“Chỉ cần con còn sống” - người mẹ đã giúp con trai sống thực vật hồi phục diệu kì

2022-06-16 13:52:22 0 Bình luận
Từ một bệnh nhân được chẩn đoán chỉ có thể sống không quá 4 ngày, Hữu Nghĩa vượt "cửa tử", trải qua 6 tháng sống thực vật và dần đứng dậy từng bước hồi phục kỳ diệu.

"Bác sĩ nói con chỉ sống nổi 3, 4 ngày"

Ngày 24/3/2011 có lẽ là một trong những ngày để lại nhiều ám ảnh nhất đối với Võ Thành Hữu Nghĩa (SN 1991, quê Đắk Nông). Trước thời điểm đó, Nghĩa là sinh viên chuyên ngành thiết kế nội thất của Trường Cao đẳng Bách Việt (TPHCM).

Nhà đông anh em, cha mất sớm, thương mẹ tần tảo nuôi 5 anh em, Nghĩa tìm đủ nghề làm thêm sau những giờ rời giảng đường. Hôm ấy, đang trên đường đi lấy hoa về bán, chàng trai sinh năm 1991 bất ngờ gặp tai nạn giao thông phải vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu.

Sau vụ tai nạn, Nghĩa bị chấn thương sọ não, gãy đốt sống cổ. (Ảnh: H.N)

Ở quê nhà, người mẹ già Lê Thị Thu Đông nhận tin báo con trai bị tai nạn qua người em chồng. Vì từng nhận tin chồng qua đời vì tai nạn giao thông vào năm 2004, nên mỗi lần nghe ai thông báo chuyện ngã xe, bà Đông lại bàng hoàng. Tuy vậy, người em chồng luôn miệng trấn an: "Nghĩa nó chỉ bị nhẹ thôi, không có gì phải lo lắng".

Bà Đông nghe vậy liền vội vã sắp xếp quần áo ra đón xe đi TPHCM. Ra bến xe, không hẹn mà gặp, rất đông anh em họ hàng cũng có mặt. Ai cũng đi TPHCM với lý do "mấy bữa tới rảnh nên đi lên thành phố chơi tiện coi Nghĩa ra sao".

Linh tính của người mẹ mách bảo bà Đông rằng, Nghĩa có lẽ đã gặp một vụ tai nạn nghiêm trọng. Đến bệnh viện, bà Đông rụng rời khi thấy con nằm bất động trong phòng hồi sức cấp cứu, đầu băng kín, trên người chằng chịt các loại máy móc, dây truyền…

Bà Đông vẫn nhớ như in lời bác sĩ nói. Bà kể: "Khi ấy, các bác sĩ bảo rằng Nghĩa bị chấn thương sọ não, gẫy đốt sống cổ. Các bác sĩ đã tiến hành các cuộc phẫu thuật cần thiết và đã cố gắng hết sức rồi nhưng khả năng Nghĩa chỉ sống nổi 3 - 4 ngày".

Chết lâm sàng 19 ngày, sống thực vật 6 tháng

Đêm đầu tiên ngồi ở hành lang, bà Đông gần như không chợp mắt. Thấy bác sĩ gọi một trong số những người cùng chờ vào bên trong đưa người thân về nhà lo hậu sự, bà Đông lại thấp thỏm, lo sợ người tiếp theo họ gọi sẽ là mình.

"Một ngày chỉ được vào thăm con 30 phút buổi sáng, 30 phút buổi chiều, còn lại tôi chỉ biết chờ đợi. Đêm đến vạ vật chỉ mong bác sĩ không gọi mình. Bởi bác sĩ gọi coi như là con mình có chuyện hoặc bị trả về rồi", bà Đông kể.

Ấy thế rồi ngày thứ 4, thứ 5, thứ 6 đi qua…. Nghĩa không tỉnh dậy nhưng cũng không ra đi như lời bác sĩ nói. Có điều con trai bà vẫn cứ nằm đó bất động, sự sống phụ thuộc hoàn toàn vào các loại máy móc.

Đến ngày thứ 29, Nghĩa cai được máy thở, bà Đông thấy le lói một tia hi vọng. Tuy nhiên, bác sĩ lại bảo rằng, do bị tổn thương não nghiêm trọng nên Nghĩa rơi vào trạng thái sống thực vật. Cơ thể vẫn còn duy trì được huyết áp, nhịp thở và các chức năng tim mạch nhưng khả năng nhận thức thì đã không còn. Bà Đông thấy tương lai sao quá mịt mờ. Nhưng bà tự động viên mình "chỉ cần con còn hơi thở".

Khoảng thời gian đó, Hữu Nghĩa được các bác sĩ cho nằm viện để điều trị các tổn thương ở đầu, cổ và phổi. 3 tháng trôi qua, các tổn thương đã tạm ổn định. Tuy nhiên, Nghĩa vẫn trong trạng thái sống thực vật, ý thức không phục hồi. Các bác sĩ đành gọi bà Đông đến khuyên nên đưa con về nhà.

Bà Đông kiên trì áp dụng vật lý trị liệu cho con, bà tự động viên mình "chỉ cần con còn hơi thở". (Ảnh: H.N)

Khi bà hỏi về tương lai của con, hầu hết ai cũng bảo người sống thực vật thì không có nhiều hi vọng, họ cứ nằm vậy đến một ngày sẽ ra đi. Người thì vài năm, có người lâu thì cũng có thể hàng chục năm. Tỷ lệ những người não có thể phục hồi là rất thấp. Bà Đông đau đớn nghĩ, chẳng lẽ cuộc đời của con mình giờ đây chỉ là những ngày vô hồn nằm trên giường chờ chết.

Trước ngày ra viện, bà có gặp gỡ các bác sĩ điều trị cho con. Một vị bác sĩ trong số đó động viên bà rằng: "Con người có phúc có phần, có những người sống thực vật nửa năm rồi cũng tỉnh lại…". Câu nói của vị bác sĩ như một chiếc phao cứu sinh để bà Đông níu vào khi cảm thấy tuyệt vọng nhất.

Mong chờ tiếng con gọi "mẹ ơi"

Ra viện, bà Đông đưa con về phòng trọ, mua máy xay sinh tố về xay thức ăn rồi bơm cho con qua đường ống. Thi thoảng, hai mẹ con lại vào viện lấy thuốc và thăm khám xem bệnh tình của Nghĩa có tiến triển gì không.

Thời gian này, bà Đông luôn cố gắng suy nghĩ tích cực, bà tìm hiểu thêm các thông tin về cách chăm người sống thực vật và luôn nghĩ sẽ có ngày con mình nhận thức được trở lại. Bà kể cho Nghĩa nghe những câu chuyện gia đình, cho con nghe nhạc, xem tivi hoặc phim, không ngừng trò chuyện… để mong chờ một ngày con đáp lời mình hay nghe con gọi một tiếng "mẹ ơi".

Nỗ lực của người mẹ này cuối cùng cũng được đền đáp khi 6 tháng sau khi bị tai nạn, Nghĩa nhận thức được trở lại. Người đầu tiên mà Nghĩa nhận ra không ai khác chính là bà Đông.  

Khoảng thời gian sau đó, bà Đông nghĩ tới việc đưa con đi chữa trị để có thể đi lại được. Hai năm 2011-2012, Hữu Nghĩa bị liệt nửa người bên trái, nằm im trên giường, mọi hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào người mẹ. Thi thoảng cần đi thăm khám thì gia đình cho Nghĩa ngồi lên xe lăn để di chuyển.

Năm 2013, bà Đông đưa con đi thăm khám để tìm phương án tập luyện thích hợp. Bà Đông cho con tập vật lý trị liệu nhưng không lắc được phần khớp háng của con. Đưa đi chụp phim thì bác sĩ phát hiện ra Nghĩa còn gẫy xương đùi, một di chứng của vụ tai nạn. Do không được xử lý ngay lúc đó nên tình trạng dường như đã trầm trọng thêm.

Bà Đông lại tất tả ngược xuôi vay mượn đưa con đi mổ. Chấn thương này đã khiến Nghĩa nhiều lần phải đến bệnh viện để thực hiện phẫu thuật ở phần háng, gân ngón chân…

Suốt nhiều năm, bà Đông không nhớ mình và con trai đã lui tới Bệnh viện Nhân dân Gia định, Viện Y dược học Dân tộc TPHCM, Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM… bao nhiêu lần. Để tìm lại bước đi cho con, bà tuân theo sự chỉ dẫn của các bác sĩ, áp dụng đủ mọi phương pháp điều trị Đông, Tây y kết hợp với vật lý trị liệu, diện chẩn…

Chia sẻ về kỳ tích giúp con có thể đi lại được, bà Đông kể: "Mới đầu Nghĩa được tập các bài tập về tay, chân. Tập đồng đều cả hai bên liệt và không liệt. Khi tay đã có cảm giác, có thể vịn vào người khác, vào bờ tường, bàn ghế… thì mới tập đến việc đứng dậy và tập tễnh  bước từng bước một. Năm 2020, Nghĩa vẫn phải men theo tường để đi nhưng dần dần qua luyện tập, giờ đây, con đã có thể đi lại trên địa hình bằng phẳng một cách khá thoải mái".

Khi thấy em gặp tai nạn, các con bà Đông cũng đỡ đần mẹ rất nhiều. Tuy nhiên, vì họ còn phải đi làm để lo kinh tế nên suốt hành trình nhiều năm đi chữa bệnh đa số chỉ có bà Đông đồng hành cùng Hữu Nghĩa.

Người mẹ luôn đồng hành cùng con trên mọi chặng đường. (Ảnh: H.N)

Chăm con hết từ năm này qua tháng khác, nhiều khi phải đứng nhiều hơn ngồi, chạy đi chạy lại liên tục nên chân bà Đông phát bệnh. Bà Đông kể: "Giường bệnh mà bệnh nhân nặng nằm rất cao, có thêm thanh chắn nên tôi cứ phải đứng mới chăm sóc, lau rửa được cho con. Đứng nhiều như thế nên chân tôi bị giãn tĩnh mạch, bị khớp".

Không chỉ có thế, việc ăn uống thất thường với những bữa ăn triền miên mì gói, thiếu rau xanh đã khiến bà Đông bị đau dạ dày.

Từ ngày Nghĩa bị tai nạn, gia đình bà Đông rơi vào khánh kiệt. Mảnh đất vốn là nơi canh tác, sản xuất ở Đắk Nông cũng phải đem gán nợ. Vậy nên, việc chi tiêu thế nào, ăn uống gì đều được bà Đông tính toán chi li từng tí một.

Ăn nửa suất cơm, phục vụ 3-4 người bệnh cùng lúc

Để có thể tiết kiệm một cách tối đa, bà Đông thường đi xin cơm từ thiện. Cơm từ thiện thường phát vào buổi trưa. Bà Đông xin hai suất cho hai mẹ con. Bữa trưa cả hai chỉ dám ăn một suất, còn một suất để dành cho bữa tối.

Ngoài ra, "người bạn" đồng hành cùng bà suốt 7-8 năm chữa bệnh cho con là mì gói. Bà Đông cho hay: "Tôi nhớ có lần siêu thị giảm giá chỉ còn 1.700 đồng một gói mỳ. Tôi mua liền 10 thùng mì vác về bệnh viện. Nhưng vì bệnh viện không cho để nhiều đồ cồng kềnh, tôi bèn gửi mỗi phòng hai hộp.

Thấy tôi ăn mỳ hoài, một bác sĩ thương tình hỏi thăm. Nhưng tôi bảo, chỉ 1.700 đồng một bữa ăn là quá hời. Lo cho cái dạ dày của tôi, bác sĩ mách tôi cách ăn mì "lành mạnh". Cô ấy bảo tôi pha mì nhưng chỉ lấy phần sợi, đổ bỏ phần nước, sau đó lấy gói gia vị trộn vào ăn".

Để có tiền chữa trị cho con, bà Đông còn tranh thủ nhận chăm thêm người bệnh, xoa bóp chân tay, mua thức ăn giúp họ… "Bóp chân tay cho người bệnh cả một tuần tôi được trả 150.000-200.000 đồng. Chăm sóc người bệnh thì bình quân 50.000 đồng/người/ngày. Tôi nhận chăm thêm 2-3 người nữa, cộng thêm Nghĩa nữa là 4", người mẹ này nhớ lại.

Ăn uống thất thường nhưng sức làm việc, chăm sóc bệnh nhân của bà Đông bằng năm bằng mười người khác. Những y bác sĩ ở Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM lúc nào cũng thấy bà thoăn thoắt. Nhiều người nhà đi chăm bệnh còn gọi bà là bà mẹ "siêu nhân" vì sự bền bỉ, chịu khó và nhẫn nại của bà.

Tình yêu của người mẹ đã giúp cậu con trai vượt qua cửa tử một cách kỳ diệu. (Ảnh: H.N)

Nhớ lại những ngày tháng gian nan, nhiều lúc chỉ biết nuốt nước mắt vào trong ấy, bà Đông vẫn chưa thôi ám ảnh. May mắn là sau bao nỗ lực, bà Đông như đã sinh ra Nghĩa một lần nữa.

Từ một chàng trai sống thực vật, sự sống mong manh, Hữu Nghĩa giờ đây đã có thể đi lại được. Ngày ngày dù đôi mắt nhìn còn khó khăn (do ảnh hưởng của vụ tai nạn), Nghĩa vẫn cố gắng đọc sách, học hỏi các kiến thức hữu ích trên mạng.

Đặc biệt, thời gian gần đây qua giới thiệu của một người bạn, Nghĩa còn tham gia bán hàng online các sản phẩm làm từ thảo mộc, sản phẩm cà phê đặc sản của vùng đất Đắk Nông. Chàng trai 9X mong muốn, bản thân sẽ ngày một khỏe mạnh, sống có ích để trở thành chỗ dựa cho người mẹ đã bao năm vất vả vì mình.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

CSGT Lào Cai dùng 'mắt thần' đặc biệt đối phó xe phóng ẩu

Quá trình làm nhiệm vụ, Tổ công tác Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai đã dùng "mắt thần" phát hiện, ghi hình hàng loạt tài xế ô tô lái xe chạy quá tốc độ.
2024-11-25 11:03:24

VPBankS khẳng định vị thế số 1 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam

Hai giải thưởng Top 1 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam ngành Dịch vụ tài chính khối Doanh nghiệp vừa và Top 100 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam khối Doanh nghiệp là kết quả của sự nỗ lực chung của cả tập thể hơn 500 nhân sự của VPBankS.
2024-11-25 10:21:02

Từ chiến trường đến thương trường

Trong số những doanh nghiệp làm ăn giỏi trên địa bàn Hà Nội, có một doanh nghiệp khá đặc biệt. Ðó là Công ty Bao bì 27-7 Hà Nội, đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, doanh nghiệp của những người thương binh và các đối tượng chính sách, do Tổng giám đốc là một thương binh năng động "chèo lái".
2024-11-25 09:47:14

Kỷ niệm 10 năm Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh

Tối 23/11, tại Quảng trường Hồ Chí Minh (thành phố Vinh), tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
2024-11-24 07:35:00

Phát hiện, xử lý nhiều thanh niên tụ tập gây rối trật tự công cộng

Công an thị xã Sa Pa đã kịp thời phát hiện, xử lý nhóm thanh thiếu niên có hành vi tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự.
2024-11-23 13:52:22

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Lan tỏa giá trị văn hóa và tri thức

Giải thưởng Sách Quốc gia – sự kiện văn hóa thường niên, đã trở thành biểu tượng của nền xuất bản Việt Nam, không ngừng lan tỏa giá trị tri thức, văn hóa và góp phần xây dựng xã hội học tập.
2024-11-22 22:15:00
Đang tải...