Cô gái cưa chân vì ung thư và ước mơ làm 'điểm tựa' cho trẻ em nghèo
Dân mạng ngả mũ thán phục cô gái mạnh mẽ Lê Thị Trúc Viên. THANH TRỊNH |
Câu chuyện của Viên nhận được cả ngàn lượt chia sẻ trên mạng. Những người quen, bạn học cũ đều nhận ra cô gái mạnh mẽ năm xưa.
“Mất chân hay mất mạng”
Linh Linh: Cám ơn em đã nhắc chị nhớ bản thân mình. Chị là người khiếm thính. Chị cũng từng ước giá như mình lành lặn. Chị đã từng chán chường ghét bỏ và sợ hãi chính mình.
Chia sẻ với Thanh Niên, Lê Thị Trúc Viên (21 tuổi, quê Gia Lai) cho biết, năm 12 tuổi, chân trái của mình đột nhiên sưng to và ngày càng nghiêm trọng khiến cô không đi lại được. Bệnh viện kết luận Viên bị u xương và không có khả năng chữa trị. “Nghe thông báo từ bác sĩ, tôi rất sợ và nói với ba mẹ là tôi không điều trị, đưa tôi về nhà. Nhưng khi thấy ba mẹ khóc và khuyên nếu không điều trị thì sẽ chết, tôi mới đồng ý”, Viên xúc động kể lại.
Trải qua 4 đợt hóa trị, Viên sút cân trầm trọng, tóc rụng hết, người xanh xao. Vì xương chân trái và một phần xương chậu bị mục nên bác sĩ yêu cầu phẫu thuật tháo chân để ung thư không lan sang các bộ phận khác. Đó cũng là lúc Viên và ba mẹ bước vào cuộc đấu tranh tâm lý nặng nề “mất chân hay mất mạng”. “Khi mổ xong, tôi tỉnh dậy. Lúc đó tôi không chấp nhận được sự thật. Tôi hỏi bố mẹ: Chân con đâu? Đến năm lớp 8, tôi mới thực sự chấp nhận, mình sống với nó cả đời mà”, Viên nhớ lại.
Ông Lê Anh Phương, ba của Viên, cho biết vợ chồng ông cảm giác như trời đất sụp đổ. “Nghe con nói “ba trả chân cho con”, tôi chịu không nổi. Sau mấy ngày, con mới bình tâm trở lại và tiếp tục điều trị. Trước khi Viên phát bệnh, gia đình thuộc diện cận nghèo, sau đó thì thành hộ nghèo. Tiền điều trị cho Viên là do các nhà hảo tâm trong và ngoài nước giúp đỡ”, ông Phương nói.
Tuy mất chân, gia đình quá khó khăn, nợ nần nhiều nhưng nhìn Viên cố gắng tự lo mọi thứ nên ba mẹ được an ủi, mãn nguyện phần nào.
Câu chuyện tự sự của Viên nhận được cả ngàn lượt chia sẻ trên mạng xã hội |
Học cô giáo để giúp trẻ tự kỷ
Sau khi tốt nghiệp THPT, Viên thi đậu một trường kinh tế nhưng ba mẹ lo lắng đứa con không lành lặn nên không cho Viên đi học. Viên quyết định vào TP.HCM làm việc trong một xưởng may gia đình. Ký ức Viên nhớ rõ cơ sở này đã tìm cách không trả lương cho mình chỉ vì… cô là người khuyết tật. Một tháng làm việc ở đây giúp Viên nhận ra nhiều điều về cách đối xử định kiến, lợi dụng người khuyết tật.
Viên xin vào một vị trí nhân viên văn phòng khác, đồng thời nhìn lại cuộc đời đau khổ của mình nên cô đã quyết theo học ngành giáo dục đặc biệt Trường cao đẳng Sư phạm T.Ư TP.HCM. Viên chia sẻ: “Có rất nhiều em bị tự kỷ nhưng ba mẹ lại tách các em khỏi xã hội, không cho hòa nhập cộng đồng. Tôi thấy các em rất tội. Vì vậy tôi muốn học để sau này giúp đỡ các em, giúp đỡ những người có hoàn cảnh như mình”.
Cô Bùi Thị Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn (Gia Lai) của Viên, cho biết: “Viên là một học sinh tự tin và hòa đồng, không hề mặc cảm hay tự ti dù hoàn cảnh không may”. Sắp tới, Viên sẽ trở thành đồng nghiệp giống cô giáo của mình và ước mơ lớn nhất của cô gái luôn mạnh mẽ này là san sẻ yêu thương cho các em nhỏ thiếu may mắn khi sinh ra.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.