dựng nên một vở kịch” trong đấu thầu. Như vậy, đối với những gói thầu này, tính minh bạch và hiệu quả cũng như sự cạnh tranh lành mạnh là không tồn tại và hậu quả của nó lại ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà thầu sạch. Và chắc chắn giá trúng thầu sẽ cực kỳ cao và gần sát với giá gói thầu được phê duyệt.
Làm sao để hạn chế vấn nạn “quân xanh” trong đấu thầu?
Tính đến hết năm 2017, những thông tin về các nhà thầu vi phạm đã bị “bêu tên” trên trang Mua Sắm Công và được công khai rộng rãi. Tuy vậy kể từ 01/01/2018 đến nay, danh sách này vẫn chưa được cập nhật. Chính vì thế, “quân xanh” trong đấu thầu vẫn còn “đất sống”, thậm chí “sống” tốt bởi vẫn còn tình trạng nhà thầu cấu kết với nhau hoặc nhiều chủ đầu tư móc nối với nhà thầu hay nhắm mắt làm ngơ khiến “mảnh đất” thiếu cạnh tranh, thiếu minh bạch trong đấu thầu ngày càng màu mỡ.
Tuy nhiên, để giới truyền thông hay cơ quan chức năng biết đâu là nhà thầu quân xanh để có những lời khuyên tốt cho nhà thầu sạch là việc thực sự khó khăn, bởi phải có những biện pháp hiệu quả mới có khả năng “chỉ mặt bêu tên”. Nếu như nhà thầu vẫn cố tình lách luật bằng cách “sơ ý” sai sót “một vài chi tiết” dẫn đến việc không đủ tư cách hợp lệ thì tình trạng quân xanh quân đỏ vẫn còn tồn tại và khó có thể kiểm soát.
Theo các chuyên gia, một số gợi ý sau có thể giúp đơn vị dự thầu cũng như nhà thầu đọc vị được có hiện tượng quân xanh, quan đỏ hay không:
- Phân tích quan hệ giữa nhà thầu với các bên mời thầu bằng cách: Xem nhà thầu tham gia những gói thầu nào? Xem nhà thầu hay quan hệ với các bên nào?
- Phân tích quan hệ giữa bên mời thầu với các nhà thầu.
- "Soi" quan hệ giữa các nhà thầu với nhau.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.