Chính phủ Việt Nam, Australia và các cơ quan Liên hợp quốc cùng chung tay bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi bạo lực
Các cơ quan đồng thực hiện dự án bao gồm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) và các cơ quan khác có liên quan.
Mục đích của Dự án là hỗ trợ Chính phủ và các tổ chức xã hội tăng cường công tác phòng ngừa và ứng phó quốc gia nhằm đương đầu với vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh đại dịch Covid-19, để đảm bảo tất cả phụ nữ và trẻ em Việt Nam, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, có thể sống một cuộc sống không có bạo lực.
Bạo lực với phụ nữ và trẻ em vẫn là một trong những vi phạm về quyền con người phổ biến nhất trên thế giới hiện nay và những tác động tiêu cực của bạo lực gây ra đối với những nạn nhân, gia đình và cộng đồng là vô cùng to lớn. Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2010 cho thấy 58% phụ nữ đã từng kết hôn đã phải trải qua ít nhất một trong ba hình thức bạo lực (thể chất, tình dục hoặc tinh thần) trong đời. Khoảng 50% nạn nhân đã không nói cho ai biết về hành vi bạo lực mà họ phải chịu đựng và 87% không tìm kiếm bất cứ sự trợ giúp nào từ các dịch vụ công.
Kết quả Điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2014 (MICS5) cho thấy khoảng hai phần ba trẻ em từ 1-14 tuổi đã từng trải qua một số hình thức kỷ luật bằng bạo lực tại chính gia đình của mình. Theo báo cáo của Chính phủ Việt Nam, hàng năm có hơn 2.000 trường hợp xâm hại trẻ em, trong đó 75% các trường hợp là xâm hại tình dục. Trên toàn cầu, những kinh nghiệm cho đến nay đã cho thấy hình thức bạo lực này chưa được báo cáo đầy đủ, với các số liệu thống kê chỉ báo một thực tế phức tạp và lớn hơn nhiều.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vốn đã tồn tại trước đó đã trở nên càng trầm trọng hơn. Các báo cáo gần đây liên quan đến Covid-19 đã chỉ ra rằng những hạn chế về di chuyển, cách ly xã hội và các biện pháp ngăn chặn tương tự, cùng với áp lực cũng như căng thẳng về kinh tế-xã hội hiện tại hoặc đang gia tăng đối với các gia đình, đã dẫn đến sự leo thang của bạo lực, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. Ở nhiều quốc gia, số trường hợp bạo lực gia đình ước tính đã tăng lên ít nhất 30%.
Tại Việt Nam, Đường dây nóng 1900 969 680 của Ngôi nhà Bình yên (nhà tạm lánh thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) và Đường dây nóng của Ngôi nhà Ánh Dương 1800 1769 (do UNFPA hợp tác với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc - KOICA hỗ trợ tại tỉnh Quảng Ninh) đã nhận được gấp đôi số cuộc gọi kêu cứu trong những tháng qua so với cùng kỳ những năm trước đó. Theo báo cáo, những nguy cơ về xâm hại thể chất, tình dục và xâm hại tình dục trẻ em đã gia tăng đáng kể. Các trường học đóng cửa và các biện pháp cách ly xã hội khiến trẻ em bị cô lập và đối mặt với nhiều nguy cơ và rủi ro, đe dọa sự an toàn của trẻ em, cũng như quyền được phát triển và học tập trong một môi trường an toàn và được bảo vệ không bị nguy hiểm. Trong hầu hết các trường hợp, thủ phạm gây bạo lực và những kẻ lạm dụng đều là người thân quen với trẻ em.
Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam nói: “Bằng chứng cho thấy bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới gia tăng trong các cuộc khủng hoảng và thảm họa thiên tai. Trong đại dịch Covid-19, vấn đề mất việc làm và cách ly tại nhà đã khiến tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tăng cao ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay tại Australia, Chính phủ Australia đã tăng ngân sách để giải quyết vấn đề bạo lực gia đình xảy ra trong thời kỳ Covid-19. Hôm nay, Australia cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam để bảo đảm cuộc sống của phụ nữ và trẻ em được an toàn hơn trong giai đoạn ứng phó với Covid-19”.
Chính phủ Australia sẽ hỗ trợ dự án 2,5 triệu đô-la Úc để thực hiện các hoạt động trong vòng 1 năm tới. Đây là một phần trong gói ngân sách 10,5 triệu đô-la Úc mà Chính phủ Australia hỗ trợ Việt Nam trong công tác ứng phó với Covid-19.
Dự án nhằm nâng cao nhận thức của người dân, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em gái, nam giới và trẻ em trai, cha mẹ/người chăm sóc, trẻ em và trẻ vị thành niên về nguy cơ bạo lực trong gia đình, tại các trung tâm, các khu cách ly. Các hoạt động hỗ trợ tăng cường đối với nạn nhân của bạo lực sẽ được thực hiện tại bốn tỉnh/thành, bao gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, là những nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19 trong những tháng qua. Những hoạt động này nhằm đảm bảo tính sẵn có và khả năng tiếp cận tới các dịch vụ tích hợp và thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực. Các cách tiếp cận sáng tạo có tính đến bối cảnh đặc biệt do Covid-19 gây ra sẽ được đưa vào công tác truyền thông và cung cấp dịch vụ và được thực hiện với sự hợp tác của các siêu thị, nhà thuốc và khách sạn.
“Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cần phải là ưu tiên hàng đầu của tất cả mọi người. Việt Nam sẽ không thể đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030 nếu không giải quyết được bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Khi chúng ta giải quyết được vấn đề này thì chúng ta sẽ đảm bảo được tất cả mọi người đều là một phần trong quá trình phát triển và không ai bị bỏ lại phía sau. Chúng tôi tin tưởng rằng dự án mới này sẽ là một đột phá nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam” - bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu thay mặt cho UNFPA, UNICEF và UN Women tại buổi lễ khởi động dự án.
Cùng chung tay bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi bạo lực
Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Australia, UNFPA, UNICEF và UN Women cùng nhau hợp tác trong dự án này để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Bất kể bạo lực xảy ra ở đâu, dưới hình thức nào và tác động đến ai thì cũng cần phải được ngăn chặn. Cùng với nhau, chúng ta xây dựng một thế giới nơi cả phụ nữ và nam giới, trẻ em trai cũng như trẻ em gái đều có thể sống một cuộc sống không bạo lực.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.