Cơ hội xuất khẩu gạo mùa dịch Covid-19
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị tổng kết 10 năm đề án an ninh lương thực. Số liệu báo cáo tại hội nghị cho thấy: năm 2018, sản xuất lúa quy ra gạo của Việt Nam là 30,7 triệu tấn, trong khi tiêu thụ nội địa là hơn 9 triệu tấn. Như vậy, vẫn còn dư khoảng 21,7 triệu tấn gạo và nếu trừ đi phần cho xuất khẩu hàng năm là 6-7 triệu tấn, thì vẫn còn dư 14,7 đến 15,7 triệu tấn gạo (lấy số tròn là 15 triệu tấn). “Đó là trong điều kiện của năm sản xuất bình thường. Trường hợp xảy ra sự cố đột biến do hạn hán mất mùa, thì lấy mốc của năm 2016 - năm khô hạn lịch sử khiến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị thiệt hại khoảng 1 triệu tấn lúa, tương đương quy ra khoảng 500.000 tấn gạo. Như vậy, nếu tính cả nước, thiệt hại đến 1 triệu tấn gạo do tình hình bất ngờ của thiên tai, thì vẫn còn dư đến 14 triệu tấn gạo.
Trong khi đó, câu chuyện an ninh lương thực lâu nay được mặc định là ăn gạo, dù người Việt tiêu thụ nhiều gạo. Nhưng lương thực không chỉ có gạo, mà còn những cây lương thực, thực phẩm khác và phải được nhìn ở góc độ dinh dưỡng. Rõ ràng, thống kê 10 năm gần đây cho thấy tỉ lệ tiêu dùng gạo của người Việt Nam đã giảm đi và đây cũng là xu thế tất yếu của các nước khi đời sống người dân tốt hơn. Như vậy, nếu chọn một giải pháp an toàn trong bối cảnh hiện nay là ngưng xuất khẩu gạo, trong khi đó, nguồn cung quá dư thừa, thì sẽ tạo ra một nguy cơ gánh nặng cho người trồng lúa rất lớn. Chúng ta lấy cái gì để bù đắp nếu như không xuất được gạo, không giải phóng được lượng hàng hóa, sẽ sử dụng làm cái gì?.
Trong bối cảnh ngành công nghiệp chế biến sản phẩm sau gạo trong nước chưa phát triển để phục vụ tiêu dùng của 100 triệu dân, trong khi lượng gạo dư thừa quá lớn (gần 22 triệu tấn, chưa trừ xuất khẩu hàng năm 6-7 triệu tấn và tính trong năm sản xuất bình thường, không có thiệt hại do thiên tai) sẽ giải quyết ra sao?
Trong bối cảnh này, rõ ràng xuất khẩu nó vẫn là kênh giải quyết đầu ra của người nông dân, tất nhiên nó không phải là một kênh tuyệt đối, nếu “cắt đứt” luôn kênh tiêu thụ 6-7 triệu tấn gạo hàng năm, sẽ là một gánh nặng rất lớn cho ngành lúa gạo.
Thu hoạch lúa
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đạt 928.798 tấn, tăng 31,7%. Tại một số thị trường, lượng xuất khẩu tăng rất mạnh như Malaysia tăng 149%, Trung Quốc tăng 595%... Đây là nguyên nhân chính khiến giá thóc, gạo trong nước cũng biến động mạnh, tăng khoảng 20-25% tùy theo chủng loại.
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định tiếp tục tạm ngưng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới trong khi chờ đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành vào ngày mai (26/3). Một số chuyên gia cảnh báo rằng, nếu tính toán không kỹ lưỡng, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội xuất khẩu gạo giá tốt giống như câu chuyện đã từng xảy ra vào thời điểm năm 2008.
Việt Nam hiện có 3,8 triệu héc-ta đất lúa với năng suất hiện nay khoảng 46-49 triệu tấn quy gạo. Trong số này, có thể xuất khẩu từ 7-8 triệu tấn. Trong nước sử dụng 27,7 triệu tấn các loại. Và hiện nay hoạt động sản xuất lúa gạo trong nước đủ sức cân đối. Năm 2019, Việt Nam xuất đi 6,37 triệu tấn, tương ứng với 2,8 tỉ đô la Mỹ. Trong đó Philippines là nước mua nhiều nhất với 2,13 triệu tấn…
Hiện tại, trước thời điểm 24/3, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã tập kết hàng từ TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL ra Hải Phòng để xuất khẩu. Bình quân một doanh nghiệp nhỏ (tính theo thống kê của các hãng tàu chở gạo) xuất đi 54 ngàn tấn/doanh nghiệp/tháng. Tức là gần 490 ngàn tấn gạo đã và đang chuẩn bị xuống tàu xuất đi nếu bị ngưng lại sẽ ảnh hưởng lớn đến chuỗi xuất khẩu gạo, từ doanh nghiệp vận chuyển, chuỗi hậu cần (logistics) đến các bên mua-bán, chưa kể chi phí lưu kho, chất lượng gạo bị ảnh hưởng...
Vụ đông xuân 2019-2020, toàn vùng Nam bộ xuống giống hơn 1,6 triệu ha, giảm 68.500 ha, năng suất ước đạt 69,35 tạ/ha, tăng 2,05 tạ/ha; sản lượng ước đạt 11,2 triệu tấn, giảm 129.000 tấn so với vụ đông xuân 2018–2019. Trong đó, các tỉnh ĐBSCL xuống giống 1,54 triệu ha, giảm 63.000 ha; năng suất ước đạt 69,79 tạ/ha, tăng 2,01 tạ/ha; sản lượng ước đạt 10,7 triệu tấn, giảm 118.000 tấn. Nhìn chung, tình hình xuống giống vụ đông xuân 2019-2020 tại các tỉnh ĐBSCL được triển khai sớm từ 20-30 ngày so với vụ đông xuân năm trước. Thời tiết thuận lợi giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, sâu bệnh ít; cho năng suất cao, phẩm chất gạo tốt. Có thể nói, tình hình hạn mặn về sớm, lấn sâu và kéo dài, nhưng nhờ chủ động nên vụ đông xuân ở ĐBSCL cơ bản được mùa.
Theo GS-TS. Võ Tòng Xuân cho biết, chúng ta không lo thiếu gạo vì lượng lúa gạo vừa thu hoạch trong vụ đông xuân 2019-2020, sau khi đã dành cho an ninh lương thực rồi vẫn dư thừa ít nhất 3 triệu tấn. Cần cho xuất khẩu gạo lúc này vì gạo Việt Nam đang được mua giá cao do Thái Lan mất mùa lúa, Trung Quốc đã bán hết kho dự trữ vì gạo quá cũ, giá rẻ hơn nên năm ngoái gạo Việt Nam điêu đứng; một số quốc gia như: Philippines, Indonesia, Malaysia… đều đang thiếu gạo vì ảnh hưởng dịch COVID-19… Nếu Việt Nam chậm ký hợp đồng giành khách hàng thì Thái Lan sẽ ký trước chúng ta. Tôi e rằng không còn cơ hội cho gạo Việt Nam khi chúng ta đến sau.
GS-TS. Võ Tòng Xuân đề xuất Thủ tướng Chính phủ cứ cho doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu gạo, khi kiểm tra còn gạo sau khi trừ 1,5 triệu tấn dành cho an ninh lương thực. Tổng lượng gạo thu hoạch vụ này được khoảng 5,5 triệu tấn.
Chừa chừng 1,5 triệu tấn cho an ninh lương thực, trừ 0,9 triệu tấn đã xuất còn tồn 3,1 triệu tấn là xuất được. Thủ tướng nên yêu cầu hải quan tổng hợp lại số lượng gạo xuất mới, đến khoảng 3 triệu là dừng không cho xuất nữa là vừa. Vì khoảng 2,5 - 3 tháng nữa bà con nông dân lại thu hoạch lúa vụ hè thu.
Chính phủ lo lắng cân nhắc yếu tố đảm bảo an ninh lương thực do dịch bệnh COVID-19 là đúng, chúng ta hoàn toàn yên tâm dù có ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng không lo thiếu gạo đâu. GS. Xuân nghĩ dịch bệnh có ảnh hưởng nhưng lượng gạo cho dân dùng vẫn như thế, không tăng, chỉ lo ngại là dịch bệnh mà Nhà nước lại không ngăn được nạn đầu cơ tích trữ trục lợi. GS. Xuân mong Thủ tướng không để lặp lại khuyết điểm trong điều hành xuất khẩu gạo năm 2008, mất cơ hội cho gạo Việt Nam mà rất nhiều năm sau mới giành lại được.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.