Cơ chế CBAM: Doanh nghiệp Việt cần làm gì để thích ứng?

2023-10-02 15:10:49 0 Bình luận
Từ ngày 1/10/2023, Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) và thực hiện đầy đủ từ năm 2026. Có thể coi “sân chơi” CBAM đã định hình từ tháng 10 này với những “luật chơi” rõ ràng, nghiêm túc và không thể đảo ngược.

Đây không chỉ là chính sách thương mại hướng tới việc đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất ở nước sở tại, mà còn là cơ chế nhằm hiện thực hóa tham vọng của “lục địa già” trung hòa khí thải carbon vào năm 2050.

Kể từ những năm 1990, EU đã nỗ lực để liên kết thương mại và khí hậu trong khuôn khổ hệ thống Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng liên tục gặp phải rào cản do sự phản đối của các nền kinh tế đang phát triển.

Tình trạng khẩn cấp về khí hậu đã làm thay đổi quan điểm chính trị và các tiêu chuẩn nội khối cao càng làm gia tăng thêm tính chính đáng cho lập luận của EU rằng CBAM ra đời để ngăn chặn tình trạng "rò rỉ carbon" và không áp đặt ưu đãi bảo hộ nào cho ngành công nghiệp châu Âu.

Hơn nữa, dư luận trên khắp EU ủng hộ mạnh mẽ việc đưa ra các điều khoản xã hội và môi trường trong chính sách thương mại, khiến châu Âu phải tích hợp các yếu tố chính về xã hội và môi trường vào chiến lược thương mại EU “cởi mở, bền vững và quyết đoán."

Lộ trình thực hiện cơ chế CBAM.

Để tạo điều kiện triển khai suôn sẻ, cơ chế CBAM sẽ được chia thành 3 giai đoạn.

Giai đoạn chuyển tiếp (còn gọi là giai đoạn thí điểm) kéo dài 3 năm: từ ngày 1/10/2023, các nhà nhập khẩu phải báo cáo lượng hàng hóa chịu tác động của CBAM và quá trình này sẽ kết thúc vào ngày 31/1/2024.

Trong thời gian chuyển tiếp này, nhà nhập khẩu EU sẽ không phải thực hiện điều chỉnh tài chính nào.

CBAM ban đầu sẽ tập trung vào các nhóm hàng hóa có nguy cơ "rò rỉ carbon" cao nhất, bao gồm: ximăng, sắt và thép, nhôm, phân bón, hydro và điện. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU.

Cuối giai đoạn này, tức năm 2025, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đánh giá về hoạt động của CBAM và có thể mở rộng phạm vi sang nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn, bao gồm cả chuỗi giá trị và có thể bao gồm phát thải gián tiếp.

Giai đoạn 2026-2034, CBAM bắt đầu vận hành, các nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của CBAM tại EU sẽ phải mua chứng chỉ CBAM.

Trước ngày 31/5 hằng năm, nhà nhập khẩu EU phải khai báo về số lượng hàng hóa và phát thải gắn liền trong những hàng hóa được nhập khẩu của năm trước.

Đồng thời, nhà nhập khẩu nộp lại số lượng chứng chỉ CBAM tương ứng với lượng phát thải khí nhà kính có trong sản phẩm. EU sẽ loại bỏ dần việc phân bổ miễn phí hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Giai đoạn ba cũng là giai đoạn cuối cùng: từ năm 2034, CBAM chính thức vận hành toàn bộ, các doanh nghiệp sẽ phải nộp 100% phí CBAM.

Cùng với 3 giai đoạn trên, EU phân hàng hóa thành 2 loại để tính suất phát thải thực tế gồm: hàng hóa đơn giản và hàng hóa phức tạp. Hàng hóa phức tạp sẽ tính toán cả lượng phát thải của nguyên liệu đầu vào.

Như vậy, các doanh nghiệp phải nhận thức được rằng phát thải được tính cho hàng hóa không chỉ đơn giản phát sinh trong quá trình sản xuất, mà còn cả từ nguyên liệu, nghĩa là các doanh nghiệp phải báo cáo chi tiết về hàng hóa đầu vào.

Xu thế tất yếu của thế giới

Một trong những cam kết quan trọng mà Việt Nam khẳng định trước cộng đồng quốc tế là cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) vào tháng 11/2021 về  việc cắt giảm khí thải nhà kính. Với cam kết này, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong hiện thực hóa các cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu.

Trước tình hình biến đổi khí hậu, “Xanh hóa nền kinh tế” đang là xu thế tất yếu của thế giới và của cả nước, các doanh nghiệp thương mại nếu muốn đáp ứng được tiêu chí của thị trường nước ngoài, sẽ phải chọn lọc các đối tác cung ứng có công nghệ thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, để hiện thực cam kết, Chính phủ Việt Nam ban hành hàng loạtvăn bản nhằm tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước với các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau cũng tương thích với chính sách được ban hành.

Theo Trung tâm Truyền thông Tài nguyên Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các tác động của biến đổi khí hậu đã khiến Việt Nam bị thiệt hại khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP. Đáng chú ý, Việt Nam đã tăng lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người lên gấp 4 lần trong thế kỷ này và đang duy trì tốc độ tăng nhanh nhất trên thế giới. Thực trạng này thúc đẩy Việt Nam phải hành động mạnh mẽ, có trách nhiệm và không chậm trễ để bảo vệ môi trường.

Tham gia thị trường carbon là trách nhiệm cũng là cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp. Thị trường tuân theo quy tắc "thuận mua-vừa bán," Nhà nước thu được nguồn ngân sách khi áp dụng thu phí từ hoạt động trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon hay thuế carbon trong tương lai. Những khoản phí này sẽ được tái tạo cho các dự án, công trình nghiên cứu về giảm phát thải, hấp thụ, lưu giữ carbon… Trong khi đó, bên bán carbon được hưởng lợi do những đơn vị thực hiện tốt giải pháp môi trường, bên mua cũng sẽ bù đắp được lượng phát thải quá hạn ngạch cho phép. Qua đó, các nỗ lực về giải pháp giảm phát thải, hấp thụ carbon, giải pháp xanh được áp dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Một điều đáng mừng là đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có nhiều chính sách tài chính nổi bật về thuế, phí và các công cụ kinh tế để giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất Xanh. Có thể kể đến Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12 quy định về mức thuế suất đảm bảo nguyên tắc "tài nguyên không có khả năng tái tạo" thì áp dụng mức thuế suất cao; "tài nguyên có khả năng tái tạo" thì áp dụng mức thuế suất thấp.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; ban hành Quyết định 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án Phát triển ngân hàng Xanh tại Việt Nam; ban hành chính sách tín dụng ưu đãi về lãi suất, hỗ trợ lãi suất, ưu đãi tài sản bảo đảm đối với khách hàng thực hiện các dự án nông nghiệp theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; triển khai các chương trình cho vay trồng rừng sản xuất; triển khai các chương trình hỗ trợ người nghèo về nhà ở phòng, chống biến đổi khí hậu, các chương trình giảm ô nhiễm môi trường.

Chuyển đổi để thích ứng

Mặc dù CBAM có thể thúc đẩy tiến trình đạt được mục tiêu trở thành lục địa trung hòa carbon, nhưng theo bà Sirpa Helena Jarvenpaa, Giám đốc Quỹ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Đông Nam Á, cơ chế này có thể gây nhiều khó khăn cho các quốc gia có hàng hóa xuất khẩu đến thị trường EU, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh sân chơi toàn cầu đã biến chuyển, với các doanh nghiệp Việt có định hướng xuất khẩu, nguy cơ hiện hữu là khó khăn trong xuất khẩu vào thị trường EU. Đây không chỉ là thách thức đối với những doanh nghiệp chưa từng xuất khẩu sang EU mà còn là thách thức với cả những doanh nghiệp từng có kinh nghiệm tại thị trường này, bởi vì các tiêu chuẩn, giấy chứng nhận vốn đã quen thuộc đang thay đổi, bổ sung theo hướng yêu cầu cao hơn.

Không thể không nhìn thẳng vào sự thật là hiểu biết của doanh nghiệp Việt Nam về các tiêu chuẩn Xanh của EU vẫn còn khá hạn chế. Theo một khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp được khảo sát nắm rõ nội dung về cơ chế CBAM chỉ đạt khoảng 11%, và có tới 53% doanh nghiệp không biết về nội dung này, còn khoảng 36% doanh nghiệp có “nghe nhưng không nắm rõ.”

Theo thông tin từ trang europa.eu, CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với 6 loại hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao là sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro… Nhóm hàng hóa này hiện chiếm 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào EU sẽ phải báo cáo lượng khí thải khi sản xuất hàng hóa, nếu vượt quá tiêu chuẩn sẽ phải mua chứng chỉ khí thải theo mức giá carbon hiện nay tại EU.

Là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU, Việt Nam hiện có 4 nhóm hàng hóa xuất khẩu đáng kể sang thị trường EU là: nhôm, thép, ximăng và phân bón. Đặc biệt, riêng các sản phẩm từ sắt thép chiếm 96% giá trị của 4 mặt hàng xuất khẩu này.

Chỉ tính 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,36 triệu tấn thép sang châu Âu, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm khoảng 21% tổng cơ cấu xuất khẩu thép.

Nhằm đánh giá các tác động của CBAM đến Việt Nam, các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát 4 lĩnh vực hiện có hàng hóa xuất khẩu nhiều nhất nói trên.

Kết quả cho thấy xét về tổng thể toàn bộ nền kinh tế, tác động của CBAM không lớn, nhưng đối với từng ngành hàng, từng doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu giảm đi là con số không nhỏ, làm gia tăng áp lực với các doanh nghiệp.

Nếu các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon và nhanh chóng triển khai ngay từ bây giờ, sản phẩm xuất khẩu sẽ khó cạnh tranh và giữ được vị thế trên thị trường. Đó là chưa kể phạm vi có thể sẽ mở rộng và bao gồm nhiều sản phẩm hơn trong tương lai.

Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Chuyên gia Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật về Đánh giá Tác động của CBAM, cho biết: “Hiện doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ có thể cung cấp thông tin phát thải trong quá trình sản xuất, gia công hàng hóa, trong khi CBAM yêu cầu thông tin số liệu phát thải trong cả nguyên liệu đầu vào sản xuất. Báo cáo đánh giá tác động của thuế carbon lên 3 quốc gia gồm Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, cho thấy chỉ tính 3 mặt hàng gồm thép, ximăng và nhôm mà Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu, thuế carbon theo cơ chế CBAM có thể làm tăng 36 tỷ USD chi phí mỗi năm."

Có thể thấy CBAM là một trong những vấn đề đang được quan tâm nhất hiện nay vì EU là thị trường rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam do có sức mua cao và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã có hiệu lực.

Theo thống kê, sau 2 năm đầu thực thi EVFTA (8/2020-7/2022), tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 83,4 tỷ USD, tức trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn tới 24% so với kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019.

Cơ chế CBAM của EU một lần nữa cũng cho thấy những quy định, tiêu chí ngày càng chặt chẽ hơn trên phạm vi toàn cầu nhằm gắn chặt hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế với vấn đề bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như mục tiêu về trung hòa carbon.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đang và có định hướng tham gia thị trường quốc tế ở tất cả các ngành cần chủ động thích ứng trước xu hướng mới và nên có sự chuẩn bị cần thiết ngay từ bây giờ trong quá trình xây dựng, hoạch định chiến lược sản xuất.

Khi “phát súng lệnh” CBAM đã nổ, chúng ta không thể “quay xe" trong cuộc đua. Không chỉ là sự hiểu biết về một sân chơi quy mô trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với tâm thế và bản lĩnh mới, việc đáp ứng các tiêu chuẩn CBAM và triển khai tín chỉ Carbon còn là lời khẳng định cho niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, các đối tác và tổ chức quốc tế vào một tương lai của đất nước Việt Nam.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hoàn thành Dự thảo Đề án Hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải: "Bộ Xây dựng và Giao thông"

Bộ Xây dựng vừa hoàn thành Dự thảo Đề án hợp nhất với Bộ Giao thông Vận tải, dự kiến tên gọi mới sẽ là "Bộ Xây dựng và Giao thông". Đây là một bước đi quan trọng trong việc cải cách hành chính, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hai Bộ, đồng thời giảm bớt sự chồng chéo trong chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước.
2024-12-15 03:35:40

Hội đồng hương Vĩnh Bảo (Hải Phòng) ở Hà Nội: Dấu ấn 10 năm

Ngày 14/12, tại Hà Nội, Hội đồng hương Vĩnh Bảo- Hải Phòng tại Hà Nội long trọng tổ chức buổi gặp mặt toàn thể lần thứ VII-2024 của Hội.
2024-12-14 14:50:00

Hải Phòng thành lập Ban Chỉ huy quân sự tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải

Hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), Bộ Chỉ huy quân sự TP.Hải Phòng tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ huy quân sự tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp - Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải ( KCN - KKT).
2024-12-14 07:32:49

Ngày làm việc đầu tiên có con dấu chính thức ở xã Lý Nam: Nghiêm túc và hiệu quả

Theo ghi nhận của phóng viên, không khí ngày làm việc đầu tiên tại xã Lý Nam mới sáp nhập trên địa bàn huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình diễn ra nghiêm túc, hiệu quả, đặc biệt là tại bộ phận tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính.
2024-12-14 07:15:00

Hà Nội triển khai “vùng phát thải thấp” từ năm 2025

Sáng 12/12, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn thành phố. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
2024-12-14 02:45:24

Kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng cao

Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới diễn biến phức tạp, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024 được đánh giá tiếp tục phục hồi.
2024-12-13 19:01:06
Đang tải...