Chuyện về những người 30 năm ròng rã tìm kiếm hài cốt đồng đội trên nước bạn Lào
Cán bộ, chiến sĩ Đội 192, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày đêm miệt mài tìm kiếm, cất bốc, đưa hài cốt các liệt sĩ về với đất mẹ.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đã có hàng vạn người con của Tổ quốc anh dũng hy sinh nằm lại chiến trường, để lại những day dứt khôn nguôi trong lòng người ở lại. Chiến tranh đã lùi xa, đồng nghĩa công tác quy tập mộ liệt sĩ đối mặt những thách thức ngày càng lớn. Công tác tìm kiếm, quy tập, hài cốt liệt sĩ ở trong nước đã khó; việc tìm kiếm mộ liệt sĩ hy sinh ở chiến trường nước bạn lại càng khó hơn.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã thành lập đội quy tập liệt sỹ 192, làm nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ hy sinh qua các thời kỳ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế và nước bạn Lào. 30 năm qua, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã không quản ngại khó khăn, gian khổ để thực hiện nhiệm vụ.
Thượng úy Chu Văn Lâm, nhân viên quy tập Đội 192 tâm sự: “Dù các phần mộ đều ở rất xa, vùng núi hiểm trở, chúng tôi vẫn quyết tâm cố gắng đưa các bác, các chú về với gia đình, quê hương phụng thờ hương khói”.
Mùa khô năm 2020-2021, Thiếu úy Nguyễn Duy Bình, nhân viên quy tập cùng các thành viên Đội 192 một lần nữa có mặt tại vùng đất Salavan, nước bạn Lào, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Hàng năm, cứ đến mùa này, Đội 192 lại hành quân lên đường. Là lính thời bình nhưng đèo cao, suối sâu, chênh vênh vực thẳm, nước độc, rừng thiêng, họ đều trải nghiệm. Nơi họ đến là các bản làng xa xôi, những địa danh khốc liệt chiến trường xưa, thậm chí có nơi hàng năm không có dấu chân người qua lại.
Thiếu úy Bình tâm sự: “Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tại nước bạn Lào, còn nhiều khó khăn về nơi ăn, chốn ở, di chuyển đi lại. Với tinh thần tìm mộ liệt sĩ như tìm người thân, anh em đều rất đồng lòng, đồng sức. Giữa rừng sâu, núi thẳm, chỉ có cuốc, xẻng với chim muông, mỗi lúc tìm được một hài cốt liệt sĩ, ai nấy đều xúc động hạnh phúc như tìm thấy chính thân nhân của mình”.
Đặc điểm nơi các liệt sĩ nằm lại thường là các đồi núi hiểm trở, phức tạp. Để thực hiện công việc, Đội 192 chủ yếu phải hành quân bộ, dù nhiều nơi còn bom mìn và chất độc hóa học sót lại.
Thực tế những năm qua, tại nhiều địa điểm, công tác khai quật chủ yếu phải dựa vào sức người. Nhiều trường hợp phải cất công tìm kiếm từ năm này sang năm khác, đào nhiều lần, đào ở diện rộng cả 4-5ha đồi, sâu 3-4m mới tìm đúng nơi các liệt sĩ bị vùi lấp trong chiến đấu năm xưa.
Khó khăn là vậy nhưng để hoàn thành nhiệm vụ mà Quân đội, Đảng và Nhà nước giao phó, các thành viên vẫn luôn kiên trì lật từng tấc đất, từng góc suối, đào hàng chục nghìn m3 đất đá bằng công cụ thô sơ, vừa đi vừa mở đường, cơ động hàng nghìn km… tìm kiếm.
Trung tá Hồ Văn Chúc, Đội phó Đội 192 cho biết: “Các phần mộ đã chôn trước đây không có sơ đồ, vị trí cụ thể, việc tìm kiếm rất khó khăn, mất rất nhiều thời gian. Để khắc phục khó khăn, Đội xác định phải phối hợp với tất cả các cơ quan liên quan để làm tốt công tác tuyên truyền đến từng người dân về công tác tìm mộ liệt sĩ để cung cấp cho thông tin; thì Đội sẽ có thông tin khảo sát, xác minh, tìm kiếm hiệu quả hơn”.
Gần 30 năm qua, những bản làng nằm sâu trong rừng núi, những con đường mòn quanh co hiểm trở, những chiến trường khốc liệt năm xưa có lẽ đã in dấu chân hành trình đi tìm kiếm mộ của Đội 192. Các anh đã đi qua hơn 800 bản làng xa xôi của 15 huyện thuộc nước bạn Lào, tìm kiếm hàng ngàn vị trí và đã cất bốc được trên 1.000 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 73 mộ có tên, có quê, xác định được danh tính… đưa về nước.
Vất vả là vậy nhưng các chiến sĩ Đội 192 luôn tự nhắc nhở bản thân là kết quả tìm kiếm trên còn quá khiêm tốn so với sự hy sinh lớn lao, sự mong mỏi của đồng bào, đồng chí và thân nhân của các liệt sĩ. Cứ như thế, công cuộc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ sẽ vẫn còn nối tiếp.
Đại tá Hà Văn Ái, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cho biết: “Quá trình triển khai tìm kiếm mộ liệt sĩ, các chiến sĩ Đội 192 luôn đoàn kết, thống nhất, chủ động phân tích và có những phương pháp, cách thức làm mới; vì vậy mà đã khắc phục không ít khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian qua. Thời gian tới, Đội 192 sẽ phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng như hai tỉnh Salavan và Sekong (Lào) để nắm thông tin, thẩm định thông tin tiếp tục tìm kiếm, cất bốc, quy tập có hiệu quả”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.