Đề án phát triển 1 triệu NƠXH cho người có thu nhập thấp triển khai ra sao?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Việc triển khai Đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho người thu nhập (TNT) và công nhân khu công nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển NƠXH trong thời gian tới. Việc chăm lo, giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, đặc biệt là việc phát triển NƠXH để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng TNT khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp.
Việc đầu tư phát triển NƠXH trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu. Tuy nhiên so với yêu cầu đặt ra thì vẫn chưa đạt được như mong muốn. Đến nay mới đạt được 7,79 triệu m2 so với yêu cầu là 12,5 triệu m2…
Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet.
Phân tích các nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế trong phát triển NƠXH, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Thứ nhất, quy định pháp luật (gồm Luật Nhà ở và luật khác liên quan) còn một số tồn tại, vướng mắc, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các nội dung như: Trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, mua bán NƠXH; Xác định giá NƠXH trước khi giao dịch; Chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà ở công nhân; Quy định các dự án NƠXH phải dành diện tích tối thiểu 20% để cho thuê…
Thứ hai, việc bố trí nguồn vốn cho phát triển NƠXH cũng gặp nhiều khó khăn. Thực tế, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ mới bố trí được khoảng 35% nguồn vốn so với nhu cầu. Nguồn vốn cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định chưa được bố trí.
Thứ ba, trong thời gian qua, một số địa phương chưa thực sự quan tâm về phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân. Các địa phương chưa xác định và đưa NƠXH vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm để tập trung nguồn lực đầu tư.
Các địa phương cũng chưa xác định rõ quỹ đất để phát triển NƠXH; chưa quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu vực dự kiến phát triển dự án NƠXH; Chưa thực sự quyết liệt cải cách thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân tham gia đầu tư NƠXH.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển NƠXH, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị: Đối với các Bộ, ngành, cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở (gồm Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch đô thị…) cũng như hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong đầu tư phát triển NƠXH, đảm bảo tăng nguồn cung NƠXH.
Tiếp tục rà soát, nhận diện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án NƠXH đang triển khai thực hiện; Tập trung triển khai có hiệu quả Đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho người TNT và công nhân khu công nghiệp. Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án.
Các địa phương tiếp tục tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo quỹ đất cũng như tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư NƠXH…
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận: Thực tế phát triển NƠXH chưa đạt mục tiêu theo yêu cầu của Chiến lược Nhà ở Quốc gia và giá NƠXH cũng đang ở mức cao.
Nguyên nhân như đã phân tích là do nguồn cung NƠXH và quỹ đất dành cho phát triển NƠXH còn hạn chế. Nguồn vốn đầu tư phát triển NƠXH chưa được đảm bảo. Chính sách ưu đãi, khuyến khích chưa thật sự thu hút doanh nghiệp. Khâu tổ chức thực hiện đầu tư NƠXH còn nhiều phức tạp…
Trong thời gian tới, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp như sửa đổi pháp luật, ban hành các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, thực hiện Đề án phát triển 1 triệu căn NƠXH…, khi đó nguồn cung NƠXH sẽ được cải thiện.
“Thực hiện tổng thể các giải pháp sẽ góp phần đảm bảo giá NƠXH phù hợp hơn với thu nhập của người dân có TNT ở khu vực đô thị, cũng như công nhân khu công nghiệp trong thời gian tới” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về tính khả thi của Đề án, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ cùng với các cơ quan, bộ, ngành tập trung rà soát các quy định của pháp luật, đảm bảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển NƠXH, trong đó bao gồm cả các quy định về quy trình, thủ tục đầu tư NƠXH. Đồng thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ thủ tục hành chính trong đầu tư đất đai, xây dựng, quy hoạch để triển khai phát triển NƠXH. “Đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH sẽ thực hiện cụ thể các giải pháp này” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết.
Nhu cầu nhà ở cho đối tượng người TNT đô thị và công nhân khu công nghiệp còn rất lớn. Thời gian vừa qua, các dự án NƠXH đã triển khai thực hiện chưa đáp ứng được nhu cầu và cũng chưa đạt mục tiêu mà Chiến lược nhà ở quốc gia đề ra. Chính vì vậy, được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã xây dựng và trình Đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho người TNT, công nhân khu công nghiệp.
Để triển khai Đề án cần thực hiện tổng thể nhiều giải pháp, từ rà soát, xây dựng pháp luật cho đến tổ chức triển khai thực hiện, huy động nguồn lực đầu tư...
“Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, các địa phương và sự hưởng ứng của doanh nghiệp…, Đề án đảm bảo tính khả thi” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhận định.
Theo dự thảo, Đề án triển khai theo 2 giai đoạn. Thứ nhất là giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025, trên cơ sở xác định nhu cầu NƠXH của các địa phương tổng hợp về và khả năng nguồn lực để đáp ứng cho nhu cầu này, Bộ Xây dựng đặt ra mục tiêu hoàn thành khoảng 570 nghìn căn hộ, đáp ứng khoảng 46% nhu cầu.
Giai đoạn 2, từ năm 2025 đến 2030, cũng trên cơ sở nhu cầu của các địa phương, Bộ Xây dựng xác định sẽ hoàn thành khoảng 845 nghìn căn hộ, đáp ứng khoảng 73% nhu cầu.
“Với các giải pháp đồng bộ, thực hiện quyết liệt và sự hỗ trợ, phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương và sự hưởng ứng của doanh nghiệp, tin tưởng rằng chúng ta sẽ thực hiện thành công Đề án phát triển 1 triệu căn hộ NƠXH, nhà ở công nhân” – Bộ trưởng nhắc lại một lần nữa.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.