Cô giáo khuyết tật gieo ước mơ cho trẻ khiếm thính
Cô giáo Linh Thị Sơn cùng các em học sinh lớp 5 trường PTCS Dân lập Dạy trẻ câm điếc Hà Nội. |
Đồng cảm cùng số phận
Hai chị em cùng bị khiếm thính, cùng học một trường nhưng em lại học cao hơn chị một lớp. Mang tâm lý e ngại, lớn tuổi còn đi học, chị Nguyễn Thị Quyên (32 tuổi, ở Hà Tây cũ) - học sinh lớn tuổi nhất lớp 5, trường PTCS Dân lập Dạy trẻ câm điếc Hà Nội, chán nản, luôn mặc cảm, muốn nghỉ học. Hay Văn Hồng Anh (14 tuổi, Vĩnh Phúc) hàng ngày miệt mài theo chân bác từ nhà trọ tới trường đã 4 năm nay khi không có tình thương của bố mẹ. Mặc cảm với hoàn cảnh, Hồng Anh nhút nhát, rụt rè, không tự tin giao tiếp trước bạn bè. Đó chỉ là một trong vô vàn khó khăn mà cô Linh Thị Sơn gặp trong công tác giảng dạy tại trường đặc biệt này. Những lúc khó khăn ấy, cô phải khuyến khích, động viên học sinh để tiếp tục việc học.
Gần hai năm bám trường, bám lớp, từ vùng sâu, vùng xa đến với trẻ khiếm thính, tuy thời gian chưa dài nhưng cô Sơn đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhờ sự đồng cảm, thấu hiểu khó khăn với người khuyết tật (cô cũng bị khuyết tật vận động), cô Sơn luôn kiên trì, nỗ lực hết mình để dìu dắt học sinh vươn lên, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Lấy sự tiến bộ của trò là niềm vui
Cô Sơn kiên định với suy nghĩ, dạy học sinh khuyết tật hay học sinh bình thường, quan trọng là phải có cái tâm với nghề, dạy bằng tất cả tình yêu thương học sinh. Thành quả sau gần 2 năm gắn bó với trẻ khiếm thính, cô giáo trẻ đã tạo động lực, gieo lên niềm tin cho trẻ thấy việc học là cần thiết và ý nghĩa. Cô luôn tìm tòi, đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến, linh hoạt phương pháp giảng dạy giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ bài học. “Ở lớp, nhiều học sinh không chỉ bị khiếm thính mà còn mắc thêm những bệnh lý khác, nhiều hoàn cảnh éo le nên càng khó khăn trong việc học và hình thành ý thức, nền nếp. Để giúp học sinh hiểu bài, tôi phải sử dụng rất nhiều phương pháp, kể cả lời nói, ký hiệu, tranh ảnh, trình chiếu…” - cô Sơn chia sẻ.
Song song với giảng dạy, cô Sơn thường tổ chức và duy trì các hoạt động ngoài giờ lên lớp, kết hợp cùng nhóm Dự án Kid+ tổ chức những buổi chia sẻ về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, giúp các em nâng cao hiểu biết và phòng tránh nguy cơ xâm hại tình dục. Để hình thành sự tự tin cho học sinh, trong những giờ giải lao, cô thường chọn một tiết mục văn nghệ để các em nhảy hay biểu diễn theo, dần dần tạo sự hứng thú, vui vẻ, thoải mái trước khi vào học…
Sự gần gũi, tâm huyết với công việc của cô Linh Thị Sơn đã giúp những học sinh đặc biệt của mình có nhiều cơ hội được giao lưu với học sinh trên toàn TP, nhất là trong những dịp trường có các đoàn học sinh đến giao lưu vào dịp Hè hoặc đoàn phụ huynh - học sinh đến tặng sách, hướng dẫn làm bánh... Từ đó, các học sinh khiếm thính ngày càng tiến bộ, thêm phần tự tin, hòa nhập cộng đồng. “Niềm vui của thầy, cô giáo không có gì hơn ngoài sự tiến bộ của học trò” - cô giáo trẻ nói.
Mặc dù còn nhiều khó khăn vất vả, công cụ hỗ trợ dạy học còn thiếu thốn nhưng với tình thương dành cho học sinh khiếm thính, cô Sơn cũng như trường PTCS Dân lập Dạy trẻ câm điếc Hà Nội vẫn đang hàng ngày cố gắng, nỗ lực để dìu dắt các em vươn lên, hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.