Chiến thắng Điện Biên Phủ: Mốc son của nghệ thuật quân sự Việt Nam

2019-05-07 09:46:49 0 Bình luận
Sự kết hợp tác chiến giữa tiến công và phòng ngự là hình thức tác chiến mới, biểu hiện sự phát triển linh hoạt, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong trận quyết chiến Điện Biên Phủ.

Ngày 7/5/1954, quân và dân Việt Nam đã giành thắng lợi trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc.


Thắng lợi đó là kết quả hợp thành của nhiều nhân tố, thể hiện đường lối kháng chiến toàn diện của Đảng ta, cũng như sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thành công của nghệ thuật tổ chức chiến trường phối hợp

Chiến dịch Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học quý về nghệ thuật quân sự, trong đó có nghệ thuật tổ chức chiến trường phối hợp.

Thượng tá Phạm Ngọc Khắc, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đánh giá, quá trình diễn ra Chiến dịch, từ khâu tổ chức phân chia, chuẩn bị chiến trường; thực hành tác chiến trên các chiến trường; trói chặt địch, thực hiện “đánh chắc, tiến chắc” trên chiến trường chính Điện Biên Phủ… đều đã được ta vận dụng hợp lý, hiệu quả, đúng thời điểm.

Để phát huy quyền chủ động, trên các chiến trường ta dùng một bộ phận quân chủ lực, kết hợp với lực lượng địa phương mở các cuộc tiến công vào những hướng chiến lược hiểm hóc mà địch tương đối yếu, tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, buộc địch phải phân tán quân cơ động, khoét sâu mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán binh lực của địch, tạo ra thế trận mới, thời cơ mới.

Đồng thời, ta theo dõi sát tình hình, khi thời cơ xuất hiện, nhanh chóng tập trung lực lượng, tập trung chủ lực, tiêu diệt sinh lực quan trọng của địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh.

Để thực hiện mưu kế chiến lược căng địch ra toàn bộ chiến trường Đông Dương mà đánh, trói địch lại trên chiến trường Điện Biên Phủ để diệt, ta sử dụng lực lượng tập trung vào các hướng chiến lược trọng điểm: Tây Bắc, Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia.

Bên cạnh đó, ở đồng bằng Nam bộ, cực Nam Trung bộ và vùng sau lưng địch ở Bắc Bộ, ta vừa đẩy mạnh chiến tranh du kích kìm chân địch, vừa tranh thủ tiêu diệt sinh lực địch, không cho lực lượng cơ động chiến lược địch đi càn quét.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta chuyển từ phương thức “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” bằng phương pháp đánh “bóc vỏ,” “đánh từng bước,” đồng thời với tiến công đánh chiếm từng cứ điểm, cụm cứ điểm, tổ chức phòng ngự giữ vững các điểm cao, mục tiêu đã chiếm được.

Ta còn tiến hành tổ chức bao vây, lấn dũi các mục tiêu kế tiếp và tạo thế trận bao vây, chia cắt địch. Trận, đợt tiến công trước tạo thế có lợi cho trận, đợt tiến công tiếp theo.

Thượng tá Phạm Ngọc Khắc cho rằng bước chuyển từ phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc,” thực hiện “vây, lấn, tấn, diệt” đã tạo điều kiện cho bộ đội ta từng bước bao vây, cô lập từng cứ điểm, cụm cứ điểm, các phân khu trong toàn bộ chiến trường Điện Biên Phủ.

Công tác chỉ đạo đã được Tổng Quân ủy - Bộ Tổng Tư lệnh yêu cầu Bộ Tư lệnh chiến dịch chuẩn bị chu đáo và thực hiện một cách kiên trì, từng bước; thận trọng nhưng cũng rất linh hoạt, phù hợp với từng trận đánh, từng đợt chiến dịch, góp phần quan trọng vào thắng lợi quyết định của chiến dịch quyết chiến chiến lược.

Lực lượng công binh, vận tải đã bạt núi, phá rừng, sáng tạo ra nhiều phương pháp mở đường, đào hào hiệu quả để vận chuyển tiếp tế hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí trang bị vào chiến trường trước giờ nổ súng.

Lực lượng pháo binh kiên trì kéo pháo ra, điều chỉnh lực lượng và thế trận, chuẩn bị các trận địa bí mật ở dãy núi Pú Hồng Mèo và Pú Tả Cọ theo phương thức tác chiến mới, sẵn sàng nổ súng.

Với sự hiệp đồng tác chiến giữa các binh chủng với sự tham gia của nhiều đại đoàn chủ lực cùng với pháo lựu, pháo phòng không và các loại hỏa lực chi viện, ta đã quyết định tiến công tập đoàn cứ điểm của địch.

Bộ Tổng Tư lệnh của ta đã nghiên cứu, chỉ đạo việc tổ chức sử dụng lực lượng, vận dụng linh hoạt và phát triển các hình thức chiến thuật, các thủ đoạn chiến đấu một cách sáng tạo, phù hợp với từng trận đánh, từng đợt chiến dịch, trên từng chiến trường…, góp phần tạo nên dấu mốc vàng son trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là thành công của nghệ thuật tổ chức chiến trường phối hợp tạo thế và thời cơ có lợi cho trận quyết chiến chiến lược đánh thắng địch có quân số đông, hỏa lực mạnh, với sức cơ động cao.

Nghệ thuật tổ chức chiến trường phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ là một trong những nét đặc sắc, điển hình khi tiến hành chiến dịch quyết chiến chiến lược trong lịch sử nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Bước hoàn thiện cách đánh tập đoàn cứ điểm

Tập đoàn cứ điểm bao gồm hệ thống các cứ điểm, cụm cứ điểm hoặc các khu vực phòng ngự, phòng thủ được thiết kế, xây dựng liên kết, chặt chẽ, hỗ trợ nhau theo ý định, kế hoạch thống nhất; có tác dụng phòng thủ một khu vực trọng yếu, thực hiện chia cắt, ngăn chặn hoặc hạn chế sự cơ động lực lượng tác chiến của đối phương và là bàn đạp để mở các cuộc tiến công ra các khu vực do đối phương kiểm soát.

Tập đoàn cứ điểm cũng là nơi để co cụm binh lực khi bị đối phương tiến công, hoặc tung lực lượng ra phản công khi đối phương rút lui. Tùy vào vị trí, vai trò, tính chất, nhiệm vụ, tập đoàn cứ điểm có quy mô tổ chức lực lượng lớn, nhỏ khác nhau.

Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, tại Điện Biên Phủ, quân Pháp xây dựng một tập đoàn gồm 49 cứ điểm, được tổ chức thành 8 cụm cứ điểm - trung tâm đề kháng, liên hoàn với nhau.

Mỗi cứ điểm, cụm cứ điểm là một khu vực phòng ngự, có hệ thống công sự vững chắc, hệ thống vật cản (hàng rào, bãi dây thép gai, bãi mìn), với lực lượng phòng ngự và lực lượng cơ động, hỏa lực mạnh.

Các cụm cứ điểm liên kết với nhau thành ba phân khu: Bắc, Trung tâm, Nam. Riêng phân khu Trung tâm gồm 5 cụm cứ điểm bao bọc cơ quan chỉ huy tập đoàn cứ điểm, có các căn cứ hỏa lực, căn cứ hậu cần.

Phân khu Bắc gồm hai cụm cứ điểm. Các phân khu Trung tâm và Nam có các trận địa pháo, các sân bay Mường Thanh, Hồng Cúm bảo đảm sự chi viện tiếp tế bằng đường không. Trong quá trình diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3-7/5/1954), quân Pháp liên tục tăng cường lực lượng cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đưa tổng số quân lúc cao điểm lên trên 16.000.

Theo Đại tá-tiến sỹ Trần Văn Thức, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử kháng chiến chống Pháp, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, với cách bố trí và huy động này, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có thể coi là hệ thống phòng ngự mạnh nhất của quân đội Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, được các tướng Pháp, Mỹ đánh giá là “một Vécdoong ở châu Á,” “Nà Sản lũy thừa 10,” “pháo đài bất khả xâm phạm,” tuy nhiên sau đó đã bị quân và dân Việt Nam tiêu diệt hoàn toàn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa lần cuối cùng trước khi phát lệnh nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Đại tá Trần Văn Thức cho rằng, thắng lợi của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, một trong số những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên chiến thắng là từ cách đánh - nghệ thuật quân sự.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là bước hoàn thiện cách đánh tập đoàn cứ điểm, cụ thể là cách sử dụng phương án tác chiến đúng đắn, dùng binh lực lớn, mạnh, thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”; triển khai tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, trình độ cao; thực hiện các chiến thuật và vận dụng linh hoạt, sáng tạo cách đánh, kế hoạch chiến đấu.

Thực hiện phương châm của Chiến dịch, ta tăng cường thêm lực lượng bộ binh và pháo binh nhằm đảm bảo ưu thế cả về binh lực, hỏa lực; bố trí lại trận địa pháo binh và pháo cao xạ; xây dựng trận địa tiến công của bộ binh và trận địa cho pháo binh bảo đảm chiến đấu dài ngày, chống bom, pháo của địch; tuyệt đối giữ bí mật việc ta chuẩn bị đưa pháo binh và pháo cao xạ 37mm; tổ chức huấn luyện kỹ thuật, xây dựng trận địa tiến công dưới tầm hỏa lực địch; kỹ thuật, chiến thuật đánh chiến hào, giao thông hào, đánh địch phản kích trận địa cho bộ binh…

Từ ngày 13-17/3/1954, ta tập trung binh hỏa lực mạnh tiến công, đánh vào các cụm cứ điểm quan trọng thuộc phân khu Bắc, đánh bại biện pháp phòng ngự từ xa bằng cụm cứ điểm của địch, đưa thế trận áp sát phân khu Trung tâm, uy hiếp sân bay Mường Thanh.

Tiếp tục phát huy thế “đánh chắc, tiến chắc,” các đơn vị tham gia Chiến dịch tiến hành xây dựng trận địa bao vây địch, lần lượt tiến công tiêu diệt các cứ điểm, cụm cứ điểm trong từng trận đánh, đồng thời bộ đội ta tổ chức bám trụ trận địa, đánh bại các cuộc phản kích của địch.

Phương châm “đánh chắc, tiến chắc” của ta được thể hiện bằng nhiều biện pháp sáng tạo: Tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, triệt phá cụm cứ điểm vòng ngoài, phá thế phòng ngự có chiều sâu của địch, tạo thế trận có lợi cho ta, từ đó tiến công vào khu vực trọng yếu nhất của địch.

Bằng hệ thống trận địa giao thông hào được xây dựng dày đặc và liên hoàn, ta đã hạn chế được uy lực vũ khí bộ binh, pháo binh, máy bay của địch.

Dựa vào công sự trận địa, hào giao thông, bộ đội ta tiến công và bao vây áp sát địch, đồng thời sử dụng súng máy, pháo phòng không tổ chức bắn máy bay, khống chế và cắt đứt việc tiếp tế bằng đường không - đường tiếp tế duy nhất của địch, dồn quân địch vào thế cô lập, suy yếu về binh lực toàn diện.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã giải quyết thành công nhiều vấn đề về nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật. Về nghệ thuật chiến dịch, nổi lên là: Đã xác định phương châm và cách đánh chiến dịch đúng đắn, tạo ưu thế, thế trận vững chắc, đảm bảo sự chắc thắng cho từng trận đánh trong điều kiện địch có ưu thế về hỏa lực, xe tăng và máy bay; triển khai thực hiện tác chiến hiệp đồng binh chủng (bộ binh, pháo binh, pháo phòng không); xây dựng trận địa tiến công và bao vây, tạo và nắm thời cơ; phát triển chiến thuật đánh địch trong công sự vững chắc…

Về chiến thuật, đó là cách vận dụng linh hoạt cách thức chiến đấu, tiến công trận địa bằng sự hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ binh và pháo binh; vừa vây lấn vừa tiến công, đánh chiếm các cứ điểm, cụm cứ điểm, vừa phòng ngự, bám trụ đánh địch phản kích, tạo bàn đạp đánh chiếm các mục tiêu tiếp theo; kết hợp tác chiến giữa tiến công và phòng ngự là hình thức tác chiến mới, biểu hiện sự phát triển linh hoạt, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Một ngày tại Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa

Được thành lập từ năm 2007, Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa do cô Đoàn Thị Hoa sáng lập đã tiếp nhận, dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật đồng thời rèn luyện cho các bạn kỹ năng để hòa nhập cộng đồng, tự tin vươn lên trong cuộc sống.
2024-11-28 21:31:18

Người mẹ đặc biệt của trẻ khuyết tật

Hơn 17 năm duy trì Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa, cô Đoàn Thị Hoa đã tạo cơ hội cho hàng trăm người khuyết tật được học nghề và tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân. Mái ấm Quỳnh Hoa đã trở thành ngọn lửa sưởi ấm những mảnh đời thiệt thòi, giúp họ thêm tự tin vươn lên và hòa nhập với cộng đồng.
2024-11-28 21:17:10

Công tác phối hợp giữa Huyện ủy Điện Biên với Đảng ủy Công an tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật

Quyết định số 1556-QĐ/TU, ngày 06/12/2021 của Tỉnh ủy Điện Biên thể hiện rõ về Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy Công an tỉnh với các huyện ủy, thị ủy, thành ủy trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng đối với các tổ chức đảng, đảng viên thuộc Đảng bộ Công an các cấp.
2024-11-28 20:53:32

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng tặng đồng chí Trần Quốc Vượng

Ngày 28/11, tại Hà Nội, Đảng ủy Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức lễ trao Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng tặng đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư khóa XII và các đồng chí nhận Huy hiệu 40 năm, 30 năm tuổi Đảng.
2024-11-28 16:22:08

Hội CCB huyện Trực Ninh xứng danh truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”

Chào mừng kỷ niệm 35 năm Ngày truyền thống Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam (6-12-1989 – 6-12-2024) Hội CCB huyện Trực Ninh (Nam Định) tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “CCB gương mẫu” gắn với phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, xây dựng đô thị văn minh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2024, xứng danh truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”.
2024-11-28 09:06:07

'Một thời Quảng Trị' - Cuốn hồi ức chiến tranh đặc sắc

Đất nước ta đã đi qua gần một nửa thế kỷ không còn tiếng súng chiến tranh, nhưng ký ức bi tráng về những tháng ngày đầy gian khổ vẫn còn in sâu trong tâm trí những con người của thời đạn bom. Đó là từng trận đánh ác liệt, kéo dài; đó là những người đồng đội, đồng chí đã vĩnh viễn hoà mình vào Tổ quốc. Trong không khí chào mừng kỉ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Tạp chí điện tử Hoà Nhập xin mời quý vị độc giả nhìn lại thời kỳ hào hùng ấy của dân tộc qua những dòng chia sẻ từ Đại tá, nhà văn Nguyễn Tiến Hải về cuốn hồi ức “Một thời Quảng Trị” của Thượng tướng, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu.
2024-11-27 16:52:49
Đang tải...