"Đột nhập" thư điện tử chiếm đoạt tiền tỷ
2017-08-25 10:43:22
0 Bình luận
Thời gian gần đây, tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tìm cách xâm nhập vào tài khoản thư điện tử của các cá nhân, doanh nghiệp, rồi thực hiện hành vi chiếm đoạt số tiền lớn.
Theo CQĐT, chính những sơ hở, chủ quan của nhiều tổ chức, cá nhân đã và đang bị đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.
Đối tượng O và K |
Doanh nghiệp “bốc hơi” hàng trăm triệu đồng
Đầu tháng 8 vừa qua, Công ty H.D tại Khu công nghiệp Amata, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai trình báo cơ quan chức năng về việc bị kẻ gian “đột nhập” vào thư điện tử, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Tiến hành điều tra, cơ quan công an xác định trong khoảng 1 tuần trước đó, hệ thống thư điện tử nội bộ của Công ty H.D đã bị thay đổi một số nội dung liên quan đến hoạt động giao dịch tài chính. Tuy nhiên, sự thay đổi này đã vô tình bị bỏ qua. Và chính sơ suất ấy đã khiến doanh nghiệp “bốc hơi” hàng trăm triệu đồng.
Truy vết những giao dịch qua mạng máy tính, cơ quan công an bước đầu xác định nhóm tội phạm công nghệ cao đã đột nhập vào thư điện tử của Công ty H.D, thay đổi nhiều nội dung theo ý đồ của chúng để nhằm mục đích cuối cùng là chuyển tiền vào tài khoản do nhóm tội phạm lập ra. Cơ quan công an đã xác định được vị trí nhóm đối tượng nhận tiền tại TP.HCM, ngay sau đó đã phối hợp với công an cơ sở có mặt tại một ngân hàng để bắt giữ đối tượng B.V.K, trong khi đang làm thủ tục “nhận” 960 triệu đồng từ Công ty H.D. Mở rộng điều tra, CQĐT tiếp tục thực hiện lệnh bắt đối tượng N.H.O, đồng thời tiến hành lệnh khám xét nơi ở của hai đối tượng, thu giữ nhiều tang vật liên quan.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, trên danh nghĩa các chủ tiệm cầm đồ, chủ tiệm vàng, các đối tượng đã lập nhiều tài khoản để nhận nguồn tiền phi pháp. Thực hiện tội phạm, 2 đối tượng trên cấu kết với nhiều đồng phạm khác và chiếm đoạt trót lọt tiền của nhiều công ty trên địa bàn các tỉnh miền Tây.
Cảnh giác với giao dịch tài chính thông qua thư điện tử
Theo phân tích của Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội, hiện nay hình thức giao dịnh đa phần thông qua mạng Interrnet, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động, làm ăn tại nước ngoài.
Trong khi đó, ý thức và kiến thức về công tác phòng ngừa của nhiều doanh nghiệp đang rất “có vấn đề”. Mặc dù thủ đoạn này diễn ra không mới và khá phổ biến, nhưng việc xác minh, bắt giữ các đối tượng không hề đơn giản, nhất là khi giao dịch chuyển tiền được yêu cầu ra nước ngoài. Mới đây, thủ đoạn đánh cắp tài khoản ngân hàng thông qua phương thức đột nhập vào thư điện tử đã bị Đội Phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng điện tử, Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội phát hiện, bắt giữ 2 đối tượng liên quan là Nguyễn Quang Tuấn (SN 1984), trú tại phường Phúc La, quận Hà Đông và Nguyễn Tuấn Anh (SN 1996), trú tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai.
Theo tài liệu điều tra, Tuấn Anh đang theo học lớp đào tạo bảo mật máy tính do Tuấn tổ chức tại nhà CT4C, khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông. Trong thời gian học, Tuấn Anh được Tuấn hướng dẫn cách thức sử dụng phần mềm tự thu thập thông tin trên máy tính.
Khi đạt trình độ nhất định, Tuấn Anh tán phát phần mềm này lên mạng Internet để thu thập thông tin cá nhân của người sử dụng máy tính. Nhận thấy thao tác này thu được nhiều nguồn thông tin cá nhân đa dạng, Tuấn Anh đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản, bằng cách đột nhập hộp thư điện tử đánh cắp tài khoản của các cá nhân. Với chiêu trò này, sau khi thu thập được thông tin truy cập Internet Banking của anh Ngô Đình C., xác định trong tài khoản có tiền, Tuấn Anh đã mang thông tin về cho Tuấn để hai người cùng dò tìm mật khẩu trên thư điện tử của anh C., khai thác tài khoản ngân hàng. Sau đó, Tuấn và Tuấn Anh đã đột nhập vào tài khoản của anh C., tự thao tác chuyển 90 triệu đồng sang tài khoản do chúng lập ra.
Chỉ huy Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội cảnh báo: “Để tránh mất tiền oan, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tuyệt đối cẩn trọng việc chuyển tiền. Trước khi tiến hành giao dịch, cần xác nhận cụ thể với chủ thể. Đối với mạng máy tính thường xuyên giao dịch, phải sử dụng phần mền bản quyền, cài đặt phần mềm diệt vius chính hãng và không kích vào bất cứ đường link lạ khi xuất hiện trên máy tính. Đối với tài khoản thư điện tử cần xác lập mật khẩu an toàn, không lưu các tài khoản liên quan đến ngân hàng, tiền bạc mã… trên thư điện tử”.
“Thủ đoạn của tội phạm đột nhập tài khoản thư điện tử để chiếm đoạt tiền không mới nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp, cá nhân “dính”. Đối tượng khi nhằm vào một công ty, sẽ tìm cách nắm bắt toàn bộ giao dịch giữa chủ tài khoản và các đối tác, thông qua hộp thư điện tử. Hầu hết trong thư điện tử đều ghi tài khoản ngân hàng để phục vụ giao dịch, vô tình trở thành “miếng mồi” cho tội phạm. Sau khi xâm nhập được vào hộp thư điện tử, tội phạm sẽ đưa ra lý do thay đổi việc giao dịch thanh toán vào tài khoản khác do chúng đăng ký”.
Đại úy Nguyễn Minh Hoàn (Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng điện tử, Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội)
Đại úy Nguyễn Minh Hoàn (Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng điện tử, Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội)
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo anninhthudo.vn