Chuyện nắm cơm thừa của chiến sỹ Điện Biên

2019-11-24 11:17:11 0 Bình luận
Mỗi chiến sỹ Điện Biên được nấu 1kg gạo tẻ một ngày. Hầu như không có chuyện phải nhịn đói, cùng lắm là chậm một hai bữa.

Nhớ về chiến dịch Điên Biên Phủ ngày đó, nhà giáo Đỗ Ca Sơn cho rằng không thể không ghi nhận công lao của hệ thống hậu cần miệt mài tiếp tế lương thực, đạn dược hàng trăm cây số đường rừng lên chiến địa.

Trung đoàn 174 của ông Sơn chính là đơn vị chủ lực đánh đồi A1 ngày đó. Năm nay, dù đã ở tuổi 82 nhưng ông vẫn nhớ như in câu chuyện về nắm cơm, con cá ở dưới chiến hào của 60 năm về trước.

Nước mắt anh nuôi

Nói đến chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều người hình dung đến những chiến sỹ ăn đói mặc rét. Nhưng ông Sơn khẳng định, bộ đội ở Điện Biên không đói. Ông Sơn và đồng đội chỉ thỉnh thoảng bị đứt bữa vì gạo chưa về kịp cho anh nuôi nấu. Đơn vị ông ẩn nấp cách đồi A1 chỉ 2km. Từ đó đến kho gạo khoảng 15 – 20km. Đôi khi gạo từ miền xuôi lên chậm một chút nên phải nhịn một hai bữa.

Người khỏe mạnh bây giờ mỗi ngày chỉ ăn hết nhiều lắm là nửa cân gạo. Nhưng ông Sơn vẫn nhớ, mỗi chiến sỹ Điện Biên ngày đó được phân tiêu chuẩn 1kg gạo tẻ một ngày. Nếu gạo nếp là 1,2 kg.

                                

Ông Đỗ Ca Sơn vẫn nhớ như in câu chuyện về nắm cơm, con cá ở dưới chiến hào của 60 năm về trước

Anh nuôi nấu cho mỗi người 2 nắm cơm. Mỗi nắm nửa cân. Lính tráng cứ giắt cơm ở lưng quần, muốn ăn lúc nào thì ăn. Vừa chiến đấu vừa ăn, vừa đào hào vừa ăn. Ở vào hoàn cảnh đó, người ta đâu có thời gian để đến bữa ngồi 6 người một mâm.

Mỗi người được 1 hoặc 2 con cá bé bằng 2 ngón tay. Chiến sĩ Điện Biên ai cũng nhớ loại mắm kem đặc, cũng được làm từ cá (quánh lại như kem).

Không có thịt ăn không phải là điều đáng sợ. Nhưng suốt mấy tháng trời, ông Sơn và nhiều chiến sỹ khác không được ăn rau. Bộ phận hậu cần chỉ có thể đảm bảo đủ lương thực, đạn dược.

Lúc mới đóng quân, anh nuôi có thể xuống khe suối, hái rau tàu bay về ăn. Nhưng chỉ một hai hôm, rau tàu bay hết. Sau đó, họ kiếm được rau gì ăn không chết là được. Có những loại rau vừa đắng, vừa chát nhưng bộ đội vẫn cố ăn.

Mỗi đại đội khoảng 120 người thì có một tiểu đội 10 người làm cấp dưỡng. Ban đêm, anh nuôi nấu cơm rồi phát cho mỗi chiến sỹ 2 nắm cơm to. Anh nuôi bao giờ cũng nấu đủ cơm, nhưng thường không có đủ người để ăn. Cơm vừa nấu xong nhưng có thể chỉ ngay sau đó đã có người không ăn nữa. Sau mỗi trận đánh, mỗi trận bom địch đổ xuống lại có vài chục người lại nằm xuống. Nắm cơm để lại không có người ăn.

Người chết không ăn, người bị thương không ăn, người đánh nhau mệt quá không ăn. Những người sống sót quá đau đớn, xót thương đồng đội cũng không ăn.

“Người ta đưa ra công thức: 80 người ăn 120 suất.” – Ông Sơn nhớ lại.

Có ngày, sau trận đánh, anh nuôi rơi nước mắt khi nhìn người sống cố nuốt cơm trệu trạo. Những nắm cơm còn lại của người chết nằm lăn lóc dưới chiến hào.

Anh nuôi nức nở: Nấu cơm không thằng nào ăn thì nấu làm gì? Tôi không nấu cơm nữa đâu! Mai tôi đi đánh nhau!

Ông Sơn nghẹn đắng như sống lại ký ức 60 năm trước. Đáng thương đôi khi không phải vì đói mà là thiếu rau xanh, cảnh gian khổ, đồng đội hy sinh.

                              

Bộ chỉ huy kiêm Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ họp tại Sở chỉ huy Mường Phăng ngày 22 tháng 4. Từ trái sang phải: Chủ nhiệm Cung cấp Đặng Kim Giang, Chủ nhiệm Chính trị Lê Liêm, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Tư lệnh, kiêm Bí thư Võ Nguyên Giáp

Đánh càng lâu, hậu cần càng khổ sở

Người ta vẫn hay nhắc đến sự gian khổ ở Điện Biên Phủ là 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm. Nhưng theo ông Sơn, chiến dịch bắt đầu sớm hơn rất nhiều, gần 100 ngày đêm mới đúng.

Hồi đó, đơn vị ông hành quân từ Thanh Hóa, đến vị trí tập kết cách đồi A1 khoảng 2 cây số vào ngày 20/1. Từ đó, chiến dịch đã bắt đầu bởi ông và đồng đội chịu đựng bom đạn quần thảo suốt ngày đêm. Pháp biết là Việt Nam đang chuẩn bị đánh. Địch không xác định cụ thể vị trí nhưng vẫn biết quân ta ẩn nấp quanh khu vực đó nên thường xuyên cho máy bay ném bom. Tướng của Pháp tuyên bố rằng, chỉ cần một ngọn khói bốc lên là dập ngay.

Ngày nào cũng có thương vong, máu chảy, nhưng quân đội Việt Nam chưa được đánh lại, chỉ đào hầm, đào hào ẩn nấp. Mọi thứ đều phải bí mật. Bắn lại là lộ vị trí ngay. Suốt thời gian đó, hệ thống hậu cần vẫn cứ miệt mài cung cấp lương thực, đạn dược.

Lúc đầu chủ trương của Bộ Chỉ huy là đánh nhanh thắng nhanh. Đánh thắng vào Mường Thanh ăn Tết là đẹp. Chiến sỹ cũng háo hức đánh một trận kịch liệt, chết thì chết, sống thì sống.

Nhưng sau đó, trên thay đổi chiến thuật. Chiến dịch kéo dài thêm mấy tháng. Nhiều lính tráng lúc đó khá buồn nhưng vì kỷ luật phải chấp hành.

Vậy nhưng ông Sơn cho rằng, những người chịu sức ép lớn nhất là hệ thống hậu cần. Vì chiến thuật đánh thay đổi đột ngột, hệ thống hậu cần buộc phải thay đổi theo. Mọi thứ chuẩn bị cho 2 tháng bỗng dưng chuyển thành 5 tháng. Sự khó khăn ấy có ai tưởng tượng nổi.

“Sau này nghĩ lại, những người lính như chúng tôi thấy rất biết ơn hệ thống hậu cần ấy. Nhờ họ mà người lính không đói.” – Người chiến sĩ của Điện Biên 60 năm trước nói.

Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ gồm: Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận Võ Nguyên Giáp, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Chủ nhiệm Chính trị Lê Liêm, Chủ nhiệm Cung cấp Đặng Kim Giang.

Trong cuốn "Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước" của NXB Quân đội nhân dân năm 1974, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề cung cấp lương thực, thực phẩm, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém về tác chiến; khó khăn về cung cấp không kém khó khăn về tác chiến. Hậu cần phải cung cấp lương thực đạn dược cho một binh lực lớn ở xa hậu phương hàng 500-700 km trong một thời gian dài trong điều kiện đường sá khó khăn, phương tiện vận tải thiếu thốn, quân địch không ngừng đánh phá các tuyến đường cung cấp của ta. Lại còn thời tiết nữa, một trận mưa có thể gây trở ngại hơn một trận bom địch. Chính vì vấn đề cung cấp khó khăn như vậy, cho nên quân địch không bao giờ tưởng tượng được rằng chúng ta có thể khắc phục được khó khăn này”.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Đảng bộ Phường Dương Nội nghiêm túc tiếp thu các chuyên đề tại Hội nghị Toàn quốc Tập huấn Công tác Kiểm tra, Giám sát năm 2025

Sáng ngày 14 tháng 7 năm 2025, trong không khí trang trọng và nghiêm túc, Đảng ủy phường Dương Nội đã tổ chức thành công điểm cầu trực tuyến tham dự Hội nghị toàn quốc tập huấn nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát năm 2025.
2025-07-14 17:25:00

Thủ tướng dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng, liệt sĩ

Chiều 13/7, trong chương trình công tác tại Cần Thơ, nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025), Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ, tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP. Cần Thơ.
2025-07-14 09:52:35

Đoàn công tác tỉnh Phú Thọ và hành trình tri ân dọc miền đất lửa

Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Đoàn công tác tỉnh Phú Thọ tổ chức hoạt động tri ân tại Hà Tĩnh và Quảng Trị, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với các Anh hùng liệt sĩ.
2025-07-14 09:17:29

Hành trình tìm lại ký ức về một thời hoa lửa

Từ ngày 7 đến 9/7/2025, Tạp chí Hòa Nhập đã tổ chức chương trình “Hành quân về chiến trường xưa” với sự tham gia của hơn 120 đại biểu là thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, thanh niên xung phong cùng đại diện các đơn vị, doanh nghiệp.
2025-07-14 01:26:47

Bí mật đằng sau màn drift đỉnh cao của sĩ quan Cảnh vệ

Gần đây, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng mạng xã hội, cộng đồng mạng vô cùng phấn khích, mãn nhãn trước tình huống xử lý nghiệp vụ bảo vệ yếu nhân của cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ với màn quay xe đỉnh cao trong Chương trình “Vinh quang CAND Việt Nam” tại TP Hồ Chí Minh tháng 6/2025 và chương trình biểu diễn phục vụ Khai mạc Hội thao CAND năm 2024 tại Đà Lạt, Huế, Phú Thọ. Nhưng đó chỉ là một trong rất nhiều kỹ năng của CBCS điều khiển phương tiện nghiệp vụ thuộc Phòng Hậu cần - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an.
2025-07-13 22:27:00

“Một thời Quảng Trị”: Hồi ức của người lính, dấu ấn một thời trận mạc

Mỗi khi tháng Bảy về, nơi chiến trường xưa Quảng Trị lại đón bước chân lặng lẽ của một người lính từng vào sinh ra tử – Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu. Với ông, những địa danh như Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh, hay dòng Thạch Hãn không đơn thuần là tên gọi, mà là ký ức máu thịt về một thời đạn bom, một thời chiến đấu và cống hiến không tiếc tuổi xuân cho Tổ quốc. Cuộc đời ông, từ người lính trẻ đến vị tướng trí thức, và cuốn hồi ức "Một thời Quảng Trị" đã trở thành một phần di sản quý báu, soi chiếu cho thế hệ hôm nay về sự hy sinh và khát vọng hòa bình.
2025-07-13 19:50:40
Đang tải...