Dịch Covid-19: Nhiều mức xử phạt khi tập trung đông người nơi công cộng
Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra giám sát người vi phạm khi không đeo khẩu trang nơi công cộng
Sở Tư pháp Hà Nội vừa có văn bản tổng hợp, tuyên truyền đến người dân về các mức xử phạt cho từng trường hợp vi phạm các hành vi trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 Cụ thể:
– Người không đeo khẩu trang nơi công cộng bị phạt tiền tối đa 300.000 đồng.
– Người vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền tối đa 5.000.000 đồng, nếu vứt ra vỉa hè, đường phố bị phạt tiền tối đa 7 triệu đồng.
– Người che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh COVID-19 bị phạt tiền tối đa đến 2 triệu đồng.
– Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch phạt tiền tối đa 10 triệu đồng/người, 20 triệu đồng với tổ chức.
– Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch COVID-19 phạt tiền tối đa 10 triệu đồng/người, 20 triệu đồng/tổ chức.
– Người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch phạt tiền tối đa 20 triệu đồng.
– Người trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly để phòng, chống dịch COVID-19 có thể bị xử phạt hành chính tối đa 10 triệu đồng hoặc bị xử lý theo điều 240 Bộ luật hình sự trong trường hợp gây truyền dịch bệnh cho người khác.
– Hành vi trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly mà làm gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bị xử lý theo điều 295 Bộ luật hình sự.
– Người nào khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác bị xử lý theo điều 240 Bộ luật hình sự
– Người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19 có thể bị phạt tiền tối đa 15 triệu đồng hoặc bị xử lý theo điều 288 Bộ luật hình sự.
– Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì bị xử lý theo điều 330 Bộ luật hình sự.
– Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ… ) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh COVID-19, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý theo điều 295 Bộ luật hình sự.
– Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh COVID-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý theo quy định tại điều 196 Bộ luật hình sự.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị tất cả các quận, huyện, thị xã cập nhật kịp thời các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thành ủy về phòng, chống dịch. Tăng cường công tác tuyên truyền về: nâng cao ý thức liên quan đến phòng, ngừa (rửa tay nước, khô; bắt buộc đeo khẩu trang; giữ khoảng cách 2m); cách ly tại nhà nghiêm túc, giữ khoảng cách với người trong nhà; không ra đường trong vòng 2 tuần, nhất là người già; đóng cửa tất cả các công viên; các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, yếu tố nước ngoài tự giác khai báo y tế để được lấy mẫu xét nghiệm.
Các Sở, ngành, quận, huyện thường xuyên động viên, phát hiện gương Người tốt, việc tốt để kịp thời khen thưởng. Phòng chống dịch là nhiệm vụ chính, song các cấp từ thành phố đến phường, xã cần chú trọng chăm lo công tác an sinh xã hội đối với người có công, người nghèo, người khuyết tật, công nhân mất việc làm; vận động cộng đồng chung tay giúp đỡ những đối tượng này.
Hạn chế tối đa dịch vụ công tại công sở, tăng cường tuyên truyền để người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến qua mạng… Lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, kịp thời giải quyết các thắc mắc. Đặc biệt đảm bảo các dịch vụ thiết yếu nhất cho người dân như: điện, nước, viễn thông; theo đó, các đơn vị này trực 24/24 nhằm ứng phó với các sự cố.
Chủ tịch cũng yêu cầu các phường, xã phải tổ chức đi kiểm tra và xử phạt người dân ra đường không đúng nội dung cho phép. Đối với việc xét nghiệm, tất cả các trường hợp test nhanh cho kết quả dương tính, đề nghị chuyển đến bệnh viện gần nhất, nếu dương tính lần 2 chuyển Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2, nếu âm tính, yêu cầu cách ly tại nhà. Đề nghị các đơn vị bổ sung cho quận Long Biên để làm các test nhanh cho toàn bộ khu vực có nhiều nhiều tiếp viên hàng không, thành viên tổ bay tại phường Bồ Đề.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.