Cảm phục sư cô cưu mang 70 trẻ mồ côi
Bà Trần Thị Anh Đào hỗ trợ
mái ấm gần 10 triệu đồng và nhiều quần áo
Nơi khởi nguồn của tình người
Các em được được đi học, học ngoại ngữ, tin học…một cảm nhận rõ về các em rất lễ phép và khỏe mạnh. Đó chính là Cơ sở bảo trợ xã hội - Mái Ấm Anh Đào (gọi tắt là mái ấm), tọa lạc ở thôn Tân Mỹ, xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), do Sư cô Thích Nữ An Sơn phát tâm tạo dựng.
Vốn là người ít nói về mình, nhưng sâu thẳm trong đôi mắt sư cô lại đầy ắp lòng nhân hậu. Những người cộng sự trong mái ấm ở đây cho biết: Sư cô đã ngoài 40 tuổi (sinh 1975), xuất gia năm 19 tuổi, Thích nữ An Sơn vốn là người con gái sinh ra từ vùng quê Ninh Phụng thuần nông (thị xã Ninh Hoà). Tuổi thơ quá nhiều nhọc nhằn, lại ám ảnh sâu đậm trong suy nghĩ về những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh. Suốt hàng chục năm tu học, dù chân tâm hướng Phật mà lòng cứ nặng trĩu việc đời. Chứng kiến bao mảnh đời bất hạnh, nhất là các em nhỏ mồ côi, trẻ khuyết tật. Vì vậy, năm 2004, sư cô An Sơn quyết định rời TP.Hồ Chí Minh về quê nhà, một mình đứng ra xin phép chính quyền mở cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi, nhưng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đầu 2005, Mái ấm Anh Đào ra đời với dự định tiếp nhận khoảng 20 trẻ mồ côi ở trong làng và các xã lân cận.
Người nước ngoài tới thăm và tặng quà các bé
Nỗi gian nan tạo dựng mái ấm
Theo chân những nhà hảo tâm đến thăm mái ấm vào những ngày này, trong đó có cả những người nước ngoài đều rất xúc động. Bởi khi vừa bước chân qua cổng, bỗng có tiếng chuông vang lên như thay cho “khẩu lệnh” tập hợp. Ngay lập tức hàng chục em đang vui chơi, hay đang học tập đâu đó trong mái ấm đều chạy ra sân xếp hàng ngay ngắn, rồi đồng loạt chắp tay theo nghi lễ Phật giáo cùng cất lên lời chào “Nam mô A di đà phật, chúng con xin kính chào quý khách”.
Các em ngồi đón khách
Sư cô hoan hỷ đưa chúng tôi đi thăm và giới thiệu các cơ sở vật chất của nhà chùa như sân chơi thể thao đa năng dành cho các em (bóng đá, bóng rổ, bóng truyền, nhà bóng…), cỏ mặt sân đẹp, khung cầu môn…khá bài bản.
Vườn trồng rau xanh
Tuy vậy, nhớ lại ngày đầu mái ấm vừa "mở cửa" đã nghe tiếng khóc oe oe...vang vọng. Những năm đầu ấy, sư cô An Sơn mới ở tuổi 29 mà đã can đảm nhận trọng trách làm "mẹ" một lúc đến 30 đứa trẻ bơ vơ và đến thời điểm hiện tại đã lên đến 70 em. Hầu hết các em đều mồ côi cả cha lẫn mẹ (2 em lớn nhất đang học lớp 11, bé nhất thì vài tháng tuổi, 23 cháu là học sinh tiểu học, 10 cháu học sinh THCS, nhiều em đạt học sinh khá, giỏi...). Đặc biệt, có 5 em bị bệnh tâm thần, khuyết tật bẩm sinh nặng, chỉ có thể nằm quằn quoại la hét đến thương tâm...
Cũng theo những người cộng sự ở đây, những ngày đầu tiếp nhận và nuôi nấng các em vô vàn khó khăn. Nguồn trợ giúp có hạn, sư cô vừa lo từng giọt sữa cho những đứa trẻ sơ sinh, chạy từng bữa cơm, tô cháo cho tụi nhỏ, vừa gồng mình cuốc đất trồng rau…để mong nuôi các em khôn lớn. Tiếng lành đồn xa, nhiều người có lòng hảo tâm ở Nha Trang, Phan Thiết, TP.Hồ Chí Minh...đến thăm đã phát tâm góp tiền xây dựng thêm nhà ở cho lũ trẻ. Rất mừng vì bà con khắp làng trên, xóm dưới thường xuyên rủ nhau phụ giúp sư cô, hiện nay có 12 "mẹ" đều đã luống tuổi tự nguyện ở lại mái ấm, chung lòng chăm lo, nuôi dạy lũ trẻ cùng với sư cô.
Chúng tôi dừng khá lâu bên bàn thờ, lặng nhìn sư cô ngân ngấn nước mắt..thầm khấn trước di ảnh một hài nhi dị dạng. Bé trong ảnh được đặt tên là Phạm Minh Đào. Trước đó, ai đó đã đặt bé trước cổng chùa Vạn Bửu (cách xa Mái ấm Anh Đào gần 50km), đứa trẻ xấu số này sau đó được đem đến Phòng LĐTBXH huyện Vạn Ninh, nhưng ở Vạn Ninh chưa có cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi, nên huyện "gửi gắm" cho Mái ấm Anh Đào. "Lúc đặt tên, vẫn biết con bé bị đa tật bẩm sinh, nhưng thương một kiếp người nên cả nhà xúm lại chăm nuôi, bón, mớm...40 ngày bé không chịu ăn, cứ khóc hoài rồi... mất". Sư cô lo chôn cất chu đáo và lập bàn thờ, bởi đây là lần đầu tiên có một trẻ thơ vừa đến nương tựa nơi mái ấm đã vội vã ra đi…(sư cô chia sẻ).
Những tri ân vô giá
Khu vườn trồng rau sạch trên 600 m2, đủ loại như cải xanh, su hào, cải bắp…đang phủ màu xanh đến mát mắt. Là công trình do Đoàn trường Đại học Nha Trang đã giúp đỡ xây dựng, đảm bảo đủ cung cấp rau sạch cho mái ấm. Đồng thời, vườn rau sạch còn là nơi để các em nhỏ tham gia lao động, chăm sóc rau, tổ chức các hoạt động ngoại khóa thiết thực...
Gia đình bà Trần Thị Anh Đào, ở Nha Trang, cứ vào dịp cuối năm, cả nhà bà lại đem quần áo, chút tiền tích cóp được (thông qua Hộp từ thiện gia đình đặt tại các cửa hàng café, do khách hàng phát tâm) mang đến hỗ trợ mái ấm, bà Đào chia sẻ: Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà những ai đã đến đây và chứng kiến tấm lòng thương yêu con trẻ đến bao la của sư cô càng thêm cảm phục. Có nhiều lần tôi bắt gặp sư cô phải vật lộn với những đứa trẻ đau yếu, la khóc suốt đêm, nhiều em không nói được, mặt thì cứ ngơ ngơ, có những em sư cô lại phải áp dụng riêng chế độ chăm sóc đặc biệt “ở một phòng”, bởi hễ ra ngoài là “có chuyện” và tất nhiên sư cô cũng dành tình cảm đặc biệt cho các em đó. Hình ảnh sư cô ôm chặt bé vào lòng, miệng tuy cười mà nước mắt cứ tuôn rơi...Hai cô gái trẻ Nguyễn Thị Trà My, Khương Minh Cẩm Tú, ở TP.HCM, tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần tình nguyện ra đây dạy tin học và ngoại ngữ cho các em, cặp vợ chồng người Hà Lan nhân chuyến đi du lịch, qua tìm hiểu, được biết về mái âm đã mang nhiều đồ chơi đến tặng. Những món quà làm lũ trẻ vui sướng đến nhảy cỡng cả lên reo hò. Còn sư cô thì không thể đứng ngoài niềm vui ấy, cứ nhìn nụ cười rạng rỡ của sư cô, tôi cảm nhận niềm vui trong à như được nhân đôi…
Chia tay mái ấm, tôi thầm cảm ơn sư cô cùng với 12 người cộng sự, cảm ơn lòng tốt của những người tử tế muôn phương. Và trên hết, có một sư cô đong đầy lòng yêu thương con trẻ, người dang tay cứu giúp bao mảnh đời trẻ thơ bất hạnh. Tôi có niềm tin rằng, ngay bây giờ và mai sau các bé sẽ mãi biết ơn và lũ trẻ hiểu rằng, chúng may mắn có “người mẹ thứ hai”, đó chính là sư cô Thích Nữ An Sơn. Tết Cổ truyền của dân tộc (Bính Thân) đã đến gần, mong sao ngày càng có thêm nhiều nhà hảo tâm đến thăm, hỗ trợ mái ấm cả về vật chất và tinh thần để ngày xuân các em thêm ấm áp, yêu thương nhau hơn. Qua đó, góp phần động viên sư cô An Sơn vượt qua khó khăn, toàn tâm phát nguyện thành quả Phật sự mà sư cô luôn hướng đến mục tiêu rất nhân văn “Tốt đời đẹp đạo”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.