Dừng lưu thông sản phẩm Coca Cola, cục An toàn thực phẩm nhận sai
2016-07-05 15:23:05
0 Bình luận
Ngày 23/6 vừa qua, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu sở y tế 6 tỉnh, thành phố giám sát việc tạm dừng lưu thông 13 sản phẩm bổ sung của Coca Cola Việt Nam vì chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền.
Trước thông tin trên, nhiều chủ cửa hàng có kinh doanh các sản phẩm này cũng như người tiêu dùng đang rất lo ngại.
Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau khi gửi công văn nói trên, các chi nhánh của Công ty trách nhiệm hữu hạn nước giải khát Coca Cola Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng đã nhanh chóng có được các giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Cụ thể, chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh có giấy phép trên vào ngày 28/6, chi nhánh tại Hà Nội và chi nhánh Đà Nẵng đều có giấy phép trên vào ngày 1/7.
Để có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) xung quanh việc cấp phép cho những sản phẩm của Coca Cola Việt Nam.
Hai loại giấy chứng nhận
- Cục trưởng có thể cho biết rõ hơn, trong sự việc 13 sản phẩm của Coca Cola Việt Nam bị tạm dừng lưu thông vừa qua do nguyên nhân cụ thể là gì?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Ở đây, chúng ta cần phân ra rạch ròi giữa nước uống có gas, giải khát thông thường với nước uống có bổ sung thêm một số vi chất dinh dưỡng.
Những sản phẩm nói trên của Coca Cola Việt Nam đã có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tại các địa phương cấp đối với nước giải khát thông thường theo đúng quy định.
Đối với 13 sản phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng như thực phẩm chức năng thuộc thẩm quyền quản lý của Cục An toàn Thực phẩm thì trước khi sản xuất, lưu thông phải có một số giấy chứng nhận do Cục cấp.
Đó là chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm.
Dù 13 sản phẩm trên chưa có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng họ đã có chứng nhận về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đã được Cục cấp trước đó, nên việc tạm dừng vừa qua không liên quan đến chất lượng của sản phẩm. Doanh nghiệp trên chỉ còn thiếu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Cục cấp.
Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
- Ông có thể chỉ rõ hơn, trong giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đó bao gồm những nội dung gì?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Trong phần cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm như cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, về con người (khám sức khỏe, tập huấn). Hiện nay, theo thông tư mới là doanh nghiệp tự tổ chức tập huấn còn cơ quan nhà nước tập trung nhiều hơn và chỉ quản lý hậu kiểm.
- Vậy quay trở lại với khâu thủ tục và giấy tờ. Để một sản phẩm nước giải khát có bổ sung vi chất dinh dưỡng đầy đủ thì cần phải có 2 giấy chứng nhận?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Đúng rồi, hiện nay 1 sản phẩm phải có 2 giấy chứng nhận. Đó là giấy chứng nhận về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Nếu sản xuất nước giải khát thông thường thường do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố cấp hoặc do Bộ Công Thương cấp. Nhưng nếu nước giải khát có bổ sung thêm vitamin, khoáng chất thì bắt buộc phải là Cục An toàn Thực phẩm cấp.
Về phía công ty Coca Cola, họ đã có chứng nhận ISO - đạt tương đương chuẩn GMP và HACCP (tiêu chuẩn quản lý sản xuất và chế biến thực phẩm của Mỹ), đồng nghĩa các điều kiện về an toàn thực phẩm đã cao hơn rất nhiều so với chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh của Việt Nam.
Cụ thể, nếu một doanh nghiệp có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì 6 tháng phải tự gửi mẫu kiểm nghiệm, lưu kết quả, nhưng nếu có chứng nhận HACCP, GMP, ISO thì 1 năm mới phải làm lại.
Chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Việt Nam cấp chỉ có thời hạn 3 năm, nhưng nếu theo chuẩn HACCP thì thời hạn là 5 năm.
Sắp tới khi liên thông, doanh nghiệp chỉ cần đạt HACCP, GMP thì sẽ miễn giấy chứng nhận điều kiện tiêu chuẩn vệ sinh. Chúng tôi đang cố gắng đưa lộ trình đến 2018.
Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Cục An toàn Thực phẩm cấp cho Coca Cola Việt Nam. |
Buông lỏng quản lý?
- Việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thực phẩm thuộc chức năng và nhiệm vụ của Cục An toàn Thực phẩm. Vậy tại sao Cục lại có sự bỏ sót như vậy? Đây có phải là một sự buông lỏng quản lý?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Tôi xin khẳng định đây không phải là sự buông lỏng quản lý.
Cục chưa cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng Cục lại cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm. Đáng lẽ ra khi làm, Phòng chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm làm việc này, nhưng anh em chỗ này hiểu văn bản chưa đúng, cho rằng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm địa phương cấp rồi thì không cần giấy của Cục An toàn Thực phẩm nữa.
Khi Thanh tra Bộ Y tế vào cuộc kiểm tra mới thấy thiếu sót. Về điều này, Cục An toàn Thực phẩm đã nhận thấy sai và phải rút kinh nghiệm, tôi đã có chỉ đạo cụ thể rồi.
- Vừa qua, ngay sau khi sự vụ Coca Cola bị tạm dừng lưu thông được thông tin tới công chúng, chỉ ngay sau đó công ty này đã có đầy đủ giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Vậy có phải là Cục đã “ưu tiên” với doanh nghiệp lớn này không?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Chúng tôi không ưu tiên cấp phép nhanh cho Coca Cola Việt Nam.
Theo quy định, khi doanh nghiệp có đủ hồ sơ thì cơ quan quản lý sẽ tiến hành cấp ngay và không được để quá ngày theo quy định của chính phủ. Quy trình theo quy định là trong tối đa 15 ngày, cơ quan quản lý phải cấp giấy phép chứng nhận đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu họ đủ hồ sơ, kể cả khâu thẩm định.
Về phía công ty Coca Cola Việt Nam, họ gửi hồ sơ về Cục An toàn Thực phẩm xin cấp cách đây hơn 1 tháng rồi. Sau đó, Cục đề nghị họ bổ sung một số giấy tờ, chứ không phải nộp hồ sơ là cấp ngay. Những điều này được thể hiện công khai trên trang web của cục.
Về phía doanh nghiệp, do họ cũng chưa hiểu hết văn bản nên chậm trễ trong việc bổ sung hồ sơ.
- Với Coca Cola Việt Nam, liệu họ đã sai phạm. Theo ông, công tác xử lý sẽ ra sao?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Nhưng tôi nhắc đi nhắc lại một điều rằng đây là lỗi thủ tục hành chính, anh em hiểu chưa đúng còn bản chất sản phẩm khi quản lý phải lấy mẫu định kỳ và chắc chắn thanh tra sẽ phải lấy mẫu kiểm tra.
Về mặt thủ tục hành chính doanh nghiệp trên đã sai, thì Thanh tra Bộ Y tế sẽ phạt. Thanh tra Bộ Y tế họ đang làm thì để thanh tra họ làm theo quy định của thanh tra.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo Vietnamplus