Đẩy mạnh công tác chống tham nhũng trong đấu thầu mua sắm công

2024-05-08 23:09:37 0 Bình luận
Tham nhũng chỉ xảy ra khi việc sử dụng quyền lực không hướng tới lợi ích chung của xã hội mà nhằm thực hiện lợi ích cá nhân của người này phương hại đến lợi ích cá nhân của người khác, phương hại đến lợi ích tập thể, lợi ích xã hội. Khi tham nhũng, tiêu cực trở thành phổ biến, quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước bị biến dạng không còn giữ được vai trò điều hòa các lợi ích xã hội.

Quan niệm về tham nhũng trong đấu thầu mua sắm công

Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã lý giải rất ngắn gọn và súc tích về tham nhũng như sau: "tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Các quốc gia tồn tại và phát triển vững mạnh đều quan tâm và tiến hành đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả."[1]. Trong tham nhũng, yếu tố quyền lực là quyết định, phải có quyền lực thì mới có thể sử dụng nó để thu lợi, vậy bản chất của tham nhũng chính là sự “tha hóa” quyền lực để thực hiện lợi ích cá nhân hoặc của một nhóm người làm phương hại đến lợi ích của cá nhân khác, của tập thể và xã hội. Thực tiễn đã chứng minh, khi quyền lực càng cao, càng tuyệt đối thì sự “tha hóa” và “lợi ích nhóm” sẽ càng gia tăng, nếu không có chế tài kiểm soát quyền lực. Quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước nhằm để điều hòa các lợi ích khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau của các giai cấp, giai tầng trong xã hội và duy trì sự ổn định của một chế độ xã hội nhất định. Quyền lực đó bao giờ cũng được thực thi thông qua những con người cụ thể mà lợi ích được quy định bởi chức vụ, địa vị xã hội của họ. Những người được giao quyền lực luôn có xu hướng sử dụng quyền lực, địa vị xã hội để thực hiện một cách tối ưu lợi ích của xã hội nhằm duy trì sự ổn định và như vậy, đây không phải là hành vi tham nhũng. Tham nhũng chỉ xảy ra khi việc sử dụng quyền lực không hướng tới lợi ích chung của xã hội mà nhằm thực hiện lợi ích cá nhân của người này phương hại đến lợi ích cá nhân của người khác, phương hại đến lợi ích tập thể, lợi ích xã hội (nhưng nhiều khi lại được che đậy vì lợi ích chung cua xã hội). Tham nhũng, tiêu cực không chỉ xảy ra trong các hoạt động thuộc khu vực nhà nước, mà còn có sự giúp sức, hỗ trợ đắc lực của các đối tượng hoạt động ngoài khu vực nhà nước.

Các hình thức cụ thể của tham nhũng, tiêu cực:

Thứ nhất là Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái để chiếm dụng tài sản nhà nước, tài sản công dân, che chắn, tiếp tay cho người khác vì động cơ vụ lợi: Đây là hành vi tham nhũng xảy ra nhiều nhất, phổ biến nhất. Kẻ tham nhũng dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để tham ô, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân, nhận hối lộ và dùng tiền, tài sản có giá trị để hối lộ. Những hành vi hối lộ thường rất khó phát hiện hoặc chỉ phát hiện và xử lý được một phần. Rất nhiều kẻ phạm tội đưa và nhận hối lộ đã thoát tội do các cơ quan có trách nhiệm, cơ quan pháp luật đến nay vẫn thiếu biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn và phát hiện do không tìm ra được chứng cứ, thiếu sự hợp tác của cả người đưa và nhận hối lộ vì pháp luật trừng trị đồng thời cả người đưa và người nhận hối lộ; mặt khác, việc đưa và nhận thường là rất bí mật, không có người thứ ba chứng kiến. Có thể thẳng thắn nhận định rằng rất nhiều vụ đưa và nhận hối lộ bị đưa ra ánh sáng là do đối tượng mâu thuẫn nội bộ, ăn chia không đều nên đã tự tố cáo, tự làm lộ.

Thứ hai là Lợi dụng sự sơ hở của luật pháp, chính sách, cơ chế để vụ lợi: Trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách của Nhà nước ta còn một số vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn và dễ bị lợi dụng. Một số người có chức, có quyền đã lợi dụng mọi kẽ hở của cơ chế, chính sách để làm trái, cốt sao thu nhiều lợi cho mình hoặc cho một nhóm có cùng chung mục đích vụ lợi, không cần biết đến hậu quả theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.Lợi dụng sự yếu kém và buông lỏng trong quản lý để hoạt động vì vụ lợi.

Thứ ba là lợi dụng sự yếu kém và buông lỏng trong quản lý để hoạt động vì vụ lợi: Sự yếu kém, buông lỏng quản lý nhà nước và cơ quan quản lý các cấp đã tạo cơ hội cho tham nhũng, tiêu cực phát triển. Những vụ tham nhũng, tiêu cực lớn lên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai, chi tiêu ngân sách, tài chính công, trong công tác đấu thầu, mua sắm tài sản của Nhà nước chính là điển hình của việc lợi dụng sự yếu kém và buông lỏng lãnh đạo quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, kiểm soát của các cơ quan quản lý để thực hiện hành vi tham nhũng với giá trị thiệt hại rất lớn và nghiêm trọng. Loại tham nhũng này thường mang tính chất tập thể, có sự cấu kết chặt chẽ của cả cấp trên và cấp dưới, cả trong Nhà nước với nước ngoài và ngoài xã hội (cả doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân) để tham nhũng, có nhiều trường hợp thông qua thân nhân như: vợ, chồng, con cái, anh em để tác động nhằm mục đích vụ lợi.

Thứ 4 là lợi dụng chức trách nhiệm vụ được giao trong việc tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành những văn bản, hồ sơ kỹ thuật, quy định tiêu chuẩn cho các gói thầu  có lợi cho bản thân, gia đình hoặc một nhóm người có chung động cơ, mục đích vụ lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và cá nhân. Đây là tham nhũng cơ chế. Loại tham nhũng này rất tinh vi, xảo quyệt, rất khó phát hiện và rất khó xử lý.

Biểu hiện của tham nhũng trong hoạt động đấu thầu mua sắm công tại Việt Nam

Mục đích cơ bản của hoạt động mua sắm công là việc cơ quan công quyền có được hàng hóa và dịch vụ ở mức giá thấp nhất hoặc đạt được giá trị đồng tiền ở mức tốt nhất có thể. Việc đảm bảo thị trường mua sắm công hoạt động hiệu quả đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải giải quyết hai thách thức riêng biệt nhưng có liên quan đến nhau: thúc đẩy cạnh tranh hiệu quả giữa các nhà cung cấp và đảm bảo tính toàn vẹn trong quy trình mua sắm. Quy mô của các cuộc đấu thầu công khai chính là nhằm mục đích tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ. Tuy nhiên, một mặt, các doanh nghiệp có thể sẽ tìm cách thoát khỏi áp lực cạnh tranh thông qua sự cấu kết (thông thầu) và hối lộ; mặt khác, mua sắm công cũng thường liên quan đến các dự án lớn với giá trị cao và nhiều rào cản gia nhập, là cơ hội hấp dẫn cho cả tham nhũng và thông thầu. Kết quả, tính hiệu quả của hoạt động mua sắm công có thể bị bóp méo bởi các vấn đề thông thầu - tham nhũng. Trong trường hợp tham nhũng xảy ra thông qua hợp đồng mua sắm công, sự thông đồng giữa các nhà thầu dưới hình thức “quân xanh, quân đỏ”, bồi thường hoặc cấp các hợp đồng phụ … thường được sử dụng để đảm bảo rằng các nhà thầu thua cuộc không để lộ hành vi bất hợp pháp cho cơ quan công quyền. 

Đặc lợi kinh tế thu được từ sự thông đồng, đến lượt mình, trở thành một “dây bấc” dẫn dắt đến tham nhũng khi sự thông đồng này được chính chủ thể có thẩm quyền tạo điều kiện thuận lợi thông qua việc cung cấp cho các nhà thầu thông tin cần thiết. Bên cạnh những hành vi nêu trên, các quan chức mua sắm công khi tham nhũng còn có thể thao túng luật và quy định để bỏ qua đấu thầu cạnh tranh, bỏ qua các cơ chế giám sát bổ sung. Có một số cách thức mà các quan chức mua sắm công tham nhũng thường sử dụng để hạn chế cạnh tranh, bao gồm: (i) đặt ra các quy định của hợp đồng được thiết kế theo cách có lợi cho một doanh nghiệp (đưa hối lộ) cụ thể; (2) chia nhỏ hợp đồng có giá trị cao thành một số hợp đồng nhỏ hơn, để giá trị của hợp đồng này giảm xuống dưới ngưỡng giá trị yêu cầu hợp đồng phải được mở đấu thầu để cạnh tranh; và (iii) gộp nhiều hợp đồng khác nhau lại với nhau để tạo ra một gói thầu phức tạp đến mức chỉ một doanh nghiệp (đưa hối lộ) cụ thể mới có thể thực hiện và do đó có thể được sử dụng để tránh các thủ tục đấu thầu thực sự cạnh tranh.

Mới đây, Tạp chí điện tử Hòa Nhập cũng nhận được phản ánh về gói thầu do Sở Y tế tỉnh Hà Giang làm chủ đầu tư có nhiều điểm bất thường như: giá cao bất thường so với thị trường. Đây là một ví dụ về sự bất cập thực tế trong đấu thầu mua sắm công:

Tại gói thầu “Cung cấp, lắp đặt thiết bị y tế” có mã thông báo mời thầu 20201172959 có giá gói thầu là 4.840.000.000 VND, Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư Bông Sen Vàng tham gia đấu thầu và trúng thầu với giá 4.784.000.000 VND.

Theo phản ánh với giá trúng thầu như vậy tỷ lệ tiết kiệm khá thấp, ngoài ra giá các loại hàng hóa lại cao bất thường so với giá thị trường. Cụ thể gói thầu có mặt hàng Máy thận nhân tạo nhà thầu chào thầu với Model “Dialog+ (710200I) Hãng sản xuất: B.Braun” với giá là 506.000.000 VND với số lượng là 3 thiết bị, trong gói thầu Mua sắm máy thận nhân tạo và máy rửa màng lọc cho Bệnh viện huyện Bình Chánh do Bệnh viện huyện Bình Chánh làm chủ đầu tư có giá là 350.000.000 VND, chênh lệch tới 156.000.000 VND, thậm chí trong gói thầu “Gói thầu số 02: Máy thận nhân tạo” do bệnh viện Thanh Nhàn làm chủ đầu tư thiết bị này chỉ có giá 345.800.000 VND.

Với mặt hàng “Máy thở (Dùng cho người lớn, trẻ em, sơ sinh)” nhà thầu chào sản phẩm “Model máy chính: 840 Ventilator System/Hãng sản xuất máy chính: Covidien/ Medtronic” với giá 685.000.000 VND, tuy nhiên trong gói thầu “Gói thầu số 3: Mua sắm thiết bị hồi sức cấp cứu, hỗ trợ sinh sản” do Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư  thì sản phẩm này cũng chỉ có giá 593.500.000 VND, chênh lệch tới 91.500.000 VND.

So sánh 2 trong tổng số 4 mặt hàng của gói thầu tổng tiền chênh lên hơn 870 triệu đồng, gần 18% tổng giá trị gói thầu:

Nguồn: Thống kê theo phản ánh từ bạn đọc

Hay tại gói thầu Mua thiết bị y tế chuyên dùng phục vụ công tác chuyên môn của Trung tâm y tế huyện Vụ Bản, mã thông báo mời thầu 20211110255, có giá gói thầu là 1.551.000.000 VND, liên doanh nhà thầu Liên danh nhà thầu Vinamedi-Bachtoan (Công ty TNHH Vinamedi Việt Nam, công ty cổ phần Bách Toàn) tham gia đấu thầu và trúng thầu với giá 1.500.000.000 VND.

Theo phản ánh với giá trúng thầu như vậy tỷ lệ tiết kiệm khá thấp, ngoài ra giá các loại hàng hóa lại cao bất thường so với giá thị trường. Cụ thể gói thầu có mặt hàng Máy thận nhân tạo nhà thầu chào thầu với Model “710200I Hãng sản xuất: B.Braun” với giá là 428.000.000 VND với số lượng là 3 thiết bị, trong gói thầu Mua sắm máy thận nhân tạo và máy rửa màng lọc cho Bệnh viện huyện Bình Chánh do Bệnh viện huyện Bình Chánh làm chủ đầu tư có giá là 350.000.000 VND, chênh lệch tới 78.000.000 VND, thậm chí trong gói thầu “Gói thầu số 02: Máy thận nhân tạo” do bệnh viện Thanh Nhàn làm chủ đầu tư thiết bị này chỉ có giá 345.800.000 VND. Với số lượng là 3 thiết bị, tổng chênh lệch là 246.600.000 VND.

Với mặt hàng “Máy theo dõi bệnh nhân” nhà thầu chào sản phẩm “Model: SVM-7603 Hãng sản xuất: Nihonkohden” với giá 108.000.000 VND, tuy nhiên trong gói thầu “Gói 2: Cung cấp trang thiết bị hỗ trợ điều trị” do Bệnh viện Hữu Nghị làm chủ đầu tư  thì sản phẩm này cũng chỉ có giá 94.000.000 VND, chênh lệch tới 14.000.000 VND. Với 2 thiết bị trong gói thầu thì tổng chênh lệch của sản phẩm này lên tới 28.000.000 VND.

So sánh 2 mặt hàng của gói thầu tổng tiền chênh lên gần 275 triệu đồng, gần 18% tổng giá trị gói thầu . Được biết Công ty TNHH Vinamedi Việt Nam là một nhà thầu khá quen thuộc với các gói thầu Mua thiết bị y tế chuyên dùng phục vụ công tác chuyên môn của Trung tâm y tế huyện Vụ Bản hàng năm. Liên tục từ năm 2019, công ty đã trúng liên tục 4 gói thầu với tổng giá trị lên tới gần 6.5 tỷ đồng.

Ngoài ra một vấn đề được phản ánh là việc xây dựng Hồ sơ mời thầu (HSMT), đánh giá Hồ sơ dự thầu (HSDT) của một số gói thầu chưa đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, trong đấu thầu. Việc xây dựng HSMT: Tờ trình của Tổ chuyên gia chưa đúng mẫu quy định tại Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/6/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; HSMT nêu yêu cầu kỹ thuật của hàng hóa dự thầu quá chi tiết, chưa đảm bảo tính cạnh tranh quy định tại khoản 6, Điều 89 Luật Đầu thầu; khoản 2, Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014. 

Vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng trong đấu thầu

Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng phải cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”[2] như Bác Hồ đã dạy.

Chính vì vậy báo chí là một trong những công cụ đắc lực và hiệu quả trong việc ngăn ngừa và vạch trần tệ tham nhũng[3].Vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết, văn kiện của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật... Cụ thể, Điều 75, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định trách nhiệm của các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo trong phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, Ðiều 13 Luật Phòng, chống tham nhũng còn quy định cụ thể về việc họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí về công tác phòng, chống tham nhũng và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng theo quy định của pháp luật về báo chí. Ðiều 14 Luật Phòng, chống tham nhũng cũng quy định về quyền cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó cho cơ quan báo chí. Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng; vừa tuyên truyền, vừa tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta[4]

Có thể khái quát rằng, báo chí có đóng góp quan trọng trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng bằng việc giám sát tham nhũng và nâng cao dư luận xã hội về tham nhũng. Theo kinh nghiệm thế giới, đối với việc đóng góp cho các hoạt động chống tham nhũng, báo chí có ba vai trò quan trọng sau đây: (i) phát hiện tham nhũng; (ii) giám sát và công khai các biện pháp chống tham nhũng của Chính phủ, và (iii) tạo điều kiện thuận lợi cho dư luận của công chúng... [5]. Theo nghiên cứu của tác giả, báo chí có một số vai trò cơ bản trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng cụ thể như sau:

Báo chí góp phần tuyên truyền phổ biến đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng:

Thời gian gần đây, các cơ quan báo chí tích cực tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII); nghị quyết 168/NQ-CP của chính phủ về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng;; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương (khóa XIII); các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chức năng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng…

Qua những nội dung tuyền truyền này, báo chí giúp nhân dân hiểu rõ các quan điểm, chủ trương, sự quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước; các biện pháp đấu tranh chống tham nhũng; trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của cả hệ thống chính trị nói chung và mỗi công dân nói riêng trong công tác phòng, chống tham nhũng; tính cấp thiết của cuộc đấu tranh này. Điều đó đã góp phần quan trọng vào việc “Làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”, như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh [6], qua đó tạo thành sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, kịp thời ngăn chặn phòng ngừa và diệt trừ tận gốc tệ tham nhũng.

Báo chí tích cực phê phán hiện tượng tham nhũng, góp phần chỉ ra nguyên nhân của hiện tượng tham nhũng và những hậu quả xã hội của hiện tượng tham nhũng

Bên cạnh việc xuất bản các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và các chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, báo chí còn phản ánh mạnh mẽ nội dung này thông qua các tác phẩm báo chí, trên mọi phương tiện truyền thông. Không chỉ đơn thuần là việc thông tin về các trường hợp tham nhũng được phát hiện và xử lý, mà các tác phẩm báo chí còn thể hiện sự quyết liệt trong cuộc chiến chống lại hành vi vi phạm pháp luật này.

Nhờ các tác phẩm báo chí, công chúng được hiểu rõ hơn về những hậu quả của tham nhũng đối với xã hội và sự phát triển của đất nước, cũng như ý thức về tầm quan trọng của cuộc chiến chống tham nhũng. Báo chí cũng giúp nâng cao nhận thức về việc này, từ việc nhận biết rằng tham nhũng không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn là vấn đề phổ biến ở nhiều quốc gia khác, đến việc nhận thức về tính liên tục và khó khăn của cuộc chiến chống tham nhũng.

Ngoài ra, báo chí không chỉ giới thiệu thông tin mà còn phân tích nguyên nhân xã hội và kinh tế dẫn đến tham nhũng, từ đó đề xuất các giải pháp hiệu quả để ngăn chặn và xử lý tình trạng này. Báo chí cũng tích cực tuyên truyền và ủng hộ việc cải cách hành chính, xây dựng một nền hành chính minh bạch, hiệu lực và loại bỏ các thủ tục làm việc không minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chống tham nhũng.

Báo chí góp phần công bố những thông tin do nhân dân cung cấp về những hiện tượng, sự việc có biểu hiện tham nhũng

Luật Báo chí quy định rằng báo chí không chỉ là công cụ truyền thông cần thiết đối với đời sống xã hội, mà còn là cơ quan thông tin của Đảng, cơ quan nhà nước, và tổ chức xã hội, cũng như là diễn đàn của nhân dân. Thực tế cho thấy, qua các giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam, báo chí đã phản ánh rõ vai trò quan trọng này. Mối quan hệ giữa báo chí và nhân dân không chỉ đơn thuần là một chiều, mà là một mối liên kết hai chiều: thông qua việc cung cấp nội dung đa dạng, báo chí đã đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, điều này cũng là yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của từng tờ báo. Ngược lại, nhân dân là nguồn thông tin quý báu của báo chí. Bằng cách này, người dân có thể thể hiện ý kiến và phản ánh về những vấn đề xã hội mà họ quan tâm, đặc biệt là vấn đề tham nhũng. Báo chí đã thực sự trở thành tiếng nói của nhân dân, đứng về phía họ, bảo vệ quyền lợi và tạo niềm tin trong cộng đồng. Chính vì lẽ đó và căn cứ khoản 2, Điều 12 Luật Báo chí số 103/2016/QH13, được Quốc hội thông qua ngày 05/04/2016; Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn, với nội dung liên quan đến đấu thầu tại Sở y tế Hà Giang mà được bạn đọc phản ánh, Tạp chí điện tử Hòa nhập đã có công văn số 201/CV-HN ngày 23/11/2023 tới Sở Y tế Hà Giang và công văn số 202/CV-HN ngày 23/11/2023 tới Sở Y tế tỉnh Nam Định để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền (Tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được công văn phản hồi).

Báo chí công bố những thông tin do bản thân tìm hiểu, điều tra phát hiện những hiện tượng có biểu hiện tham nhũng

Dựa trên Luật Phòng chống Tham nhũng ban hành ngày 27-3-2007, Chính phủ đã ra Nghị định số 47/2007/NĐ-CP, tập trung vào vai trò và trách nhiệm của xã hội trong việc phòng chống tham nhũng, đặc biệt là điều chỉnh và rõ ràng hóa vai trò của báo chí trong lĩnh vực này. Theo đó, khi nhận được các phản ánh, tin tức từ công dân về các dấu hiệu của tham nhũng hoặc thông qua công việc nghề nghiệp của mình phát hiện ra các biểu hiện này, các cơ quan báo chí và nhà báo có thẩm quyền được quyền thu thập thông tin và tài liệu theo quy định pháp luật để làm rõ về các vấn đề liên quan đến tham nhũng và yêu cầu các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin và tài liệu có liên quan.

Điều này cung cấp một cơ sở pháp lý quan trọng cho báo chí và các cơ quan liên quan để tiếp nhận, nghiên cứu và điều tra, đồng thời công bố các bài viết, các tác phẩm phát thanh và truyền hình phản ánh các hành vi tham nhũng. Thực tế đã cho thấy, thông qua các nguồn tin ban đầu từ cộng đồng, với năng lực và các phương tiện nghiệp vụ, nhiều vụ việc tham nhũng đã được báo chí và các cơ quan liên quan làm sáng tỏ. Các bài báo, loạt bài phóng sự và điều tra đã tiết lộ sự thật, tiết lộ danh tính của những cá nhân, tập thể tham nhũng. Những báo cáo này không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng mà còn tạo ra một dư luận xã hội tích cực trong việc đấu tranh chống lại các hành vi này, đồng thời thúc đẩy các cơ quan chức năng vào cuộc. Trong nhiều trường hợp, kết quả từ công tác điều tra của báo chí cũng là cơ sở ban đầu cho các cơ quan chức năng mở rộng điều tra và xử lý các vụ việc tham nhũng và tiêu cực tương tự.

Tuy nhiên, cũng đáng lưu ý là, trong nỗ lực đưa thông tin nhanh chóng, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh thông tin gay gắt giữa các cơ quan báo chí để thu hút độc giả, đôi khi các nhà báo đã phạm những sai phạm nghề nghiệp. Điều này có thể gây ra hậu quả lớn, khiến họ phải đối mặt với các vấn đề pháp lý và ảnh hưởng đến uy tín của bản thân và tổ chức.

Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh một thực trạng quan trọng: các nhà báo và cơ quan báo chí vẫn chưa có môi trường làm việc thuận lợi và bảo vệ đầy đủ. Họ còn phải đối mặt với khó khăn trong việc tiếp cận nguồn thông tin chính thống và đáng tin cậy, cũng như thiếu hụt kinh phí để thực hiện công việc điều tra các vụ án phức tạp. Những vướng mắc này, nếu được quan tâm và giải quyết một cách thỏa đáng, sẽ giúp báo chí đóng vai trò quan trọng hơn trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng.


 [1] [3] [4] Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023 Tr15, Tr97

[2] [6] Hồ Chí Minh: Toàn tập,Nxb Chính trị Quốc gia, Sđd, t.13, tr.419. t.10, tr.543-546

[5] Nghiên cứu Chính sách “Vai trò của báo chí trong việc giám sát và phát hiện tham nhũng: Kinh nghiệm quốc tế” (UNDP - tháng 11-2008). 

 

 

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ phát động Tết trồng cây Xuân Ất Tỵ năm 2025

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu Xuân năm mới, kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025), 66 năm Ngày Bác Hồ phát động Tết trồng cây (1959 -2025); thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ.
2025-02-05 10:36:42

Quảng Ninh: Người khuyết tật liệu có bị mất nhà ở?

Tạp chí điện tử Hoà Nhập nhận được đơn kêu cứu của công dân về việc Tòa án Nhân dân thành phố Hạ Long, Quảng Ninh thụ lý vụ án tranh chấp nhà đất, trong đó bà Nguyễn Thị Hoa, người khuyết tật nặng, đang là chủ sở hữu và sinh sống ổn định trong ngôi nhà.
2025-02-04 20:59:19

Hải Phòng tổ chức chương trình nghệ thuật ‘Đảng cho ta mùa xuân’

Nhân Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), TP.Hải Phòng tổ chức chương trình nghệ thuật “Đảng cho ta mùa xuân” vào tối 3/2. Chương trình ôn lại những trang sử hào hùng của Đảng quang vinh, biết ơn vô hạn Bác Hồ - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta.
2025-02-04 14:03:41

Phát động ‘Tết trồng cây' ở vườn hoa 120 năm tuổi

Ngày 4/2, tại vườn hoa Diên Hồng, UBND quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) tổ chức lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Ất Tỵ.
2025-02-04 14:00:00

Kinh tế Việt Nam vượt kỳ vọng, khẳng định vai trò điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn

Nhờ sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam trong năm 2024 vừa qua ghi nhận sự phục hồi tích cực, với xu hướng tốt hơn qua từng tháng, từng quý; tính chung cả năm 2024 đã đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu, trong đó có những kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực, được Nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Qua đó, Việt Nam khẳng định vị thế của một đất nước đang vươn mình trở thành điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn trong trung và dài hạn.
2025-02-04 08:48:03

Hải Phòng ‘bắt tay” ngay vào công việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Chiều 3/2, TP. Hải Phòng đã họp, nghe báo cáo, cho ý kiến đối với một số nội dung về tình hình trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025.
2025-02-04 07:50:36
Đang tải...