Con cá tra đang gặp khó cần được hỗ trợ
Diện tích nuôi lớn
Báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), tới hết tháng 6/2021, tổng diện tích thả nuôi cá tra đạt 1.750ha, tăng 1,01% so với cùng kì năm 2020. Sản lượng thu hoạch đạt 704,1 nghìn tấn, tăng 0,9% so với cùng kì năm 2020 (698 nghìn tấn). Các địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất là: Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang và TP. Cần Thơ.
Trong đó, Đồng Tháp là địa phương nuôi thả cá tra lớn nhất vùng ĐBSCL, với diện tích nuôi là 1.517,27ha, diện tích thu hoạch là 434,91ha, sản lượng thu hoạch 181.198 tấn.
Lượng công nhân làm việc tại nhà máy chế biến được duy trì ở mức 35-45% .
Chi phí tăng cao
Dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, để duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp (DN) chế biến cá tra tại khu vực ĐBSCL buộc phải giảm quy mô sản xuất (để phòng, phống dịch bệnh Covid-19), duy trì lực lượng công nhân sản xuất tại nhà máy từ 35-45%, đồng thời phải thực hiện phương châm sản xuất “3 tại chỗ”. Vừa giảm lực lượng lao động trong sản xuất, vừa tổ chức cho công nhân ăn, ở, sản xuất tại chỗ nên hiệu quả sản xuất không có.
Một cuộc khảo sát mới đây của Hiệp hội DN Chế biến Thủy sản Việt Nam (VSEP) tại ĐBSCL cho biết, đến nay chỉ có 30% DN ở khu vực này còn duy trì hoạt động theo phương châm “3 tại chỗ”, những DN còn lại phải đóng cửa để phòng, chống dịch bệnh.
Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt, ông Doãn Tới chia sẻ “Chúng tôi duy trì sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ” để đáp ứng đơn hàng của các nhà nhập khẩu, hạn chế tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn nhập khẩu cá tra lớn trên thế giới. Việc sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ” là không có hiệu quả, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, giữ được khách hàng cực kỳ khó khăn”.
Rủi ro của ngành cá tra trong đại dịch là rất lớn, bởi chi phí sản xuất tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm tăng không đáng kể. Cụ thể, trong khâu nuôi, giá nhập nguyên liệu chế biến thức ăn tăng cao, dẫn đến giá thành nuôi hiện nay lên đến 23.000-23.500 đồng/kg, trong khi giá cá thương phẩm vẫn ở mức 21.000-21.500 đồng/kg. Như vậy, người nuôi sẽ lỗ từ 2.000-2.500 đồng/kg cá xuất hầm.
Ở khâu chế biến, do phải giảm lượng công nhân tại nhà máy để phòng, chống dịch bệnh, nên sản lượng thành phẩm sản xuất mỗi ngày giảm đáng kể, trong khi đó để vận hành được dây chuyền sản xuất thì lượng điện, nước tiêu thụ vẫn ở mức cố định. Trong xuất khẩu, hiện nay do các quốc gia nhập khẩu tăng cường kiểm soát dịch bệnh nên việc thông quan tại các cảng đến rất chậm. Lượng hàng tồn đọng chờ thông quan lớn, vì vậy lượng container rỗng là rất hiếm.
Lợi dụng tình hình này, các hãng tàu biển đã tăng giá vận chuyển khiến chi phí của DN trong khâu bán hàng tăng cao. Cụ thể, trong trạng thái bình thường, 1 container 40 feet xuất từ cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) đến cảng Rotterdam (Hà Lan) là 1.400 USD/container thì nay đã tăng lên 10.000 USD/container nhưng thị trường vẫn khan hiếm container rỗng.
Tương tự, nhiều DN xuất khẩu cá tra khác cũng phản ánh, hiện nay việc vận chuyển nguyên liệu từ vùng nuôi về nhà máy, vận chuyển hàng hóa đi TP.Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn. Trước đó, nhiều container hàng thủy sản bị ách tắc tại các chốt kiểm soát vì tài xế vận chuyển hàng phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19. Ngoài ra, cước vận tải biển quốc tế cũng đã tăng cao gấp nhiều lần, trong khi đó, giá xuất khẩu tại nhiều thị trường lại đứng im.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, giá nguyên liệu vật tư đã tăng 3-4 đợt, các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho hoạt động của nhà máy chế biến tăng từ 5%-25%, giá thức ăn thủy sản cũng tăng từ 15-20%, chưa kể tiền lương người lao động, cước vận tải biển tăng từ 5-7 lần... Vừa qua, khi dịch Covid-19 bùng phát nhanh ở TP. Hồ Chí Minh và lan xuống ĐBSCL thì việc nuôi cá, vận chuyển nguyên liệu tới nhà máy, các nhà máy chế biến cũng gặp rất nhiều khó khăn. Điều này có thể ảnh hưởng theo chuỗi như “hiệu ứng domino” tới tất cả các mắt xích cá tra và giá nguyên liệu trong thời gian tới.
Theo Bộ NN-PTNT, đại dịch Covid-19 gây ra hàng loạt xáo trộn trong chuỗi giá trị thủy sản. Chuỗi cung ứng nguyên liệu và cung ứng thành phẩm bị “đứt gãy”, đơn hàng bị sụt giảm, hoạt động vận chuyển, vận tải hàng hóa bị trì hoãn, “tắc nghẽn” tại các cảng, dòng hàng và dòng tiền đều thiếu hụt hoặc ùn ứ, tồn kho trong bối cảnh doanh nghiệp phải gia tăng tối đa trách nhiệm xã hội với người lao động khiến DN chịu nhiều khó khăn do chịu sức ép lớn trong đại dịch Covid-19. Hiện nay hệ thống logistics kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu, nhất là khu vực ĐBSCL.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, Bộ NN-PTNT đưa ra phương án điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 tại từng tỉnh, thành phố nhằm đảm bảo cung ứng tốt lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, thúc đẩy thiết lập các vùng đệm để tập kết hàng hóa, cùng các địa phương xác định và xây dựng “luồng xanh”, “vùng xanh” cho nông thủy sản để không làm “đứt gãy” chuỗi cung ứng, nhất là các sản phẩm nông thủy sản có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.