Đào tạo 20 ngành nghề, hỗ trợ 200.000 đồng/khoá học cho người khuyết tật, hộ nghèo tại Hà Nội
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng ban hành kế hoạch tổ chức 88/KH-UBND Đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022.
Kế hoạch nêu rõ mục tiêu tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 21.239 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%. Thời gian tổ chức đào tạo hoàn thành trước ngày 31.12.2022.
Có 5 đối tượng được tham gia chính sách học nghề, bao gồm: (1) Người khuyết tật; người thuộc đồng bào dân tộc thiểu số nghèo;
(2) người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
(3) Người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm;
(4) Người thuộc hộ nghèo được tham gia chính sách học nghề.
(5) Phụ nữ, lao động nông thôn không thuộc các đối tượng trên cũng được tham gia học nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng.
Các đối tượng đáp ứng điều kiện: Từ đủ 15 tuổi trở lên, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học và có nhu cầu học nghề, hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.
Người tham gia học nghề thuộc nhóm 1, 2, 3, 4 được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại học nghề. Mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học, áp dụng đối với trường hợp địa điểm đào tạo cách xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.
Danh mục ngành nghề đào tạo gồm 20 nghề. Trong đó, nhóm nghề phi nông nghiệp có 11 nghề: Mộc mỹ nghệ, Mộc dân dụng; Kỹ thuật sơn mài; Kỹ thuật khảm trai; Sản xuất hàng mây tre, giang, đan; Hàn điện; Điện dân dụng; Sửa chữa máy lạnh và điều hòa không khí; Pha chế đồ uống; May công nghiệp; Xây trát dân dụng.
Nhóm nghề nông nghiệp có 9 nghề: Chăn nuôi thú y, Trồng rau hữu cơ, trồng rau an toàn; Trồng lúa chất lượng cao; Trồng cây ăn quả; Kỹ thuật chăn nuôi lợn; Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh; Kỹ thuật chăn nuôi gia cầm; Kỹ thuật trồng hoa; Trồng đào, quất cảnh.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ dưới 3 tháng phải có đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định.
Về kinh phí, ngân sách thành phố đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chung thuộc cấp thành phố như tuyên truyền, tư vấn học nghề việc làm, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá đào tạo,… Ngân sách quận, huyện, thị xã đảm bảo kinh phí thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ đào tạo và các nhiệm vụ khác theo phân cấp.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.