Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm để phát triển thị trường vốn

2019-04-08 15:33:29 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Một trong sự nỗ lực của những mục tiêu cân bằng các thị trường vốn trong thị trường tài chính để giảm bớt gánh nặng cho hệ thống tín dụng hiện nay là Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 vừa được ban hành đang khiến nhiều nhà đầu tư hào hứng, khi có những mục tiêu có thể giúp thị trường sớm được nâng hạng, và cũng là chất xúc tác cho đà đi lên của thị trường về dài hạn.

 


Ngày 28/02/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”.


Cơ cấu vốn còn bất cập

Theo đánh giá của NHNN, cơ cấu vốn cho nền kinh tế hiện có tỷ lệ tín dụng trên GDP trên 130% cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp (DN) dựa rất lớn vào hệ thống ngân hàng. Với bản chất vốn ngân hàng là nguồn vốn ngắn hạn, hệ thống ngân hàng chịu rất nhiều áp lực để cung ứng vốn dài hạn, vì vậy các tổ chức tín dụng (TCTD) rất khó khăn trong việc cân đối vốn và sử dụng vốn vì phải làm thế nào để tránh được rủi ro kỳ hạn.

Hiện nay, tổng thể quá trình tái cơ cấu đầu tư của Việt Nam hướng đến sẽ làm giảm tỷ trọng đầu tư của khu vực Nhà nước. Theo kế hoạch 2016-2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2020, tỷ trọng này sẽ giảm xuống còn 31-34%. Trong bài toán tổng thể khi nguồn vốn từ khu vực công giảm sút như vậy, chúng ta vẫn duy trì được tổng đầu tư toàn xã hội tăng để đủ tăng trưởng hàng năm xấp xỉ 7% trong những năm qua là một minh chứng rất rõ ràng của thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán (TTCK) để huy động nguồn đầu tư từ các kênh và từ các nguồn kém hiệu quả hơn cho phát triển tăng trưởng của đất nước.

Điểm tích cực là thị trường trái phiếu DN năm 2018 đã có bước phát triển, khối lượng phát hành trái phiếu DN đưa vào giao dịch tăng khoảng 7% so với năm 2017. NHNN cho rằng, nếu việc phát hành trái phiếu DN, việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tiến triển thì NHNN cũng sẽ giảm áp lực đối với việc cung ứng vốn trung, dài hạn. Điều này rất thuận lợi cho sự phát triển của thị trường tài chính lành mạnh theo đúng nghĩa các TCTD cung ứng vốn ngắn hạn là chủ yếu.

Thống kê các kết quả của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho thấy, vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã tăng gần 17 lần trong 12 năm qua, từ mức 22,7% GDP năm 2006 lên mức 72% GDP năm 2018. Huy động vốn của khối DN tư nhân thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu DN tăng 70% trong năm 2017 và trên 30% năm 2018, đạt 86.000 tỷ đồng và đưa Việt Nam trở thành quốc gia có mức huy động vốn qua kênh chứng khoán thành công nhất Đông Nam Á. Thông qua TTCK, Chính phủ cũng đã huy động vốn với kỳ hạn từ 20 đến 30 năm, chủ động tốt hơn nguồn vốn dài hạn cho đầu tư công và cơ cấu lại nợ công. TTCK Việt Nam trở thành bệ phóng thành công cho nhiều DN lớn, hỗ trợ tốt cho công tác cổ phần hóa DNNN. Quan trọng hơn là cùng với hệ thống tín dụng ngân hàng tạo ra một cơ cấu thị trường tài chính Việt Nam cân đối hơn, hiệu quả hơn, hỗ trợ tốt cho sự phát triển của nền kinh tế.

Để phát triển thị trường vốn, cân đối các nguồn lực và giảm bớt gánh nặng lên hệ thống ngân hàng, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phát triển TTCK nhằm tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn trong phát triển kinh tế là một chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới. TTCK Việt Nam phải thực sự trở thành kênh huy động vốn quan trọng trong và ngoài nước cho nền kinh tế.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan liên quan hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chứng khoán và TTCK trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật Chứng khoán để trình Quốc hội thông qua trong năm 2019. Bộ Tài chính phối hợp với các ngành, cơ quan có liên quan trình Chính phủ điều chỉnh các cơ chế chính sách và giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn DNNN gắn với niêm yết trên TTCK để vừa thúc đẩy quy mô của thị trường, đẩy mạnh tính công khai minh bạch và nâng cao năng lực quản trị DNNN. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi để thu hút các dòng vốn nước ngoài…

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu thị trường Việt Nam được nâng hạng thì sẽ có chỉ số FTSE Vietnam Index, chỉ số này sẽ nằm trong hệ thống của chỉ số FTSE Emerging Markets Index và tất nhiên các quỹ ETF dù muốn hay không cũng sẽ phải phân bổ vốn vào cho thị trường nước ta. Nếu ước tính tổng số vốn mà các ETF đưa thị trường mới nổi thứ cấp vào khoảng 6,1 tỷ USD và tỷ trọng của FTSE Vietnam Index vào khoảng 0,3%, thì số vốn mà các ETF có thể đổ vào TTCK Việt Nam gần 200 triệu USD.

Song đây cũng là con số tương đối, bởi trước khi thị trường nước ta được nâng hạng cũng đã có những dòng vốn đón sóng nâng hạng; hay kể cả sau khi được nâng hạng, dòng vốn đổ vào đẩy vốn hóa tăng lên, tỷ trọng so với chỉ số chung cũng tăng, khiến cho vốn có thể đổ vào nhiều lần và gia tăng, nên con số chắc chắn không chỉ là 200 triệu USD. Lúc đó, thương hiệu của TTCK Việt Nam sẽ được củng cố, thu hút thêm nhiều dòng vốn cả ngắn lẫn dài hạn.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, tiềm năng của TTCK Việt Nam hiện nay rất lớn, tuy nhiên quan ngại của các Nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài là làm sao minh bạch được thông tin để họ có đầy đủ thông tin nhất trước khi ra quyết định đầu tư của mình. Muốn vậy, Bộ Tài chính, UBCKNN cần tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các yêu cầu chặt chẽ và minh bạch hơn về chuẩn mực kế toán của các DN, đặc biệt là các yêu cầu về kiểm toán đối với các DN. Các công ty kiểm toán phải chịu trách nhiệm đối với báo cáo kiểm toán được công bố để NĐT yên tâm… Đồng thời, các cơ quan cần xem xét tăng trần sở hữu nước ngoài tại các NHTM vì xét trong điều kiện hiện nay của TTCK Việt Nam, việc phát hành khối lượng lớn cổ phiếu cho NĐT trong nước là rất khó khả thi.

Ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital thì cho biết, Việt Nam cần nâng room ngoại tại các ngân hàng từ 30% lên 49% nhằm tăng thu hút vốn ngoại khi các ngân hàng đang nỗ lực tăng vốn đáp ứng tiêu chuẩn Basel II...

Nâng cao chức năng của thị trường

Đối với TTCK, những mục tiêu chung có sự liên kết chặt chẽ. Một là, tiếp tục cơ cấu lại toàn diện để trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Hiện nay, hệ thống ngân hàng vẫn là kênh cung ứng vốn số 1, điều này không chỉ gây áp lực khá lớn lên các ngân hàng mà còn khiến nền kinh tế phụ thuộc vào kênh này, dẫn đến việc điều hành các biến số quan trọng trong chính sách tiền tệ như lạm phát, lãi suất, tỷ giá phần nào không phát huy được hết hiệu quả. Do đó, việc phát triển TTCK như là kênh dẫn vốn quan trọng thay thế được xem là cần thiết.

Hai là, xây dựng cơ cấu hợp lý, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Đây cũng là yêu cầu cấp thiết, khi quy mô thị trường trái phiếu nói chung hiện còn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng thể TTCK và cũng còn quá nhỏ bé so với nền kinh tế, trong đó tỷ trọng quy mô của trái phiếu DN còn rất khiêm tốn.

So với các nước trong khu vực, dư nợ thị trường trái phiếu Việt Nam theo thống kê gần đây chưa đến 40% GDP, chỉ tương đương 1/2 Singapore và Malaysia, 1/3 so với Hàn Quốc, và cũng thấp hơn nhiều so với Thái Lan và Trung Quốc.

Ba là, TTCK phải đóng vai trò hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại DNNN, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời tăng cường mở cửa và hội nhập với khu vực và thế giới. Riêng đối với việc cơ cấu lại DNNN thì đòi hỏi cần phải có thêm những chính sách chủ động từ các cơ quan quản lý để đẩy nhanh lộ trình cổ phần hóa vốn đang tiến hành rất chậm.

 


Trong số các DN niêm yết hiện nay, hơn một nửa là các DNNN đã CPH.


Để đạt được mục tiêu chung, Đề án xác định có 7 nhóm mục tiêu cụ thể cần phải đạt được trước năm 2025. Đầu tiên là đưa quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu đạt mức 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025. Số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 tăng 20% so với năm 2017.

Nếu mục tiêu đặt cho thị trường trái phiếu là tương đối vừa phải, thì nhiệm vụ đặt ra cho thị trường cổ phiếu là khá tham vọng. Tính đến cuối năm 2018, theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu chỉ mới đạt khoảng 75% GDP, tăng thêm chưa đến 5% so với 2017, dù thị trường trong năm 2018 chứng kiến hàng loạt “ông lớn” lên sàn. Như vậy, theo Đề án thì trong 2 năm tới đây, tỷ lệ trên phải tăng thêm 25%, tức bình quân hơn 12% mỗi năm.

Mục tiêu thứ 2 là số lượng NĐT trên thị trường đạt mức 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025. Đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư có tổ chức, giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các nhà đầu tư chuyên nghiệp trên TTCK.

Theo số liệu của trung tâm lưu ký chứng khoán, tổng số lượng tài khoản nhà đầu tư đến cuối tháng 1/2019 là 2.197.735 tài khoản, xấp xỉ 2,26% dân số tính đến ngày 8/3 vừa qua. Với tốc độ tăng dân số mỗi năm bình quân 1%, thì ước tính đến cuối năm 2020 sẽ vào khoảng hơn 99 triệu người, theo đó tương ứng với tỷ lệ 3% sẽ là 2,97 triệu tài khoản. Như vậy, số tài khoản cần tăng thêm so với hiện nay là hơn 770.000 tài khoản, trong khi đó số lượng tài khoản tăng thêm trong năm 2018 và 2017 chỉ tương ứng ở mức 260.700 và 209.00 tài khoản. Do đó, mục tiêu này cũng ở mức khá cao so với hiện nay.

Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là số lượng tài khoản mở mới hay tăng thêm, mà tỷ lệ nhà đầu tư được kích hoạt, gắn bó lâu dài và có giao dịch thường xuyên trên thị trường mới đáng lưu tâm. Để làm được điều này, thị trường cần phải gia tăng sự minh bạch, hạn chế các hành vi thao túng giá, xào nấu báo cáo, tung tin giả làm thiệt hại nhà đầu tư, nâng cao kiến thức tài chính và đầu tư cho người dân. Như quan điểm Thủ tướng bày tỏ mới đây là mong muốn TTCK gần với người dân hơn, nhưng không phải bằng tư duy về một trò chơi như cách gọi “chơi chứng khoán”, mà là phương thức đầu tư an toàn, hiệu quả.

Một loạt mục tiêu khác cũng được Đề án đặt ra, như đa dạng hóa sản phẩm trên TTCK và triển khai thêm các sản phẩm phái sinh, lành mạnh hóa thị trường tài chính, nâng cao hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, cũng như đổi mới công nghệ giao dịch và thanh toán bù trừ. Đến năm 2025, chất lượng quản trị công ty trong các công ty niêm yết của Việt Nam phải đạt mức bình quân ASEAN-6 và trước năm 2025, nâng hạng TTCK Việt Nam trên các danh sách thị trường mới nổi.

Đề án cũng đề ra 8 giải pháp cơ cấu lại TTCK, gồm hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ cấu lại cơ sở hàng hóa, cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư trên TTCK, cơ cấu lại tổ chức kinh doanh chứng khoán, cơ cấu lại tổ chức thị trường, nâng cao năng lực, quản lý giám sát và cưỡng chế thực thi, giải pháp nâng hạng thị trường; tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Phú Quốc, Tây Ninh đông khách du lịch hàng đầu Nam bộ trong ngày nghỉ lễ đầu tiên

Nam bộ có khá nhiều điểm đến hấp dẫn trong kỳ nghỉ lễ kéo dài năm nay, nhưng Phú Quốc và Tây Ninh được ghi nhận là hai điểm đến đón đông đảo du khách bậc nhất bởi lợi thế về khí hậu, cảnh quan và trải nghiệm hấp dẫn
2024-05-03 11:05:59

Hàng trăm ngàn người háo hức ngắm pháo hoa, vui chơi tại quảng trường biển Sầm Sơn

Lễ khánh thành Quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn đã diễn ra tối 27/4, trong khuôn khổ đêm khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2024. Hơn 300 ngàn người dân, du khách đã tham gia sự kiện, thưởng thức các tiết mục nghệ thuật sôi động và chiêm ngưỡng màn pháo hoa tưng bừng tại quảng trường biển hiện đại, quy mô bậc nhất Việt Nam.
2024-05-03 09:43:01

Nữ giám đốc khuyết tật biến đất hoang thành vườn cây thảo dược

Không chỉ vượt qua nhiều nghịch cảnh trong cuộc sống, chị Trần Thị Thuần, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tâm Ngọc giờ đây còn giúp đỡ được nhiều người khuyết tật khác.
2024-05-03 06:30:00

Ông Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến khi kiện toàn được chức danh Chủ tịch Quốc hội khóa XV theo quy định.
2024-05-02 18:49:22

Mô hình vườn mẫu ở xã Quảng Tiên đang được nông dân hưởng ứng

Xã Quảng Tiên đã chú trọng vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, áp dụng khoa học - kỹ thuật để xây dựng vườn mẫu. Đây là giải pháp thiết thực không chỉ tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, giúp góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.
2024-05-02 15:30:00

Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình áp dụng công nghệ để quản lý, bảo vệ rừng

Tỉnh Quảng Bình là địa phương có diện tích rừng lớn. Để kịp thời theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, thời gian qua, ngành kiểm lâm tỉnh đã từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, bảo vệ rừng.
2024-05-02 14:25:00
Đang tải...