TP.HCM sẽ ứng dụng ChatGPT vào hỗ trợ dịch vụ hành chính công
ChatGPT là một công nghệ trí tuệ nhân tạo có khả năng sinh ra các văn bản phức tạp và thuyết phục bằng ngôn ngữ tự nhiên và có nhiều tiềm năng ứng dụng trong các lĩnh vực như: giáo dục, y tế, kinh doanh và giải trí, hay nói chung là tất cả những lĩnh vực có sử dụng ngôn ngữ.
Phó chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức mong muốn, người dùng cần tìm hiểu rõ và nắm được ưu, nhược điểm của ChatGPT để ứng dụng hiệu quả trong đời sống.
Đối với lĩnh vực của quản lý nhà nước, ChatGPT có thể có nhiều ứng dụng như: hỗ trợ cung cấp các dịch vụ công cho công dân hay hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc ra quyết định… Mặc dù có mặt tích cực nhưng ChatGPT cũng đặt ra những thách thức tiềm ẩn, thách thức cho quản lý nhà nước, như: việc đảm bảo tính minh bạch, chính xác và an toàn của các thông tin do ChatGPT sinh ra; việc kiểm soát và giải quyết các tranh chấp hay xung đột có liên quan đến ChatGPT...
Toàn cảnh tọa đàm ngày 1/3.
Tọa đàm là một trong số các giải pháp nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030”. Đồng thời, thông qua tọa đàm, tạo diễn đàn để các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học thảo luận và chia sẻ quan điểm về ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo (AI) đến công tác quản lý nhà nước, phục vụ người dân và tăng cường sự hợp tác giữa các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý tìm ra các giải pháp và xây dựng kế hoạch tương lai trong việc sử dụng và ứng dụng AI.
Chủ đề tọa đàm là “Ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, các hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp: cơ hội và thách thức” với những nội dung thảo luận: Ứng dụng ChatGPT trong lĩnh vực hành chính công nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp: hỗ trợ công việc cho lãnh đạo thành phố: xây dựng hệ thống trợ lý học tập cho các cấp học tại TP Hồ Chí Minh; đề xuất các cơ chế bảo mật, quản lý dữ liệu.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Lâm Đình Thắng chia sẻ quan điểm của Sở trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp, trường đại học nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo.
“Mọi người cần tiếp cận, sử dụng ChatGPT hay các ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI khác một cách có khoa học và khách quan. Điều quan trọng là người dùng phải kiểm chứng được sự minh bạch của thông tin từ nhiều nguồn khác nhau trước khi sử dụng vào công việc cá nhân. Cần phải nghiên cứu sâu, rõ và bám sát thực trạng với sự phát triển chung của khoa học – công nghệ. Bởi vì trước sự cập nhật mới về ChatGPT sẽ tạo ra nhiều cơ hội cũng thách thách thức cho các nhà quản lý nhà nước trong việc quản lý đầu vào dữ liệu sạch, giám sát, tham mưu các chính sách hỗ trợ…” – Ông Lâm Đình Thắng cho biết.
Theo chia sẻ của các chuyên gia, nhà nghiên cứu của tọa đàm, tính đến thời điểm hiện tại Ứng dụng ChatGPT chỉ mới cập nhật được dữ liệu đến cuối năm 2021.
Chương trình có sự tham dự của PGS. TS. Đinh Điền - Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG-HCM với phần chia sẻ về “ChatGPT và những hướng ứng dụng trong hệ thống dịch vụ công trực tuyến - cơ hội và thách thức”. TS. Võ Văn Khang - Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam tham luận chủ đề “Các cơ chế bảo mật và an toàn thông tin khi sử dụng ChatGPT và sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo”.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo đến từ các trường Đại học, cơ quan nghiên cứu của thành phố đã có những chia sẻ và đóng góp, đặt vấn đề về ứng dụng trí tuệ nhân tạo gắn với thực tiễn.
Ông Dương Anh Đức nhận định tại tọa đàm, TP Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chú trọng, áp dụng thành tựu, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sự phát triển chung, mọi mặt của Thành phố. Ứng dụng ChatGPT làm thay đổi các giao tiếp, gần gũi, tiện nghi với mọi người. Người dân cần có cách tiếp cận một cách khách quan, khoa học, có chọn lọc và không nên tuyệt đối hóa.
“Các nhóm chuyên gia, nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài Thành phố chung tay cùng tìm hiểu thật rõ về ứng dụng mới để ứng dụng vào đời sống thực tiễn, khai thác một các hiệu quả, an toàn nhất. Mục đích quan trọng vẫn phục vụ người dân, nâng cao khả năng quản lý của Thành phố…” – Ông Dương Anh Đức chia sẻ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.