Đấu tranh chống lại kỳ thị, phân biệt ngoại hình
Theo số liệu trích dẫn từ cuộc khảo sát tại Trường THPT Trần Khai Nguyên (TP HCM), được thực hiện bởi ThS Nguyễn Hà Bích Vân cùng một số giáo viên khác về miệt thị ngoại hình trong trường, cho kết quả 56% học sinh đã từng đối mặt với tình huống này; trong đó, 22,4% học sinh bị rất thường xuyên, chủ yếu tập trung những khuyết điểm của cơ thể như vóc dáng, mặt, da, eo, mông, đùi, chân, tay, răng.
Được biết, khảo sát được các giảng viên gồm: Nguyễn Nữ Nguyệt Anh, Huỳnh Thị Thương, Nguyễn Thị Tường Duy, Thái Gia Đạt, Phùng Tuấn Kha, Lê Thị Diễm Hương của Khoa Xã hội học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM đã thực hiện một nghiên cứu tìm hiểu thực trạng, nguyên nhân và hệ quả của miệt thị ngoại hình trong môi trường ĐH từ tháng 12/2020 đến tháng 6/2021.
Theo đó, đối tượng bị miệt thị ngoại hình là những người không theo chuẩn của xã hội, người thừa cân hay thiếu cân, người khuyết tật, người đã trải qua phẫu thuật thẩm mỹ và thậm chí là những người thuộc cộng đồng LGBT.
Hình thức miệt thị ngoại hình biểu hiện trực tiếp bằng lời nói, cử chỉ, hành động như đánh đập, bạo lực học đường đối với học sinh, sinh viên và gián tiếp thông qua truyền thông và mạng xã hội.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, miệt thị ngoại hình gây tâm trạng tiêu cực, tổn thương tâm lý nghiêm trọng cho người khác, nhất là đối với những sinh viên ở xa nhà mà không có người thân bên cạnh. Có tới 83,6% sinh viên được khảo sát đồng ý với việc bị miệt thị ngoại hình khiến nạn nhân thiếu tự tin hơn khi thuyết trình trước lớp.
Có đến 44% sinh viên cảm thấy không đồng ý và rất không đồng ý với nhận định miệt thị ngoại hình không ảnh hưởng nhiều đến quá trình học tập của sinh viên.
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng miệt thị ngoại hình khiến sinh viên ngại xuất hiện ở những nơi đông người, ngại giao tiếp với nhà tuyển dụng và gây khó khăn hơn cho họ khi tìm kiếm việc làm.
TS Nguyễn Nữ Nguyệt Anh cùng các cộng sự nhấn mạnh, nhà trường nên có những hành động cụ thể để giảm thái độ phán xét, đánh giá về ngoại hình người khác trong sinh viên. Đồng thời giúp những sinh viên gặp phải tình trạng này tự tin hơn thông qua việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền về tác hại của miệt thị ngoại hình, hoạt động truyền cảm hứng trên fanpage của nhà trường, các buổi talk show các chương trình về tìm hiểu văn hóa, tạo môi trường để sinh viên phát huy tài năng và thoải mái, tự tin giao tiếp...
Cũng theo các chuyên gia, giáo dục tâm lý và ứng xử trong các diễn đàn hay trên các phương tiện truyền thông của nhà trường có thể tăng cường sự hiểu biết của sinh viên về miệt thị ngoại hình, giúp giảm thiểu các hành vi này trong môi trường học đường.
Bên cạnh đó, việc giáo dục về nhận thức giúp cho các sinh viên bị miệt thị ngoại hình có thể tìm ra phương cách hữu hiệu bảo vệ bản thân khỏi tình trạng này.
Theo chuyên viên tâm lý Võ Trần Khánh Vy, học viên cao học chuyên ngành tâm lý học Trường ĐH Sư phạm quốc gia Moscow (Nga) “Khi gặp phải những lời miệt thị ngoại hình, bạn nên thật sự bình tĩnh, không nóng vội để lên tiếng hoặc đáp trả.
Để không phải rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực khi bị body shaming, chúng ta có thể tự an ủi bản thân bằng cách hình thành những suy nghĩ như: không có ai là hoàn hảo, ai cũng có những khuyết điểm của riêng mình,… hoặc tìm kiếm sự chia sẻ động viên từ người thân, bạn bè đáng tin cậy".
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.