Độc đáo kiến trúc chạm khắc chùa Khmer Nam Bộ
Người Khmer Nam bộ có câu: “Sống vào chùa gửi thân, chết vào chùa gửi cốt”. Có thể nói ngôi chùa người Khmer là nơi chứa đựng những giá trị tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc, nơi sinh hoạt tôn giáo, trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư trong phum, sóc. Vì vậy, ngôi chùa Khmer Nam bộ là một công trình kiến trúc trang trí chạm khắc có nhiều giá trị về mặt thẩm mỹ, thể hiện nét văn hóa nghệ thuật và là không gian thiêng liêng nhất.
Các ngôi chùa thường xây dựng trên một khu đất rộng, nơi được cho là có tụ linh khí của đất trời và còn tuân thủ một số nguyên tắc trong triết lý Phật giáo Tiểu thừa, cũng như phong tục tập quán của người Khmer. Ngoài ra, các chùa cũng trồng nhiều loại cây tạo bóng mát như cây thốt nốt, cây sao hay cây dầu...
Nhìn chung tổng thể công trình kiến trúc của ngôi chùa đều có hàng rào, cổng chùa, chánh điện, nhà sala, nhà tăng, nhà thiêu, tháp để cốt... Toàn bộ giá trị của nghệ thuật kiến trúc tập trung chủ yếu nhất ở ngôi chánh điện, được xây dựng ở vị trí trung tâm và nền cao hơn so với các công trình khác.
Chánh điện quay mặt về hướng Đông, vì người Khmer quan niệm rằng, Đức Phật ngự ở hướng Tây mặt nhìn về hướng Đông để cứu độ chúng sinh, ban phước. Chánh điện còn là nơi tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc trang trí của người Khmer. Vì vậy, chánh điện phải được xây dựng theo đúng quy cách, kích thước nhất định như: chiều dài bằng hai lần chiều rộng, chiều cao bằng chiều dài, mái và thân là hai phần bằng nhau và có hàng lang bao quanh điện. Chính điện có 4 cửa chính ở hai hướng Đông - Tây cùng 7 hoặc 9 cửa sổ ở hướng Nam và Bắc. Kết cấu kiến trúc chính điện là hỗn hợp gỗ, gạch ngói, hai hàng cột cái bằng gỗ quý dựng cao ở giữa, các lực đều dồn lên hai hàng cột này và áp vào các đầu trụ trốn đặt trên xà ngang nối giữa hai đầu cột cái, tạo thành bộ mái ở giữa chính điện cao vút. Từ đầu các cột cái, các kèo và xà vách nối ra tường xây xung quanh tạo lớp mái thứ hai và lớp mái thứ ba ra đầu cột hiên, che kín hành lang. Nhìn những chánh điện chùa Khmer với bộ mái ba lớp, các góc đầu đao đuôi rồng cao vút uốn lượn cho ta cảm giác mềm uyển chuyển, tạo thông thoáng nhiều ánh sáng bên trong chùa.
Người Khmer quan niệm hình tam giác mang ý nghĩa biểu trưng của con số 3 như: Phật – pháp – tăng; Quá khứ - hiện tại - tương lai,... Không những thế, các cửa sổ và cột chùa là những con số 3 – 5 – 7 – 9. Trên bàn thờ Phật có lọng 3 tầng biểu hiện tam bảo, 5 tầng biểu hiện 5 hóa thân của Phật, 7 tầng là phải qua 7 kiếp người mới chết, số 9 là số không gian nhà chùa. Như vậy, tổng thể ngôi chùa được quy vào một tam giác cân như một quy ước có tính tượng trưng triết học.
Trong hình tam giác làm cho ngôi chùa thêm phần cứng cáp và chắc chắn được kết hợp với những mô-típ trang trí hoa văn tỉ mỉ, tinh tế, đa dạng và phong phú, tạo thành một tổ hợp lớn không tách rời nhau giữa trang trí và kiến trúc.
Các vách tường bên trong gian chánh điện, nghệ nhân vẽ kín những bức tranh kể về cuộc đời của Đức Phật từ lúc sơ sinh cho đến khi tu thành Phật. Trên trần nóc chánh điện cũng được vẽ tả về cảnh giao đấu giữa các Tiên nữ và Chằn hoặc cảnh Tiên làm lễ, cảnh Ápsara dâng hoa...
Ở vị trí bệ thờ tượng Phật Thích Ca, có bệ tượng tòa sen chia thành nhiều cấp, trang trí rất tỉ mỉ, kỷ lưỡng. Trên tòa sen là tượng Phật đặt ở chính giữa. Về mô-típ tượng Phật, được thờ phổ biến nhất là lúc Phật đắc đạo ngồi tham thiền (đất chúng giám). Mô-típ được dùng để thờ phổ biến thứ hai là tượng Phật trong tư thế đứng thẳng, cứu độ chúng sinh. Tượng mặc áo cà sa buông thõng, phủ kín lưng. Tay phải của Phật buông xuôi bên hông, tay trái đưa về phía trước ngực, lòng bàn tay hướng ra, các ngón tròn, dài thẳng hướng lên trên. Trong lòng bàn tay thường có một đường xoắn ốc là quí tướng của Phật.
Chùa TaPa điêu khắc Khmer |
Trong tổng thể kiến trúc xây dựng ở những ngôi chùa Khmer Nam bộ, nghệ thuật điêu khắc được thể hiện rất công phu và phong phú về đề tài cũng như chất liệu thể hiện với nhiều hình dáng, hoa văn trang trí độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Khmer Nam bộ truyền thống. Chính vì vậy, nghệ thuật điêu khắc được các nghệ nhân Khmer đặc biệt quan tâm trong kiến trúc, xây dựng chùa Khmer ở Nam bộ.
Những nghệ nhân Khmer đã vận dụng tất cả mọi phương tiện, chất liệu, như: Gỗ, đá, kim loại, xi măng… để điêu khắc trang trí cho ngôi chùa làm sao đẹp nhất, lộng lẫy nhất và trở thành biểu tượng của nghệ thuật truyền thống. Theo đó, chất liệu gỗ thường được dùng để điêu khắc tượng Phật. Ngoài ra, gỗ còn được dùng để chạm, khắc những phù điêu, hoa văn khung cửa, cánh cửa… Về hoa văn có nhiều hình thức phối hợp lẫn nhau như hoa văn khắc chìm, khắc nổi bằng gỗ hay bằng đá, có loại được đổ khuôn đúc bằng xi măng, có loại đắp trực tiếp, cẩn, trám bằng nhiều chất liệu khác nhau.
Những nghệ nhân điêu khắc Khmer cho biết, cái làm nên sự khác biệt và tính độc đáo của nghệ thuật điêu khắc Khmer so với nghệ thuật điêu khắc khác trong cùng khu vực cư trú là ở họa tiết, hoa văn trang trí và phong cách thể hiện mang đậm nét văn hóa Khmer truyền thống với những khung trang trí đủ hình đủ vẻ như: Vuông, bầu dục, tròn… thể hiện hình ảnh về các thiên thần, vũ nữ, rồng, rắn thần, chim thần, như các Tê-va-đa, Apsara, rắn Naga, Ha-nu-man, Pres Ram, thần Vi-sa-nus.
Ngoài hình ảnh về các nhân vật trong Phật tích, thần thoại, huyền thoại, các nghệ nhân điêu khắc cũng quan tâm đến cảnh vật xung quanh như cỏ cây hoa lá để thể hiện trong trang trí như: Hoa sen, hoa văn lửa, dây leo, hoa cúc, cây trúc, cây bồ đề... Trong đó, hình ảnh hoa sen là một trong những mô-típ được nhấn mạnh trong tất cả các ngôi chùa Khmer với những kiểu dáng cách điệu khác nhau, từ sen búp, sen nở hoa, đến sen dùng làm bệ tượng Phật. Bởi người Khmer quan niệm hoa sen là biểu tượng cao quý của Phật giáo. Chính vì thế, rất nhiều hình tượng hoa sen gắn với Đức Phật với những tư thế đứng, ngồi, nằm trên đài sen được các nghệ nhân điêu khắc Khmer công phu thể hiện.
Có thể nói, với óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo tài hoa, những nghệ nhân điêu khắc Khmer đã ứng dụng mọi phương diện, mọi chất liệu để trang trí cho mỗi ngôi chùa một dáng vẻ thật hoàn mỹ, thật hoành tráng và thật lộng lẫy.
Quan sát từ mái chùa nhìn xuống, với những góc 60 độ, 120 độ kết hợp với hàng cột hiên thanh thoát vuông góc với mặt nền chùa. Sức nặng của mái chùa được giảm nhẹ bằng lối xử lý hai cấp mái, kết hợp với hàng cột hiên, tam cấp nền chắc chắn và tỉnh liên hoàn với nhau. Có thể nói tổng thể kiến trúc ngôi chùa như một tác phẩm điêu khắc. Với ba phần cơ bản là: mái, cột - thân chùa - nền, tam cấp là ba phần khối: thực - hư - thực hoặc đặc - loãng - đặc, khối: dương - âm và dương.
Riêng phần đỉnh nóc ngôi chánh điện, mỗi đỉnh góc mái thường được đắp một khúc đuôi rắn dài, cong vút, uốn mềm mại. Hai khoảng trống ở hai đầu hồi được bịt bằng hai tấm gỗ hình tam giác, được chạm khắc rất công phu người Khmer gọi là “Hô cheang”. Trên các bờ dãy giáp mi của các nếp mái thường được đắp các tượng rồng (rồng Khmer), đầu rồng ở dạng kép nằm ở ngay vị trí các góc đao của mái, thân rồng nằm xoãi dài theo bờ dãy với hàng vi lưng được tỉa rõ từng cái, uốn cong ngược lên như những ngọn lửa. Sự kết hợp giữa đầu, thân và đuôi rồng tạo nên hình ảnh những chiếc thuyền đua bơi.
Trong kinh Phật, người Khmer tin rằng rồng là con vật thiêng tự biến thành thuyền đưa Phật vượt sông đi giảng kinh cứu độ chúng sinh. Đưa rồng lên mái chùa, người Khmer cầu mong Đức Phật dừng chân lại ở ngôi chùa của họ để ban phúc cho mọi người. Ở một số chùa, trên chính giữa nóc chùa còn dựng thêm một tháp nóc. Tháp nóc hình quả chuông úp, gồm nhiều tầng, trên đỉnh đặt tượng đầu thần bốn mặt (Mahaprum). Đó là vị thần đại biểu cho sự thông minh, bốn mặt nhìn ra bốn phía để biết hết mọi việc trên đời. Trên đầu tượng là một tháp nhọn, cao vút như một mũi tên cắm vào không trung. Tất cả đã tạo nên một vẻ đẹp riêng rất độc đáo của ngôi chánh điện. Một dáng vẻ đồ sộ, lộng lẫy, nhưng không nặng nề mà như một sự vươn cao, thanh thoát. Có thể nói chùa Khmer Nam bộ là một khối tổng thể của sự độc đáo, giàu giá trị nghệ thuật, tạo nên nét đặc thù riêng.
Đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc của chùa thể hiện ở những họa tiết, độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột, cầu thang với những tượng đầu vị thần bốn mặt Maraprum là tiền thân của Brahma (vị thần sáng tạo ra thế giới); nữ thần Kayno nửa người nửa chim và chim thần Mrakrit. Đặc biệt, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn có chiều dài 54 mét, được đặt trên bệ cao tương đương một ngôi nhà 2 tầng thật hoành tráng, là tượng Phật nằm ngoài trời có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Các nghệ nhân điêu khắc cho biết, làm nghề điêu khắc trước tiên đòi hỏi phải có năng khiếu và được đào tạo qua trường lớp một cách bài bản, nhuần nhuyễn. Phải có con mắt tinh tường, am hiểu sâu sắc, rành rọt về ý nghĩa, nguồn gốc xuất xứ của các loại hoa văn. Đặc biệt với tượng Phật vừa phải khắc cho thật đẹp, vừa phải khắc đúng theo hướng của “tam tạng kinh” chứ không chỉ khắc giống là được./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.