Chuyện kể đầu năm Canh Tý

2020-02-23 09:51:50 0 Bình luận
Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đến nay đã gần tròn 45 năm. Các thế hệ con, cháu sinh ra sau chiến tranh được hưởng thụ thành quả của độc lập, tự do mà các thế hệ cha, ông đã phải hy sinh xương máu để có được. Ngày nay, các cháu có điều kiện để học tập, để phát triển về thể chất, về trí tuệ và nhân cách. Tuổi trẻ đã tiếp thu được những tinh hoa của thời đại mới và đã có những đóng góp rất tích cực, rất hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc thân yêu của chúng ta.

Tác giả ngày đầu năm Canh Tý (2020)

Hôm tết vừa rồi, mẹ con cháu Hiền (con của người đồng đội) tới thăm, chúc tết gia đình tôi. Ngồi nói chuyện với cháu bé mà trong lòng tôi không nguôi nhớ về người đồng đội. Cuộc đời của họ, chuyện tình của họ cũng như bao cuộc đời khác cùng trang lứa trong thời buổi đất nước có chiến tranh.  

Mỗi lần gặp nhau, cháu Hiền vẫn cứ trách yêu tôi: “Dạo ấy, nếu bác cứ kiên trì hơn, kiên quyết hơn thì bố mẹ cháu đã ổn rồi, bây giờ thì đã quá muộn!” mặc dù cháu đã biết rõ về nguyên do của câu chuyện.

Chung (Bố cháu Hiền), với Hoàng và hai bạn gái là Hoa và Nguyệt, cùng tuổi Canh Tý (sinh năm 1960), nhà ở gần nhau trong con phố nhỏ ở quận Hoàn Kiếm - Hà Nội. Bốn người họ chơi thân với nhau, cùng học với nhau từ lớp vỡ  lòng đến hết cấp 3. Chung thi vào đại học kinh tế kế hoạch (nay là ĐH Kinh tế quốc dân), Hoàng thi vào ĐH Bách Khoa, Hoa vào ĐH hóa tổng hợp còn Nguyệt theo ngành tài chính kế toán. Cả bốn người đều trúng tuyển đại học. Chung và Hoàng nhận được lệnh nhập ngũ trước khi giấy báo trúng tuyển ĐH gửi về nhà. Hoàng được điều về một đơn vị bộ đội làm nhiệm vụ ở biên giới phía bắc, đánh quân Trung Quốc xâm lược. Còn Chung được bổ xung vào đơn vị tôi đang làm nhiệm vụ đánh quân Pôn Pốt ở biên giới phía Tây Nam. Việc Chung và Hoàng nhập ngũ đã để lại cho Hoa và Nguyệt những sự bồn chồn, lo lắng. Gần hai chục năm, họ luôn ở bên nhau, chia sẻ với nhau mọi chuyện  buồn, vui của tuổi học trò. Vào năm cuối cấp 3 họ gắn bó với nhau ngày càng sâu đậm hơn. Nào là học nhóm, nào là cùng đóng kịch trong tiết mục văn nghệ ở trường, rồi rủ nhau đi ăn kem, đi chơi mãi tận chùa Thày - Sài Sơn, chùa Trầm trong Chúc Sơn, đi bơi thuyền trên Hồ Tây. Cũng có những chuyện dỗi hờn, có những lần hò hẹn bên cầu Thê Húc…Một tình bạn trong sáng, đẹp đẽ. Đến khi biết rằng hai bạn trai cùng nhập ngũ, ra chiến trường, rồi gì gì nữa sẽ có thể xảy ra!? Tình cảm của hai đôi trai gái này, tuy chưa chính thức nói với nhau điều gì, nhưng họ cùng hiểu cái lẽ: “bên trong thì đã, bên ngoài còn e”,  do vậy đã khiến cho Hoa và Nguyệt cùng bị sốc nặng. Tuy nhiên, họ cũng nhận thức được việc hai bạn trai phải nhập ngũ trong tình hình hiện nay là điều không thể tránh khỏi. Họ đã động viên nhau: người ở nhà chú ý giữ gìn sức khỏe và học cho thật tốt, chúc cho người ra đi chân cứng, đá mềm, may mắn và bình an trở về.

Số anh em tân binh mới được bổ xung về đơn vị, đa phần có trình độ văn hóa cao, nhận thức được về nhiệm vụ, hăng hái, nhiệt tình, sống có kỷ luật và trách nhiệm, nhưng cũng rất tình cảm, nên tôi rất quý. Cùng ở quận Hoàn Kiếm, Chung giản dị, chân thành. Ngoài quan hệ thủ trưởng-chiến sĩ, tôi luôn coi Chung như người em trai vậy.

Một chuyện thật trùng khớp là giữa năm 1983 cả Chung và Hoàng đều được về nghỉ phép. Hôm Chung đưa Hoàng đến nhà thăm tôi (lúc này tôi đã chuyển ngành về cơ quan cũ ở Hà Nội). Anh em gặp nhau vui lắm, tôi bảo hôm nay anh sẽ chiêu đãi hai chàng lính trẻ một bữa bia hơi, uống mệt nghỉ. Chúng tôi kéo nhau ra cửa hàng bia hơi Cổ Tân (bên vườn hoa Cổ Tân). Lúc này còn chế độ bao cấp nên họ chỉ bán cho mỗi người một vại, tôi phải đưa thẻ thương binh ra và nói rằng tôi chiêu đãi hai chiến sĩ mới từ mặt trận về họ mới bán thêm cho mỗi người một vại nữa, với một gói lạc rang, vậy mà cũng rôm rả ra phết.

Vào một buổi chiều dịu nắng, tôi được mời dự cuộc họp của bộ tứ: Chung, Hoàng, Hoa, Nguyệt tại vườn hoa “Con Công” (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ). Chung cho biết là sẽ tổ chức đám cưới trong dịp nghỉ phép này. Cặp đôi: Chung với Hoa và cặp Hoàng với Nguyệt đều thống nhất tổ chức đám cưới theo hình thức đời sống mới (chỉ có chè, thuốc, bánh kẹo), tổ chức đám cưới chung và đề nghị tôi đứng ra làm chủ hôn.

 Tôi đã đến thăm gia đình cả bốn bạn ấy, trao đổi với phụ huynh về ý của các bạn trẻ, thì ra cả bốn gia đình họ đã bàn bạc và thống nhất như vậy từ trước rồi. Thời điểm này kinh tế còn khó khăn lắm, hàng hóa cái gì cũng phải mua bằng tem., phiếu, với số lượng rất hạn chế. Tôi có người quen làm ở Sở Thương nghiệp Hà Nội nên đã nhờ mua giúp các bạn ấy được một số thuốc lá, chè mạn và bánh kẹo, cộng với số hàng được mua theo tiêu chuẩn khi đăng ký kết hôn cũng tàm tạm cho hôn lễ.

Đám cưới được tổ chức trang trọng tại nhà văn hóa của quận. Đông đảo bạn bè, thầy cô, người thân và các đoàn thể của phường, của quận đã đến dự. Mọi người đều vui mừng chúc phúc cho vợ chồng hai người chiến sĩ.

Tiếng súng của quân xâm lược Trung Quốc ở biên giới phía bắc vẫn nổ, nhất là ở mặt trận Hà Giang, nơi Hoàng đang làm nhiệm vụ. Còn đơn vị của Chung đã chuyển sang làm nhiệm vụ quốc tế: truy quyét tan quân Pôn Pốt trên đất Căm Pu Chia. Thư của cả Chung và Hoàng gửi cho tôi đều báo tin vui là vợ đã mang thai. Cậu Hoàng còn láu lỉnh viết: “Ba năm du kích nằm kề/ Không bằng bộ đội nó về một đêm”, đúng quá anh nhỉ?.  Các cậu ấy đã giao hẹn với nhau: nếu một cặp sinh con trai, cặp kia sinh con gái thì dứt khoát sẽ gả cho nhau, làm thông gia của nhau. Cả hai mặt trận lúc này vẫn còn rất ác liệt. Nhận thức rõ tình hình thực tế đó nên trước khi trả phép, các bạn ấy đã có “nghị quyết” rằng: Nếu một trong hai người hy sinh thì người còn lại có trách nhiệm chăm sóc vợ, con của bạn (!?).

Nguyệt mang thai đến tháng thứ bảy thì gia đình nhận được giấy báo tử, Hoàng hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang. Ở Căm Pu Chia, Chung bị thương do vướng phải mìn trên đường làm nhiệm vụ. Sau mấy tháng điều tri, điều dưỡng Chung được đơn vị cho về phục viên.

Hoa và Nguyệt sinh con trong cùng một tháng, chỉ cách nhau ít ngày. Hoa sinh con gái còn Nguyệt lại sinh được con trai, giống Hoàng như đúc. May mắn là lúc này Chung đã có ở nhà. Tôi đến thăm mà thấy thương cậu ấy quá, lúc thì chăm sóc vợ ở nhà, tiếp lại chạy sang bên xem mẹ con Nguyệt thế nào. Lúc bấy giờ riêng việc xếp hàng mua lương thực, thực phẩm theo tem phiếu cho cả hai gia đình đã đủ mệt rồi. Năm tháng qua đi, cháu Hiền (con gái của Chung-Hoa) và cháu Tuấn (con trai của Hoàng-Nguyệt) cũng đã cùng vào học lớp 1. Một sự cố đau lòng lại xảy ra: Hoa vợ Chung đã qua đời vì tai nạn giao thông. Năm 1984 tôi đến dự lễ truy điệu Hoàng, chứng kiến cảnh Nguyệt đang lăn mình kêu khóc với cái bụng mang dạ chửa sắp đến ngày sinh!? Nay đến viếng đám tang của vợ Chung, chứng kiến cảnh người đồng đội đau xót tiếc thương vợ đến thẫn thờ cả người, khóc không thành tiếng!!!

Phụ huynh của cả hai bên đều đã về cùng tiên tổ, các con còn nhỏ dại, Chung và Nguyệt cùng nhau chia sẻ, lo toan mọi công việc của cả hai gia đình. Cháu Hiền gọi Nguyệt là mẹ còn cháu Tuấn gọi Chung là bố theo tình cảm tự nhiên, gắn bó giữa hai gia đình từ khi các cháu mới sinh ra.

Sau hôm giỗ đầu của Hoàng, mẹ Hoàng có nói với tôi: “Nguyệt nó còn trẻ quá, tôi tiếc thương con trai tôi nhưng tôi cũng thương con dâu lắm, nếu bây giờ có ai yêu thương nó thì tôi sẽ động viên để cháu đi bước nữa, tôi sẽ chăm sóc nuôi dạy cháu nội tôi nên người! Bác là người mà các em nó rất quý mến, tin tưởng, coi như người anh trong gia đình, Bác ủng hộ ý nguyện của tôi nhé.  Tôi thưa với Cụ rằng: theo cháu thì tương lai của Nguyệt hãy để cho cô ấy tự quyết định Cụ ạ. Bố cháu Tuấn đã hy sinh, thời buổi khó khăn này, điều gì có thể lo giúp cho cuộc sống của mẹ con cô ấy được thì mọi người nên cố gắng để làm.  

Có lần tôi nói với Chung: các cậu đã là bạn thân thiết suốt mấy chục năm rồi, bây giờ hoàn cảnh như vậy, hai đứa có thể hợp lại làm người một nhà được không?  Chung bảo không được đâu anh, Nguyệt có thể đi bước nữa, cô ấy xinh đẹp thế, em thấy cũng có người muốn xây dựng gia đình với Nguyệt, mà hình như cô ấy không chịu, với lại em và thằng Hoàng đã giao kèo với nhau, sau này các cháu lớn lên em sẽ gả con gái em cho con trai Hoàng mà.   

Thời gian trôi đi nhanh quá, Cháu Tuấn và cháu Hiền cưới nhau được hơn một năm thì sinh con trai. Cứ mỗi lần tôi đến chơi cháu bé lại xà vào lòng đòi ông bế, đòi ông kể chuyện. Hôm thì tập trung bên nhà Nguyệt, hôm thì bên nhà Chung, nhìn lên tấm ảnh của Hoàng, của Hoa trên bàn thờ tôi cảm nhận thấy như họ đang mỉm cười, hài lòng trước hạnh phúc của các con, cháu.

Bây giờ kinh tế đã khá hơn trước rất nhiều, nhà cửa hai bên đều được sửa sang lại khang trang. Chung vẫn ở vậy một mình, sức khỏe có bị ảnh hưởng do vết thương tái phát. Còn Nguyệt đang độ hồi xuân, cô ấy tươi trẻ với vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng. Nguyệt vẫn ở vậy chăm lo cho con cháu, chạy qua chạy lại bên nhà Chung, lo cho Chung bữa ăn ngon và chăm sóc Chung lúc ốm đau.

Có lần vợ chồng cháu Hiền nói với tôi: “Bác ơi, chúng cháu thương bố Chung với mẹ Nguyệt quá, nếu mà bây giờ bố, mẹ về ở với nhau chung một nhà thì tốt quá. Đã mấy lần chúng cháu đề cập đến chuyện này, mẹ cháu bảo: “ai lại thế, chả lẽ thông gia lại lấy nhau à”, còn bố cháu thì cứ ngồi im rồi nghiêm mặt bảo: “từ nay các con đừng nhắc lại chuyện này nữa nhé”. Do đó, chỉ có bác là nói được thôi, chúng cháu nhờ bác tác thành cho bố mẹ chúng cháu, bác nhé.

Từ khi Hoàng hy sinh, rồi vợ Chung qua đời cho đến mãi sau này họ vẫn qua lại chăm sóc cho nhau. Ở bên ngoài miệng đời đã nhiều chuyện xì xèo, dị nghị nhưng họ không quan tâm, không giải thích. Họ vẫn tận tình làm mọi việc mà theo họ đó là bổn phận phải làm như vậy.

Tôi đã vài lần trao đổi với Chung là nếu hai người thương yêu nhau có thể đến với nhau, điều này không vi phạm luật pháp, hơn nữa đây cũng là ý nguyện của các cháu mà. Hai ngôi nhà, vợ chồng con ở một nhà, còn một nhà thì vợ chồng bố ở là hợp lý quá rồi, vẫn tiện chăm sóc cho con cháu và cô chú chăm sóc nhau cho có danh chính ngôn thuận.  Chung nắm chặt bàn tay tôi rồi nói: “Anh à, em thương Nguyệt lắm, cô ấy chịu nhiều thiệt thòi quá. Cô ấy xinh đẹp thế, khỏe mạnh, giỏi giang nhất hội em đấy. Hồi còn học cấp ba có nhiều cậu mê cô ấy lắm, có cả thầy giáo nữa đấy. Khi còn đang học đại học đã có nhà là quan chức to ướm chuyện với bố mẹ Nguyệt để xin cưới Nguyệt cho con trai họ. Song, Nguyệt chỉ yêu Hoàng. Nhóm bốn đứa chúng em gắn bó với nhau lắm. Chỉ tiếc là Hoàng hy sinh quá sớm. Nguyệt lấy chồng mà thực chất chỉ được ở bên chồng chưa đầy một tháng. Tính Nguyệt em biết, cô ấy kiên định, thủy chung lắm. Thật là tội nghiệp cho Nguyệt”. 

Trong cuộc đời này, vì tình thương yêu người ta sẵn sàng hy sinh tất cả cho người mình yêu. Nguyệt và Chung tuy không còn trẻ nhưng họ cũng chưa phải là già, con người chứ đâu phải là gỗ đá, đâu có phải chỉ cần ăn ngon, mặc đẹp, còn những nhu cầu khác nữa mà ai cũng biết nhưng lại rất ngại nói ra!?

Vợ chồng cháu Tuấn-Hoa cứ thúc dục tôi về việc tác thành cho bố, mẹ các cháu. Về phần Nguyệt tôi thấy đã ổn. Nguyêt nói với tôi: “Hoàng và Hoa về cõi vĩnh hằng cũng đã gần ba chục năm rồi, bây giờ nhóm bộ tứ chỉ còn em và Chung, em thương Chung lắm, Chung không được khỏe nhưng gia đình này không thể thiếu anh ấy được. Suôt mấy chục năm qua Chung đã tận tình hết mức để chăm lo cho em và các con, cháu với tình yêu thương nhất. Có thể, có điều gì đó mà Chung khó nói ra chăng!?

Đối với tôi, ngoài tình đồng đội Chung đã coi tôi như người anh trong gia đình. Thấy tôi quan tâm nhiều đến quan hệ tình cảm của cậu ấy với Nguyệt,  Chung bộc bạch: “Anh à, sau lần bị sức ép do vướng phải mìn ở bên Căm Pu Chia, “bộ máy” của em đã hỏng hẳn rồi. Về phục viên suốt hơn 5 năm trời, nằm bên vợ mà em có “đền thương nhớ” cho vợ của em được đâu!? Chính vì vậy mà em không muốn làm khổ thêm cho Nguyệt nữa!”. Nghe Chung nói mà nước mắt tôi cứ chảy dài!

Chung đã qua đời được hơn một năm do vết thương ở phổi tái phát quá nặng.

Đầu năm Canh Tý vừa qua tôi đến thăm Nguyệt. Hai anh em ngồi nói chuyện, Nguyệt nhắc tới ba người thân yêu đã ra đi rồi òa khóc nức nở. Tôi ngồi im để cho Nguyệt khóc. Tôi nghĩ, cứ để Nguyệt khóc như vậy em mới có thể nguôi ngoai đi những nỗi buồn đau đang còn chất chứa trong lòng! Khi thấy đã lắng dịu lại, tôi mới nói:

- Nguyệt à, mỗi người có một số phận riêng, không cưỡng lại được. Năm nay là vừa tròn một chu kỳ 60 năm của tuổi Canh Tý. Em hãy nhìn lên bức ảnh của vợ chồng hai cháu Tuấn-Hiền, em sẽ thấy đủ hình bóng bộ tứ của các em. Em nhìn vào tấm hình 5 người, có đủ: em, các con, các cháu. Con, cháu em khỏe mạnh, xinh đẹp, khôi ngô tuấn tú thế kia cơ mà. Bây giờ ta sống vì các con, các cháu. Con, cháu trưởng thành là động lực để ta sống vui, sống khỏe. Hơn nữa, em cũng phải sống cho chính mình nữa chứ. Bây giờ em có thể làm điều gì mà em muốn, không có sự ràng buộc gì cả, cốt là em thấy vui, thấy được thanh thản là ổn rồi Nguyệt ạ.

Da, em cảm ơn anh nhiều lắm!

Vợ chồng cháu Tuấn-Hiền đưa các con đi chơi vừa về đến nhà, các cháu bé thấy tôi thì chạy vào chào. Tôi hỏi cháu:

Năm mới, các cháu chúc ông, bà gì nào?

Cháu chúc Ông, chúc Bà, chúc Bố Mẹ và chúc cả em Bống nữa, năm mới mọi người luôn khỏe mạnh và thật vui ạ!

Thấy các cháu và cả gia đình người đồng đội vui vẻ, nghe lời chúc của cháu bé, tôi thấy thật ấm lòng giữa ngày đầu năm Canh Tý.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Tại sao xe ô tô điện bị cháy lại khó dập hơn xe chạy xăng dầu?

Xe điện ít bị cháy hơn xe sử dụng động cơ xăng dầu truyền thống nhưng một khi cháy, pin lithium-ion trong xe điện sẽ khó dập tắt hơn nhiều.
2024-09-09 01:01:00

Hàn Quốc sẽ cấm ô tô điện sạc hơn 90% pin vào hầm đỗ xe chung cư

Hàn Quốc đang rục rịch triển khai một loạt biện pháp nhằm hạn chế nguy cơ hỏa hoạn từ ô tô điện, trong đó có việc sẽ cấm ô tô điện sạc hơn 90% pin vào hầm đỗ xe tại các khu chung cư.
2024-09-09 00:56:00

Không để sơ hở, trục lợi, tạo cơ chế xin cho khi mua bán điện mặt trời

Đó là nội dung được nêu trong kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp và nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
2024-09-09 00:46:00

Thị xã Ba Đồn-Quảng Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

UBND tỉnh Quảng Bình vừa tổ chức cuộc họp để thẩm định và xét công nhận các địa phương trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu trong giai đoạn 2023 - 2025.
2024-09-08 16:00:00

Phát huy vai trò của doanh nghiệp thương binh trong việc bảo vệ môi trường

Trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, sự thay đổi về hành vi và nhận thức của xã hội đã tạo ra cả áp lực và động lực mới cho doanh nghiệp thương binh trong việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường
2024-09-08 11:35:16

Thiệt hại do bão YAGI gây ra tại các địa phương

Trong ngày 7/9, siêu bão YAGI đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh phía Bắc gây thiệt hại rất lớn cho các địa phương như Quảng Ninh, Hải phòng, Hà Nội... Nhiều nhà dân, trường học, đường phố hư hỏng nặng nề, còn nhiều thiệt hại ở mức rất lớn và chưa thể thống kê chính xác.
2024-09-08 10:20:02
Đang tải...