Chàng trai bị câm điếc Vũ Gia Nguyên nhưng lại làm công việc “tư vấn khách hàng"
Tuổi thơ đầy nghiệt ngã
Ông trời cho Nguyên một ngoại hình đẹp trai, một cái tên “Vũ Gia Nguyên" thật đặc biệt với hi vọng chàng trai ấy luôn được “nguyên vẹn” hạnh phúc. Cậu lớn lên trong vòng tay yêu thương cả gia đình như bao bạn bè cùng trang lứa. Thế nhưng, một sự cố đáng tiếc xảy ra, Nguyên từ một tai nạn nhỏ đã khiến anh bị tụt lưỡi vào trong và từ đó anh không thể nói, không thể nghe được nữa.
Chàng trai Vũ Gia Nguyên cùng các đồng nghiệp tại TokyoLife (Ảnh: NVCC)
Nguyên kể lại trong sự trầm ngâm suy tư: “Bố mẹ mình sinh mình ra là một đứa trẻ bình thường tên là Nguyên và cực kỳ dễ thương. Nhưng mà không may trong khi mà cụ bế mình cụ không biết nên đã cho mình uống nước đá lạnh. Hôm đó mình bị sốt luôn, bị sốc và gia đình phải bế mình đi bệnh viện. Ngày mình ở bệnh viện, cụ mình cảm thấy tội lỗi vì cụ đã để mình uống nước đá, thấy mình trong cơn nguy kịch, cụ đã quỳ xuống khóc lóc xin bác sĩ chữa cho mình.
Cuối cùng sau 7 ngày mình đã may mắn được cứu sống. Nhưng kể từ đó, bác sĩ thông báo cho gia đình mình một tin động trời đó là mình sẽ bị điếc mãi mãi, mình sẽ không nghe và nói được. Nghe được tin này, ai trong gia đình mình cũng đều rất thất vọng, nhưng mà họ vẫn chấp nhận vì dù sao mình vẫn còn sống. Bố mẹ mình nói là không biết sẽ phải giao tiếp với mình như thế nào.”
Để Nguyên có cuộc sống như bây giờ gia đình anh rất vả tìm trường cho con theo học để anh có thể giao tiếp được như bao đứa trẻ đồng trang lứa.
Nguyên chia sẻ:"Tôi rất là lạ khi lần đầu tiên đến ngôi trường thấy bạn bè cứ nhìn nhau múa bằng tay. Lúc đó tôi không biết đó chính là ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp giữa người khiếm khuyết. Sau đó thông qua ngôn ngữ ký hiệu tôi học ở trường tôi đã hiểu hơn và có thể giao tiếp được. Để có được ngày hôm nay, tôi muốn nói lời cảm ơn tới “chi hội người điếc thành phố Hà Nội”, đây là nơi đã giúp tôi có được môi trường cho tôi sinh hoạt, học tập và tiếp cận thêm thông tin ngoài xã hội".
Vượt lên số phận
Hồi đi học Nguyên chỉ biết đi học và về nhà mà không giao tiếp với người ngoài vì anh sợ khi giao tiếp họ sẽ không hiểu anh nói gì, anh cảm thấy tự ti và mặc cảm vô cùng. Mỗi lần đi ra ngoài Nguyên luôn mang trong trạng thái lo sợ, sợ mọi người xa lánh, cười nhạo vì mình là người câm.
Vũ Gia Nguyên hướng dẫn khách hàng mua đồ (Ảnh: NVCC)
Nguyên xúc động kể lại: “Ngày bé tôi cảm thấy rất buồn vì tôi là gánh nặng cho gia đình, bố mẹ vì lúc nào họ cũng lo lắng sợ tôi bị mọi người xa lánh, không bạn bè chơi cùng. Nên lúc nào bố mẹ cũng thay nhau ở nhà để làm bạn với tôi để tôi không cảm thấy cô đơn. Sau này tôi lớn hơn một chút tôi ý thức được tôi là người câm nhưng tôi cũng có quyền được sống, được vui chơi như bao người khác. Và tôi đã vượt qua rào cản bản thân, rào cản của xã hội mình cố gắng đi học và học thật giỏi không muốn làm gánh nặng cho gia đình”.
Mặc dù Nguyên đã cố gắng vượt qua rào cản bản thân nhưng đôi khi vẫn sợ hãi và nhiều lần khóc nhưng không dám cho bố mẹ biết sợ họ buồn. Trong cuộc sống không có gì là hoàn hảo khi những người bình thường cũng bị lôi ra bàn tán huống gì Nguyên là người khiếm khuyết khi không nói được.
Nguyên xúc động nhớ lại: “Những người hàng xóm xung quanh nhà tôi có người rất tốt hay quan tâm động viên mình thậm chí còn rủ tôi sang nhà chơi với các con của họ, họ muốn giúp tôi sống vui vẻ mỗi ngày điều đó làm tôi rất vui. Song không phải ai cũng tốt với tôi hết, có những người luôn cười nhạo tôi là là đứa trẻ câm chỉ là gánh nặng cho gia đình, họ luôn bàn tán sau lưng tôi.
Mặc dù tôi không nghe họ nói với nhau nhưng một đứa trẻ khi bị mọi người xa lánh thì tôi rất nhạy cảm khi nhìn vào biểu cảm của họ. Điều đó không làm ảnh hưởng đến tôi vì tôi đã quá quen thuộc. Điều mà họ khiến tôi buồn, thất vọng nhất là họ bàn tán, lôi ra so sánh gia đình, bố mẹ tôi với những người khác. Khi tôi nghe họ nói về gia đình tôi, tôi rất tức giận khi họ xúc phạm đến gia đình tôi, có lần tôi còn muốn đến trước mặt họ đánh cho họ một trận nhớ đời. Mỗi lần như vậy tôi lại nhớ đến những điều bố mẹ dạy tôi, mình không làm gì sai thì mình không phải sợ, dù họ nói như thế nào hãy bỏ ngoài tai mà sống thật tốt, thành đạt để rồi một ngày nào đó họ sẽ nhận ra lỗi sai của mình và trân trọng, yêu quý mình hơn”.
Khắc sâu lời bố mẹ răn dạy Nguyên cố gắng sống một cách vui vẻ, lạc quan và muốn tìm công việc để làm, chia sẻ gánh nặng cho gia đình. Và Nguyên quyết định đi làm, sống xa gia đình. Thời gian đầu quả là thời gian khó khăn khi mình giao tiếp không ai hiểu, và đi xin việc đều bị từ chối. Song bằng tất cả sự cố gắng, động viên từ gia đình Nguyên đã tìm được việc làm và cứ nghĩ đấy là công việc phù hợp với tôi. Khi nhận được công việc đầu tiên Nguyên rất bất ngờ không tin đấy là sự thật mà cứ ngỡ đấy là mơ, điều đó đã khiến Nguyên hạnh phúc và báo tin cho gia đình biết đầu tiên.
Ngày đầu đi làm Nguyên đã chuẩn bị đồ đi làm rất tỉ mỉ, thậm chí cả đêm không ngủ để đọc sách, lên mạng tìm đọc những thông tin khi đi làm phụ bàn cần biết và tránh để cho công việc được thuận lợi.
Nguyên chia sẻ:"Trước kia tôi đi làm phụ bàn cứ nghĩ đấy là công việc phù hợp nhưng một thời gian quản lý và nhân viên không hiểu nhau, họ cũng không hiểu văn hóa của tôi, họ so sánh tôi với nhân viên khác khiến tôi và họ trở nên có xích mích nhiều hơn. Chúng tôi không hiểu nhau, không có sự bình đẳng trong công việc giữa tôi và nhân viên khác. Cuối cùng tôi xin nghỉ việc ở đó".
Lúc đầu nghe tin Nguyên nghỉ việc ở đấy bố mẹ Nguyên dù rất buồn nhưng họ vẫn vui vẻ lạc quan động viên Nguyên để Nguyên có động lực hơn để tìm công việc phù hợp với Nguyên.
“Tôi không thể nghe, nói được nhưng tôi khát khao được đối xử công bằng, bình đẳng, tôi khát khao được trở thành một người bình thường. Dù tôi bị câm điếc nhưng tôi sẽ chứng minh cho mọi người thấy tôi có thể làm được nhiều việc, kể cả việc tư vấn các sản phẩm cho khách hàng", Nguyên tâm sự.
Ở nhà được một thời gian, cuối cùng Nguyên thấy Tokyolife đang tuyển dụng, và anh thử đến để xin việc. Sau khi làm việc thấy môi trường làm việc thích quá, vì ở TokyoLife tạo ra sự bình đẳng giữa mọi người. Và Nguyên quyết định gắn bó ở nơi này.
Tuy nhiên, việc theo đuổi nghề chăm sóc khách hàng Angel ở TokyoLife đối với một người khiếm khuyết như Nguyên là không hề dễ dàng. Dù khó khăn về ngôn ngữ, nhưng không làm Nguyên từ bỏ. Nhờ sự chăm chỉ, cần cù nên Nguyên tiếp thu được khá nhanh và là một trong những người đi đầu luôn quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ và giúp đỡ các bạn khuyết tật Angel trong những ngày đầu. Ngoài ra Nguyên còn là người đào tạo cho các bạn Angel làm việc.
Chị Trần Thu Trang, Trưởng nhóm trong chăm sóc Angle trong hệ thống TokyoLife cho hay: "Nguyên là một người đồng đội xuất sắc của tôi. Việc hướng dẫn đào tạo và chăm sóc các bạn khuyết tật gặp khá nhiều khó khăn. Nguyên đã giúp tôi rất nhiều bằng việc dạy cho chúng tôi những ký hiệu riêng của người khiếm thính, chia sẻ về đặc điểm riêng của những người này. Nguyên dẫn đi gặp từng người trong mô hình Ngôi nhà Thiên thần để làm quen nên tôi hòa nhập rất nhanh chóng. Nhờ đó mà công việc của tôi đạt kết quả tốt”.
Vũ Gia Nguyên đang đào tạo kỹ năng bán hàng cho các bạn học việc (Ảnh: NVCC)
Bị điếc nên Nguyên luôn thấu hiểu nỗi khổ của những người khiếm khuyết. Biết được người khuyết tật rất khó tìm được việc làm phù hợp với bản thân mình, Nguyên đã phải tự học hỏi trau dồi kiến thức để giúp các bạn ở đây có thể học, làm việc và chăm sóc khách hàng một cách tốt nhất. Chính từ những việc làm đó đã làm cho Nguyên càng yêu thích công việc của mình.
Nói về công việc của bản thân Nguyên chia sẻ: "Tôi vẫn muốn ở đây để chăm sóc các thiên thần của mình, bởi vì các bạn điếc cũng như các bạn khuyết tật khác nếu mà như tôi không làm thì tôi sợ là các bạn sẽ không có người phục vụ và hiểu. Và tại công ty này thì tôi cũng muốn cả người nghe và điếc phát triển với nhau mãi mãi".
Hiện nay việc đào tạo các bạn câm điếc có thể bán hàng, tư vấn sản phẩm cho khách hàng sẽ cần thông qua chiếc điện thoại. Khách hàng khi muốn mua sản phẩm họ có thể soạn tin nhắn, hoặc nói với điện thoại để điện thoại soạn ra dòng tin nhắn. Sau đó các bạn tư vấn sẽ chát lại qua tin nhắn.
Làm ở TokyoLife Nguyên càng ngày khẳng định bản thân trong xã hội, và khẳng định với mọi người rằng dù bản thân khiếm khuyết thế nào nhưng chỉ cần bản thân vượt qua rào cản, vượt qua khó khăn trước mắt thì bản thân sẽ tìm được hạnh phúc ngay trong cuộc sống.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.