Chính sách phổ cập giáo dục và giáo dục hòa nhập trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)
Ảnh minh họa/ Internet |
Về phổ cập giáo dục, báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Hiến pháp 2013 xác định: "Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học", giáo dục mầm non và các cấp giáo dục phổ cập cần phải bảo đảm cho học sinh học gần nhà, học sinh được học cả ngày ở trường và có thời gian nghỉ phù hợp.
Luật Giáo dục (sửa đổi) cần quy định bảo đảm về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, đầu tư tài chính và xã hội hoá giáo dục để thực hiện được yêu cầu trên.
Ban soạn thảo đã bổ sung trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm của địa phương, gia đình, người giám hộ trong việc tạo điều kiện cho học sinh trong độ tuổi quy định được học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập bắt buộc; đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, đầu tư tài chính, xã hội hóa giáo dục để học sinh được học 2 buổi/ ngày (Điều 12, Điều 13, Chương VI).
Đối với đề nghị quy định Nhà nước tăng cường và bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi và chăm lo giáo dục mầm non nói chung, Ban soạn thảo đã bổ sung Điều 26 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non.
Đối với việc mở rộng đối tượng không thu học phí là trẻ em dưới 5 tuổi, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên chính sách này ở các nước được đưa vào chính sách an sinh xã hội, mặt khác đối với trẻ em dưới 5 tuổi, trách nhiệm xã hội và gia đình là chủ yếu.
Liên quan đến chính sách giáo dục hòa nhập, báo cáo của Chính phủ cho biết: Để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, trong đó Nhà nước tập trung chăm lo cho các đối tượng học sinh đặc biệt, bao gồm các đối tượng học sinh yếu thế như học sinh khuyết tật, học sinh người dân tộc thiểu số trên nguyên tắc hỗ trợ về ăn, ở, điều kiện học tập, được học chung với các đối tượng học sinh khác.
Ban soạn thảo đã bổ sung 1 điều vào Chương quy định chung (Điều 14) về giáo dục hòa nhập cho đối tượng yếu thế ở giáo dục mầm non, phổ thông, dân tộc ít người để nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo đó, giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu và khả năng của các đối tượng người học khác nhau; đảm bảo quyền học tập bình đẳng, chất lượng, phù hợp với đặc điểm và khả năng của người học; tôn trọng sự đa dạng, những khác biệt về nhu cầu, đặc điểm của người học và không phân biệt, đối xử.
Nhà nước có chính sách hỗ trợ người học có hoàn cảnh đặc biệt, người học thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người học dân tộc thiểu số, người học đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tiếp cận giáo dục hòa nhập. Sửa đổi quy định về đầu tư cho cơ sở giáo dục ở những vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn (Điều 94).
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.