Gói chi tiêu công ngàn tỷ USD của Mỹ: Tính lan tỏa toàn cầu

2021-08-25 13:16:01 0 Bình luận
Với gói chi tiêu công 1.000 tỷ USD của Mỹ được nhận định là chất xúc tác cho cuộc chạy đua đổi mới hạ tầng và đầu tư vào con người, cũng như giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu ở nhiều nước.

Gói chi tiêu công khủng lan tỏa toàn cầu

Ngày 10/8/2021, Thượng viện Mỹ đã thông qua gói chi tiêu công 1.000 tỷ USD. Xét về mặt kinh tế, đây là bước đi được nhiều nhà kinh tế và thị trường tài chính hoan nghênh. Hàng trăm tỷ USD sẽ được “đổ” vào cải thiện hạ tầng đang lạc hậu của Mỹ (so với những hạ tầng đẹp và hiện đại Trung Quốc vừa xây dựng sau này). Gói chi tiêu này dự kiến chi 550 tỷ USD trong vòng 5 năm tới cho các khoản đầu tư nâng cấp cầu, đường, sân bay và đường xe lửa. Ngoài ra, hạ tầng điện, nước sạch và internet băng thông rộng cũng sẽ được nâng cấp.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính những khoản chi này sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách Mỹ thêm 256 tỷ USD trong thập niên tới. Những người thiết kế gói chi tiêu này, cho rằng con số sẽ thấp hơn vì có thể dùng nhiều nguồn khác để bù đắp, bao gồm các khoản tăng thuế, chẳng hạn thu thêm 30 tỷ tiền thuế từ nhà đầu tư tiền mã hóa và sử dụng 200 tỷ USD tiền cứu trợ Covid chưa sử dụng để bù đắp các nhu cầu chi tiêu này. Nhưng tóm lại chắc chắn ngân sách sẽ phải thâm hụt cao hơn.

Gói chi tiêu này dự kiến được Hạ viện Mỹ xem xét trong tháng 9 tới, cùng lúc với gói chi tiêu 3.500 tỷ USD vào an sinh xã hội và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Tổng 2 khoản chi này là gói kích thích kinh tế lớn chưa từng thấy của nước Mỹ trong nhiều thập niên. 

Nhiều nhà kinh tế, bao gồm những người đoạt giải Nobel như Paul Krugman cho đến các chuyên gia các ngân hàng đầu tư và công ty tư vấn như McKinsey, đều cho rằng những gói chi tiêu này có thể giúp thúc đẩy năng suất của nền kinh tế Mỹ, vốn trượt dài từ sau thập niên 1980 đến nay và ngay cả sau đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007-2009, năng suất vẫn tiếp tục giảm (thay vì bật lên sau một vụ đổ vỡ và tái thiết). Nếu các gói chi tiêu này có thể khiến năng suất trong nền kinh tế tăng trở lại, Mỹ quả thật thay da đổi thịt và quay lại chu kỳ kinh tế mở rộng dài hơn. 

Tuy vậy có người lo ngại chi nhiều tiền như vậy lạm phát Mỹ sẽ tăng cao và nợ công sẽ lớn, gây bất ổn cho kinh tế Mỹ và toàn cầu. Paul Krugman đã gạt bỏ luận điểm này. Ông cho rằng dù lạm phát Mỹ có tăng cao hơn dự báo của Cục Dự trữ liên bang (Fed) hay chính phủ, những gói chi tiêu này vẫn cần thiết. Những khoản chi 3.000-4.000 tỷ USD này sẽ được trải dài trong cả thập niên tới, và GDP nước Mỹ trong cả thập niên ước tính khoảng 290.000-300.000 tỷ USD. Nói cách khác, nó chỉ chiếm chưa đến 2% GDP của thập niên, nên khả năng tạo lạm phát và nợ công không bền vững không lớn.

Paul Krugman cũng chỉ ra Mỹ rất cần đầu tư cho tương lai của mình - cả vào tài sản hữu hình như cầu đường và nguồn nhân lực. Vì vậy, lợi ích gói chi tiêu này mang lại có thể làm thay đổi vận mệnh nhiều người Mỹ, và như Tổng thống Biden nói có thể làm nước Mỹ thay da đổi thịt. 

Không chỉ người Mỹ sẽ hưởng lợi từ gói chi tiêu công này. Khi Mỹ cần đổi mới hạ tầng, họ sẽ cần sử dụng nhiều nguyên vật liệu xây dựng và những nhà sản xuất sắt, thép, xi măng, pin năng lượng mặt trời… đều sẽ hưởng lợi. Những gói chi tiêu vào giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng sẽ khiến các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo, xe điện trên toàn cầu đem lại lợi nhuận cao hơn.

Mặt khác, việc Mỹ mạnh tay chi tiêu cũng sẽ kích thích Anh, EU và Nhật Bản đẩy nhanh các gói kích thích kinh tế đã được thông qua của mình. EU dự kiến sẽ chi ra hơn 900 tỷ USD để tái thiết nền kinh tế các thành viên. Trong khi đó, Anh đã chi ra hơn 400 tỷ USD trong năm đại dịch vừa rồi để hỗ trợ nền kinh tế, và cam kết khoảng 91 tỷ USD nữa hỗ trợ khẩn cấp cho những đối tượng bị ảnh hưởng xấu bởi dịch bệnh. 

Nói cách khác, sau đại dịch, nhiều nước sẽ lần lượt giới thiệu những công trình hạ tầng mới và trong vài năm tới một số nước sẽ là những đại công trường. Gói chi tiêu ngàn tỷ của Mỹ là chất xúc tác cho cuộc chạy đua đổi mới hạ tầng và đầu tư vào con người, cũng như giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu ở nhiều nước.

Trong bối cảnh lan tỏa rộng của những gói chi tiêu kích thích kinh tế và đầu tư đổi mới hạ tầng toàn cầu như vậy, điều đáng ngạc nhiên những gói chi tiêu đầu tư công của Việt Nam vẫn còn khá chậm. Dự kiến giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/7/2021 là 169.000 tỷ đồng, đạt 36,71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với mức 40,67% cùng kỳ 2020. Trong khi đó, đa số chuyên gia đang kêu gọi những gói chi tiêu công mạnh vừa hỗ trợ người dân trong dịch bệnh, nhất là nhóm yếu thế, đồng thời đẩy mạnh chi tiêu đổi mới năng lực sản xuất của nền kinh tế.

Vậy điều gì đang cản trở những gói chi tiêu công của Việt Nam? Câu hỏi này cần được giải đáp nhanh để tháo gỡ những điểm nghẽn, tránh sau dịch chúng ta lại tụt hậu vì đầu tư chậm hơn người ta.

Quy mô đủ lớn của gói kích thích kinh tế

Nhìn ra thế giới, gói hỗ trợ kinh tế trong đại dịch Covid-19 của các quốc gia trên thế giới có 2 nhóm chính gồm: Thứ nhất, các hỗ trợ trực tiếp cho tổng cầu thông qua việc cắt giảm thuế, tăng chi và các chương trình hỗ trợ việc làm; Thứ hai, các hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp thông qua các chương trình cho vay, bảo lãnh.

Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), gói hỗ trợ kinh tế của các quốc gia phát triển, như: Nhật Bản, Italia, Anh, Đức chiếm từ 30% - 40% GDP trong năm 2020 và một số khoản chi tiếp tục thực hiện trong năm 2021. Trong khi đó, quy mô gói hỗ trợ kinh tế của các quốc gia đang phát triển thì thấp hơn (xem biểu đồ). 

Ảnh hưởng của làn sóng dịch lần thứ tư này có tác động rất lớn đến nền kinh tế của cả nước nói chung và TP.Hồ Chí Minh nói riêng, nên quy mô hỗ trợ cần đủ lớn mới đem lại tác động hiệu quả. Nói cách khác, phải “bơm tiền” thực để tái khởi động nền kinh tế. Theo đó, Việt Nam cần gói hỗ trợ kinh tế lần này ở mức 4% GDP (3% đối với các khoản chi bổ sung và 1% đối với các khoản hỗ trợ cho vay và bảo lãnh), tương đương  251.000 tỷ đồng (GDP ước tính năm 2020 hơn 6,29 triệu tỷ đồng), con số này là phù hợp với quy mô và nội lực của kinh tế Việt Nam. 

Với gói kích thích như vậy, các hỗ trợ tín dụng lần này cần tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình, và cá nhân vay tiêu dùng. Đây là những đối tượng bị tổn thương lớn vì dịch Covid-19 và khả năng chịu đựng tổn thương kém hơn nhiều lần so với các doanh nghiệp lớn. Đây cũng là nhóm khó tiếp cận ngân hàng thông thường và càng khó khăn hơn khi tiếp cận các gói hỗ trợ.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cần thực hiện việc dịch chuyển rủi ro của chủ nợ về phía mình bởi vì khi sự không chắc chắn cao các ngân hàng sẽ hạn chế cho vay. Do đó, để khơi thông dòng vốn đến được các đối tượng này, Chính phủ có thể cần phải chấp nhận “hấp thụ” rủi ro này. Việc thực hiện chương trình bảo lãnh tín dụng của Nhà nước ở đây sẽ đóng vai trò tương tự như đảm bảo tiền gửi và người cho vay cuối cùng. Chính sách này, xét trên tổng thể sẽ giúp gia tăng phúc lợi xã hội trong các tình huống rủi ro không thể đa dạng hóa như đại dịch Covid-19. 

Đồng thời, cần nhanh chóng giải ngân đầu tư công trong các tháng còn lại trong năm 2021. Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ giải ngân đầu tư công chỉ đạt 29,02% so với kế hoạch, do đó cần phải thúc đẩy nhanh chóng đầu tư công trong các tháng còn lại cuối năm 2021 để nâng đỡ nền kinh tế. Trong trường hợp không thể giải ngân theo tiến độ và kế hoạch, Chính phủ có thể tái phân bổ các khoản đầu tư công này cho hoạt động cứu trợ nền kinh tế.

Để chuẩn bị cho nền kinh tế hậu đại dịch, Chính phủ cần bố trí một gói kích thích số, đầu tư vào công nghệ số và cơ sở hạ tầng đóng vai trò hỗ trợ cho toàn bộ nền kinh tế. Cụ thể, Chính phủ cần kết hợp đầu tư công, tài trợ của Nhà nước và cải cách đối với đầu tư tư nhân để hỗ trợ ba nền tảng hồi phục kinh tế hậu đại dịch chính: tăng cường kết nối, củng cố cơ sở hạ tầng dữ liệu cốt lõi và tăng tốc đổi mới và số hóa nền kinh tế. 

Hiện nay, chúng ta nói nhiều đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch Covid-19, song vẫn rất chung chung, dễ dẫn đến “cái chết” của doanh nghiệp và không gì cứu vãn nổi. Khi xem những con số về hoạt động doanh nghiệp trong đợt dịch Covid-19 lần này hẳn nhiều người không khỏi giật mình.

Thí dụ, TP.Cần Thơ khi khảo sát trong 1.000 doanh nghiệp có đến hơn 930 doanh nghiệp đã ngừng hoặc tạm ngừng hoạt động - tỷ lệ quá cao, đến hơn 90%. Đây là vấn đề quá cấp bách. Các doanh nghiệp hiện nay phản ánh, nếu một tuần họ buộc phải tạm ngừng hoạt động sản xuất sẽ cần vài tuần mới có thể khôi phục được hoạt động.

Vậy nếu để doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động quá lâu, thậm chí đã “kiệt sức” hẳn, đến khi phục hồi rất khó khăn, chính sách hỗ trợ khi ấy mất tác dụng, nhất là người lao động, khi không có việc họ đã bỏ việc khỏi doanh nghiệp.

Ngân sách Nhà nước hiện nay không thiếu tiền để thực hiện những gói hỗ trợ. Chính phủ cũng đã nhận thức được “cứu sống” doanh nghiệp không chỉ là câu chuyện riêng của doanh nghiệp, mà còn là gián tiếp cứu nguy cho cả nền kinh tế quốc gia. Song cách thực hiện như thế nào là vấn đề cần bàn tới. Nếu một số doanh nghiệp “kiệt sức” như hiện nay ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, TP.Cần Thơ… tức những địa phương kinh tế trọng điểm, nguy cơ đối với nền kinh tế rất lớn.

Vì nguồn lực hỗ trợ là giới hạn nên cần phân loại doanh nghiệp có thể hoạt động liên tục để hỗ trợ. Chẳng hạn, đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng có khả năng tiếp tục hoạt động cần được ưu tiên hỗ trợ nhanh chóng theo các hình thức, như: hoãn đóng tiền bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất, lãi vay, hoãn chi trả thuế. Đối với các doanh nghiệp này có thể cung cấp thêm bảo lãnh tín dụng thông qua các ngân hàng thương mại. 

Việc lựa chọn các doanh nghiệp trong từng ngành để hỗ trợ nên có một thứ tự ưu tiên nhất định, dựa trên hai yếu tố sau: Tốc độ hồi phục và mức độ ổn định đầu ra của sản phẩm. Những doanh nghiệp hồi phục nhanh sẽ giúp nâng đỡ nền kinh tế và từ đó tác động lan tỏa để các doanh nghiệp khác phục hồi. Như vậy, chính sách cần có sự tập trung theo nhóm ngành doanh nghiệp chứ không nên dàn trải, thiếu tập trung. Cuối cùng, quan trọng hơn, cần tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi để giúp doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục sau dịch./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em

Mặc dù mới được kiện toàn, nhưng Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần quan trọng để trẻ em và những người có hoàn cảnh đặc biệt ổn định cuộc sống vật chất, tinh thần, có điều kiện học tập, hòa nhập cộng đồng.
2024-12-28 10:13:42

Tỉnh Quảng Bình tổ chức bắn pháo hoa chào năm mới 2025 tại 2 điểm

Ngày 28/12, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết, chương trình Chào đón năm mới 2025 sẽ được tổ chức với nhiều hoạt động hấp dẫn tại nhiều địa điểm, nhằm thu hút du khách và quảng bá du lịch tỉnh Quảng Bình.
2024-12-28 10:05:00

Cựu chiến binh thành phố Hạ Long - Những người lính tích cực trong thời bình

Hội Cựu chiến binh (CCB) thành phố Hạ Long vừa tổng kết công tác Hội năm 2024, bàn phương hướng nhiệm vụ năm 2025 với quyết tâm: Phát huy truyền thống đoàn kết, gương mẫu, khắc phục mọi khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ của người lính trong thời binh, tích cực phát triển kinh tế, xây dựng quê hương Hạ Long ngày càng giàu đẹp
2024-12-28 08:23:00

Herbalife khảo sát khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Chế độ ăn uống lành mạnh hỗ trợ tốt sức khỏe tinh thần và thể chất

Herbalife công bố: cuộc khảo sát "New Year, New Me" (Năm mới, Tôi mới) thực hiện tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, cho thấy 93% người tiêu dùng tại Việt Nam cho biết chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò rất quan trọng để hỗ trợ sức khỏe tinh thần và thể chất của họ.
2024-12-28 08:00:00

Hải Phòng đề cử Vận động viên Thể thao người khuyết tật xuất sắc lần thứ 31

Sáng 27/12, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng tổ chức bầu chọn danh hiệu “Vận động viên tiêu biểu và đề cử Vận động viên Thể thao người khuyết tật xuất sắc thành phố Hải Phòng lần thứ 31”.
2024-12-27 21:08:51

Hải Phòng công bố Quyết định thành lập Đảng bộ TP. Thủy Nguyên và quận An Dương

Ngày 27/12, Thành ủy Hải Phòng tổ chức công bố Quyết định thành lập Đảng bộ thành phố Thuỷ Nguyên và Đảng bộ quận An Dương
2024-12-27 20:13:21
Đang tải...