Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

2022-10-18 13:49:25 0 Bình luận
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối mặt với những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu như hạn hán, ngập mặn, sạt lở, mất đa dạng sinh học, thiên tai, địch họa, giảm diện tích và chất lượng đất canh tác…

Trong bối cảnh đó, tăng trưởng xanh là một trong những mục tiêu quan trọng mà ĐBSCL hướng đến để đảm bảo cho quá trình phát triển an toàn, bền vững nền kinh tế khu vực. Một trong những đầu vào quan trọng cho tăng trưởng xanh là nguồn vốn tín dụng xanh phục vụ cho hoạt động sản xuất thân thiện với môi trường. Bài viết tập trung phân tích kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra, từ đó đề xuất các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh trong thời gian tới.

Kết quả hoạt động tín dụng xanh của khu vực ĐBSCL

Tín dụng xanh được hiểu là những khoản tín dụng từ ngân hàng hỗ trợ cho các dự án sản xuất kinh doanh không gây ra ảnh hưởng tiêu cực, mà ngược lại có tác dụng bảo vệ môi trường, góp phần duy trì sinh thái chung. Như vậy, xét ở góc độ nào đó, tín dụng xanh có nhiều nét tương đồng với tín dụng nông nghiệp công nghệ cao, là một khoản tín dụng chính thức.

Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1658/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2050. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về ngân hàng và tín dụng phù hợp với các mục tiêu “tăng trưởng xanh”; nghiên cứu, xây dựng mô hình phát triển “ngân hàng xanh”; ban hành các chính sách tín dụng ưu đãi cho các “dự án đầu tư xanh”. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, bởi lẽ, nguồn vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mang lại lợi ích môi trường, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng tại Việt Nam hiện nay thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn và chịu tác động rất lớn từ rủi ro thị trường. Các tổ chức tín dụng (TCTD) được xem là thành phần quan trọng để hướng dòng vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất thân thiện môi trường, giảm thiểu rủi ro vì mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.

                                                        

Nhận thức được vai trò của nguồn vốn tín dụng cho các hoạt động kinh tế xanh, ngay khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN đã ban hành các văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao như Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 của Thống đốc NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, theo đó, NHNN ban hành hướng dẫn về hoạt động ngân hàng xanh, tín dụng xanh trong đó nêu rõ định nghĩa của hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh; các tiêu chí đánh giá ngân hàng xanh trong đó bao gồm:

  1. Hệ thống các quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội;
  2. Mô hình tổ chức để triển khai các hoạt động quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình cấp tín dụng; (iii) Tỷ trọng vốn tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh cần ưu tiên hỗ trợ trong danh mục dự án xanh do NHNN ban hành;
  3. Chất lượng đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ ngân hàng nói chung và cán bộ tín dụng nói riêng trong phát triển bền vững, tín dụng xanh, ngân hàng xanh.

Quyết định số 34/QĐ-NHNN ngày 07/01/2019 của Thống đốc NHNN về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, việc triển khai hoạt động ngân hàng xanh thông qua việc gia tăng nhận thức và trách nhiệm đối với môi trường và xã hội của ngành Ngân hàng trong kinh doanh; tăng cường năng lực các tổ chức tín dụng để phát triển sản phẩm huy động và cho vay vốn tín dụng vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít carbon để góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng.

Thời gian qua, các TCTD khu vực ĐBSCL đã quyết tâm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Các TCTD khu vực ĐBSCL đã xác định tín dụng xanh là xu hướng phát triển tất yếu và khách quan. Chính vì vậy, đã đẩy mạnh cho vay các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn thực hiện các dự án tăng trưởng xanh bền vững.

Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2021, có 35 TCTD khu vực ĐBSCL triển khai thực hiện cho vay tín dụng xanh với dư nợ cấp tín dụng đối với dự án xanh chiếm 2,54% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tăng 0,88% so với năm 2020. Các TCTD khu vực ĐBSCL đã ưu tiên cấp tín dụng xanh và hỗ trợ đầu tư xanh ở 4 nhóm lĩnh vực gồm: du lịch xanh, nông nghiệp bền vững, xử lý chất thải và năng lượng tái tạo.

Các dự án cho vay trong lĩnh vực xanh có dư nợ tín dụng xanh của các TCTD khu vực ĐBSCL có mức tăng trưởng đều qua các năm. Mặc dù bị tác động của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế nhưng năm 2021, dư nợ tín dụng xanh của các TCTD khu vực ĐBSCL vẫn đạt 71.015 tỷ đồng, tăng lần lượt qua các năm trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2021.

Bảng 1. Kết quả thực hiện tín dụng xanh của các TCTD khu vực ĐBSCL có sự phát triển về quy mô và tỷ trọng qua các năm từ 2018 đến 2021

Đơn vị: tỷ đồng,%

Chỉ tiêu

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Dư nợ tín dụng xanh

44.870

55.238

64.980

71.015

Tổng dư nợ tín dụng

867.782

989.214

1.117.012

1.215.137

Tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh/Tổng dư nợ tín dụng

5,17%

5,61%

5,81%

5,84%

Nguồn: Báo cáo thường niên của các TCTD khu vực ĐBSCL

Như vậy, dư nợ “tín dụng xanh” tại các TCTD khu vực ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 18%/năm, nhưng tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh/tổng dư nợ tín dụng lại có mức thấp, trung bình chỉ đạt 5,6%/năm. Tuy nhiên, đây cũng là xu hướng chung của các TCTD do việc cân đối nguồn vốn cho các hoạt động hỗ trợ đầu tư xanh còn gặp khó khăn, do tính chất của dự án đầu tư xanh thường có quy mô vốn lớn, thời gian đầu tư dài, phức tạp về kỹ thuật công nghệ…

Theo số liệu thống kê của 13 chi nhánh NHNN khu vực ĐBSCL cho thấy, cơ cấu dư nợ “tín dụng xanh” của các TCTD khu vực ĐBSCL tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng mặt trời chiếm hơn 33%, nông nghiệp xanh chiếm gần 45%. Đáng chú ý, mặc dù tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh/tổng dư nợ tín dụng của các TCTD khu vực ĐBSCL ở mức thấp 5,6%/năm nhưng vẫn cao hơn mức trung bình chung dư nợ tín dụng xanh của hệ thống các TCTD ở khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ. Hiệu quả thực hiện tín dụng xanh tại các TCTD khu vực ĐBSCL cho thấy tín hiệu tích cực trong tăng trưởng tín dụng xanh. Tuy nhiên, lĩnh vực này còn khá mới mẽ và có sự phát triển chưa tương xứng với kỳ vọng.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, nhằm triển khai thực thi có hiệu quả các chính sách tín dụng xanh chính là việc xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động tín dụng xanh là rất quan trọng.

Thực tiễn hoạt động cho vay trên địa bàn của các TCTD khu vực ĐBSCL là cho vay đối với dự án đầu tư xanh thường gặp khó khăn trong việc đánh giá thẩm định về các tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ cũng như thời gian đầu tư dài, chi phí tài trợ cao, mức độ rủi ro tương đối lớn. Từ đó trên thực tế, đã có nhiều dự án phải tạm dừng, vì sự phản đối của cộng đồng và xã hội, mặc dù được Chính phủ và địa phương chấp nhận triển khai và ngân hàng cam kết cấp tín dụng. Thực tế này, đòi hỏi các TCTD khu vực ĐBSCL phải xem xét thẩm định kỹ lưỡng các yếu tố rủi ro về môi trường xã hội và đánh giá tác động của dự án đến môi trường sinh thái trước khi quyết định cho vay. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện dự án thì các TCTD phải luôn theo dõi giám sát hoạt động và kiểm soát chặt chẽ chất lượng của các dự án này.

Kết quả cơ cấu dư nợ tín dụng xanh ở các lĩnh vực và chất lượng tín dụng xanh thực hiện đầu tư trong giai đoạn 2018-2021 đều phát triển tốt. Tỷ lệ nợ quá hạn ở hầu hết các lĩnh vực được cấp tín dụng xanh đều không quá 2,48%. Kết quả này phản ánh các TCTD đã kiểm soát được chất lượng tín dụng xanh.

Bảng 2: Kết quả dư nợ và tỷ lệ nợ quá hạn các lĩnh vực tín dụng xanh tại các TCTD khu vực ĐBSCL

 

Lĩnh vực

Dư nợ “tín dụng xanh” (tỷ đồng)

Tỷ lệ nợ quá hạn (%)

2018

2019

2020

2021

2018

2019

2020

2021

Nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản

11.798

12.980

13.970

15.150

1,42

1,78

2,15

2,23

Xử lý chất thải, rác thải

1.080

1.874

2.440

3.280

2,15

2,24

2,32

1,58

Du lịch xanh

1.598

1.790

2.162

1.790

2,15

2,2

2,05

2,13

Năng lượng tái tạo

2.180

2.275

2.874

3.498

1,38

1,15

1,1

1,15

Nguồn: Báo cáo thường niên của các TCTD khu vực ĐBSCL

Bên cạnh việc thực hiện trách nhiệm xã hội thì các TCTD khu vực ĐBSCL còn đóng góp vào sự phát triển bền vững cũng như đảm bảo mục tiêu kinh doanh của đơn vị.

Bảng 3: Kết quả hoạt động kinh doanh và đầu tư cho tăng trưởng xanh của các TCTD khu vực ĐBSCL

Đơn vị: triệu đồng,% 

Chỉ tiêu

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Thu nhập lãi thuần tín dụng xanh

1.802.650

1.930.880

2.134.480

1.820.250

Tổng thu nhập lãi thuần

32.880.350

35.012.254

36.080.970

36.934.720

Tỷ trọng thu nhập lãi thuần tín dụng xanh/Tổng thu nhập lãi thuần

5,48%

5,51%

5,91%

4,92%

Nguồn: Báo cáo thường niên của các TCTD khu vực ĐBSCL

Tỷ trọng thu nhập từ “tín dụng xanh” của các TCTD khu vực ĐBSCL giai đoạn 2018-2021 xu hướng tăng thu nhập lãi thuần “tín dụng xanh” qua các năm. Kết quả này đã phản ánh phần nào hiệu quả kinh doanh và sự nỗ lực của các TCTD khu vực ĐBSCL trong việc quản lý và giám sát các khoản cho vay ín dụng xanh để thu hồi vốn và kinh doanh đạt hiệu quả.

Những vấn đề đặt ra và giải pháp

Trong bối cảnh sự quan tâm dành cho các vấn đề về môi trường ngày càng gia tăng còn tài nguyên thì dần cạn kiệt, thì việc tăng trưởng xanh để phát triển xã hội an toàn và bền vững vừa hỗ trợ phát triển kinh tế vừa giúp bảo vệ môi trường sống là vấn đề sống còn. Ở ĐBSCL, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, các hiện tượng thời tiết cực đoan và dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến diện tích canh tác, cây trồng và vật nuôi. Vì vậy, nhu cầu áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nhằm giảm phụ thuộc vào môi trường tự nhiên ở khu vực này ngày càng trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, đa số người dân ở khu vực này có thu nhập trung bình hoặc thu nhập thấp, không đủ tiềm lực tài chính để có thể mua sắm các trang thiết bị công nghệ và ứng dụng kỹ thuật sản xuất mới. Vấn đề đặt ra là đi vay vốn là một trong những giải pháp hàng đầu. Tín dụng xanh là kênh cung ứng vốn có vai trò quan trọng đối với sản xuất và đời sống, đòi hỏi khung khổ pháp lý cần tiếp tục hoàn thiện để hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động của các TCTD, để tín dụng xanh trở thành công cụ hữu hiệu góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025. Những vấn đề đặt ra  trong phát triển tín dụng xanh tại các TCTD khu vực ĐBSCL đang tồn tại, hạn chế gồm:

Một là, các TCTD khu vực ĐBSCL chưa có sản phẩm tín dụng chuyên biệt mà đa phần chỉ là việc cấp tín dụng cho các dự án không gây ô nhiễm môi trường sinh thái. Việc cấp “tín dụng xanh” chủ yếu chỉ dành cho các doanh nghiệp còn đối với khách hàng nông dân, hợp tác xã sản xuất công nghệ cao hầu như là rất ít.

Hai là, các TCTD khu vực ĐBSCL chưa có chiến lược cũng như tiến trình cụ thể cho việc phát triển ngân hàng xanh theo các mức độ phù hợp với chiến lược kinh doanh và tăng trưởng xanh của quốc gia và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.

Ba là, năng lực cán bộ tín dụng của các TCTD khu vực ĐBSCL hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu thẩm định “tín dụng xanh” vì các dự án về môi trường cần có sự hiểu biết về công nghệ cũng như kỹ thuật của dự án đầu tư.

 

Bốn là, sự phát triển “tín dụng xanh” khu vưc ĐBSCL chưa thật sự tương xứng với tiềm năng hiện có tại các TCTD khu vực ĐBSCL.

Năm là, các TCTD khu vực ĐBSCL chưa triển khai đồng bộ đầy đủ hệ thống quản lý rủi ro môi trường xã hội cũng như chưa thành lập được bộ phận chuyên trách thẩm định các dự án “tín dụng xanh”. Bộ phận thẩm định rủi ro các dự án  đầu tư xanh hay các dự án liên quan đến môi trường xã hội vẫn do các bộ phận thẩm định dự án tín dụng thông thường mà các TCTD cho vay hiện tại.

Xuất phát từ những hạn chế tồn tại trên, để có thể đẩy mạnh tín dụng xanh, tác giả đề xuất một số giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, Chính phủ, các bộ ngành cần hoàn thiện khung pháp lý và các quy định cụ thể về tín dụng xanh cũng như các dự án đầu tư kinh doanh có ảnh hưởng tác động tới môi trường và xã hội. NHNN sớm ban hành các tiêu chuẩn cụ thể về tín dụng xanh và các tiêu chí hướng dẫn đánh giá rủi ro trong việc thẩm định các dự án về tín dụng xanh.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác truyền thông về bảo vệ môi trường, chiến lược tăng trưởng xanh, tín dụng xanh qua đó giúp người dân ý thức trong việc bảo vệ môi trường, sản xuất xanh giảm phát thải khí nhà kính, để đóng góp tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ ba, các TCTD cần có chiến lược phát triển các sản phẩm tín dụng xanh, thúc đẩy đầu tư cấp tín dụng xanh đối với các ngành nghề được khuyến khích hỗ trợ. Đồng thời, hoàn thiện quy trình về quản lý rủi ro đối với các dự án cho vay trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh xanh.

Thứ tư, đẩy mạnh các chương trình tín dụng xanh ứng dụng công nghệ cao, các dự án về năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió… với mục đích sản xuất nguồn năng lượng tự nhiên thay cho điện năng.

Thứ năm, nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho bảo hiểm nông nghiệp, bảo đảm tính công bằng, minh bạch, nhất quán giữa các bộ luật khác nhau và tham khảo các chuẩn mực quốc tế để tăng cường sự tham gia của các công ty bảo hiểm nước ngoài nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn bền vững.

Thứ sáu, nhằm khuyến khích các nông hộ khi tham gia tín dụng xanh, nếu phương án sản xuất kinh doanh khả thi và hiệu quả thì có thể linh hoạt về vấn đề tài sản thế chấp. Có thể thế chấp bằng những thiết bị sản xuất có giá trị như máy móc hoặc sản phẩm hình thành từ vốn vay. Điều này đòi hỏi nâng cao năng lực thẩm định hồ sơ vay của cán bộ tín dụng ngân hàng để tránh giải ngân không đúng đối tượng, gia tăng nợ xấu. Đây là giải pháp vừa thúc đẩy sinh kế của nông hộ, vừa phát triển tín dụng xanh vừa góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên./.

 

Tài liệu tham khảo:

    

1. Ngân hàng Nhà nước (2021), Báo cáo thường niên của các ngân hàng thương mại khu vực ĐBSCL giai đoạn 2018-2021

2. Ngân hàng Nhà nước (2015), Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 12/6/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng

3. Ngân hàng Nhà nước (2017), Quyết định 813/QĐ-NHNN ngày 8/4/2017 về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch

4. Thủ tướng Chính phủ (2021), Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, ban hành theo Quyết định số 1658/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Lan tỏa giá trị văn hóa và tri thức

Giải thưởng Sách Quốc gia – sự kiện văn hóa thường niên, đã trở thành biểu tượng của nền xuất bản Việt Nam, không ngừng lan tỏa giá trị tri thức, văn hóa và góp phần xây dựng xã hội học tập.
2024-11-22 22:15:00

Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á phẫu thuật nhân đạo cho người nghèo tại Hải Phòng

Sáng 22/11, Đoàn công tác của Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á (APBA) do Giáo sư Bác sĩ Hattori Tadashi - Giám đốc dẫn đầu, đến khám và phẫu thuật nhân đạo cho bệnh nhân nghèo, mắc bệnh nặng về dịch kính võng mạc tại Hải Phòng.
2024-11-22 19:05:20

Fansipan rực rỡ sắc màu lễ hội hoa sen đá, giá vé cáp treo chỉ còn 550.000 đồng

Lầu đầu tiên được tổ chức tại Fansipan, Lễ hội hoa sen đá đem đến vô vàn trải nhiệm độc đáo cho du khách, đặc biệt khi Sa Pa đang vào mùa mây đẹp nhất năm.
2024-11-22 18:47:26

HEAD Honda Thắng Lợi lưu chuyển tiền thuần âm và chiến lược vượt khó

Mặc dù trên bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Công ty TNHH Thắng Lợi âm 225 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm hơn 1,7 tỷ đồng nhưng kết thúc năm 2023, công ty TNHH Thắng Lợi đạt hơn 711 tỷ đồng doanh thu, báo lãi sau thuế hơn 260 triệu đồng.
2024-11-22 17:40:02

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách tại Trường Đại học Quốc gia Malaya

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh chặng đường tiếp theo của Việt Nam và Malaysia cũng như việc bảo đảm một hệ thống quốc tế công bằng, rộng mở phụ thuộc lớn vào sự phát triển vững mạnh của ASEAN.
2024-11-22 14:08:22

Hợp tác xã Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường kỷ niệm 10 năm thành lập

Hợp tác xã (HTX) Cựu chiến binh (CCB) Vạn Xuân Trường là mô hình được thành lập theo Luật HTX năm 2012, qua 10 năm hoạt động đã vươn lên trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế tập thể, là HTX tốp đầu của tỉnh Nam Định về sản xuất kinh doanh.
2024-11-22 09:34:27
Đang tải...