Dự kiến hoàn thành sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh trước 30/8
Tại phiên họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 sáng 18/3, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã đưa ra một số lộ trình quan trọng.
Cụ thể,toàn quốc sẽ hoàn thành sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trước 30/6 và vận hành các xã phường mới từ 1/7.
Hoàn thành sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh hoàn thành trước 30/8, vận hành đơn vị hành chính cấp tỉnh mới từ 1/9.
Bộ trưởng Nội vụ mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành để kịp thời hướng dẫn các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ "hết sức hệ trọng và cấp bách" này.
Bộ ngành giảm 22.000 biên chế
Bộ trưởng Nội vụ cho biết sau tinh gọn, các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ đã giảm 22.323 biên chế sau quá trình tinh gọn, tương đương 20% tổng biên chế. Các bộ ngành đã giảm 13 tổng cục và tổ chức tương đương, 519 cục, 219 vụ, 3.303 chi cục và 203 đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị quyết của Quốc hội thông qua giữa tháng 2 xác định Chính phủ sau tinh gọn còn 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ, giảm 5 đầu mối so với đầu nhiệm kỳ.
Đến nay, tất cả bộ ngành và địa phương đã hoàn thành việc phê duyệt đề án vị trí việc làm, bao gồm 840 vị trí trong cơ quan, tổ chức hành chính; 559 vị trí trong đơn vị sự nghiệp công lập và 17 vị trí cán bộ, công chức cấp xã.
Các địa phương cũng đã giảm 343 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh, cùng với 1.454 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh việc cải cách tổ chức bộ máy là một "cuộc cách mạng thực sự trong toàn hệ thống chính trị".
Sửa Hiến pháp là quy trình quan trọng trong quá trình sáp nhập tỉnh, thành
PGS.TS Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, cho rằng nếu bỏ đơn vị hành chính cấp huyện, cần sửa đổi Hiến pháp 2013, đặc biệt là Điều 110 và Điều 111 trong Chương 9 về chính quyền địa phương.
Về Điều 110, ông đề xuất Việt Nam nên có hai cấp đơn vị hành chính: cấp tỉnh (gồm tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp cơ sở (gồm xã, thị xã, thành phố ở tỉnh; xã, thị xã, thành phố và nội đô ở thành phố trực thuộc Trung ương).
Về Điều 111, ông nhấn mạnh rằng mọi đơn vị hành chính đều phải có chính quyền địa phương đầy đủ, bao gồm Hội đồng Nhân dân (HĐND) và Ủy ban Nhân dân (UBND). Ông đề nghị không nên phân biệt giữa chính quyền địa phương và “cấp chính quyền địa phương” vì đã là chính quyền thì phải có đầy đủ cơ cấu HĐND và UBND.
Theo Điều 96 của Hiến pháp, Chính phủ có trách nhiệm trình Quốc hội quyết định việc thành lập, giải thể, nhập, chia và điều chỉnh địa giới hành chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cũng như các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đối với các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, quyền quyết định thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi Chính phủ trình đề nghị.
Dự kiến, một số điều của Hiến pháp 2013 sẽ được sửa đổi tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2025. Những sửa đổi này nhằm hoàn thiện hệ thống hành chính địa phương, nâng cao hiệu quả quản lý và phù hợp với sự phát triển của đất nước.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.