Chuyện về người 4 lần gặp Bác Hồ: Tôi đã học Bác Hồ từ những điều nhỏ nhất
Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. (Ảnh: Nguồn Laodong.vn)
Hình ảnh người lãnh tụ vĩ đại rất giản dị, gần gũi
Kể lại kỷ niệm 4 lần vinh dự được gặp Bác Hồ, ông Nguyễn Túc xúc động, từ năm 1957, khi mới 20 tuổi, ông bắt đầu tham gia vào công tác giảng dạy tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau đó 1 năm, đúng vào sáng sớm mùng 1 Tết Nguyên đán năm 1958, Bác Hồ có đến khu Ký túc xá của trường để thăm nhưng không báo trước.
Ông Túc kể, thời điểm đó toàn bộ khu ký túc xá chỉ là khu nhà tranh, cơ sở vật chất của những dãy nhà rất đơn sơ, thiếu thốn. Khi tới thăm trường, Bác Hồ đã xuống thăm nhà bếp của trường, tại đây Bác đã cất lời khen ngợi khi thấy bữa cơm đầu năm được những người cấp dưỡng chuẩn bị rất chu đáo.
“Hôm đó, Bác có nhắc nhở mọi người rằng, đồng bào miền Nam giao con em cho chúng ta thì chúng ta cần phải quan tâm chu đáo, chăm lo đời sống vật chất tinh thần. Còn các cháu học tập tốt, mai kia về phục vụ quê hương”. Khi nói xong, Bác có đưa ra khẩu hiệu là giáo dục phải kết hợp với lao động, lý luận phải gắn với thực tiễn.
Chính điều đó đã trở thành phương châm giáo dục của nước ta sau này” - ông Túc nhớ lại. Với ông, ấn tượng về sự gần gũi, giản dị của Bác Hồ cho đến nay ông vẫn không thể nào quên.
Nhớ lại lần thứ 2 vinh dự được gặp Bác Hồ, ông Túc bảo đó là vào năm 1960. Thời điểm đó ông vừa làm công tác dạy học, vừa là cán bộ công đoàn. Khi về thăm trường, Bác đã hỏi thăm về tình hình trường học, khen ngợi cơ sở vật chất của trường có nhiều thay đổi và học sinh đã ăn mặc đẹp hơn. Sau lời ngợi khen, Bác lại nhắc nhở trường rằng sinh viên nữ còn hạn chế, sinh viên dân tộc thiểu số còn ít.
Tiếp thu lời Bác dặn, trường đã mở lớp dự bị đại học để giúp đỡ các em dân tộc thiểu số để học, dự bị vào đại học. Đồng thời sinh viên nữ cũng có một chế độ đặc biệt dành cho con em của những gia đình cách mạng.
“Cũng trong lần gặp gỡ đó, Bác Hồ đã nhắc nhở mọi người rằng học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Về sau chính phong trào học tốt, dạy tốt như Bác nói đã trở thành phương châm giáo dục của nước ta” - ông Túc nói.
Suốt đời học Bác Hồ
Những ký ức về những lần gặp gỡ Bác Hồ đã cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng trong ông Túc như vẫn còn vẹn nguyên. Với ông, bác là vị lãnh tụ nhưng lại gần gũi, thân thuộc với mọi người tới lạ thường. Từng cử chỉ, lời nói của Người đều được mọi người khắc sâu.
Lần thứ ba ông được gặp Bác là vào ngày 3.2.1962, Bác Hồ đưa đoàn của Chính phủ Lào đến trường thì toàn thể mọi người cùng đứng dậy hô vang “Bác Hồ muôn năm, Bác Hồ muôn năm!”. Cũng trong lần đó, Bác lại nhắc nhở mọi người phải giảng dạy tốt, học tập tốt, lao động tốt. Theo ông Túc, những lời chỉ dạy của Bác Hồ cho tới ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.
Sau 3 lần được gặp gỡ Bác Hồ tại Trường Đại học Bách Khoa, ông Túc lại vinh dự được gặp Bác khi được điều đi học tập, nghiên cứu để phục vụ Đại hội III của Đảng. Hôm ấy ông Túc đang giảng dạy thì ông Tạ Quang Bửu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa - thông báo có lệnh điều đi công tác đặc biệt. Đó là lần ông được điều đến Trường Tuyên huấn (Học viện Báo chí và Tuyên truyền - ngày nay - PV) để thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị phục vụ cho Đại hội.
“Những ngày làm việc chuẩn bị cho Đại hội, Bác Hồ đến thăm mọi người trong bộ quần áo màu nâu và đôi dép caosu giản dị. Tại đây Bác có khen mọi người học tập tốt, mong rằng phục vụ Đại hội tốt. Bác nhấn mạnh sự quan trọng của Đại hội khi lần này sẽ tổng kết 30 năm xây dựng Đảng và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Bác nhắc thêm rằng đây là lần Đại hội có cả Bắc - Trung - Nam, tổ chức công khai và có đông khách quốc tế đến dự” - ông Túc nhớ lại.
Ông Túc còn nhớ, một ngày sau khai mạc Đại hội, 22h Bác Hồ đến thăm và khen tổ phiên dịch làm việc tốt, dịch chính xác và sát ý. Cũng tại đây, Bác Hồ đã thăm hỏi từng người, quan tâm hỏi thăm từng phần cơm, suất ăn của mọi người. Việc được Bác quan tâm, chăm lo từ những điều nhỏ nhất khiến ông và mọi người khi đó rất xúc động.
Cho đến ngày hôm nay, những lần vinh dự được gặp Bác Hồ, được trò chuyện khiến ông Túc không thể nào quên. Những kỷ niệm sâu sắc của ông với Bác là những điều giản dị, hết lòng lo cho dân, tư tưởng thương yêu mọi người. Cũng theo ông Túc, mỗi người cần học Bác từ những việc nhỏ, giản dị nhất như cần, kiệm, liêm, chính, chí, công, vô tư. Mỗi một cán bộ phải học tập theo Bác vì dân vì nước. Khi học Bác được những phẩm chất giá trị đó thì càng phải giữ mình trong sạch, xứng đáng là những người đầy tớ phục vụ nhân dân.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.