Chút hoài niệm với phố Chân Cầm
2016-07-31 15:56:57
0 Bình luận
Ít ai biết rằng, thời Pháp thuộc, phố Chân Cầm được đặt tên theo một kiến trúc sư người Pháp giữ chức Phó Đốc lý của Hội đồng Thành phố lúc bấy giờ. Ngày nay, Chân Cầm là con phố sầm uất, địa chỉ quen thuộc của tín đồ thời trang và ẩm thực Hà Thành.
Phố Chân Cầm khá ngắn, nằm cắt ngang giữa đường Phủ Doãn và Lý Quốc Sư. Theo cuốn “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX”, tập 2, của Nguyễn Văn Uẩn thì Chân Cầm là một thôn cũ thuộc tổng Thuận Mỹ do 2 thôn Chân Tiên và Minh Cầm của tổng Tiền Túc sát nhập.
Phố Chân Cầm là con đường cũ đi từ cổng huyện Thọ Xương ra. Những thập niên 10, Chân Cầm còn là ngõ cụt, gọi là ngõ Nhà In, vì chỗ đầu phố phía Tây có hàng rào chặn lại, bên trong là vườn chuối của nhà in Trung Bắc Tân Văn. Đó là một khu đất rộng, nhà in chỉ chiếm một phần. Khi nhà in chuyển đến địa điểm khác thì chủ đất cho xây một khu nhà lớn 2 tầng trông sang 3 mặt phố Hàng Bông, Phủ Doãn và Chân Cầm, thì phố Chân Cầm được thông suốt sang phố Phủ Doãn.
Phố Chân Cầm thời Pháp thuộc có tên là Lagisquet, chỉ dài có 150m. Lagisquet là một vị Tây thuộc địa kỳ cựu của Hà Nội, lấy vợ Việt Nam, làm nghề kiến trúc sư và giữ chức Phó Đốc lý trong Hội đồng Thành phố, nên được lấy tên để đặt cho con phố này.
Qua năm tháng, con phố nhỏ đã thay đổi rất nhiều. Chỉ còn một hai ngôi nhà cũ còn sót lại giữa những cơi nới, xây dựng. Ngôi nhà số 8 Chân Cầm được chia cho nhiều chủ khác nhau và không còn thông sang Hàng Bông nữa. Ngôi nhà này hiện là điểm đến lý tưởng của giới trẻ, bởi có quán cà phê Loading T trên tầng 2 được bài trí với không gian cổ, nhưng ấm cúng, lãng mạn. Còn nhà số 15 Chân Cầm - một trong rất nhiều nhà của địa chủ Lagisquet xưa kia, hiện là nhà hàng Madame Hiên.
Văn hóa được hình thành và phát triển từ sự tiếp biến. Và cái cũ đan xen với cái mới, cổ kính đan xen với hiện đại, đã làm nên sự thú vị cho con phố này nói riêng và Hà Nội nói chung.
Chỉ đi dạo một vòng quanh phố Chân Cầm là bạn đã có thể giải quyết nhu cầu ăn ngon, mua sắm quần áo đẹp và ngồi thư giãn ở những quán cà-phê cực chất. Ở đây có đặc sản bún lưỡi, miến lươn ngon nổi tiếng đã làm nên tên tuổi của con phố Chân Cầm. Cách đó vài bước chân là những shop thời trang có vài chục đến hàng trăm nghìn lượt like trên facebook. Giữa không gian cổ kính của căn biệt thự, là những mẫu váy, áo trẻ trung, năng động hay những món đồ handmade xinh xinh, yêu yêu. Đó chính là Mây Clothing, Flora Boutique, LIM,...được giới trẻ rất ưa chuộng. Một điểm không thể không kể đến là nơi đây có rất nhiều khách sạn dành cho khách du lịch, thuận tiện cho việc di chuyển vào trung tâm phố cổ.
Bạn Đàm Minh Nguyệt – sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền -hào hứng kể: “Dù từ nhà đến đây khá xa, nhưng Chân Cầm vẫn là phố ruột của mình. Con phố này thu hút mình không chỉ bởi có nhiều hàng quán mà còn bởi không gian cổ kính, yên bình của những căn biệt thự. Đến đây là cứ phải lê la cả ngày vì có quá nhiều thứ để thưởng thức và ngắm nghía”.
Nếu cần một ngày muốn “trốn” khỏi những ồn ào, xô bồ, bon chen, thì hãy tìm đến phố Chân Cầm, để thấy nét cổ kính kết hợp hài hòa với nét cá tính riêng của mỗi cửa hàng ra sao, để thấy rằng nếu chịu khó tìm tòi, khám phá những con phố tưởng chừng chẳng có gì, lại ẩn chứa nhiều điều bất ngờ thú vị.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo laodongthudo.vn