Chuyện về hơn 100 cặp vợ chồng khuyết tật tổ chức đám cưới chung ở Hà Nội

2021-09-12 08:00:00 0 Bình luận
Cuộc sống hạnh phúc ấm áp trọn đời bên người mình thương yêu là một niềm mong mỏi của tất cả mọi con người. Với những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, mong muốn ấy là thứ xa xỉ, là ước mơ cả đời của họ.

46 cặp đôi chung niềm hạnh phúc trong lễ cưới tập thể.

“Giấc mơ có thật”

Hình ảnh những chiếc váy cưới cô dâu trắng tinh khôi, bộ vest nho nhã của chú rể, lễ đường đầy hoa, rượu mừng, bánh kem là những hình ảnh của 46 cặp đôi khuyết tật đã được hiện thực hoá vào chiều ngày 6/12/2020. 46 cặp vợ chồng, có cặp vừa mới bước vào cuộc sống hôn nhân, lại có cặp đã nên nghĩa vợ chồng đến gần 30 năm, nhưng đều có một điểm chung: chưa một lần được làm đám cưới. Giấc mơ tưởng như xa vời ấy, nay đã thành hiện thực nhờ chương trình “Giấc mơ có thật”.

“Giấc mơ có thật” là tên gọi của lễ cưới tập thể, dành cho các cặp đôi khuyết tật do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội tổ chức. Chương trình đã được tổ chức 3 lần, lần 1 năm 2018, lần 2 năm 2019 và với lần 3 năm 2020, chương trình đã trải rộng quy mô ra tới 7 tỉnh, thành, dự kiến sẽ lan rộng ra toàn quốc trong tương lai.

Sau 3 lần tổ chức, đến nay đã có hơn 100 cặp đôi được sánh bước cùng nhau vào lễ đường. Các cặp đôi tham dự ở độ tuổi từ 18 đến 55, đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau, hoàn cảnh gia đình khác nhau. Có nhiều cặp vì gia đình, người thân không ủng hộ hay sự mặc cảm về ngoại hình, điều kiện kinh tế nên dù vợ chồng đăng ký kết hôn, có con đã lâu mà chưa có điều kiện tổ chức đám cưới cho riêng mình. Nhiều người vợ còn không dám nghĩ một ngày được khoác trên mình chiếc váy cô dâu. Đó là một sự thiệt thòi, một nỗi buồn khiến cho người khuyết tật càng cảm thấy hạnh phúc xa vời.

Tuy nhiên tại chương trình, các cặp đôi đều có chung niềm vui, niềm hạnh phúc khi giấc mơ về một đám cưới đầy đủ theo nghi lễ truyền thống, trước sự chứng kiến của gia đình, người thân, bạn bè của những cặp đôi kém may mắn đã trở thành hiện thực. Đặc biệt còn có sự xuất hiện của những người con trong ngày vui của cha mẹ. Không chỉ có lễ cưới, các cặp đôi còn được Ban tổ chức hỗ trợ đăng ký kết hôn, trợ giúp chụp ảnh cưới, chuẩn bị trang phục, xây dựng các clip về cặp đôi, chuẩn bị hậu cần và được nhận phần quà giá trị từ các nhà tài trợ.

Bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Phụ nữ Hà Nội, Phó Trưởng Ban Tổ chức lễ cưới tập thể chia sẻ: “Lễ cưới tập thể mang tên “Giấc mơ có thật” lần thứ ba đã hiện thực hóa mong mỏi được làm đám cưới của những cặp vợ chồng khuyết tật, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sau ba lần tổ chức, chương trình đã ghi dấu trong lòng công chúng về sự lan tỏa yêu thương và tình người, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Mỗi lần được chứng kiến những cặp đôi kém may mắn trao cho nhau ánh mắt trìu mến, mãn nguyện, hạnh phúc trong đám cưới tập thể là bà Nguyễn Thị Hảo lại không cầm được nước mắt. Đó cũng chính là động lực để bà và mọi người thực hiện chương trình trong những mùa tiếp theo.

Những cặp đôi đặc biệt

Đúng như tên gọi của chương trình, những cặp đôi được tổ chức đám cưới tập thể ai nấy đều phấn khởi và coi đây là “món quà” đầy ý nghĩa, là một “giấc mơ có thật” giữa đời thường.

Là một trong 41 cặp đôi được tổ chức lễ cưới tập thể đầu tiên vào năm 2018, hai gương mặt đã quen thuộc với chương trình - vợ chồng chị Hoàng Hồng Kiên và anh Phạm Hồng Thức (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Với hoàn cảnh đặc biệt của cả hai vợ chồng, vợ bị bại liệt từ năm 4 tuổi, người chồng mất đi đôi chân vì tai nạn giao thông năm 15 tuổi đã có những chia sẻ đầy xúc động: “Tôi và chồng “góp gạo thổi cơm chung” từ năm 2004 nhưng đến năm 2018 chúng tôi mới được tổ chức đám cưới chính thức. Khoảnh khắc được khoác lên mình bộ váy cưới trắng tinh khiết, tôi thấy mình thật hạnh phúc. Tôi mong sẽ còn nhiều chương trình như thế này để không chỉ riêng những người khuyết tật kém may mắn như chúng tôi mà những phụ nữ nghèo khó cũng có cơ hội khoác lên mình bộ váy cô dâu”.

“Đám cưới này với chúng tôi vẫn là điều tuyệt vời, ngọt ngào, ý nghĩa nhất trong cuộc đời mình. Chúng tôi không bao giờ nghĩ được rằng, khi con trai đã 10 tuổi rồi bố mẹ vẫn nhận được những lời chúc mừng hạnh phúc và những món quà ý nghĩa. Đó là ký ức đẹp đẽ nhất trong chặng đường hôn nhân của chúng tôi”, chị Kiên chia sẻ thêm.

Và cũng giống như tâm trạng của chị Kiên, anh Thức, vợ chồng anh Nguyễn Văn Nam và chị Nguyễn Thị Hương (Gia Lâm, Hà Nội) cũng có những cảm xúc thổn thức với lễ cưới tập thể năm 2020. Hai anh chị đã xây dựng gia đình từ năm 2014 và có một cô con gái 5 tuổi, nhưng mãi đến năm 2020 mới được tổ chức lễ cưới. Đến với nhau khi đã “đứng tuổi”, chị Hương bị mất một chân do tai nạn từ bé. Khi đến với nhau, hai gia đình chỉ thắp hương xin phép tổ tiên, đăng ký kết hôn chứ chưa tổ chức đám cưới.

Cuộc sống có nhiều bộn bề, khó khăn nên với họ, việc tổ chức một đám cưới là điều thật xa xỉ. Bởi vậy, khi biết tin gia đình mình là một trong 46 cặp may mắn được chọn để tổ chức đám cưới tập thể, anh chị rất xúc động.“Khi được Ban tổ chức đưa đi chụp ảnh cưới cũng là lần đầu tiên tôi được mặc comple, thắt cà vạt. Vợ tôi cũng vậy, lần đầu tiên cô ấy được mặc bộ váy lộng lẫy đến thế. Chúng tôi sẽ luôn trân trọng phút giây này, cố gắng vun vén tổ ấm hạnh phúc để không phụ sự đồng cảm, yêu thương của xã hội”, anh Nam tâm sự.

Đặc biệt hơn, còn có trường hợp vợ chồng anh Đào Duy Duyệt, chị Dương Thị Hòa (Đông Anh, Hà Nội), chị Hòa bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Hai vợ chồng đã chung sống 19 năm, có với nhau hai người con nhưng đến năm 2020 anh chị mới được tổ chức đám cưới chính thức trong không khí ấm áp và tràn ngập lời chúc phúc.

Theo chị chia sẻ, lúc trẻ phần do nghèo, phần do không được cha mẹ chấp thuận nên anh chị không làm được đám cưới. Đến khi có con thì lại thường xuyên đau yếu, cuộc sống kinh tế càng thêm khó khăn, nguồn thu của gia đình phụ thuộc vào anh đi làm phụ hồ, chị ở nhà cấy lúa. “Sống với anh 19 năm rồi hôm nay tôi được mặc váy cô dâu, được đại diện mọi người lên cắt bánh cưới. Hạnh phúc lắm, hồi hộp lắm. Mọi thứ như từ một giấc mơ. Với tôi thế này là mãn nguyện, cảm thấy như mình trẻ ra”, chị Hòa xúc động chia sẻ.

Có thể thấy, niềm hạnh phúc ngập tràn chính là cảm xúc của tất cả các cặp đôi tham gia lễ cưới tập thể “Giấc mơ có thật”. Họ đã tham gia một lễ cưới tập thể đặc biệt, ghi dấu những phút giây hạnh phúc của cuộc sống lứa đôi với những người xa lạ nhưng lại có chung niềm vui. Tất cả cùng hòa vào không khí hạnh phúc của ngày trọng đại, một đám cưới trọn vẹn, một đám cưới không thể nào quên đã diễn ra như thế!

Cùng với đó, mong muốn truyền đi thông điệp “Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc”, bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Trưởng ban Tổ chức Lễ cưới “Giấc mơ có thật” năm 2020 nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng lễ cưới là món quà giúp những người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cơ hội hiện thực hóa giấc mơ tổ chức một lễ cưới chính thức, xây dựng mái ấm gia đình và qua đó, tạo động lực để họ vượt mọi khó khăn, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp”.

Chương trình “Giấc mơ có thật” là một hoạt động xã hội mang tính nhân văn sâu sắc nhằm khuyến khích sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của người khuyết tật và hành động vì sự hòa nhập, phát triển của người khuyết tật trong mọi mặt của đời sống xã hội. Mong rằng sắp tới sẽ có thêm thật nhiều cặp đôi có cơ hội được hiện thực hóa lễ cưới trong mơ của mình.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44

Giải pháp phát triển nhà ở xã hội

Để hướng tới mục tiêu một triệu căn hộ trong 10 năm nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các địa phương để có đánh giá tổng thể về nhu cầu nhà ở theo từng phân khúc, để có tham mưu cơ chế chính sách sát thực tế.
2024-04-19 09:57:41

Việt Nam và Australia hợp tác phát triển thị trường điện cạnh tranh

Ngày 17/4, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển thị trường điện cạnh.
2024-04-19 09:47:51

Standard Chartered Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác đầu tư năng lượng sạch

Ngày 16/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố việc ký kết Bản ghi nhớ giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, với cam kết thúc đẩy tài chính xanh và phát triển ngành năng lượng sạch tiên tiến tại Việt Nam.
2024-04-19 09:42:00

Hải Phòng chi hơn 1,3 tỷ đồng tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên

UBND TP. Hải Phòng ban hành Kế hoạch 93/KH-UBND về triển khai các hoạt động thăm, tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, là những người đã có nhiều cống hiến, hi sinh… trong chiến dịch lịch sử.
2024-04-19 08:15:51
Đang tải...