Chàng trai liệt chân nuôi hàng trăm con lợn, gà, lãi gần 200 triệu đồng
Đó là anh Nguyễn Văn Hiền, ngụ xã Chính Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam). Anh bị liệt một bên chân từ nhỏ, dù đã cố gắng chạy chữa song không cứu vãn nổi. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Hiền phải nghỉ học sớm ở nhà phụ giúp bố mẹ.
Năm 25 tuổi, anh kết hôn và sinh được 3 người con. Khi kinh tế gia đình chưa ổn định, mẹ anh qua đời vì ốm nặng. Không lâu sau đó, bố anh cũng mất để lại các em cho anh Hiền chăm sóc.
Để có tiền trang trải cuộc sống, lo cho các em ăn học, vợ chồng anh mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng chăn nuôi. Với quy mô 25 con lợn nái, hơn 100 con lợn thịt/lứa, 200-300 con gà đẻ, mỗi năm vợ chồng anh thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Từ đó, anh đã lo cho 3 em học hành đầy đủ, có công việc ổn định. Các con anh đều chăm ngoan, học giỏi. Con gái lớn của anh năm ngoái được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Lý Nhân cho biết, không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Nguyễn Văn Hiền còn là một trong những hội viên tiêu biểu trong các phong trào của Hội Người khuyết tật huyện.
Hay như anh Trịnh Tiến Toàn, ngụ tại xã Thanh Hương, huyện Thanh Liêm bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch. Nhờ sự động viên của bạn bề, người thân, anh đã vượt qua mặc cảm và luôn trong tốp đầu của lớp về thành tích học tập. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam, anh Toàn đi làm ở một số cơ sở nhưng thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Anh luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế gia đình.
Anh Trịnh Tiến toàn cũng là một trong những tấm gương khuyết tật vượt khó, làm giàu (Ảnh: TTXVN)
Năm 2019, nhận thấy vùng đất gần nhà mình thích hợp để phát triển mô hình chăn nuôi, anh mạnh dạn thuê gần 1,5 ha đầu tư nuôi gà, cá. Để chăn nuôi hiệu quả, bền vững, anh Toàn liên kết chăn nuôi gà với Công ty Japfa Việt Nam. Thực hiện mô hình liên kết, Công ty cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho gà và bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định. Một năm, trang trại của anh xuất 4 lứa gà với số lượng 3 vạn con/lứa; trừ chi phí còn thu về hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, trang trại của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài phát triển kinh tế gia đình, anh Toàn còn tích cực tham gia hoạt động của Hội Người khuyết tật của xã, huyện. Năm 2021, anh tham gia thành lập Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh Hà Nam và là thành viên trong Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ. Mặc dù mới thành lập hơn một năm nhưng Câu lạc bộ đã triển khai nhiều hoạt động bổ ích, tạo điều kiện để các thanh niên khuyết tật trên địa bàn tỉnh gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, nhân rộng mô hình làm kinh tế giỏi, phát huy vai trò chủ động, tích cực của thanh niên khuyết tật.
Đúng với câu nói "tàn nhưng không phế", anh Võ Văn Nên (37 tuổi, ngụ TT.Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) đã nỗ lực vươn lên sống có ích cho cộng đồng.
Bẩm sinh, di chứng chất độc da cam khiến đôi chân anh teo tóp không thể đi lại.
Năm 15 tuổi, anh Nên lên TP.HCM tham gia một lớp dạy nghề cơ điện, sau đó về quê mượn vốn mở một cửa hàng nhỏ, có thu nhập khá hơn nhưng cũng bấp bênh. Thấy anh khuyết tật nhưng chịu khó làm ăn, một người bạn mách nước đi học sửa xe miễn phí.
Ngoài sửa xe, sửa đồ điện dân dụng, anh Nên còn nỗ lực thực hiện mô hình khởi nghiệp như nuôi cá diêu hồng, nuôi gà. Thành công cũng có, thất bại cũng có, nhưng anh chưa bao giờ buông bỏ ước mơ tìm đường thoát nghèo. Gần đây nhất, anh vay hơn 40 triệu đồng để nuôi heo, nhưng vì dịch bệnh, đàn heo thua lỗ, tiền vay mượn anh chưa trả dứt.
Hiện tại, anh Nên đang thử sức nuôi bể lươn và hơn 4.500 con ba ba. Anh không ngừng nỗ lực để lấy công làm lời. Trên xuồng ba lá, anh thả dọc trên con sông, cánh đồng gần nhà để bắt ốc, giăng lưới, cắm câu tìm cá mồi.
Khi vào mùa nước nổi, anh Nên vất vả lê trên đoạn đường bết bùn ra bể nuôi khiến nhiều người khâm phục nghị lực vượt khó của anh. Anh Nên hiện là hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam - người khuyết tật - trẻ mồ côi huyện Phụng Hiệp. Điều đáng trân trọng là dù nghèo nhưng anh vẫn hay giúp đỡ người khổ hơn mình.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.